Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội phạm này tại Điều 323, song nhìn chung, điều luật vẫn là sự kế thừa, ghi nhận lại quy định tại Điều 250 Bộ luật Hình sự năm 1999 về cấu thành tội phạm cơ bản, chỉ có thay đổi quy định về khung hình phạt, đặc biệt là tăng mức hình phạt tiền2. Như vậy, hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là hành vi của một người tuy không có hứa hẹn trước, nhưng khi đã biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản đó. Nghiên cứu quy định về tội phạm này và những quy định khác trong luật hình sự cùng với tham khảo thực tiễn, tác giả thấy rằng, còn một số vấn đề cần được nghiên cứu, góp phần giải đáp những vướng mắc mà thực tiễn xét xử đặt ra. Cụ thể:
Thứ nhất, về đối tượng tác động của tội phạm là tài sản do người khác phạm tội mà có
Quy định về tài sản và “tài sản do người khác phạm tội mà có” được hướng dẫn tại khoản 1, khoản 3 Điều 1 Thông tư 09. Theo đó, tài sản bao gồm: Vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản; bất động sản, động sản, hoa lợi, lợi tức, vật chính, vật phụ, vật chia được, vật không chia được, vật tiêu hao, vật không tiêu hao, vật cùng loại, vật đặc định, vật đồng bộ và quyền tài sản. Tài sản do người khác phạm tội mà có được xác định là: (i) Tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội như tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…; (ii) Tài sản do người phạm tội có được từ việc mua bán, trao đổi bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi tiêu thụ tài sản được hiểu là những hành vi có tính chất dịch chuyển tài sản từ người có tài sản do phạm tội mà có sang người khác như hành vi mua, tạo điều kiện để bán hoặc để trao đổi tài sản đó… Bên cạnh đó, theo điểm b khoản 10 Điều 2 Thông tư 09 thì: “Trường hợp tài sản do phạm tội mà có là ma túy, tiền chất ma túy, pháo nổ, thuốc pháo, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, chất phóng xạ, chất cháy, chất độc, hàng cấm, hàng giả, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm tương ứng thì người thực hiện hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản đó sẽ bị xử lý về tội phạm tương ứng mà không xử lý về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Nghĩa là, tài sản ở đây được hiểu là không phải tất cả các loại tài sản theo nghĩa thông thường mà chỉ có một số tài sản mới được coi là đối tượng tác động của loại tội phạm này. Hàng cấm (ma túy, pháo nổ, vũ khí…) đã được Bộ luật Hình sự quy định là đối tượng tác động của các tội phạm khác mà không được coi là tài sản, vì thế, người chứa chấp hoặc tiêu thụ các loại hàng cấm do người khác phạm tội mà có thì sẽ không coi là phạm tội này, mà tùy vào tính chất của đối tượng được chứa chấp và tiêu thụ để truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) của người đó về các tội danh tương ứng được quy định trong Bộ luật Hình sự. Đơn cử một tình huống: A sau khi đi cướp giật được một giỏ xách của người đi đường trong đó có một gói ma túy với trọng lượng 0.5kg. A liền đem số ma túy đó đưa cho B (bạn của A), kể cho B nghe mọi chuyện và nhờ B cất giữ dùm và hứa khi nào kiếm được mối tiêu thụ sẽ cho B một số tiền. B đồng ý. Sau đó sự việc bị phát hiện. Trong trường hợp này, hành vi của B không cấu thành tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, mà B bị truy cứu TNHS về tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 1999).
Bên cạnh đó, đối với nội dung “tài sản do người khác phạm tội mà có” của Điều luật cũng dẫn đến sự tranh luận do không rõ ràng. Điều luật không đòi hỏi yếu tố định lượng của tài sản nên dẫn đến cách hiểu rằng, nếu cứ có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì sẽ bị truy cứu TNHS về tội này mặc dù giá trị tài sản là rất nhỏ. Thực tiễn, đây là một bất cập. Bởi vì, hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có phải đến một giá trị nhất định mới thể hiện đầy đủ tính nguy hiểm cho xã hội của loại tội này. Ví dụ: Nguyễn Văn A là người làm công cho nhà chị Phạm Thị B. Một lần nhân lúc chị B đi vắng để quên chìa khóa tủ, A đã mở tủ lấy trộm 03 triệu đồng. Sau đó, A hẹn Lý Thị C (người yêu của A) đi chơi và cho C 200 nghìn đồng. C hỏi tiền ở đâu ra, A thành thật nói cho C nghe, nhưng C không nói gì mà vẫn nhận số tiền đó tiêu xài riêng. Nếu trong trường hợp này xử C tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì giá trị tài sản mà hành vi của C gây ra theo tác giả là chưa tới mức nguy hiểm “đáng kể” cho xã hội, trừ trường hợp chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản chưa đạt đến mức nguy hiểm “đáng kể”, nhưng nếu thực hiện nhiều lần vẫn cấu thành tội này. Chẳng hạn, cũng nội dung ví dụ nêu trên, nếu A nhiều lần thực hiện hành vi phạm tội và mỗi lần như vậy lại cho C một ít để tiêu xài, thì việc định tội C theo Điều 250 Bộ luật Hình sự năm 1999 là phù hợp. Như vậy, đề nghị bổ sung yếu tố định lượng đối với đối tượng của loại tội này để tránh tình trạng có nhiều cách hiểu như hiện nay.
