Để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Báo cáo làm cơ sở cho việc xây dựng Luật Đăng ký tài sản, sáng ngày 25/4/2017, tại Hà Nội, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) tổ chức Tọa đàm "Góp ý Báo cáo rà soát pháp luật về đăng ký tài sản và đề xuất định hướng hoàn thiện pháp luật về đăng ký tài sản". Tham dự Tọa đàm có đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; trường Đại học Luật Hà Nội; Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản tại thành phố Hà Nội; đại diện Bộ Tài Nguyên và Môi trường... cùng các chuyên gia trong nước và chuyên gia Nhật Bản về lĩnh vực đăng ký tài sản.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Phạm Tuấn Ngọc - Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm mong muốn rằng, các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm sẽ thảo luận sôi nổi và có những ý kiến đóng góp giúp hoàn thiện Dự thảo Báo cáo rà soát pháp luật về đăng ký tài sản và đề xuất định hướng hoàn thiện pháp luật về đăng ký tài sản tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tiếp theo, bà Nguyễn Chi Lan - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm trình bày Dự thảo Báo cáo, trong đó nêu rõ thực trạng pháp luật về đăng ký tài sản ở Việt Nam hiện nay; quá trình hoàn thiện pháp luật về đăng ký tài sản; bối cảnh nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về đăng ký tài sản; định hướng hoàn thiện pháp luật về đăng ký tài sản. Cụ thể:
Về thực trạng pháp luật đăng ký tài sản: Trong thời gian vừa qua, Nhà nước ta đã có những cố gắng trong việc hoàn thiện pháp luật về đăng ký tài sản. Hiện nay, nội dung đăng ký tài sản được quy định trong nhiều văn bản luật khác nhau như: Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014, Bộ luật Hàng hải năm 2015, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Các quy định này đã bước đầu đạt được những kết quả nhất định trong việc công nhận, bảo hộ quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản của tổ chức, cá nhân. Qua đó, giúp Nhà nước quản lý tốt hơn thông tin về hiện trạng và tình trạng pháp lý của tài sản.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, pháp luật về đăng ký tài sản hiện hành còn nhiều hạn chế, bất cập, gây khó khăn cho hoạt động đăng ký tài sản như: Thiếu nguyên tắc pháp lý chung nhất khi xây dựng các văn bản pháp luật điều chỉnh về đăng ký tài sản; chưa có sự thống nhất trong các quy định của pháp luật hiện hành về một số nội dung cơ bản của đăng ký tài sản (về đăng ký quyền đối với tài sản; giá trị pháp lý của việc đăng ký; thời điểm chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; công chứng, đăng ký hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản); quy trình đăng ký thiếu thống nhất ngay trong chính loại tài sản đăng ký; thủ tục đăng ký chưa đáp ứng mục tiêu giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí.
Định hướng hoàn thiện pháp luật về đăng ký tài sản:
(i) Mục tiêu: Việc nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về đăng ký tài sản lần này là nhằm cho ra đời Luật Đăng ký tài sản với vai trò là luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động đăng ký tài sản được hình thành theo nguyên tắc dân sự - kinh tế; tạo cơ sở pháp lý ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của tổ chức, cá nhân trong các giao lưu dân sự về tài sản, đăng ký tài sản; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Bên cạnh những mục tiêu chung kể trên, thì việc hoàn thiện pháp luật về đăng ký tài sản còn có những mục tiêu cụ thể như: Khắc phục hạn chế, bất cập của pháp luật về đăng ký tài sản hiện hành; xây dựng cơ chế quản lý nhà nước về đăng ký tài sản, mô hình cơ quan đăng ký và quy trình đăng ký phù hợp, theo chủ trương cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước; công khai hóa thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản, bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản và người thứ ba có giao dịch liên quan đến tài sản; xây dựng hệ thống sổ đăng ký tài sản thể hiện đầy đủ quá trình xác lập và biến động về tài sản, từng bước xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về tài sản; hạn chế sự can thiệp của các cơ quan hành chính vào thủ tục xác lập quyền dân sự liên quan đến tài sản của người dân.
(ii) Định hướng sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về đăng ký tài sản: Xác định rõ nội dung, mức độ điều chỉnh của pháp luật về đăng ký tài sản; hoàn thiện pháp luật về đăng ký tài sản trên cơ sở, nền tảng của Bộ luật Dân sự; hiện thực hóa các quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trên cơ sở quy định của pháp luật có liên quan.
