Ở Việt Nam hiện nay, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được quốc hội khóa XIII thông qua sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Điểm mới so với Bộ luật Hình sự năm 1999 đó là chế định TNHS của pháp nhân thương mại lần đầu tiên được quy định. Việc bổ sung quy định TNHS đối với pháp nhân vào Bộ luật Hình sự sẽ làm thay đổi hoàn toàn các quan niệm trước đây về năng lực trách nhiệm hình sự, lỗi, hình phạt trong cả lý luận khoa học luật hình sự mà còn cả luật thực định và thực tiễn xét xử của Tòa án.
1. Một số quan điểm khác nhau và cơ sở lý thuyết hình thành chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân
Quan điểm thứ nhất: TNHS là một loại quan hệ pháp luật giữa Nhà nước và người phạm tội. TNHS là nghĩa vụ phải chịu các biện pháp cưỡng chế nhà nước của người phạm tội do việc người đó thực hiện tội phạm. Thời điểm người phạm tội thực hiện tội phạm là thời điểm bắt đầu TNHS [1].
Quan điểm thứ hai: TNHS là hậu quả pháp lý của việc phạm tội, thể hiện ở chỗ người đã gây ra tội phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước Nhà nước[2].
Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng theo chúng tôi dựa trên các đặc điểm chung của trách nhiệm pháp lý và đặc điểm riêng của TNHS thì có thể hiểu TNHS là một dạng của trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất so với bất kỳ dạng trách nhiệm pháp lý nào khác đó là hậu quả pháp lý bất lợi của việc thực hiện tội phạm được thể hiện bằng việc áp dụng một hoặc nhiều biện pháp cưỡng chế của Nhà nước do Luật Hình sự quy định đối với người phạm tội. Là hậu quả pháp lý của việc thực hiện tội phạm, TNHS chỉ phát sinh khi có sự việc phạm tội.
Hiện nay, TNHS áp dụng đối với pháp nhân là một chế định quan trọng trong pháp luật hình sự của nhiều nước thuộc dòng họ pháp luật Anh - Mỹ điển hình là Anh, Hoa Kỳ, Québec (Canada), Úc, Hà Lan... và nhiều nước thuộc dòng họ pháp luật châu Âu lục địa như: Pháp, Thụy Sỹ, Đức, Bỉ.
Theo cuốn Từ điển pháp luật Hoa Kỳ có định nghĩa: Pháp nhân là một thực thể, khác hơn một tự nhiên nhân, mà có đời sống đầy đủ trong sự dự liệu pháp lý nó có thể thực hiện chức năng một cách hợp pháp, có thể bị kiện hoặc hoặc thưa kiện và có thể quyết định thông qua các đại diện như trong trường hợp của các công ty đối vốn [3]. Ở Hoa Kỳ người ta định nghĩa pháp nhân như là một thứ một do pháp luật đặt ra; không nhìn thấy được; cũng chẳng sờ mó được, tuy nhiên nó được làm một số việc như con người bình thường và có cả trách nhiệm lẫn quyền lợi; do vậy, nó có thể đi kiện người khác (cá nhân lẫn pháp nhân) và bị người ta kiện. Trong môt nghiên cứu nổi tiếng của mình GS. Vũ Văn Mẫu đã kết luận: Tuân theo xu hướng nhân hóa, luật pháp đã đồng hóa những đoàn thể, cá nhân hay tập hợp tài sản này với các người thường và công nhận cho các thực thể ấy một nhân cách pháp lý hay một nhân cách dân sự. Các thực thể ấy được gọi là pháp nhân[4].
Có thể thấy pháp nhân là một thực thể có đời sống pháp lý riêng, pháp luật đã dành cho nó những quy chế pháp lý nhất định. Pháp nhân có cơ cấu tổ chức nhất định, nếu không nói là chặt chẽ và mô hình quản trị hiện đại như các công ty niêm yết. Pháp nhân tham gia vào các vụ kiện với tư cách là đương sự có quyền và nghĩa vụ tương tự như các đương sự khác (bao gồm cả cá nhân), là bị đơn hoặc nguyên đơn trong các vụ kiện. Trong các giao dịch pháp nhân chịu trách nhiệm vô hạn định với các con nợ của mình bằng chính tài sản của pháp nhân, tức là pháp nhân có tài sản riêng của chính mình. Ngoài ra, pháp nhân còn có đời sống pháp lý tách bạch với những người sáng lập nó, khi tham gia góp vốn tạo lập nên các pháp nhân, người sáng lập đã chuyển khối tài sản của mình được định giá bằng phần giá trị vốn góp vào để thành lập pháp nhân, lúc này các pháp nhân sẽ là chủ sở hữu của phần vốn góp trên, có quyền định đoạt đối với chúng, người sáng lập lúc này trở thành những người đồng sở hữu của pháp nhân và chỉ có quyền sở hữu đối với phần vốn góp của mình vào để thành lập nên pháp nhân. Trên thực tế, pháp nhân có thể tồn tại hàng trăm năm, có đời sống pháp lý lâu hơn so với những người sáng lập nên nó điển hình là các Keiretsu của người Nhật, Cheabol của Hàn Quốc, Huaren Gongsi của Trung Quốc.
