Xuất phát từ thực tế xã hội và quan điểm coi việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là mối quan tâm đặc biệt hàng đầu, xem con người vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xem trẻ em là nguồn hạnh phúc của gia đình, là tương lai của dân tộc, là lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và là quốc gia thứ hai trên thế giới ký kết và phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em.
Thời gian qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm nội luật hóa quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em và tạo hành lang pháp lý xử lí những hành vi xâm hại đến quyền trẻ em. Trong đó, hoạt động xây dựng chế tài xử lý những hành vi phạm tội xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng được đặc biệt quan tâm.
Theo báo cáo của Chính phủ, tính từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và hành chính 8.091 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại, trong đó xâm hại tình dục là 6.364 vụ với 6.432 trẻ em, chiếm 73,85% tổng số trẻ em bị xâm hại[1]. Ngoài số trẻ em bị xâm hại bởi các hình thức nêu trên, thì hành vi mại dâm người chưa thành niên cũng đáng báo động, nhiều nghiên cứu cho thấy cả trẻ em nam và nữ ở độ tuổi dưới 12 và dưới 18 đều tham gia vào các hoạt động tình dục vì mục đích thương mại. Theo ước tính có khoảng 13% đối tượng mại dâm ở độ tuổi dưới 18 tuổi[2].
Thực tế trên cho thấy, tội phạm xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng đang có chiều hướng gia tăng. Đây là những tội phạm rất nguy hiểm, không chỉ gây ra thiệt hại cho xã hội, làm băng hoại nền tảng đạo đức mà còn gây ra những tổn thương nặng nề về thể chất và tâm lý rất khó khắc phục đối với nạn nhân. Chính vì lý do như trên nên đặt ra yêu cầu cấp thiết cần có những công cụ đấu tranh kịp thời mà một trong những công cụ chính là pháp luật.
1. Quy định pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em
Thứ nhất, quy định pháp luật quốc tế về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em
Nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động đấu tranh, xử lý hành vi xâm hại tình dục trẻ em, một loạt các văn kiện pháp lý quốc tế đã được ban hành. Những văn kiện pháp luật quốc tế quan trọng quy định về vấn đề này bao gồm Công ước về quyền trẻ em (1989) và Nghị định thư không bắt buộc bổ sung Công ước về quyền trẻ em về việc buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em (2000), Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (2000) (UNTOC) và Nghị định thư về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên Hợp Quốc (2000) và Công ước số 182 về nghiêm cấm và hành động khẩn cấp xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (1999) của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) (Công ước 182 của ILO). Đồng thời, một số văn kiện khác cũng bao hàm các quy định chung về nghĩa vụ bảo vệ trẻ em.
Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em xây dựng một tiêu chuẩn phổ quát về quyền trẻ em và đặt ra đòi hỏi với các quốc gia thành viên, theo đó, trong tất cả những hành động liên quan đến trẻ em, dù cho các cơ quan phúc lợi xã hội công cộng hay tư nhân, Tòa án, các nhà chức trách hành chính hay các cơ quan lập pháp tiến hành thì lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu[3].
Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em cũng đặt ra những chuẩn mực pháp lý quan trọng liên quan đến cuộc đấu tranh bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục và tạo ra những cơ chế phù hợp để trẻ em tham gia vào các quá trình tư pháp hoặc hành chính. Điều 34 quy định các quốc gia phải thực hiện những biện pháp phù hợp với hoàn cảnh của mình và phối hợp với các quốc gia khác để bảo vệ trẻ em tránh khỏi mọi hình thức bóc lột tình dục và xâm hại tình dục, yêu cầu các quốc gia phải có những biện pháp thích hợp ở cấp quốc gia để ngăn ngừa: (i) Việc xúi giục hay ép buộc trẻ em tham gia vào bất kỳ hoạt động tình dục bất hợp pháp nào; (ii) Việc sử dụng có tính chất bóc lột trẻ em trong các hoạt động mại dâm và các hoạt động tình dục trái pháp luật khác; (iii) Việc sử dụng có tính chất bóc lột trẻ em trong việc biểu diễn và thực hiện các tài liệu khiêu dâm[4].