(iii) Giải pháp hoàn thiện pháp luật về đăng ký tài sản: Để thực hiện được mục tiêu, định hướng nêu trên, có hai phương án hoàn thiện pháp luật về đăng ký tài sản được đưa ra để cân nhắc lựa chọn, đó là:
- Phương án xây dựng Luật Đăng ký tài sản: Dự kiến Luật Đăng ký tài sản phải giải quyết được những vấn đề cơ bản như xác định đối tượng đăng ký, giá trị pháp lý của việc đăng ký tài sản, cơ quan có thẩm quyền đăng ký tài sản, sổ đăng ký, vấn đề cung cấp thông tin về tài sản. Đồng thời, cần giải quyết mối quan hệ giữa Luật Đăng ký tài sản với các luật có liên quan. Ưu điểm của phương án này là: Việc ban hành một luật riêng về đăng ký tài sản sẽ giải quyết một cách tổng thể, toàn diện, đầy đủ và có hệ thống hơn những vấn đề liên quan đến đăng ký tài sản; góp phần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với việc chuyển dịch quyền của các tài sản trong đời sống xã hội, đặc biệt là bất động sản; thiết lập cơ chế đăng ký tài sản tập trung và quản lý thống nhất các thông tin về tài sản; tạo bước tiến đáng kể trong việc thực hiện chủ trương cải cách hành chính trong lĩnh vực đăng ký tài sản; góp phần thực hiện hiệu quả việc phòng ngừa và chống tham nhũng, đặc biệt là đối với đất đai. Tuy nhiên, phương án này có hạn chế là đăng ký tài sản liên quan đến lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của nhiều bộ, ngành khác nhau như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an... nên việc xây dựng Luật Đăng ký tài sản sẽ gặp khó khăn do sự thiếu đồng thuận của các bộ, ngành trong việc triển khai thực hiện.
- Phương án xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến đăng ký tài sản: Để đạt được mục tiêu hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực đăng ký tài sản, bên cạnh giải pháp xây dựng đạo luật riêng về đăng ký tài sản, còn có giải pháp xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến đăng ký tài sản như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Hàng không dân dụng, Bộ luật Hàng hải... Luật này sẽ nêu các luật liên quan có nội dung quy định về đăng ký tài sản sẽ bị sửa đổi theo mục tiêu và định hướng nêu trên. Ưu điểm của phương án này là việc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan sẽ nhanh hơn, thủ tục đơn giản hơn. Hạn chế của phương án này: Đây chỉ là một giải pháp mang tính tạm thời và khó thực hiện, vì pháp luật hiện hành về đăng ký tài sản còn phân tán, chưa thống nhất cả về nguyên tắc và nội dung các điều luật cụ thể. Do đó, nếu chọn giải pháp này, thì không chỉ phải sửa đổi các luật nói trên mà phải sửa đổi toàn bộ hệ thống pháp luật có liên quan bao gồm cả các văn bản hướng dẫn thi hành; nếu chọn phương án xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan về đăng ký tài sản thì quy định về đăng ký tài sản được sửa đổi sẽ không mang tính hệ thống, toàn diện, đầy đủ, dẫn đến việc tiếp cận, tra cứu văn bản luật cũng sẽ gặp khó khăn hơn.
Sau đó, các đại biểu tham dự Toạ đàm trao đổi về: Bất cập của pháp luật hiện hành về đăng ký tài sản, giải pháp hoàn thiện pháp luật về đăng ký tài sản, phạm vi đăng ký, đối tượng đăng ký, cơ quan có thẩm quyền đăng ký... Đa số các đại biểu đồng ý với việc ban hành một luật riêng về đăng ký tài sản. Tuy nhiên, để xây dựng luật này, các đại biểu cho rằng cần phải có những đánh giá tổng thể, khách quan cả về thực trạng pháp luật, thực tiễn vấn đề đăng ký tài sản hiện nay và cần phải căn cứ vào giá trị lịch sử của việc đăng ký tài sản.
Phát biểu kết thúc Tọa đàm, ông Phạm Tuấn Ngọc khẳng định, những ý kiến hữu ích của các đại biểu trong buổi Tọa đàm này sẽ được Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm tiếp thu để chỉnh lý và hoàn thiện Dự thảo Báo cáo. Ông Ngọc cũng cho rằng, việc xây dựng Luật Đăng ký tài sản là một chặng đường dài và nhiều khó khăn, nên rất mong tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về lĩnh vực này.