Buổi tọa đàm mở đầu với phần trình bày tham luận của các chuyên gia về tổng quan vụ kiện giữa Philipin và Trung Quốc; một số nội dung cơ bản trong Phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Luật Biển năm 1982 ngày 12/7/2016; ý nghĩa, tác động của Phán quyết và phản ứng của các quốc gia… Thông qua những tham luận này, các diễn giả đã cung cấp một cái nhìn khách quan, toàn diện, đa chiều về toàn bộ vụ việc, làm sáng tỏ những cơ sở khoa học và thực tiễn, khẳng định tính bất hợp pháp trong yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử, “đường 9 đoạn” cũng như hành vi mà Trung Quốc đã thực hiện trong suốt thời gian qua.
Phán quyết của Tòa Trọng tài có tác động tích cực đối với Việt Nam và các nước trong khu vực, về cơ bản, các chuyên gia đều nhất trí quan điểm rằng, Phán quyết của Tòa Trọng tài có ý nghĩa to lớn trong việc làm thu hẹp đáng kể các tranh chấp mà Trung Quốc cố tình tạo ra ở Biển Đông, nhất là “đường lưỡi bò”; việc xác định hiệu lực của một số thực thể ở Trường Sa cũng góp phần rất lớn vào việc thu hẹp tranh chấp, bởi vì, để hiện thực hóa “đường lưỡi bò”, Trung Quốc sẽ tìm cách áp đặt yêu sách 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế đối với Hoàng Sa, Trường Sa, do đó, phán quyết của Tòa Trọng tài về hiệu lực của các thực thể sẽ góp phần bẻ gãy âm mưu, thủ đoạn này và gợi mở cho các bên tiếp tục công cuộc đấu tranh loại bỏ “đường lưỡi bò” phi pháp bằng con đường pháp lý; ngoài ra, có thêm căn cứ pháp lý để tập hợp được sức mạnh khu vực và quốc tế mà trước đây dễ bị lung lay bởi những luận điểm biện minh cho chủ trương độc chiếm biển đông cố hữu của Trung Quốc; đồng thời, tạo tiền lệ pháp lý cho các bên tranh chấp trong khu vực và quốc tế để vận dụng phục vụ cho biện pháp giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế trong bối cảnh hiện nay; tạo dựng niềm tin của nhân loại đối với vai trong của các cơ quan tài phán quốc tế của Liên Hợp Quốc trong việc tham gia giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông, ngăn cản những tính toán và những bước đi của một số thế lực muốn lợi dụng môi trường bất ổn trên Biển Đông để trục lợi.
Buổi tọa đàm tiếp tục với phần thảo luận, trao đổi sôi nổi giữa các chuyên gia với cán bộ, giảng viên và sinh viên của trường Đại học Luật Hà Nội về các vấn đề xung quanh Phán quyết của Tòa Trọng tài. Tuy còn có một vài quan điểm, ý kiến khác nhau về khía cạnh pháp lý, giá trị thi hành của Phán quyết và việc thi hành án của Trung Quốc trên thực tế… nhưng nhìn chung, các thành phần tham dự tọa đàm đều hoan nghênh và đánh giá cao Phán quyết của Tòa Trọng tài vì đây là thắng lợi chung của luật pháp, công lý và phải có trách nhiệm sử dụng nó như một công cụ hữu ích để giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển vì sự sống còn của nhân loại.
Buổi tọa đàm kết thúc tốt đẹp, những kết quả có được tại buổi tọa đàm sẽ là nguồn tài liệu, thông tin quý báu dưới góc độ khoa học và thực tiễn cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, cung cấp luận cứ khoa học phục vụ cho quá trình hội nhập, giải quyết tranh chấp và bảo vệ lợi ích quốc gia trên biển. Mặc dù Phán quyết này không phải giải pháp duy nhất có thể giải quyết được mọi tranh chấp trên Biển Đông, nhưng nó có tác dụng đáng kể góp phần giải quyết cơ bản và lâu dài các tranh chấp phức tạp trên biển đông bằng biện pháp hòa bình.
Ảnh: Như Quỳnh