Tại Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận nhiều nội dung quan trọng, chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến việc bảo đảm quyền và lợi ích của phụ nữ trong công tác tư pháp. Cụ thể như:
Trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thời gian qua, Nhà nước ta cơ bản đã ban hành tương đối đầy đủ pháp luật về bảo đảm quyền của phụ nữ, tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện cho thấy vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập nhất định, cản trở việc thực hiện và tổ chức thi hành pháp luật. Chính vì vậy, để khắc phục những hạn chế, bất cập đó thì cần phải có những giải pháp như sau: Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Bình đẳng giới và các luật có liên quan, đặc biệt là các quy định liên quan đến cơ chế bảo đảm thi hành các quy định của Luật; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật và chính sách gây bất lợi đối với phụ nữ trong các lĩnh vực; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi văn bản quy phạm pháp luật; ban hành và thực thi các biện pháp mạnh để xóa bỏ định kiến giới…
Những chia sẻ tại Tọa đàm này về thi hành án dân sự liên quan đến phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực giới cũng cho thấy thực tiễn đã gặp phải không ít khó khăn, cần thiết phải có những biện pháp khắc phục. Theo đó, những đề xuất, kiến nghị được đưa ra đó là: Hoàn thiện thể chế pháp luật về thi hành án dân sự nói chung và thi hành án các vụ việc mà phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của tình trạng bạo lực giới nói riêng; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao năng lực tổ chức thi hành án của cán bộ cơ quan thi hành án; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.