Phát biểu khai mạc tọa đàm, đồng chí Lương Đức Tuấn giới thiệu tổng quan chung về các chính sách trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội, đồng thời khẳng định, khi đề cập đến các quy định của pháp luật về trợ giúp xã hội cho đối tượng yếu thế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp thì không thể không nhắc đến các bộ luật, luật và các văn bản liên quan như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Người cao tuổi, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Nuôi con nuôi... Ngoài ra, đối tượng yếu thế là vấn đề có liên quan đến chức năng của nhiều bộ, ngành khác như: Lao động, giáo dục, y tế, ngân hàng, tài nguyên và môi trường... với cùng mục tiêu trợ giúp về mọi mặt như vật chất, tinh thần, nhận thức pháp luật... nhằm đảm bảo cho những người thuộc đối tượng này có được một cuộc sống tối thiểu. Chính vì vậy, buổi tọa đàm diễn ra với mục đích trao đổi, thảo luận giữa các đại biểu đại diện các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp trong việc xây dựng các quy định của pháp luật về trợ giúp xã hội cho đối tượng yếu thế như người khuyết tật, người cao tuổi không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi...
Trình bày tham luận tại buổi tọa đàm, đồng chí Lê Thị Thúy - Cục Trợ giúp pháp lý đã phân tích những điểm mới của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có liên quan đến những đối tượng được trợ giúp pháp lý nhằm cung cấp kịp thời dịch vụ cho người yếu thế không còn khả năng chi trả dịch vụ pháp lý và những người thuộc diện chính sách. Trong đó, Luật đã mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý theo các nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, phù hợp với bản chất của trợ giúp pháp lý và điều kiện đặc thù của đất nước, theo đó, tại Điều 7 của Luật đã mở rộng hơn với 14 diện người được trợ giúp pháp lý: Người có công với cách mạng và người thuộc hộ nghèo; trẻ em, người dân tộc thiểu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; các đối tượng có khó khăn về mặt tài chính với 08 đối tượng cụ thể được quy định rõ trong Luật. Bên cạnh đó, đồng chí cũng nêu lên những kết quả đạt được, đề cập một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị các giải pháp khắc phục nhằm thực hiện hiệu quả các quy định của Luật nói chung và quyền được trợ giúp pháp lý của những đối tượng được trợ giúp pháp lý nói riêng.
Bàn về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng yếu thế, đại diện của Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật - đồng chí Phạm Thị Thanh Nga cũng đề cập và phân tích những vướng mắc, khó khăn trong tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho 06 đối tượng đặc thù. Đây là những đối tượng còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin, tìm hiểu, học tập pháp luật, đó là: Người dân ở cùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân; người lao động trong trong các doanh nghiệp; nạn nhân bạo lực gia đình; người khuyết tật; người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo. Chính vì đây là những đối tượng đặc thù nên nội dung, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật đối với những đối tượng này cần có những phương pháp đặc thù riêng nhằm đạt được những nội dung pháp luật thiết thực, liên quan trực tiếp đến đối tượng được phổ biến, giáo dục; bên cạnh đó là những chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù và khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong xã hội đầu tư, hỗ trợ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng này.
Các đại biểu khác tham dự tọa đàm cũng có những chia sẻ liên quan đến các quy định về trợ giúp xã hội cho đối tượng yếu thế thuộc lĩnh vực của đơn vị mình: Đại diện của Cục Con nuôi cho biết, trẻ em là một trong những đối tượng yếu thế của xã hội, do đó, Luật Nuôi con nuôi đã có những quy định đặc biệt về mặt thủ tục nhận nuôi con nuôi đối với những trẻ em khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo với quy trình rút gọn để đảm bảo lợi ích tối ưu cho những đối tượng này…; đại diện của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cũng chia sẻ những quy định đặc thù, đảm bảo quyền lợi tối ưu cho đối tượng yếu thế như: Quy định tình tiết giảm nhẹ; hoãn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính...
Cũng tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã cùng trao trao đổi, thảo luận sôi nổi một số vấn đề trong công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; xác định quốc tịch, đăng ký khai sinh... có liên quan chặt chẽ đến các đối tượng yếu thế để đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, hoàn thiện thể chế và thực hiện hiệu quả hơn các quy định của pháp luật trong thời gian tới.