Trong khuôn khổ Dự án mới do Quỹ Thịnh Vượng của Vương Quốc Anh (thuộc Bộ Ngoại giao Anh) tài trợ để tăng cường năng lực cho Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan thông qua việc xây dựng tài liệu hướng dẫn về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài tại Việt Nam, Bộ Tư pháp đã triển khai tổ chức các hoạt động liên quan đến các nội dung về thực thi Công ước New York năm 1958. Theo Kế hoạch triển khai dự án, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm này để giới thiệu về dự thảo Báo cáo cơ chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các cơ quan liên quan và thực tiễn thực thi Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài. Hoạt động này nhằm hỗ trợ trực tiếp cho Bộ Tư pháp trong việc thực thi nhiệm vụ mới được Thủ tướng Chính phủ phân công trong năm 2016 và thực hiện vai trò là cơ quan đầu mối trong việc thực thi Công ước New York năm 1958.
Tiếp nối lời phát biểu khai mạc, bà Hoàng Thị Thu Hà - Phó Trưởng Phòng Tư pháp Vụ Pháp luật quốc tế đã thay mặt Vụ trình bày dự thảo Báo cáo đề xuất cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan đảm bảo việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật và Công ước New York năm 1958. Báo cáo này là kết quả nghiên cứu của các chuyên gia độc lập, việc nghiên cứu được tiến hành với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Anh trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ thi hành các tiêu chuẩn trọng tài quốc tế để tăng cường sự phát triển kinh tế của Việt Nam thông qua cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”. Nội dung cơ bản của dự thảo báo cáo là giới thiệu chung về quá trình thực hiện dự thảo báo cáo như bối cảnh, mục đích, yêu cầu, phạm vi và quá trình thực hiện hoạt động nghiên cứu; phân tích, đánh giá vai trò của các cơ quan có liên quan trực tiếp trong việc thực thi các quy định của Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài, đánh giá thực tiễn phối hợp và theo dõi giữa các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ này và đề xuất cơ chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các cơ quan liên quan…
Nhìn chung, tuy còn một số hạn chế về lỗi kỹ thuật; dung lượng một số nội dung chính chưa được phân bổ hợp lý; vài nhận định chưa được đánh giá một cách khách quan, chính xác; các khái niệm cơ bản chưa được làm rõ (khái niệm phối hợp, theo dõi…) nhưng dự thảo báo cáo này đã được các đại biểu tham dự Tọa đàm nhất trí, đánh giá cao. Nội dung đã bao quát được toàn diện các vấn đề; thông tin mang tính kịp thời trong giai đoạn hiện nay; nhiệm vụ, vai trò, vị trí của các cơ quan trong việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài được thể hiện tương đối rõ ràng theo quy định của pháp luật thực định; mối quan hệ giữa các chủ thể trong hệ thống pháp luật được đề cập; những hạn chế, yếu kém được thẳng thắn nhìn nhận và đưa ra, đây sẽ là cơ sở để đề xuất cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan đảm bảo việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài; bố cục của dự thảo báo cáo được bố trí chặt chẽ, logic; các đề xuất đưa ra rất đáng tin cậy…
Cũng tại Tọa đàm, bà Lê Thị Kim Dung - Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự đã trình bày tham luận về thực tiễn thi hành Công ước New York năm 1958 về thi hành phán quyết của nước ngoài nhìn từ góc độ thi hành án dân sự. Tham luận này cũng được các đại biểu tham dự đánh giá rất cao về tính khoa học và đây sẽ là một tài liệu nghiên cứu hữu ích trong việc đưa ra những đề xuất đúng đắn cho cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan đảm bảo việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài.
Qua phần trình bày báo cáo, tham luận cũng như qua thảo luận, trao đổi tại Tọa đàm, bà Phạm Hồ Hương đã gửi lời cảm ơn đến các đại biểu với những ý kiến, chia sẻ sâu sắc, cụ thể góp phần hoàn thiện báo cáo, củng cố thông tin cho Bộ Tư pháp để có hướng nghiên cứu và có những đề xuất nhằm tiếp tục hoạt động dự án trong khuôn khổ Quỹ Thịnh Vượng chung trong thời gian tới.