Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Đặng Thanh Sơn cho biết, tổ chức thi hành pháp luật là hoạt động thực định đưa pháp luật vào đời sống xã hội, làm cho pháp luật sau khi ban hành có hiệu lực thực thi trong thực tế. Tổ chức thi hành pháp luật luôn gắn với quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước, là hoạt động thiết yếu của các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương tới địa phương. Nhiệm vụ tổ chức thi hành pháp luật được quy định trong Hiến pháp, các bộ luật về tổ chức bộ máy (như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương) và các nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan hành chính nhà nước. Trong khuôn khổ Tọa đàm, ông Sơn hy vọng sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi của các đại biểu tham dự nhằm hướng đến cải thiện hơn nữa thể chế cũng như hiệu quả công tác thi hành pháp luật.
Ở nước ta, thể chế tổ chức thi hành pháp luật được hình thành cùng với quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Nhìn chung, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về tổ chức thi hành pháp luật đã bước đầu xác lập chế độ pháp lý của hoạt động tổ chức thi hành pháp luật. Bên cạnh kết quả đạt được, thể chế về tổ chức thi hành pháp luật đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Chưa quy định đầy đủ địa vị pháp lý các chủ thể; còn thiếu các quy phạm điều chỉnh về nội dung, quy trình thực hiện các hoạt động tổ chức thi hành pháp luật; thiếu quy phạm điều chỉnh về các điều kiện bảo đảm cho việc tổ chức thi hành pháp luật và các quy phạm chế tài đối với các chủ thể không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, kịp thời các hoạt động tổ chức thi hành pháp luật…
Trao đổi về kinh nghiệm của Nhật Bản trong tổ chức thi hành pháp luật, ông Yokomaku Kosuke cho biết, ở Nhật Bản không có quy định nào xác định rõ ràng cấp bậc của hệ thống pháp luật. Theo ông Yokomaku Kosuke, để bảo đảm việc thi hành đúng pháp luật, việc ngăn chặn sự trùng lặp giữa các quy định rất quan trọng. Vấn đề về thẩm quyền và ủy quyền cần được quan tâm, nếu vấn đề thẩm quyền và ủy quyền không rõ ràng thì rất dễ phát sinh tình trạng trùng lặp giữa các quy định và không thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật, gây lúng túng về việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật nào trong quá trình thực thi và trở thành nguyên nhân chính làm cản trở việc thi hành đúng pháp luật. Hơn nữa, để bảo đảm tính hiệu quả trong thi hành pháp luật, cần có sự thống nhất về từ ngữ hay cách diễn đạt với các văn bản pháp luật liên quan; khi sửa đổi một luật, cần điều tra tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, các điều khoản liên quan xem việc sửa đổi có gây ảnh hưởng đến các luật khác hay không, trường hợp sửa đổi một luật gây ảnh hưởng đến luật khác cần sửa đổi đồng thời tất cả các luật liên quan.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm đã trao đổi, thảo luận sôi nổi về thực trạng tổ chức thi hành pháp luật trên thực tiễn ở một số bộ, ngành, địa phương, đồng thời, cũng đề xuất những định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật ở Việt Nam trong giai đoạn tới.