Bên cạnh đó, một nội dung khác cũng cần lưu ý khi điều tra, truy tố, xét xử tội này là tài sản phải “do người khác phạm tội mà có” chứ không phải vi phạm pháp luật phi hình sự mà có. Về dấu hiệu nội dung này có ý kiến xác định, cụm từ “người khác phạm tội” phải được hiểu là người đó có tội theo bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, nên việc truy tố, xét xử người tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có cùng lúc với người phạm tội là chưa phù hợp với quy định tại Điều 250 Bộ luật Hình sự năm 19993 và đề nghị đổi cụm từ này thành “do người khác vi phạm phạm luật mà có…”. Tác giả không đồng tình với ý kiến này, bởi vì, với quan điểm đó thì có thể hiểu họ đang đồng nhất hai khái niệm “người phạm tội” với “người có tội”. Có tội là khái niệm chỉ thuộc tính của chủ thể mà ở đây là con người, phản ánh tính chất của con người đó. Chỉ Tòa án mới có quyền đánh giá một người là có tội hay không có tội4.
Cụm từ “người khác phạm tội” ở đây phải được hiểu là người bị tình nghi, người đang bị điều tra, truy tố, xét xử (gọi chung là bị can, bị cáo) hoặc người đã có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi nói hành vi phạm tội, tức là mới nói đến một thực trạng khách quan đã và đang xảy ra và việc ngăn chặn hành vi này là rất cần thiết. Người phạm tội chỉ được xem là người có hành vi phạm tội (người bị tình nghi) chứ chưa bị coi là có tội. Ngoài ra, trong thực tiễn, khi một người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có bị phát hiện cùng với hành vi của người phạm tội thì họ sẽ bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đồng thời với người kia trong cùng một vụ án mà không cần phải đợi Tòa án phán quyết người kia là có tội. Điều này thể hiện người phạm tội cũng chỉ là người bị tình nghi thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, thực tiễn cũng chỉ ra rằng, Tòa án chỉ tuyên người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là người có tội khi người phạm tội kia đã bị tuyên có tội đối với hành vi liên quan đến tài sản đó, thêm vào đó, nếu hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có với hành vi “người khác phạm tội” là hai hành vi độc lập nhau. Do đó, người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có chỉ bị truy cứu TNHS về tội này khi hành vi của người kia có đủ cơ sở cấu thành tội phạm, không phụ thuộc “người khác phạm tội” bị truy cứu theo những tiêu chí nào (dấu hiệu nhân thân của họ, dấu hiệu định tội khác…). Nghĩa là “nếu người khác tuy có hành vi phạm tội nhưng hành vi đó chưa tới mức bị truy cứu TNHS, thì người có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có cũng chưa cấu thành tội phạm”5. Do đó, việc điều luật sử dụng cụm từ “do người khác phạm tội mà có” là phù hợp.
Thứ hai, về dấu hiệu lỗi của người chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
Theo quy định của Điều 250 Bộ luật Hình sự năm 1999 và Điều 323 Bộ luật Hình sự năm 2015, “người nào… biết rõ là do người khác phạm tội mà có…”, theo đó, lỗi của người này là lỗi cố ý trực tiếp. Nghĩa là thái độ tâm lý bên trong của người thực hiện hành vi phạm tội khi thực hiện hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, họ nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó nhưng họ mong muốn cho hậu quả xảy ra. Còn nếu như người này khi thực hiện hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, họ lại nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm, nhưng không mong muốn hậu quả xảy ra mà có ý để mặc hậu quả xảy ra (lỗi cố ý gián tiếp) hoặc tin hậu quả không xảy ra (lỗi vô ý do quá tự tin); hoặc họ không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó (lỗi vô ý cẩu thả), thì người này sẽ không bị truy cứu TNHS về tội này6.
