Đến dự tọa đàm có lãnh đạo, nhân viên các phòng, ban thuộc Sở, đại diện một số cơ quan, ban ngành và các tổ chức xã hội nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An như: Tòa án nhân dân tỉnh, các văn phòng luật sư, công chứng, doanh nghiệp bán đấu giá... TS. Đặng Vũ Huân - Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật và bà Nguyễn Quế Anh Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An đồng chủ trì tọa đàm.
Trong những năm qua, Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An đã tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và hoàn thiện thể chế, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, tổ chức, bộ máy của Ngành trong sạch vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tham mưu thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực: quản lý luật sư, công chứng, chứng thực, giám định tư pháp, thực hiện thí điểm thừa phát lại, kiểm soát thủ tục hành chính, đấu giá, phổ biến giáo dục pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật... đã được triển khai một cách toàn diện, quán triệt đầy đủ yêu cầu của cải cách tư pháp. Nhìn chung, các mặt hoạt động công tác tư pháp trên địa bàn Nghệ An đã có nhiều khởi sắc, đi vào chiều sâu, có nền nếp và chất lượng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được công tác tư pháp của tỉnh Nghệ An vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc. Cụ thể:
- Đối với công tác quản lý luật sư, số lượng luật sư phát triển nhanh nhưng chưa đồng đều, trình độ năng lực, kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu và kỹ năng nghề nghiệp chưa thực sự đáp ứng kịp nhu cầu của xã hội và yêu cầu cải cách tư pháp.
- Hoạt động công chứng vẫn còn có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa một số tổ chức hành nghề công chứng. Nguồn công chứng viên đã bổ nhiệm và nguồn kế cận để bổ nhiệm không nhiều. Hoạt động công chứng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro (nhất là công chứng tư nhân).
- Về công tác giám định tư pháp, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có văn phòng giám định tư pháp nào đăng ký hoạt động; việc cập nhật thông tin khoa học kỹ thuật của các nước tiên tiến gặp nhiều khó khăn; thiếu giám định viên giàu kinh nghiệm thực tế và năng lực chuyên môn tại các huyện, thành, thị.
- Về công tác hộ tịch, công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra còn hạn chế; sai phạm trong công tác đăng ký hộ tịch vẫn diễn ra, đặc biệt có trường hợp khai tử cho người đang sống để nhận chế độ tử tuất, khai nhận di sản; ngược lại, không khai tử cho người đã chết để tiếp tục hưởng tiền trợ cấp… Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký hộ tịch chưa được triển khai đồng bộ; cơ sở dữ liệu hộ tịch đa số tồn tại dưới dạng sổ sách, giấy tờ, gây khó khăn trong việc lưu giữ, bảo quản và sử dụng.
- Về hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, việc soạn thảo, công bố, đánh giá chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính còn chưa thực hiện nhiêm túc, công khai, việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức vẫn còn tình trạng quá hạn...
- Về hoạt động bán đấu giá, việc quy định điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bán đấu giá còn chưa cụ thể, dễ dãi nên có những doanh nghiệp bán đấu giá tài sản được thành lập với quy mô nhỏ, manh mún, cơ sở vật chất yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa hoạt động bán đấu giá tài sản, đội ngũ đấu giá viên tuy phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng chưa đồng đều. Một số tổ chức hành nghề bán đấu giá tài sản và một số đấu giá viên còn chạy theo lợi nhuận, cạnh tranh thiếu lành mạnh, không minh bạch
Mặc dù còn những hạn chế và bất cập, nhưng với những nỗ lực, cố gắng của toàn Ngành trong những năm qua, với mục tiêu: “đồng thuận, vượt khó, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao” phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được, trong thời gian tới, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Ngành Tư pháp tỉnh Nghệ An tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an ninh xã hội trên địa bàn.
Việt Tiến