Nghị định thư không bắt buộc bổ sung Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em về việc buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em (2000) đòi hỏi các quốc gia thành viên phải có biện pháp cụ thể để nghiêm cấm việc mua bán trẻ em, mại dâm trẻ em và khiêu dâm trẻ em - các hoạt động mà bản thân văn kiện này nhìn nhận là có liên quan mật thiết tới hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Những định nghĩa được quy định trong Nghị định thư này là những định nghĩa rộng, bao trùm nhiều hành vi khác nhau như: Mại dâm trẻ em (việc sử dụng trẻ em vào các hoạt động tình dục để nhận tiền hoặc bất kỳ hình thức thanh toán nào khác), khiêu dâm trẻ em (bất cứ sự thể hiện nào, dù bằng bất kỳ phương tiện gì, việc trẻ em tham gia vào các hoạt động tình dục một cách rõ ràng, thật hoặc mô phỏng hoặc bất kỳ sự thể hiện nào về những bộ phận sinh dục của trẻ em chủ yếu nhằm các mục đích tình dục). Nghị định thư này cũng quy định các quốc gia thành viên phải hình sự hóa những hành vi kể trên bất kể hành vi đó được thực hiện dưới hình thức nào (ví dụ: Hành vi này luôn luôn cấu thành tội phạm bất kể là do cá nhân thực hiện hay có tổ chức, trong một nước hay xuyên quốc gia). Ngoài ra, Nghị định thư này còn đòi hỏi hình sự hóa và có chế tài xử phạt thích đáng đối với các hành vi nghiêm trọng liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em như: Cung cấp, chuyển giao, hay tiếp nhận trẻ em dưới bất cứ hình thức nào nhằm mục đích bóc lột tình dục trẻ em; mời chào, tìm giúp, môi giới hoặc cung cấp trẻ em cho mục đích mại dâm trẻ em; làm ra, phát tán, phổ biến, nhập khẩu, xuất khẩu, chào mời, bán hoặc tàng trữ tài liệu khiêu dâm trẻ em và tổ chức, xúi giục, giúp sức người thực hiện tội phạm thực hiện một trong các hành vi kể trên hoặc hành vi của người thực hiện tội phạm ở giai đoạn chưa hoàn thành.
Thứ hai, quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em
Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định trực tiếp hành vi xâm hại tình dục trẻ em là một tội danh, tuy nhiên, hành vi này sẽ bị xử lý hình sự thông qua một số tội danh khác liên quan đến hành vi này, cụ thể:
Xâm hại tình dục: Bộ luật Hình sự năm 2015 ghi nhận một số tội liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em, theo đó, bất kỳ hành vi giao cấu nào với trẻ em dưới 13 tuổi đều bị coi là hiếp dâm người dưới 16 tuổi và phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc với khung hình phạt cao nhất là tử hình. Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng có quy định một số tội danh khác như: Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi (Điều 144)[5], Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145) và Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146), Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147). Như vậy, đối với hành vi xâm hại tình dục trẻ em Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những điều khoản quy định cụ thể và có chế tài hình sự nghiêm khắc đối những hành vi này, đáp ứng được yêu cầu của các văn bản pháp luật quốc tế.
Mại dâm trẻ em: Bộ luật Hình sự hiện hành không quy định riêng một tội danh về “mại dâm trẻ em”. Tuy nhiên, Điều 329 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định hành vi về mua dâm với người dưới 18 tuổi, cụ thể, những người có hành vi mua dâm với người dưới 18 tuổi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bất kể người chưa thành niên đồng ý với hành vi đó. “Mua dâm” được định nghĩa là hành vi của một người mua chuộc một trẻ chưa thành niên bằng lợi ích vật chất để trẻ đồng ý với hành vi giao cấu. Người mua dâm trẻ em dưới 13 tuổi bị xử lý về hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi và bị áp dụng chế tài nghiêm khắc. Bộ luật Hình sự cũng cấm hành vi chứa chấp mại dâm (Điều 327) và môi giới mại dâm (Điều 328). Đối với cả hai tội danh này, hình phạt tăng nặng sẽ được áp dụng cho tội danh đối với trẻ em từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi và từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi.
