Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề khoa học pháp lý, những sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng của đất nước ta trong thời gian qua, các ý kiến đóng góp đều nhằm hướng tới việc xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, hoàn thiện, phúc đáp yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, việc trao đổi, định hướng cho các cộng tác viên để nâng cao chất lượng bài viết trên các ấn phẩm của Tạp chí cũng là một trong những nội dung chính của cuộc tọa đàm.
Tạp chí Dân chủ và Pháp luật là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, vì vậy, nội dung phản ánh của các bài viết trên Tạp chí phải bám sát việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, pháp lý của Ngành ở cả trung ương và địa phương. Để làm được điều đó, các bài viết phải thể hiện rõ tính khoa học, tính thực tiễn, góp phần làm cầu nối chuyển tải kịp thời những nội dung chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, việc chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp xuống với toàn ngành, đồng thời, phản ánh những thông tin phản hồi từ các địa phương trong quá trình xây dựng, thi hành và phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như các công tác tư pháp khác. Với các ấn phẩm của Tạp chí, những bài viết trong đó phải là sự kết hợp hài hòa giữa lý luận với thực tiễn, giữa kiến thức chuyên môn pháp lý và kỹ năng nghề nghiệp về báo chí. Các vấn đề pháp lý cũng cần phải được lựa chọn, trình bày khoa học, chặt chẽ phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Tạp chí.
![]() |
![]() |
Hiện nay, có rất nhiều vấn đề chính trị - pháp lý đang đặt ra cần phải có sự tham gia hưởng ứng của nhiều cấp, nhiều ngành cũng như toàn xã hội. Đó là việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 - Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Hiến pháp năm 2013 có nhiều đổi mới quan trọng, mở đường cho việc tiếp tục cải cách và phát triển đất nước trong thời kỳ mới, thúc đẩy quá trình hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hội nhập quốc tế. Vì vậy, việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp có ý nghĩa quan trọng, nhằm đưa Hiến pháp đi vào cuộc sống, phát huy các giá trị của Hiến pháp trong thực tiễn. Để làm được điều này, vai trò của công tác truyền thông là rất to lớn. Các đại biểu tham dự tọa đàm cũng đồng tình việc cần đẩy mạnh công tác truyền thông về triển khai Hiến pháp năm 2013. Vì trên thực tiễn, chưa phải ai cũng hiểu hết về những điểm mới của Hiến pháp năm 2013, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, doanh nghiệp như những điểm mới về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, chính sách mới về đất đai...
Bên cạnh đó là việc triển khai thi hành các luật mới được Quốc hội vừa thông qua có nhiều ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của nhân dân như: Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch năm 2008; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, vấn đề thí điểm Thừa phát lại, các nội dung mới của Luật Đất đai sửa đổi... Các vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận như cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; việc lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận hay theo quy định của pháp luật... Có ý kiến cho rằng, việc lựa chọn chế độ tài sản có thể dẫn đến hệ quả như không tạo được sự gắn bó mật thiết giữa vợ và chồng, ảnh hưởng đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em...
Đại diện Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế có đưa ra kiến nghị với các nhà lập pháp khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nếu quy định về thời hạn nên quy định cụ thể là bao nhiêu ngày, không nên quy định theo tháng vì 3 tháng có thể khác với 90 ngày. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện pháp luật và tránh những vướng mắc khi vận dụng.
Các vấn đề khoa học pháp lý liên quan đến hoạt động tư pháp rất đa dạng và phong phú, vì vậy, nếu các bài viết của cộng tác viên trên khắp mọi miền đất nước khai thác và trao đổi sinh động, chắc chắn sẽ đem đến chất lượng đa dạng cho các ấn phẩm của Tạp chí.
Tọa đàm diễn ra với một khoảng thời gian không dài, nhưng những vấn đề về khoa học pháp lý hữu ích được đưa ra trao đổi, thảo luận, qua đó, góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu của giảng viên, sinh viên và nhân dân trong việc nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, từ đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Vinh Nguyễn