Phát biểu khai mạc Tọa đàm, đồng chí Hồ Quang Huy cho rằng, hơn một năm qua, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật ngày càng có những bước phát triển quan trọng. Qua tổng kết cho thấy, hoạt động theo dõi thi hành pháp luật đã được các đơn vị trong Bộ Tư pháp quan tâm, chú trọng và ban hành kế hoạch thực hiện như triển khai tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, xây dựng pháp luật trong các lĩnh vực được giao, kiểm tra, xử lý thông tin trong lĩnh vực do Bộ Tư pháp quản lý. Cùng với tiến trình đổi mới, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định chuyển hướng chỉ đạo pháp luật từ xây dựng pháp luật sang hoàn thiện pháp luật kết hợp với tổ chức thi hành pháp luật. Bên cạnh đó, tại Điều 99 Hiến pháp năm 2013 cũng đã khẳng định, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ là tổ chức và theo dõi thi hành pháp luật. Trước những thách thức đặt ra, đòi hỏi cần có những đổi mới và sự nỗ lực hơn nữa trong công tác này. Vì vậy, Tọa đàm này là cơ hội tốt để trao đổi, thảo luận, nhìn nhận một cách khách quan, đánh giá những vướng mắc, hạn chế, từ đó tổng hợp ý kiến, kinh nghiệm và giải pháp từ phía các đơn vị được Bộ Tư pháp giao nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật.
Tiếp theo buổi Tọa đàm, đại diện Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật trình bày tham luận về “Nâng cao hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong các lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp”. Trong đó, điểm lại những kết quả đã đạt được trong việc triển khai theo dõi tình hình thi hành pháp luật; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; các điều kiện đảm bảo thi hành pháp luật; hoạt động theo dõi thi hành pháp luật. Đồng thời, tham luận cũng đề cập đến những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, nguyên nhân và qua đó, đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật trong các lĩnh vực trọng tâm của Bộ Tư pháp trong thời gian tới.
Buổi Tọa đàm tiếp diễn với các phần trình bày tham luận của đại diện đến từ các Cục, Vụ khác như Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật; Cục Con nuôi, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung các tham luận chủ yếu xoay quanh một số vấn đề nổi bật trong các lĩnh vực trọng tâm của công tác theo dõi thi hành pháp luật của Ngành Tư pháp như: Một số khó khăn, vướng mắc về đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài qua kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật; mối quan hệ giữa theo dõi thi hành pháp luật với kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Thực trạng và giải pháp; mối quan hệ giữa theo dõi thi hành pháp luật với xây dựng pháp luật; công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực con nuôi và giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc…
Ngay sau đó là phần trao đổi, thảo luận. Các đại biểu tham dự phát biểu ý kiến đánh giá, nhận xét về nội dung các bài tham luận của các đơn vị có báo cáo kết quả triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật. Ngoài ra, một số đại biểu còn trả lời các câu hỏi liên quan đến kinh phí phục vụ cho công tác theo dõi thi hành pháp luật, vấn đề nhân sự (biên chế) bổ sung cho việc thực hiện theo dõi thi hành pháp luật, vai trò của công tác truyền thông trong việc phổ biến đầy đủ, kịp thời những chính sách pháp luật quan trọng và phản ánh chân thực, rõ nét tình hình thi hành pháp luật ở nước ta hiện nay…
Phát biểu kết thúc Tọa đàm, đồng chí Hồ Quang Huy gửi lời cảm ơn những phát biểu sâu sắc, cụ thể của đại diện các đơn vị tham dự Tọa đàm. Đồng thời, các ý kiến đã được đồng chí Hồ Quang Huy tổng kết lại trên cơ sở thống nhất giữa các đại biểu tham dự Tọa đàm và sẽ được Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật ghi nhận để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp để có những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong thời gian tới, cụ thể:
(i) Tiếp tục hoàn thiện pháp luật. Theo đó, ngoài sửa đổi, bổ sung luật thì các quy định liên quan khác (kinh phí,…) cũng cần được quy định cụ thể để các đơn vị, tổ chức, cá nhân dễ dàng trong việc thi hành.
(ii) Đẩy mạnh gắn công tác theo dõi thi hành pháp luật với kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng pháp luật.
(iii) Tiếp tục tăng cường, nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp trong triển khai quy chế phối hợp về công tác theo dõi thi hành pháp luật được Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành cũng như trong việc đôn đốc, chỉ đạo và quan tâm đến việc triển khai theo dõi thi hành pháp luật.
(iv) Tăng cường hoạt động theo dõi thi hành pháp luật theo hướng thực chất hơn, cần lựa chọn những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, tránh sự dàn trải.
(v) Tăng cường phối hợp giữa các đơn vị trong Bộ Tư pháp, lồng ghép với các hoạt động khác để tiết kiệm ngân sách mà vẫn đạt được mục tiêu đề ra trong công tác theo dõi thi hành pháp luật.