Đến dự buổi Tọa đàm còn có đại diện các tổ chức pháp chế của Bộ Công An, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Liên đoàn Luật sư Việt Nam…
Chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật là cách tiếp cận mới, cho phép người dân và doanh nghiệp cùng tham gia ngay từ đầu vào trong quá trình xây dựng pháp luật. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, có tính đột phá để thay đổi tổng thể, toàn diện diện mạo, cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật dựa trên sự phát triển của các công nghệ số, tạo điều kiện cho người dân tự học tập, tìm hiểu pháp luật, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Trong những năm qua, cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật đã được xây dựng, từng bước hoàn thiện và đi vào hoạt động hiệu quả, đã và đang phục vụ đắc lực cho nhu cầu cung cấp thông tin, tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp; giúp cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, khai thác và sử dụng... Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, công nghệ số, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đang đứng trước những đòi hỏi, thách thức mới cần phải có sự thay đổi một cách toàn diện, sâu sắc từ tư duy, nhận thức đến cách làm. Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư đã xác định các chủ trương, định hướng làm tiền đề cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới, trong đó, về hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, cần: “Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng xã hội trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”.
Buổi Tọa đàm này thể hiện sự quyết tâm của Ngành Tư pháp nói riêng và các bộ, ban ngành nói chung đối với công cuộc chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm giúp cho người dân tiếp cận nhanh chóng, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để người dân hiểu và tuân thủ pháp luật tốt hơn./.