Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã được nghe trình bày về các chuyên đề dự kiến đưa vào bộ tài liệu, gồm mục đích, nội dung cơ bản của chuyên đề và một số nội dung, tình huống cần thảo luận.
Đã có nhiều bình luận, góp ý xác đáng, hữu ích cho việc hoàn thiện bộ tài liệu, cụ thể: (i) Bộ tài liệu chỉ nên xây dựng khung pháp lý chung nhất về giám định tư pháp, còn đối với kiến thức chuyên môn về giám định thì sẽ giao cho ngành chủ quản tự chuẩn bị tài liệu bồi dưỡng riêng. Do đó, trong nội dung dự kiến của bộ tài liệu này cần lược bỏ một số chuyên đề chỉ đề cập đến một lĩnh vực nhất định (như chuyên đề về giám định pháp y hay chuyên đề về giám định pháp y tâm thần); (ii) Nội dung một số chuyên đề cần được chỉnh sửa, bổ sung để có tính khái quát, hệ thống và rõ ràng hơn; (iii) Thống nhất một số kỹ năng quan trọng cần được đưa vào nội dung bộ tài liệu như: Tiếp nhận, tổ chức thực hiện giám định; làm biên bản giám định; lập bản kết luận giám định; bảo vệ kết luận giám định tại phiên tòa…; (iv) Cần bổ sung làm rõ hơn một số quy định, khái niệm về giám định viên, người giám định, người giám định theo vụ việc, tổ chức giám định theo vụ việc…
Ngoài ra, cũng có một số đại biểu nêu lên những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn giám định tư pháp cần có giải pháp khắc phục: Kết luận giám định sẽ không còn tính bảo mật khi quy định chữ ký của người giám định phải được chứng thực; cần có phân cấp trong việc yêu cầu trưng cầu giám định lại (cấp nào mới có quyền yêu cầu trưng cầu giám định lại), tránh hiện tượng phải thực hiện giám định lại nhiều lần như một số vụ việc đã từng xảy ra trên thực tế…
Kết thúc Tọa đàm, đồng chí Đỗ Hoàng Yến, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp đã cảm ơn và xin tiếp thu những ý kiến góp ý trong buổi Tọa đàm để tiếp tục hoàn thiện bộ tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp lý về giám định tư pháp.
Uyên Nhi