Khiêu dâm trẻ em: Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy bao gồm các hành vi: Làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán hoặc tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy. Trường hợp phạm tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy đối với người dưới 18 tuổi thì hình phạt là tù từ 03 năm đến 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như phạt tiền, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Các thuật ngữ được sử dụng trong Bộ luật Hình sự năm 2015 để hình sự hoá hành vi truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu của Nghị định thư không bắt buộc của Công ước về quyền trẻ em.
Nhìn chung, theo quy định của Luật Hình sự Việt Nam, mặc dù không quy định trực tiếp hành vi xâm hại tình dục trẻ em nhưng thông qua các tội danh cụ thể khác liên quan đến nhóm hành vi xâm hại tình dục trẻ em phần nào cũng đã tiếp cận và sát hợp với các văn bản pháp luật quốc tế về quyền trẻ em.
2. Một số bất cập và đề xuất hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam về các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em
Trên cơ sở đánh giá quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật hình sự Việt Nam về các tội phạm liên quan đến hành vi xâm hại tình dục trẻ em, chúng tôi nhận thấy còn một số bất cập và có một số đề xuất hướng hoàn thiện pháp luật hình sự như sau:
Thứ nhất, để tạo cơ sở cho việc xây dựng quy định về hành vi xâm hại tình dục trẻ em cần thống nhất khái niệm “trẻ em”. Trước đây, Bộ luật Hình sự năm 1999 đồng thời sử dụng hai khái niệm “trẻ em” và “người chưa thành niên”. Các khái niệm này được ghi nhận trong các luật cụ thể, theo Luật Trẻ em năm 2016 quy định “trẻ em là người dưới 16 tuổi” (Điều 1); còn theo Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi” (Điều 21). Việc sử dụng đồng thời hai khái niệm này tạo ra sự phân biệt “không cố ý” giữa trẻ em dưới 16 tuổi và người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (với vai trò là nạn nhân). Quy định như trên phần nào cũng chưa phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế, theo đó, các quốc gia phải định nghĩa “trẻ em” là mọi người dưới 18 tuổi. Về vấn đề này, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có sự sửa đổi không sử dụng thuật ngữ “trẻ em” và “người chưa thành niên” mà sử dụng các mốc độ tuổi để xác định như một tình tiết định khung tăng nặng trong các tội liên quan đến người dưới 18 tuổi (với vai trò là nạn nhân). Tuy nhiên, việc quy định như vậy cũng chỉ thay đổi về mặt hình thức chưa phản ánh được nội hàm của thuật ngữ “trẻ em” theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em, điều này đặt ra yêu cầu phải tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng mở rộng độ tuổi của nạn nhân (đối với cả người từ 16 đến dưới 18 tuổi) để bảo đảm tất cả trẻ em được bảo vệ đầy đủ theo quy định của các chuẩn mực quốc tế và đảm bảo sự phù hợp giữa luật quốc gia và luật quốc tế.
Thứ hai, mặc dù Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có sự thay đổi ở một số tội danh liên quan đến vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, tuy nhiên, cũng có một số nội dung khác cần phải được nghiên cứu bổ sung. Chẳng hạn, hành vi gây cảm tình với nạn nhân (Grooming conduct) hiện nay chưa được tội phạm hóa trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Hành vi này xảy ra khi kẻ phạm tội xâm hại tình dục trẻ em - có hành vi săn đón để bắt đầu và phát triển mối quan hệ với trẻ em, sử dụng quan hệ đó để xây dựng lòng tin nhằm mục đích cuối cùng là tiến tới việc xâm hại tình dục trẻ em đó[6]. Trong Luật Hình sự Việt Nam, hành vi gây cảm tình nhằm thực hiện hành vi phạm tội khá tương đồng với hành vi chuẩn bị thực hiện tội phạm (Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 2015), tuy nhiên, các hành vi liên quan đến chuẩn bị thực hiện tội phạm xâm hại tình dục trẻ em lại không phải chịu trách nhiệm hình sự chính điều này tạo ra khoảng trống pháp lý và không đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa đối với người chuẩn bị thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
Thứ ba, để phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em và các văn bản pháp lý liên quan, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định việc chứa mại dâm và môi giới mại dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi như là một tình tiết tăng nặng trong hai tội này (Điều 327, Điều 328 Bộ luật Hình sự năm 2015).