Trên thực tế, TNHS của pháp nhân đã được thừa nhận trong một số phán quyết của Tòa án ở Pháp, Anh từ thế kỉ XVII. Tuy nhiên, chế định này sau đó lại không được thừa nhận trong luật hình sự các nước này trong những thế kỉ tiếp theo. Lý do của hiện tượng này đó là việc xem pháp nhân chỉ là chủ thể giả tưởng và coi nó như là một phương pháp để quản lý các tổ chức của con người. Họ cho pháp nhân không có ý chí mà chỉ có con người mới có nhân tính và ý chí, nên con người mới là chủ thể thực sự của các quyền. Nếu tổ chức có tư cách pháp nhân thì điều đó có nghĩa là tổ chức có một ý chí. Như vậy, đã tạo ra một sự giả tưởng tức là thuyết pháp nhân giả tưởng. Chính vì pháp nhân không có thể xác và cũng không có linh hồn, nó chỉ là những cấu trúc pháp lý được thiết lập nhằm phục vụ các lợi ích cá nhân của những thành viên của pháp nhân. Các nghị quyết của pháp nhân chỉ là kết quả của con số cộng các ý chí cá nhân của các thành viên chứ không phải từ sự mong muốn của chính bản thân pháp nhân. Do vậy, không thể quy kết hành vi của pháp nhân xuất phát từ ý chí và lý trí của chính pháp nhân. Đó chỉ là ý chí của những con người cụ thể mà thôi. Những con người cụ thể ở đây chính là những cá nhân cấu thành một pháp nhân nào đó, họ có thể là những nhân viên thừa hành, những người lãnh đạo, quản lý đại diện cho pháp nhân hay nhân danh pháp nhân thực hiện một công việc cụ thể…[5]. Vì pháp nhân là do con người lập ra và hoạt động của nó chỉ có thể thực hiện thông qua những con người cụ thể nên nó (pháp nhân) không thể và không bao giờ có lỗi - có thái độ tâm lý của quan của con người (như suy nghĩ, tính toán, dự tính, mong muốn…) và vì vậy, theo logic của sự việc và phép biện chứng triết học - không có lỗi thì cũng không có TNHS. Chính vì không thê chấp nhận lỗi hình sự của pháp nhân mà trước đây luật hình sự nước ta không quy định TNHS của pháp nhân là sự thể hiện của nguyên tắc quy tội khách quan, tức là truy cứu TNHS chủ thể nào đó mà không chứng minh được lội hình sự của chủ thể đó - nguyên tắc phi dân chủ không thể chấp nhận được đã từng tồn tại trong PLHS của các Nhà nước chiếm hữu nô lệ, phong kiến[6].
Tuy nhiên, thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm ở nhiều nước cho thấy tình hình tội phạm có tổ chức, đặc biệt là các vi phạm và tội phạm do pháp nhân thực hiện trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, môi trường ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp, gây tác hại, hậu quả lớn cho lợi ích xã hội. Đứng trước tình hình đó, với chính sách hình sự mềm dẻo nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh và phòng chống tội phạm. Luật Hình sự của nhiều nước thuộc dòng họ pháp luật Anh - Mỹ và dòng họ pháp luật châu Âu lục địa đã áp dụng chế độ TNHS của pháp nhân khi coi pháp nhân thực tại không kém gì thể nhân và có ý chí, nên phải là chủ thể của các quyền hay chủ thể của pháp luật, do đó dẫn đến quan niệm pháp nhân không phải là sự tạo lập của nhà làm luật mà là một thực tại buộc pháp luật phải thừa nhận chứ không phải là chủ thể giả tưởng của pháp luật, mô phỏng vị trí pháp lý của thể nhân, dẫn đến hệ quả logic là coi sự tồn tại của pháp nhân phụ thuộc vào ý chí của nhà làm luật[7].
