Abstract: The article discusses the human character of Vietnamese law which is reflected through the principle "protecting rights, legitimate interests of women, minor children, especially adult children suffering loss of civil capacity or incapable of working and have no assets to support themselves” in the settlement of assets of married couples in case of divorce.
1. Tính nhân văn của nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn
Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ, chồng khi ly hôn được quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, theo đó: “1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận, thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng… để giải quyết; 2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây: (a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; (b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; (c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; (d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng; 3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch; 4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung... Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ, chồng có thỏa thuận khác; 5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình…”. Quy định của khoản 5 Điều luật này đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc của pháp luật nước ta.
Khi giải quyết ly hôn, Tòa án phải xem xét sao cho việc chia tài sản phải đảm bảo được quyền lợi chính đáng của các bên, đồng thời quan tâm đúng mức tới quyền của người vợ và các con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, bởi sau khi ly hôn người vợ và các con thường là những người gặp khó khăn hơn về kinh tế cũng như về mặt tình cảm. Vì vậy, vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người phụ nữ và các con được quan tâm và đặt lên hàng đầu.
Trải qua tiến trình lịch sử, phụ nữ Việt Nam từ bao đời nay đã có vai trò vô cùng quan trọng và không thể thiếu được trong gia đình cũng như xã hội. Người phụ nữ là người chăm sóc, giáo dục con cái chủ yếu trong gia đình, sắp xếp, tổ chức cuộc sống gia đình… Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ vừa phải bươn trải, lo toan công việc xã hội, vừa phải chu toàn việc chăm sóc con cái, gia đình. Thậm chí, nhiều người phải hy sinh sự nghiệp để lùi về làm hậu phương vững chắc cho người chồng yên tâm phấn đấu ngoài xã hội. Vì thế, sau khi ly hôn, qua bao nhiêu năm tuổi xuân phấn đấu và vun đắp, nhiều chị em đã phải ra khỏi nhà với “hai bàn tay trắng”, không gia đình, không sự nghiệp. Sau ly hôn, người đàn ông thường nhanh chóng bước tiếp “tập hai” nhẹ nhàng, đơn giản hơn nhiều so với người phụ nữ. Nhìn vào thực tế thì thấy rõ, đàn ông đã “một đời vợ” vẫn có thể tái hôn dễ dàng với “gái chưa chồng”, nhưng phụ nữ “một đời chồng” mà lấy được “trai chưa vợ” là điều hiếm thấy. Họ nhẹ nhàng hơn cũng bởi vì khi đã ly hôn, họ ít khi trực tiếp nuôi con nên sự “ràng buộc” cũng phần nào được “nới lỏng”, dễ được chấp nhận hơn. Ngược lại, khi cuộc hôn nhân tan vỡ, người phụ nữ dù không có con cũng rất khó khăn, khi đã có con thì càng khó kiếm được một người đàn ông yêu mình thực sự và thương các con mình như con đẻ. Vì vậy, nhiều người phụ nữ đã sống trong vô vọng, chỉ tập trung nuôi con cái và chọn công việc làm niềm vui. Mỗi người một hoàn cảnh, ly hôn từ những lý do khác nhau, với những tâm trạng khác nhau. Nhìn chung, người phụ nữ không ai muốn dang dở, hậu quả không tốt cho bản thân và cho con cái.
Trẻ em là tương lai của đất nước. Bảo vệ trẻ em là bảo vệ quyền con người, là trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội. Việc đầu tư cho công tác bảo vệ trẻ em là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Do vậy, trẻ em phải được quan tâm, chăm sóc, bảo vệ cả về thể chất, trí tuệ và đạo đức để nối tiếp sự nghiệp cha ông. Cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc trang bị cho con cái cả tri thức về chuẩn mực đạo đức cũng như hình thành được những tình cảm mang tính đạo đức. Nhưng khi cha mẹ ly hôn, đứa trẻ dễ thiếu đi sự hài hòa trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách của bản thân khi chỉ sống với cha hoặc mẹ; thậm chí không sống với cả cha và mẹ, tức là mất đi cả hai chỗ dựa vô cùng cần thiết. Việc con cái thiếu người mẹ, sẽ thiếu đi sự hiện thân của lòng tốt, lòng thương cảm, tính dịu hiền và sự quan tâm chăm sóc; còn thiếu người bố là sự thiếu hụt tính cứng rắn, tính nguyên tắc, tính nghiêm khắc, dũng cảm, có tổ chức trong nhân cách của trẻ. Việc ly hôn của cha mẹ thường để lại hậu quả về mặt tâm lý cho con cái như đứa trẻ bị trầm cảm, thất bại ở trường học và vi phạm pháp luật.
