Phát biểu chào mừng buổi tọa đàm, đồng chí Lù Văn Dũng khẳng định: Sơn La là một tỉnh miền núi, biên giới với diện tích tự nhiên 14.174 km2, 250km đường biên giới tiếp giáp với 2 tỉnh: Hủa Phăn và Luông Pha Băng của nước bạn Lào. Đơn vị hành chính của tỉnh có 11 huyện và 01 thành phố trực thuộc tỉnh với 204 xã, phường, thị trấn; dân số trên 1 triệu người gồm 12 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, kinh tế tỉnh Sơn La tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu có bước chuyển dịch tích cực và vững chắc hơn. Các vấn đề xã hội bức xúc được tập trung giải quyết; công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy tiếp tục đạt kết quả tích cực... Trong thành tựu phát triển chung của tỉnh có sự đóng góp tích cực của Ngành Tư pháp. Thời gian qua, Ngành Tư pháp Sơn La đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình, kế hoạch công tác tư pháp nói chung và từng chuyên đề, lĩnh vực công tác của Ngành; có sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành có liên quan trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Ngành Tư pháp. Các mặt công tác được triển khai đồng bộ, toàn diện đã giúp chính quyền thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực công tác tư pháp ở địa phương; nhiều lĩnh vực đã có sự đầu tư, tập trung chỉ đạo mang tính “đột phá” và đạt kết quả cao.
Liên quan đến công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Sơn La, đồng chí Nguyễn Ngọc Hải, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Sơn La đã nhấn mạnh: Năm 2015, kết quả công tác THADS trong toàn tỉnh đều đạt và vượt chỉ tiêu thi hành án dân sự được Bộ Tư pháp giao, đạt tỷ lệ 93.67% về việc/số việc có điều kiện thi hành. Về tiền đạt tỷ lệ 80,09%/số tiền có điều kiện thu, tỷ lệ giảm án chuyển kỳ sau về việc đạt 10%. Với kết quả như vậy, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sơn La được Bộ Tư pháp xếp hạng là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, và được tặng cờ thi đua Ngành Tư pháp năm 2015. Tuy nhiên, những kết quả trên mới chỉ là bước đầu, trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn như: Số lượng án thu lý phải thi hành hàng năm tương đối lớn, trong đó số lượng án ma túy chiếm tỷ lệ cao và phần lớn khó thi hành; Mô hình tổ chức bộ máy của các cơ quan thi hành án dân sự vẫn đang trong giai đoạn củng cố xây dựng; các văn bản pháp luật về thi hành án dân sự bộ lộ nhiều vướng mắc, chậm được tháo gỡ…
Về công tác đào tạo cán bộ, đồng chí Lò Châu Thỏa, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Trung cấp Luật Tây Bắc đã có bài phát biểu tham luận về “Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sơn La”. Trong đó, đồng chí đưa ra rất nhiều giải pháp tích cực và khẳng định: Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã ở tỉnh Sơn La hiện nay là việc làm hết sức cần thiết, góp phần khẳng định chất lượng và hiệu quả của công tác tư pháp ở Sơn La trong những năm tiếp theo. Để thực hiện điều đó cần có sự chỉ đạo, phối hợp đồng bộ của hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về tư pháp, của cơ sở đào tạo và bản thân người học.
Ngoài ra, các đại biểu còn thảo luận xung quanh các vấn đề liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý ở cơ sở, công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở... trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Đồng chí Lù Văn Dũng thông tin thêm: Có được kết quả “đột phá” của toàn Ngành Tư pháp Sơn La trong năm 2015 là do có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đối với công tác Tư pháp. Nhất là sự đoàn kết, nhất trí, tích cực phấn đấu thi đua liên tục của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong toàn Ngành Tư pháp. Kết quả đó đã phản ánh sự quyết tâm cao, phát huy nội lực, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, trật tự tại địa phương.
Kết luận buổi tọa đàm, TS. Đặng Vũ Huân, Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật gửi lời cảm ơn chân thành đến Sở Tư pháp tỉnh Sơn La, Trường Trung cấp Luật Tây Bắc đã tích cực phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho buổi tọa đàm được tiến hành theo đúng kế hoạch đề ra; các đại biểu đã tích cực phát biểu, thông tin về các mặt công tác tư pháp của Tỉnh, giúp cho buổi tọa đàm đạt hiệu quả cao. Đồng chí Tổng biên tập cũng hy vọng rằng, những vấn đề mà các đại biểu đã nêu trong buổi tọa đàm sẽ được làm rõ ràng và sâu sắc hơn trong ấn phẩm chuyên để 32 trang “Công tác tư pháp Sơn La” dự kiến phát hành trong Quý II/2016.
Ảnh: Hải Việt