Đối với nội dung “người nào… biết rõ là…” hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau nên dẫn đến bất cập trong thực tế xét xử. Theo điều luật, để truy cứu TNHS đối với người có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì phải chứng minh được người này “biết rõ” tài sản mà mình chứa chấp hoặc tiêu thụ là do người kia phạm tội mà có, nghĩa là người này buộc phải biết hoặc có đủ điều kiện để biết, còn nếu như họ không biết (không buộc phải biết) tài sản do người khác phạm tội mà có thì cũng không cấu thành tội này. Theo Từ điển tiếng Việt, biết là “có ý niệm về người, vật hoặc điều gì đó, để có thể nhận ra được hoặc có thể khẳng định được sự tồn tại của người, vật hoặc điều ấy” hay “nhận rõ được thực chất hoặc giá trị để có được sự đối xử thích đáng”7. Từ đó có thể hiểu, người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản “biết rõ là do người khác phạm tội mà có” là việc một người khi thực hiện hành vi chứa chấp, tiêu thụ đã có sự đánh giá của riêng bản thân về tài sản mà mình chứa chấp, tiêu thụ và nhận biết được đó là tài sản do phạm tội mà có, nhưng vì lý do nào đó vẫn thực hiện hành vi chứa chấp, tiêu thụ8. Trường hợp người có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản buộc phải biết đây là tài sản do người khác phạm tội mà có thường được thể hiện bằng các tài sản có đăng ký chủ sở hữu (ví dụ như xe mô tô) thì việc chứng minh là không khó. Tuy nhiên, trong thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, việc chứng minh người này về mặt chủ quan họ biết hay biết rõ tài sản do người khác phạm tội mà có (khi có đủ điều kiện) là không đơn giản. Bởi vì, có một điều đương nhiên là những người bị tình nghi không bao giờ tự thú nhận thật ý thức của mình, vì thế đòi hỏi các yếu tố biết rõ này phải được chứng minh bằng các chứng cứ cụ thể mà việc thu thập chứng cứ trong các trường hợp cụ thể không dễ. Vì vậy, để xác định người chứa chấp và tiêu thụ tài sản có biết rõ là do người khác phạm tội mà có hay không phải căn cứ vào các tình tiết khách quan mà đặc biệt là nhân thân và mối quan hệ giữa họ với người có tài sản do phạm tội mà có9. Thông thường, để xác định người chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản có biết rõ là tài sản đó do người khác phạm tội mà có hay không phải căn cứ vào việc giao dịch giữa người chứa chấp hoặc tiêu thụ với người có tài sản. Như vậy, tại khoản 1 Điều 250 Bộ luật Hình sự năm 1999 và Điều 323 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “biết rõ là do người khác phạm tội mà có” được hiểu là chỉ truy cứu TNHS đối với người có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trong trường hợp người đó biết rõ tài sản mà mình tiêu thụ là tài sản do phạm tội mà có. Trường hợp không biết được đó là tài sản do phạm tội mà có được thì việc tiêu thụ chỉ là một giao dịch dân sự thông thường, sau khi biết tài sản đó là tài sản phạm tội có được thì giao dịch dân sự này sẽ bị vô hiệu và các bên có nghĩa vụ trả lại cho nhau những gì đã nhận10. Tóm lại, trong sự thống nhất giữa các dấu hiệu khách quan và chủ quan là đã phản ánh được đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm này. Với cách tiếp cận này, nên chăng chúng ta thay cụm từ “biết rõ là do…” bằng cụm từ “biết là do…” để làm cho việc hiểu và áp dụng điều luật được thuận lợi và thống nhất hơn.
Thứ ba, về hành vi khách quan của tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
Điều luật chỉ quy định “người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có…” mà không liệt kê những hành vi nào được xem là hành vi chứa chấp, tiêu thụ đã dẫn đến cách hiểu khác nhau trong thực tiễn. Tuy nhiên, vấn đề này đã được Thông tư 09 làm rõ tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2: “Chứa chấp tài sản là một trong các hành vi sau đây: Cất giữ, che giấu, bảo quản tài sản; cho để nhờ, cho thuê địa điểm để cất giữ, che dấu, bảo quản tài sản đó. Tiêu thụ tài sản là một trong các hành vi sau đây: Mua, bán, thuê, cho thuê, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký gửi, cho, tặng, nhận tài sản hoặc giúp cho việc thực hiện các hành vi đó”. Từ đó cho thấy, với loại tội phạm này, nhà làm luật quy định hai hành vi phạm tội khác nhau nhưng lại có liên quan với nhau, đó là hành vi chứa chấp và hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Chỉ cần người phạm tội thực hiện một trong hai hành vi nói trên thì sẽ cấu thành tội phạm này. Bên cạnh đó, dù là chứa chấp hay tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, thì người chứa chấp hoặc tiêu thụ chỉ bị truy cứu TNHS về tội phạm này nếu họ không hứa hẹn trước. Nếu người có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ có hứa hẹn trước với người phạm tội thì họ phải bị truy cứu TNHS về tội phạm mà người phạm tội thực hiện để có tài sản mà họ chứa chấp hoặc tiêu thụ với vai trò đồng phạm.
Từ những phân tích trên đây, tác giả kiến nghị sửa quy định ở cấu thành cơ bản tại Điều 323 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có như sau: “Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết là do người khác phạm tội mà có, có giá trị từ 1 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 1 triệu đồng nhưng chứa chấp, tiêu thụ tài sản nhiều lần hoặc có tính chất chuyên nghiệp hoặc đã bị kết án về tội này nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm pháp luật thì bị phạt…”
Đại học Trà Vinh