Chính vì lẽ đó, tính nhân văn của con người luôn được đề cao thể hiện trong chính các quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình, trong đó có quy định về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ, chồng khi ly hôn được quy định tại khoản 5 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 nhằm hướng tới một xã hội bình đẳng, dân chủ và văn minh; mọi người thực hiện quyền con người, quyền công dân của mình một cách công bằng.
2. Thực tiễn áp dụng nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong quá trình giải quyết tài sản khi ly hôn
2.1. Những thuận lợi trong quá trình áp dụng
Cùng với sự phát triển của xã hội, nhận thức pháp luật của mỗi người dân càng được nâng cao. Trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, vai trò của người vợ, người mẹ và trẻ em càng được nhận thức đúng đắn, quyền và lợi ích hợp pháp của họ được tôn trọng. Đánh giá của xã hội về vai trò của người phụ nữ và trẻ em đã có sự thay đổi lớn so với thời kỳ trước. Yếu tố này thúc đẩy sự quan tâm, giúp đỡ, tài trợ của những tổ chức, đoàn thể, hiệp hội trong việc đảm bảo quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em. Hội Liên hiệp phụ nữ và các cơ quan đoàn thể từ trung ương đến địa phương đang thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong việc đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ - phái yếu trong gia đình. Bên cạnh đó, sự xuất hiện và tham gia của những tổ chức nhân đạo, tổ chức phi Chính phủ về vấn đề bảo vệ phụ nữ và trẻ em đang tạo động lực lớn cho việc đảm bảo thực hiện nguyên tắc này trong thực tiễn.
Trên thực tế, từ khi đổi mới tới nay, công tác bảo vệ bà mẹ và trẻ em đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các tổ chức đoàn thể như Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, trung tâm bảo vệ bà mẹ trẻ em và kế hoạch hóa gia đình đã hoạt động có hiệu quả, giúp cho công tác giải quyết ly hôn bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc trên. Bên cạnh đó, chất lượng xét xử và thực hiện xã hội hóa hoạt động bảo vệ bà mẹ và trẻ em đặc biệt trong vấn đề nguyên tắc bảo vệ bà mẹ và trẻ em nhất là khi giải quyết vấn đề ly hôn, vấn đề phụ nữ và trẻ em đã được quan tâm, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi được xã hội quan tâm và bảo vệ. Chất lượng cán bộ tư pháp giỏi, giàu kinh nghiệm, cảm thông và đấu tranh cho quyền lợi của bà mẹ, trẻ em và tinh thần trách nhiệm trong công việc cũng tạo điều kiện pháp luật được thực hiện đúng, triệt để, công tác giải quyết ly hôn được bảo đảm công bằng, bình đẳng.
2.2. Những khó khăn trong quá trình áp dụng
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, áp dụng nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong quá trình giải quyết tài sản khi ly hôn còn nhiều khó khăn, trở ngại.
Thứ nhất, theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, việc chia tài sản khi vợ, chồng ly hôn phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ và con. Khi chia có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Tuy nhiên, việc xác định tài sản chung của vợ chồng còn gặp nhiều khó khăn, quyền lợi của người phụ nữ và trẻ em chưa được đảm bảo, đặc biệt ở những vùng dân trí kém phát triển, khi ly hôn người vợ thường không được chia tài sản hoặc được chia rất ít, họ cho rằng người vợ chỉ ở nhà nên không có công tạo lập khối tài sản chung.