Ở Pháp án lệ đã giải thích về khái niệm pháp nhân theo học thuyết thực tại như sau: “Nhân tính không phải là một sự sáng tạo của luật lệ. Mỗi một đoàn thể có một sự phát biểu tập thể để bảo toàn những lợi ích hợp pháp, đáng được pháp luật công nhận và bảo vệ, đều có tư cách pháp nhân[8]”. Sự ra đời của thuyết thực tại và sự phủ nhận thuyết giả tưởng về pháp nhân đã tạo cơ sở cho sự ra đời các lý thuyết về TNHS của pháp nhân trong luật hình sự của các nước mà điển hình là Học thuyết đồng nhất hóa TNHS.
Lý thuyết đồng hóa TNHS được áp dụng rộng rãi ở các nước theo truyền thống pháp luật Anh - Mỹ như Anh, Hoa Kỳ, Canada. Ở Anh lý thuyết có nguồn gốc từ các vụ án lệ. Ví dụ như: “Tranh chấp giữa Công ty TNHH Vận tải Lennard và công ty TNHH dầu khí Asiatic”. Tòa án đã lập luận: “TNHS có thể được áp dụng đối với một công ty vì các hành vi của giám đốc”[9]. Ở Canada, trên cơ sở việc xây dựng các án lệ thì chế định TNHS của pháp nhân đã được xây dựng trong Luật Hình sự của Canada. Đáng chú ý nhất là phán quyết của quan tòa trong vụ tranh chấp giữa “Canadian Dredge & Dock Company, Limited, Marine Industries Limited, The J.P. Porter Company Limited, and Richelieu Dredging Corporation Inc. v. Her Majesty The Queen”. Nó được coi là phán quyết quan trọng nhất trên lĩnh vực TNHS của pháp nhân trong Luật Hình sự của Canada. Trong phán quyết của mình Tòa tối cao Canada đã nhấn mạnh: “Lý thuyết này được áp dụng để xác định khi nào một công ty phải chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội của mình: Nhân tính của công ty và hành vi của những người điều hành của công ty tạo nên thống nhất. Nếu một người điều hành của công ty phạm tội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình mà việc thực hiện hành vi đó hoàn toàn mang lại lợi ích cho công ty, thì công ty cũng chịu TNHS về hành vi phạm tội do người điều hành của công ty gây ra”[10].
Theo các án lệ ở Anh, Canada và các nước theo truyền thống pháp luật Common law thì nội dung chính của học thuyết đồng nhất hóa thể hiện cơ bản ở chỗ học thuyết này coi hành vi và lỗi của những người quản lý, điều hành pháp nhân (thể nhân) như chính là hành vi, lỗi của pháp nhân. Nói cách khác, hành vi, lỗi của pháp nhân được đánh giá thông qua hành vi, lỗi của những người quản lý, điều hành pháp nhân (thể nhân)[11]. Điều kiện để truy cứu TNHS của pháp nhân theo học thuyết này thì cần phải thỏa mãn ba điều kiện sau:
Thứ nhất, hành vi phạm tội do người quản lý, điều hành pháp nhân pháp nhân đó thực hiện
Người quản lý, điều hành của pháp nhân được hiểu thông thường đó là những người đại điện theo pháp luật của pháp nhân như giám đốc, tổng giám đốc. Tuy nhiên trong một số trường hợp đó còn bao gồm các cơ quan của pháp nhân đó là những tổ chức được hình thành theo các quy định của pháp luật hoặc theo các quy chế của pháp nhân, được tổ chức và hoạt động trên danh nghĩa của pháp nhân. Nó được tạo lập bởi nhiều cá nhân. Các nghị quyết hoặc các quyết định của pháp nhân có thể được hình thành từ quyết định tập thể từ các thành viên của các cơ quan nói trên. Quan điểm này xuất phát từ việc áp dụng lý thuyết về đại diện. Lý thuyết đại diện đã khẳng định: “công ty với tư cách là một pháp nhân - một thực thể pháp lý độc lập tự bản thân nó không thể hành động cho chính mình mà chỉ có thể hành động thông qua con người cụ thể - những người quản lý công ty. Cũng vì thế, công ty luôn cần có người đại diện trong giao dịch để xác lập và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình”[12].
