Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định số 55) sau 10 năm thực hiện, đồng thời, tập huấn về kỹ năng đánh giá tác động thủ tục hành chính trong lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) và soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo Thông tư số 03/2022/TT-BTP ngày 10/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đánh giá tác động thủ tục hành chính trong lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, Quốc hội, Chính phủ đánh giá rất cao vai trò, vị trí của công tác pháp chế. Hàng năm, Quốc hội đều nghe báo cáo về công tác triển khai thi hành Hiến pháp, Luật và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết, trong đó có nội dung báo cáo về lực lượng, năng lực của đội ngũ cán bộ pháp chế. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng hết sức quan tâm, tại các hội nghị xây dựng pháp luật, Thủ tướng Chính phủ đều nhắc nhở lãnh đạo các bộ, ngành phải quan tâm công tác pháp chế và phải coi việc xây dựng đội ngũ cán bộ pháp chế vững mạnh cả về số lượng và chất lượng là nhiệm vụ quan trọng của các Bộ trưởng, Trưởng ngành.
Để có đội ngũ cán bộ pháp chế mạnh thì thể chế và các biện pháp hỗ trợ khác là hết sức quan trọng. Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Nghị định thay thế Nghị định số 55 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế. Vì vậy, Thứ trưởng mong các đại biểu tập trung thảo luận các giải pháp vượt qua khó khăn, nâng cao năng lực trình độ để đảm đương nhiệm vụ công tác được giao.
Trưởng đại diện Viện KAS Florian Feyerabend cho rằng, qua 10 năm là quãng thời gian để có thể phát hiện được điểm yếu, điểm mạnh, những bất cập cần khắc phục. Bên cạnh đó, ông hoan nghênh Hội nghị công tác pháp chế lần này hướng tới việc chú trọng tập huấn nâng cao trình độ, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của cuộc sống.
Lắng nghe các ý kiến phát biểu, kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh về phương hướng, nhiệm vụ tới đây. Theo đó, Thứ trưởng cho rằng cần tiếp tục nâng cao nhận thức vị trí, vai trò quan trọng của công tác pháp chế, tạo điều kiện, động lực cho cán bộ pháp chế phát triển. Đồng thời tăng cường năng lực trình độ nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế, trong đó mỗi người phải tự đào tạo, học hỏi, tiếp tục đẩy mạnh đào tạo văn bằng 2 tại Đại học Luật Hà Nội theo chương trình riêng cho cán bộ pháp chế cũng như đào tạo kỹ năng tại Học viện Tư pháp với các chương trình đa dạng khác nhau.
Ngoài ra, đội ngũ cán bộ pháp chế phải quyết tâm đổi mới, giải quyết công việc một cách bài bản hơn. Tăng cường phối kết hợp công tác giữa tổ chức pháp chế với các đơn vị, cơ quan khác. Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về tổ chức hoạt động của tổ chức pháp chế, trước hết là sửa đổi, bổ sung Nghị định 55.
Ghi nhận các ý kiến phát biểu tổng kết Nghị định 55 để Bộ nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho hay cách tiếp cận mới đối với Nghị định 55 là sẽ quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, tập trung quy định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; xem xét tổ chức pháp chế ở bộ, ngành theo hướng mở hơn, không cứng nhắc. Ở địa phương, Thứ trưởng cũng cho rằng chỉ thành lập Phòng Pháp chế có nhiều công việc liên quan đến phục vụ người dân, doanh nghiệp như Sở Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo…, còn lại có vị trí pháp chế chuyên trách và có vị trí việc làm. Không những thế, sẽ cân nhắc tiêu chuẩn, điều kiện cán bộ pháp chế, người đứng đầu tổ chức pháp chế, bảo đảm sát thực tế, khả thi, góp phần giúp đội ngũ pháp chế làm ngày càng tốt hơn, sâu sắc hơn nhiệm vụ của mình, khẳng định vị trí, tầm quan trọng của công tác pháp chế trong hoạt động chung của các bộ, ngành, địa phương.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị định 55./.