Sở Tư pháp làm tốt công tác tham mưu
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Đức Hinh cho biết, trong thời gian qua, Hòa Bình luôn xác định công tác tư pháp và thi hành án dân sự có vị trí, vai trò quan trọng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương và luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành tư pháp và thi hành án dân sự hoạt động. Ngành Tư pháp và thi hành án dân sự (THADS) luôn làm tốt công tác tham mưu, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, chương trình công tác của UBND tỉnh.
Đối với công tác tư pháp, trong những năm gần đây, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo quy định, tư pháp tỉnh đã tham mưu tốt cho cấp ủy, chính quyền các đối với những vấn đề pháp lý phát sinh ở địa phương. Cụ thể: đã tham mưu cho HĐND và UBND tỉnh thông qua, ban hành 118 văn bản quy phạm pháp luật; Tổ chức thẩm định 02 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; thẩm định 116 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định; tiến hành rà soát thường xuyên và rà soát theo chuyên đề với tổng số là 566 văn bản quy phạm pháp luật; Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục cáp luật và hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý theo quy định…
Về công tác THADS, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi hành án các vụ việc có điều kiện, giảm tồn đọng ở mức thấp nhất. Triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Chỉ thị 04 CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Mặc dù số việc phải thi hành án khá lớn, nhưng đã tập trung giải quyết đạt 88% về việc (vượt 5% so với chỉ tiêu của Tổng cục giao năm 2021).
Thời gian tới, tỉnh Hòa Bình mong muốn Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ đối với công tác tư pháp và THADS, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; quan tâm tạo điều kiện luân chuyển đội ngũ cán bộ tại địa phương về công tác tại ngành dọc Trung ương để tạo nguồn cán bộ cho địa phương.
Cân nhắc khi luân chuyển cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã
Tại buổi làm việc, lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, lãnh đạo một số Sở, ngành của tỉnh đã có giải đáp, làm rõ, kiến nghị đề xuất thêm một số vấn đề liên quan đến việc sắp xếp bộ máy, liên quan đến các hoạt động chuyên môn, cũng như các vấn đề kinh phí; công tác THADS…;
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Lê Thành Long chúc mừng những kết quả trong phát triển kinh tế xã hội của Hoà Bình, trong khó khăn nhiều chỉ tiêu vẫn tăng. Thời gian qua, tư pháp, THADS đã được sự quan tâm, lãnh đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh nên đạt được những kết quả tích cực. Một số hoạt động nghề tư pháp ổn định, phát triển tốt. Tuy nhiên công tác THADS còn có sức ỳ do sự chậm chễ trong kiện toàn tổ chức bộ máy; một số thiếu khách quan, lỏng lẻo trong phối hợp…
Sắp tới, Bộ trưởng mong muốn, tỉnh giao nhiều việc cho tư pháp; để tư pháp tham gia ngay từ đầu, có cơ hội đóng góp trực diện vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; tăng cường kiểm tra, thanh tra trong hoạt động nghề tư pháp.
Về công tác cán bộ, Bộ trưởng cho rằng, cán bộ tư pháp hộ tịch là người sát sao nhất với cơ sở, từng người dân, do đó tỉnh cần quan tâm, chỉ đạo để đội ngũ này được trang bị đầy đủ chuyên môn nghiệp vụ, được đào tạo bồi dưỡng, đủ về quân số, đảm bảo về chất lượng và cân nhắc khi luân chuyển đội ngũ cán bộ này.
Về các kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng hứa sẽ cố gắng xem xét, trong phạm vi thẩm quyền sẽ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính nhất là các vấn đề pháp lý phục vụ dự án phát triển Kinh tế - xã hội của tỉnh.
để Hoà Bình thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội
Bí thư Tỉnh uỷ Ngô Văn Tuấn cám ơn Bộ trưởng và đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã đến thăm và làm việc với tỉnh Hoà Bình; quan tâm sát cánh cùng đảng bộ Hoà Bình thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, Bí thư Tỉnh uỷ mong muốn trong phạm vi quyền hạn của mình Bộ Tư pháp tiếp tục ủng hộ để Hoà Bình thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là các mục tiêu mang tính đột phá, hiện thực hoá các trụ cột phát triển.