Thứ hai, vấn đề bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong các vụ tranh chấp quyền lợi về hôn nhân và gia đình trên thực tế ngày càng phức tạp, khó khăn. Thiếu hiểu biết về luật pháp, không có thói quen cũng như khả năng sử dụng luật pháp để bảo vệ quyền lợi của bản thân và các con là nguyên nhân dẫn đến việc chị em phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi trong các vụ án ly hôn, tranh chấp tài sản. Rõ ràng, việc giáo dục, phổ biến pháp luật để chị em ý thức được về quyền lợi cũng như những quy định của pháp luật bảo vệ họ là vô cùng cần thiết nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Nhất là ở Việt Nam, do chịu ảnh hưởng của văn hóa Á Đông, nhiều chị em vẫn sống theo mẫu hình truyền thống, hy sinh vì chồng, con, gia đình, mà quên đi quyền lợi của bản thân. Đặc biệt là phụ nữ nông thôn, nghèo, ở vùng sâu, vùng xa… ít có điều kiện tiếp cận nâng cao nhận thức về pháp luật nên thường phải chịu thiệt thòi.
3. Một số kiến nghị
Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền bà mẹ, trẻ em nói chung và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong giải quyết ly hôn nói riêng.
Sự hoàn thiện của pháp luật là yếu tố quan trọng tạo điều kiện thuận lợi để nguyên tắc này được thực hiện. Những quy định về lĩnh vực này trong Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (Luật Trẻ em), Luật Bình đẳng giới… cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đang ngày càng được hoàn thiện để đảm bảo thống nhất nguyên tắc bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Đây là biện pháp đóng vai trò quan trọng trong công tác nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật hôn nhân và gia đình nói chung và thực hiện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong quá trình giải quyết tài sản khi ly hôn nói riêng. Bởi lẽ, pháp luật chỉ có thể thực thi sứ mệnh bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người khi người mà nó hướng tới bảo vệ thực sự hiểu nó. Hơn nữa, ở một quốc gia có truyền thống tâm lý “trọng nam khinh nữ”, “xuất giá tòng phu” như Việt Nam thì việc bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em khi ly hôn không phải dễ dàng thực hiện một cách triệt để. Hoạt động tăng cường này có thể được triển khai dưới nhiều hình thức như tổ chức các buổi nói chuyện, hội thảo chuyên đề, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật hôn nhân và gia đình... Việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật cùng với những thay đổi trong cách nhìn nhận về vai trò và quyền lợi của phụ nữ và trẻ em đã xóa bỏ những định kiến vốn là yếu tố cản trở việc đảm bảo nguyên tắc bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong quá trình áp dụng pháp luật nói chung và trong giải quyết tài sản khi ly hôn nói riêng.
Thứ ba, nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án các cấp.
Muốn nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong quá trình giải quyết tài sản khi ly hôn, bên cạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác nâng cao chất lượng xét xử là một yêu cầu quan trọng. Muốn vậy, cần nâng cao trình độ, kĩ năng nghiệp vụ pháp lý của đội ngũ cán bộ tư pháp. Hôn nhân và gia đình có một đặc trưng là bên cạnh góc độ pháp lý còn mang yếu tố tình cảm. Vì vậy, trong quá trình xét xử các vụ án hôn nhân và gia đình đòi hỏi Thẩm phán phải huy động mọi kiến thức pháp lý, kinh nghiệm sống và khả năng phán đoán tâm lý để đưa ra phán quyết đúng đắn, hợp tình hợp lý nhất. Do đó, nên chăng thành lập một hệ thống cơ quan riêng chuyên xét xử các vụ án hôn nhân và gia đình để nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án.
Việc ghi nhận nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong quá trình giải quyết tài sản khi ly hôn có ý nghĩa to lớn và quan trọng về cả lý luận và thực tiễn. Tuy chưa được thể hiện một cách triệt để, toàn diện, nhưng việc ghi nhận nguyên tắc này trong chế định ly hôn cho thấy sự tiến bộ của pháp luật hôn nhân gia đình nói riêng, hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung trong việc bảo đảm quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em. Nó tạo nên sự thống nhất về những nguyên lý, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Nhà nước trong toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật hôn nhân và gia đình, đồng thời, tạo nên khuôn khổ pháp lý cho việc áp dụng những quy tắc này vào thực tiễn, nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em ngày càng tốt hơn trong xã hội hiện đại.