Hiện nay, cả nước có 3.753 người giám định tư pháp, trong đó có 3.000 giám định viên tư pháp và 753 người giám định tư pháp theo vụ việc ở các lĩnh vực; 289 tổ chức giám định tư pháp, trong đó có 152 tổ chức giám định tư pháp công lập ở lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự; 1 văn phòng giám định tư pháp ở lĩnh vực tài chính và 136 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở một số lĩnh vực.
Kết quả và kết luận giám định là cơ sở quan trọng để cơ quan tiến hành tố tụng và người tham ra tố tụng làm rõ các tình tiết của vụ án cũng như các vấn đề khác có liên quan đến quá trình giải quyết vụ án, hỗ trợ cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật và góp phần quan trọng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, ổn định đời sống và phát triển kinh tế của đất nước. Để có được những kết quả, kết luận giám định chính xác không thể không kể đến những đóng góp “âm thầm” của các tổ chức và đội ngũ những người làm công tác giám định tư pháp. Hoạt động của đội ngũ người làm giám định tư pháp và các tổ chức giám định tư pháp đã góp phần rất quan trọng vào việc đấu tranh, phòng chống tội phạm, giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật, trong đó có rất nhiều gương điển hình, đóng góp tích cực nhưng chưa có chính sách phù hợp để vinh danh, động viên, khích lệ nên chưa thực sự phát huy được hết vai trò, trách nhiệm của đội ngũ này trong việc phục vụ đắc lực cho hoạt động tố tụng. Do đó, để động viên, khích lệ tinh thần, ghi nhận công lao đóng góp của các tổ chức, cá nhân người giám định tư pháp có thành tích xuất sắc trong hoạt động giám định tư pháp, theo nguyện vọng của đông đảo đội ngũ người giám định tư pháp, cũng như góp phần vào việc xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng hoạt động giám định tư pháp, thúc đẩy hoạt động giám định tư pháp phát triển trong thời gian tới, thì việc xây dựng “Đề án bình chọn tổ chức giám định tư pháp, người giám định tư pháp tiêu biểu” là việc làm cần thiết, khách quan, phù hợp với chủ trương của Đảng về giám định tư pháp thể hiện tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Các đại biểu tham hội thảo đều đồng tình và khẳng định việc bình chọn, tôn vinh các tổ chức, cá nhân và người giám định tư pháp tiêu biểu, do Bộ đề xuất và xây dựng là một chủ trương đúng đắn, nhân văn nghi nhận công lao và những đóng góp của tổ chức và người giám định tư pháp trong vai trò là một bộ phận và hoạt động bổ trợ tư pháp, bảo vệ và thực thi pháp luật. Tin tưởng và hi vọng với sự quan tâm của Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, cơ quan liên quan, thì “Đề án bình trọn tổ chức giám định và người giám định tư pháp tiêu biểu” sẽ sớm trở thành hiện thực, được xã hội nghi nhận, đó cũng chính là mong đợi của các tổ chức và đội ngũ những người làm công tác giám định.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng có ý kiến góp ý cho Dự thảo là đảm bảo sự công bằng, nên chia lĩnh vực giám định để bình chọn, việc bình trọn nên được tiến hành sơ tuyển từ cấp cơ sở, địa phương, bổ sung thêm tiêu chí đạo đức nghề nghiệp trong thời gian công tác… việc vinh danh cần được tiến hành chặt chẽ, khách quan, đúng người, đúng luật.
Việt Tiến