Sáng 15/2, sau phiên khai mạc Phiên họp thứ 8, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ).
Cân nhắc quy định rõ biện pháp vũ trang, sử dụng biện pháp vũ trang
Sau khi nghe báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật CSCĐ, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Góp ý thêm một số nội dung cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần cân nhắc quy định rõ biện pháp vũ trang, sử dụng biện pháp vũ trang và một số khái niệm khác mà các luật khác chưa quy định, nếu cần thiết có thể tổ chức hội đàm, hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia để có khái niệm chuẩn xác quy định trong luật.
Về quyền hạn của CSCĐ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật đã dự kiến tiếp thu, chỉnh lý về quyền hạn CSCĐ đã thể hiện quan điểm của đại biểu Quốc hội, không chồng chéo về quyền hạn với lực lượng khác. Do thực hiện quyền hạn CSCĐ có liên quan nhiều đến quy định pháp luật như hạn chế quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp, quyền về tài sản được pháp luật bảo hộ… nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục rà soát, quy định cụ thể, rõ ràng hơn, bảo đảm thống nhất, khả thi, thuận lợi và tránh lạm quyền.
Đồng thời, lựa chọn những vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu chuyên trách nhằm tiếp tục hoàn chỉnh, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba tới.
Kiến nghị xử lý nghiêm sai phạm của một số cán bộ Cục Lãnh sự
Cũng trong sáng 15/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện tháng 1/2022 của Quốc hội.
Trình bày Báo cáo về công tác dân nguyện tháng 1.2022 của Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và Nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tinh thần chủ động vào cuộc “từ sớm, từ xa”, đã tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất.
Cử tri và Nhân dân cả nước phấn khởi, tin tưởng vào sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở đã tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà, chúc Tết gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, bác sỹ, nhân viên y tế, người lao động làm nhiệm vụ trực trong dịp Tết, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19.
Cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm và kiến nghị xử lý nghiêm minh sai phạm của một số cán bộ, công chức Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao trong quá trình xét duyệt cấp phép thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân…
Cho ý kiến tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nội dung Báo cáo đã khái quát, tổng hợp cơ bản về hoạt động dân nguyện của Quốc hội, kịp thời cung cấp thông tin, đánh giá, nhận định tình hình và việc triển khai công tác dân nguyện thuộc trách nhiệm của các cơ quan. Báo cáo cũng đã tổng hợp tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị về những vấn đề nổi cộm được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm; đã nêu lên tình hình tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo của công dân, kết quả tiếp nhận, xử lý đơn thư của công dân, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội…
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Ban Dân nguyện cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội, xem xét, đánh giá kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến các vụ việc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng lưu ý các Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện nghiêm kế hoạch giám sát chuyên đề và triển khai các hoạt động giám sát tại địa phương theo đúng kế hoạch. Văn phòng Chính phủ căn cứ báo cáo công tác dân nguyện, kịp thời đề nghị đối với những Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu triển khai thực hiện các kiến nghị nêu trong báo cáo dân nguyện và đôn đốc các cơ quan có văn bản trả lời giải quyết kiến nghị cử tri và gửi về Ban Dân nguyện để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tới.
Về công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét kết quả bước đầu của giám sát chuyên đề về công tác quy hoạch; đề nghị, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về cách thức tổ chức tiếp theo, những vấn đề lớn cần phải quan tâm đối với chuyên đề giám sát tối cao này của Quốc hội.
Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là vấn đề nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền đô thị, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thị xã Phổ Yên nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn và nguyện vọng của nhân dân, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể của thị xã Phổ Yên.
Với thời lượng làm việc trong 2 ngày rưỡi, nhiều nội dung lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện các cơ quan hữu quan tập trung chủ động sắp xếp lịch làm việc, dự họp đầy đủ, đúng thành phần, hoàn thành chương trình phiên họp với chất lượng cao nhất.
T.Quyên