Thứ hai, người quản lý, điều hành của pháp nhân phải thực hiện hành vi phạm tội nhân danh, thay mặt hoặc đại diện cho pháp nhân
Người quản lý, điều hành của pháp nhân phải hành động với tư cách của pháp nhân trong khuôn khổ chức năng nhiệm vụ của pháp nhân chứ không phải tư cách cá nhân. Nếu hành động với tư cách là người được ủy quyền, họ phải thực hiện một tội phạm trong khuôn khổ chức năng nhiệm vụ được ủy quyền. Pháp nhân không phải chịu TNHS về những tội phạm được thực hiện (kể cả trong trường hợp bì lợi ích của pháp nhân) bởi một trong thành viên của pháp nhân nếu người này không có tư cách đại diện theo pháp luật, đại diện theo ủy quyền hoặc hoặc lợi dung danh nghĩa của pháp nhân để thực hiện hành vi phạm tội vì quyền lợi của mình. Trường hợp người lãnh đạo, quản lý pháp nhân, những người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền của pháp nhân lại phạm tội do vượt quá thẩm quyền được trao thì về nguyên tắc pháp nhân sẽ không chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá thẩm quyền của người đó gây ra.
Thứ ba, hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân
Trong án lệ HR 27-01-1948, NJ 1948, 197 Vroom & Dreesman, Tòa tối cao Hà Lan đã dựa trên điểm này khi cho rằng: Người thực hiện hành vi phạm tội phải là người quản lý, điều hành của pháp nhân hoặc một người nào khác được ủy quyền hành động trên danh nghĩa của pháp nhân, trong phạm vi thẩm quyền của mình những người này hành động phù hợp chức năng nhiệm vụ của pháp nhân và hoàn toàn vì lợi ích của pháp nhân[13].
Hiện nay, nguyên tắc đồng chất hóa trở thành tiền lệ cho việc áp dụng TNHS đối với pháp nhân, giữ vai trò chủ đạo về mặt lý luận trong việc xác định TNHS pháp nhân ở Anh và lý luận đồng nhất hóa được thể hiện cụ thể trong pháp luật của nhiều nước. Học thuyết đồng nhất hóa bước đầu đã giải quyết được khiếm khuyết trong học thuyết trách nhiệm thay thế[14].
3. Một vài nét đặc trưng cơ bản về trách nhiệm hình sự của pháp nhân dưới góc độ luật học so sánh.
Một là, chủ thể chịu quy kết trách nhiệm hình sự khi thực hiện tội phạm
Nhìn chung, pháp luật hình sự của nhiều nước quy định chủ thể chịu quy kết TNHS khi thực hiện tội phạm không chỉ là pháp nhân mà còn có cả các cơ quan, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, đó có thể là các pháp nhân bao gồm pháp nhân công và pháp nhân tư và đó có thể là các tổ chức mà không có tư cách pháp nhân như các nhóm, hội. Các pháp nhân tư bao gồm pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên bao gồm các doanh nghiệp, công ty và tổ chức kinh tế khác. Ngược lại, pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội.
Ở Việt Nam, TNHS chỉ được áp dụng đối với pháp nhân thương mại. Điều 2 Bộ luật Hình sự năm 2015 về cơ sở TNHS: “Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội… phải chịu TNHS”. Quy định này cho thấy chủ thể áp dụng TNHS của pháp nhân trong luật hình sự Việt Nam có phạm vi hẹp hơn so với Luật Hình sự ở các nước.