Về mặt lập pháp có thể thấy mối liên hệ giữa ba hành vi chứa mại dâm, môi giới mại dâm và mua dâm người dưới 18 tuổi, nhưng việc xây dựng nội dung của ba điều luật này còn thiếu sự thống nhất. Chẳng hạn, trong trường hợp người có hành vi chứa chấp, môi giới mại dâm hoặc mua dâm mà nạn nhân là trẻ em duới 13 tuổi, thì người phạm tội không bị xử về các hành vi chứa chấp hay môi giới mại dâm hay mua dâm người dưới 18 tuổi mà bị xử về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (đối với người có hành vi mua dâm trẻ em) hoặc với vai trò là người đồng phạm cho hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi (đối với người có hành vi chứa, môi giới mại dâm). Tuy nhiên, nếu người mua dâm người dưới 13 tuổi chưa thực hiện được hành vi phạm tội, thì không thể xử lý người có hành vi mua dâm cũng như người chứa chấp, môi giới mại dâm. Trong khi đó, độ tuổi của nạn nhân dưới 13 tuổi chưa được nhà làm luật ghi nhận trong tội chứa mại dâm và môi giới mại dâm dẫn tới lúng túng khi cá thể hoá trách nhiệm hình sự của người chứa và môi giới mại dâm người dưới 13 tuổi. Chính vì thế, theo quan điểm chúng tôi, cần phải bổ sung tình tiết tăng nặng chứa chấp, môi giới mại dâm đối với người dưới 13 tuổi để xử lý về các hành vi này (trong trường hợp người mua dâm người dưới 13 tuổi chưa thực hiện được hành vi mua dâm).
Khoa Luật, Đại học Văn Lang
ThS. Nguyễn Duy Dũng
Khoa Luật, Đại học Nguyễn Tất Thành
[1]. Chính phủ (2020), Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Hà Nội, tr. 03.
[2]. Bộ Công an, Báo cáo tổng kết thực hiện đấu tranh phòng chống mại dâm giai đoạn 2001 - 2005 và kế hoạch đấu tranh phòng chống mại dâm giai đoạn 2006 - 2010.
[3]. Liên Hợp Quốc (1989), Công ước về quyền trẻ em, Điều 3.
[4]. Liên Hợp Quốc (1989), Công ước về quyền trẻ em, Điều 34.
[5]. “Cưỡng ép quan hệ tình dục với trẻ em” được định nghĩa là “dùng những thủ đoạn lừa đảo để dụ dỗ trẻ em phụ thuộc vào người vi phạm hoặc dụ dỗ trẻ vào hoàn cảnh buộc phải quan hệ tình dục với người vi phạm mà trái với ý muốn của trẻ”.
[6]. Luật quốc gia của Úc, Anh và Mỹ đã dẫn chứng những điển hình bằng việc quy định các tội danh cụ thể cho hành vi dụ dỗ, chẳng hạn, theo Trung tâm Tội phạm Công nghệ cao châu Âu (EUROPOL), hành vi gây cảm tình với nạn nhân là “các yếu tố của tội phạm bao gồm đề xuất cố ý của một người đã thành niên để gặp gỡ với một trẻ em (người chưa đến tuổi hợp pháp đối với các hành vi tình dục) với ý định thực hiện hành vi xâm hại tình dục” (xem thêm: UNODC (2014), Bóc lột tình dục trẻ em trong du lịch và lữ hành: Báo cáo phân tích hệ thống pháp luật quốc gia, tr. 21).