Hai là, tội phạm mà chủ thể bị quy kết trách nhiệm hình sự theo bản án, quyết định của Tòa án
Nhìn chung, pháp luật hình sự của nhiều nước quy định pháp nhân bị quy kết TNHS theo bản án, quyết định của Tòa án đối với mọi tội phạm được quy định trong luật hình sự quốc gia. Nguyên tắc này được tìm thấy trong luật hình sự nhiều nước như Anh, Bỉ, Hà Lan, Canada, Trung Quốc. Điều 31 Bộ luật hình sự Trung Quốc 1997 quy định: “Các công ty, xí nghiệp, đơn vị sự nghiệp, cơ quan đoàn thể chịu trách nhiệm hình sự về trường hợp mà Bộ luật Hình sự... này có quy định”. Khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự Hà Lan có quy định: “Các tội phạm có thể được thực hiện bởi các cá nhân hoặc pháp nhân”[15]. Luật Hình sự Pháp lại quy định rõ hơn khi xác định pháp nhân chỉ chịu TNHS khi luật hoặc nghị định chuyên ngành có quy định. Ở Pháp, ngoài Bộ luật Hình sự được ban hành 1992, trách nhiệm hình sự của pháp nhân còn được xác định đối với một số tội phạm được quy định trong các bộ luật như Bộ luật Quân sự, Bộ luật Tài nguyên, Bộ luật Sở hữu trí tuệ... hoặc trong các văn bản pháp luật chuyên biệt về các lĩnh vực môi trường, lao động, xây dựng, thể thao, giải trí, sức khỏe, tiêu dùng... Việc tội phạm trong luật hình sự Cộng hòa Pháp còn được quy định ở các văn bản pháp luật chuyên ngành thể hiện tính đa dạng của văn bản luật hình sự, làm cho người dân tiện tìm hiểu khi họ tham gia vào lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội[16]... Ví dụ, Điều 221 Bộ luật Hình sự Cộng hòa Pháp 1992 quy định pháp nhân phải chịu TNHS về tội giết người. Trong một vụ án mà Film Recovery Systems bị quy kết về tội giết người xảy ra tại Quận Cook, tiểu bang Illinois, Hoa Kỳ GS Norval Morris, Đại học Chicago đã nhận định: “Tội giết người đối với các công ty không phải là hiếm. Ở Illinois, giết người bao gồm giết người tự nguyện và giết người không tự nguyện. Trong các trường hợp giết người, bị can thường bị buộc tội giết ai đó bằng hành động thiếu thận trọng[17]”.
Ở Việt Nam, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định 31 tội danh, trong đó, 22 tội thuộc Chương XVIII. Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và 09 tội thuộc Chương XIX Các tội phạm về môi trường, nếu phạm một trong các tội này, thì pháp nhân thương mại phải chịu TNHS (Điều 76). Quy định này cho thấy loại tội phạm mà pháp nhân phải chịu Bộ luật Hình sự có phạm vi hẹp hơn so với Luật Hình sự ở các nước.
Ba là, hình phạt áp dụng đối với chủ thể bị quy kết trách nhiệm hình sự theo bản án, quyết định của Tòa án
Bởi vì, không thể dụng các hình phạt tù để hạn chế, tước quyền tự do đối với các pháp nhân như áp dụng với các cá nhân phạm tội. Nên pháp luật hình sự các nước đều quy định hình phạt áp dụng đối với pháp nhân phạm tội chủ yếu là hình phạt tiền với tư cách luôn là hình phạt chính. Quy định này được áp dụng phổ biến ở nhiều nước thuộc hệ thống pháp luật Anh - Mỹ như Anh, Hoa Kỳ, Úc, Canada…, và nhiều nước thuộc hệ thống pháp luật châu Âu lục địa như Pháp, Bỉ, Đức… Ở Trung Quốc một quốc gia thuộc hệ thống pháp luật XHCN cũng có quy định tương tự khi quy định hình phạt áp dụng đối với pháp nhân phạm tội là hình phạt tiền.
Bên cạnh hình phạt tiền, pháp luật hình sự một số nước mà điển hình là các nước thuộc hệ thống pháp luật châu Âu lục địa còn áp dụng một số hình phạt khác như giải thể, cấm tiến hành trực tiếp hoặc gián tiếp một hoặc nhiều hoạt động nghề nghiệp trong một thời hạn nhất định; đóng cửa một hoặc nhiều cơ sở của pháp nhân mà pháp nhân sử dụng để tiến hành các hoạt động phạm tội trong một thời hạn nhất định; tịch thu vật đã được sử dụng vào việc thực hiện tội phạm hoặc phạm tội mà có; niêm yết bản án, quyết định đã được Tòa án tuyên về hành vi phạm tội của pháp nhân trên phương tiện thông tin đại chúng[18]. Các hình phạt này được áp dụng với tư cách là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung tùy theo luật hình sự từng quốc gia quy định. Nhìn chung các hình phạt này áp dụng cho pháp nhân với tính chất “phòng ngừa” nhằm mục đích không để cho tội phạm xảy ra, thủ tiêu các nguyên nhân và điều kiện của tội phạm[19].
Ở Việt Nam, Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung. Hình phạt chính bao gồm: Phạt tiền (Điều 77), đình chỉ hoạt động có thời hạn (Điều 78), đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (Điều 79). Hình phạt bổ sung bao gồm: Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định (Điều 80), cấm huy động vốn (Điều 81) và các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội (Điều 82). Quy định này cho thấy hình phạt áp dụng đối với pháp nhân phạm tội có sự tương đồng với Luật Hình sự ở các nước.
4. Kiến nghị
Ở Việt Nam, pháp luật hình sự trước đây không quy định về TNHS của pháp nhân với lý do “chưa đủ cơ sở khoa học quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân”. Quan điểm này lý giải: Theo pháp luật hiện hành của Nhà nước ta thì hình phạt chỉ áp dụng đối với cá nhân, tức là theo nguyên tắc cá thể hóa TNHS, tội phạm là con người cụ thể, nên không truy cứu TNHS đối với pháp nhân. Việc truy cứu TNHS phải trải qua quá trình tố tụng phức tạp, kéo dài nên sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các pháp nhân kinh tế, trong đó xử lý bằng biện pháp hành chính với thủ tục nhanh gọn sẽ ít tác động tiêu cực hơn đối với pháp nhân[20]. Tuy nhiên, quan điểm trên là chưa thuyết phục, theo một số tác giả xuất phát từ điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa, lịch sử cụ thể trong từng giai đoạn phát triển hiện nay của nước ta và trên cơ sở nghiên cứu về lý luận, thực tiễn kinh nghiêm quy định TNHS của pháp nhân ở Việt Nam và nước ngoài, thì đã có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để công nhận TNHS của pháp nhân[21], hoặc việc quy định TNHS của pháp nhân trong BLHS sẽ giải quyết định rất nhiều vấn đề cả về lí luận và thực tiễn. Trước hết, các quy định trong BLHS làm sâu sắc, đầy đủ thêm hệ thống lí luận của khoa học luật hình sự, vốn dĩ từ trước đến nay chỉ thừa nhận TNHS đối với cá nhân, việc bổ sung quy định TNHS đối với pháp nhân không làm thay đổi hệ thống lí luận của luật hình sự mà ngược lại còn giúp ngành khoa học này đa dạng, phong phú hơn các học thuyết về tội phạm và hình phạt. Bên cạnh đó, các quy định này đã đáp ứng được yêu cầu trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó có hoạt động lập pháp. Mặt khác, với quá trình hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường cho thấy tình hình vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện diễn ra phức tạp và ngày càng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, mặc dù chúng ta đã có chế tài xử phạt vi phạm hành chính và có quy định trong pháp luật dân sự, kinh tế để người dân, cơ quan, tổ chức kiện đòi bồi thường thiệt hại đối với pháp nhân có hành vi vi phạm, nhưng trên thực tế, các quy định này còn bất cập, kém hiệu quả. Điều này dẫn đến trên thực tế có tình trạng pháp nhân coi thường pháp luật, ngang nhiên vi phạm. Mặt khác, mức phạt tiền trong Luật Xử lý vi phạm hành chính còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Mức tối đa áp dụng đối với pháp nhân không vượt quá 2 tỷ đồng. Với mức phạt này, nhiều pháp nhân, nhất là các pháp nhân là các tập đoàn lớn hoặc các công ty đa quốc gia có thể chấp nhận nộp phạt để tiếp tục vi phạm[22]. Ngoài ra, việc quy định xử lý hình sự đối với pháp nhân là xu thế chung trên thế giới, hiện có 119 nước trên thế giới đã quy định TNHS của pháp nhân. Trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á có 5/10 nước đã quy định chính thức và 2/10 nước (Lào và Brunei) đang trong quá trình xem xét[23]. Trong môt tác phẩm của mình tác giả Đào Trí Úc đã nhận định: “Trên thực tế hành vi nguy hiểm cho xã hội có thể do một tập thể gây ra từ kết quả của việc đưa ra những quyết định sai trái. Một số tội phạm, trên thực tế, cũng có thể do cá nhân hoặc tổ chức gây ra”[24]. Nhận thức được điều này Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định về TNHS của pháp nhân không chỉ phù hợp với thông lệ quốc tế mà còn phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, đáp ứng yêu cầu xử lý các hành vi nguy hiểm nghiêm trọng do pháp nhân gây ra trong hoạt động kinh tế, thương mại tác động tiêu cực đến môi trường sống diễn ra trong thời gian qua như: Epco-Minh Phụng, Hưng Nghiệp Formosa, Công ty Vedan, sự cố tràn dầu tại cảng Cát Lái... Tuy nhiên theo chúng tôi khi nghiên cứu dưới góc độ luật học so sánh thì pháp luật hình sự của Việt Nam khi quy định về TNHS của pháp nhân cần phải làm rõ hơn những vấn đề sau:
Thứ nhất, mở rộng chủ thể chịu TNHS không chỉ giới hạn ở pháp nhân thương mại mà chủ thể còn có pháp nhân phi thương mại, pháp nhân công. Quy định này cũng xuất hiện trong luật hình sự nhiều nước như Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan, Trung Quốc. Thực tiễn xét xử ở Pháp cho thấy: Trong số 100 bản án đầu tiên tuyên trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân có 6 bản án liên quan tới pháp nhân theo luật công[25].
Thứ hai, mở rộng loại tội phạm mà pháp nhân phải chịu TNHS không chỉ giới hạn trong 31 tội danh về trật tự quản lý kinh tế và môi trường mà cần phải mở rộng các tội danh liên quan đến xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người; gian lận tài chính, truyền tải thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn trong giao dịch về bất động sản, cưỡng bức lao động với người làm công. Các tội danh này được quy định tương đối phổ biến trong luật hình sự các nước.
Thứ ba, khoản 2, Điều 75 TNHS năm 2015 quy định việc pháp nhân thương mại chịu TNHS không loại trừ TNHS của cá nhân. Quy định này làm phát sinh một vấn đề là cá nhân và pháp nhân thương mại là cùng nhau phạm tội thì có được xem là đồng phạm trong cùng một vụ án hay không? Xác định lỗi và vai trò của cá nhân và pháp nhân thương mại môt một hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại như thế nào? Trong một vụ phạm tội của pháp nhân thì cá nhân sẽ phải chịu trách nhiệm về cùng một tội danh hay sẽ bị xử lý theo tội danh khác? Tội danh khác đó, nếu có là tội gì? Trong trường hợp bị xét xử cùng một tội danh thì có xem xét vấn đề đồng pháp không?[26] Tất cả những câu trả hỏi này Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định rõ.
Nghiên cứu so sánh, chúng tôi thấy PLHS Bỉ có quy định cụ thể về vấn đề này. Đối với tội phạm cố ý thì TNHS của pháp nhân và cá nhân được đồng nhất hóa tức là pháp nhân bị truy cứu tội gì thì cá nhân cũng bị truy cứu về tội đó. Đối với tội phạm do vô ý thì sẽ quy kết TNHS cho chủ thể có lỗi chính trong việc gây nên hành vi phạm tội, có thể là cá nhân hoặc pháp nhân nhưng không có sự đồng nhất hóa TNHS.
Thứ tư, khoản 1 Điều 75 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định những điều kiện cần và đủ để xác định TNHS đối với pháp nhân. Điều này cho thấy Bộ luật Hình sự năm 2015 đã áp dụng các điều kiện để truy cứu TNHS của pháp nhân theo học thuyết đồng nhất hóa TNHS. Tuy nhiên, để áp dụng thuận lợi và thống nhất trong thực tiễn xét xử,phòng ngừa đấu tranh và chống tội phạm, vì ở nước ta mặc dù đã nghị quyết ban hành án lệ của Tòa án nhân dân tối cao tuy nhiên Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lại chưa ban hành án lệ về trường hợp này. Theo một số quan điểm thì để giải quyết vướng mắc này cần phải phân loại TNHS theo dạng hành vi cụ thể của pháp nhân với 3 trường hợp: (i) Pháp nhân có thể phải chịu TNHS về hành vi không được thực hiện nghĩa vụ được quy định trực tiếp cho pháp nhân; (ii) Pháp nhân có thể phải chịu TNHS về hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh và vì lợi ích của tổ chức; (iii) Pháp nhân phải chịu TNHS trong trường hợp người của pháp nhân đã phạm tội khi thực hiện công việc được pháp nhân giao và việc phạm tội này có phần lỗi của pháp nhân[27]. Theo chúng tôi, cách xác định này cũng có những điểm hợp lí và có thể phù hợp cho việc truy cứu TNHS của pháp nhân và đặc biệt, phù hợp với lí luận khoa học luật hình sự Việt Nam.
TS. Phan Thị Nhật Tài & Trịnh Tuấn Anh
Khoa Luật, Đại học Duy Tân