Trong bài viết này, tác giả xin được bày tỏ quan điểm của mình với cơ quan soạn thảo, đồng nghiệp và những người quan tâm về vấn đề trên, với mục đích hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự nhằm bảo đảm tốt nhất quyền con người, quyền công dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành đã góp phần tích cực vào việc bảo vệ lợi ích nhà nước, cá nhân, lợi ích của tổ chức và góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.
Trải qua hơn 10 năm thi hành, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 đã bộc lộ nhiều bất cập, trong đó có quy định liệt kê các vụ việc Tòa án thụ lý giải quyết. Việc liệt kê sẽ dẫn đến nhiều lĩnh vực không được đề cập, người dân không thể khởi kiện ra Tòa án vì luật không quy định, gây thiệt hại cho chủ thể và bất ổn xã hội. Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập toàn diện, sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng sửa đổi các quy định của pháp luật tố tụng dân sự theo hướng ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ tốt nhất các quyền dân sự, kinh tế của nhân dân và hội nhập toàn diện với nền kinh tế thế giới. Một trong những sửa đổi theo hướng trên được ghi nhận trong Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi là: Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Phương án 1: Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.
Phương án 2:
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.
2. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ án dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng [1].
Chúng tôi ủng hộ phương án thứ 2 vì quy định như vậy sẽ bảo vệ triệt để quyền khởi kiện của chủ thể, đây là tiền đề để bảo vệ các quyền khác, để các quyền dân sự, kinh tế, kinh doanh... được thực thi. Tuy nhiên, về quy định này hiện nay có hai luồng quan điểm chính. Thứ nhất là không đồng ý với quy định này vì cho rằng việc quy định như vậy sẽ dẫn đến tình trạng người dân tùy tiện khởi kiện, gây bất ổn xã hội và Toà án có thể tùy tiện trong xét xử, có thể gây nên tình trạng bất nhất trong quá trình xét xử đối với những vụ việc có nội dung tương tự, quan điểm này cũng cho rằng, việc quy định như vậy là trái với quy định Tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật đã được ghi nhận trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Thứ hai là đồng ý với quy định trên trong dự thảo vì cho rằng, quy định này bảo vệ triệt để hơn các quyền dân sự, kinh tế của người dân và phù hợp với pháp luật của một số quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Như đã trình bày ở trên, chúng tôi cho rằng trong bối cảnh thực tế hiện nay việc quy định như trong dự thảo là tương đối phù hợp. Bởi lẽ chủ trương của Đảng về chiến lược cải cách tư pháp đã được ghi nhận trong Nghị quyết số 49-NQ/TW với mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hoạt động tư pháp mà trung tâm là hoạt động xét xử phải được tiến hành có hiệu quả, hiệu lực cao. Đồng thời, Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm. Vì vậy, việc quy định: Tòa án không được từ chối giải quyết vụ án dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng là phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp của Đảng về phát triển hệ thống án lệ, trên tinh thần hội đồng xét xử độc lập, sáng tạo, công tâm trong xét xử “thẩm phán làm luật” để lấp những khoảng trống của pháp luật và bảo vệ triệt để quyền lợi của người dân, bảo đảm trật tự xã hội.
Thực tế trong thời gian qua, rất nhiều vụ việc người dân khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, như tranh chấp về việc bốc mộ, chăm sóc mồ mả hay kiện đòi các giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu, quyền nhân thân... bị Tòa án từ chối vì không thuộc thẩm quyền. Xét về mặt pháp lý, thì việc từ chối giải quyết trên của các Tòa án là hợp pháp. Ví dụ kiện đòi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hay sổ hộ khẩu, thì theo quy định hiện hành thì giấy tờ nói trên không phải là tài sản. Theo quy định hiện hành tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản [2] đồng thời theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự thẩm quyền giải quyết của Tòa án chỉ bao gồm:
1. Tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân về quốc tịch Việt Nam.
2. Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản.
3. Tranh chấp về hợp đồng dân sự.
4. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ trừ những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 29 của bộ luật này.
5. Tranh chấp về thừa kế tài sản.
6. Tranh chấp về bồi thường thiết hại ngoài hợp đồng.
7. Tranh chấp về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai.
8. Tranh chấp liên quan đến nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật
9. Các tranh chấp khác về dân sự mà pháp luật có quy định [3].
Với quy định này của Bộ luật Tố tụng hiện hành, chúng ta thấy pháp luật tố tụng quy định “vừa đóng lại vừa mở”. Đóng bởi từ khoản 1 đến khoản 8 là liệt kê các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Tuy nhiên, khoản 9 lại mở cho Tòa án, nhưng lại không rõ ràng, vì các tranh chấp về dân sự này phải được pháp luật quy định, mà pháp luật quy định là pháp luật nào thì không rõ. Phải chăng các nhà làm luật đã thấy sự bất cập của pháp luật tố tụng dân sự trong việc liệt kê cụ thể các vụ việc giải quyết là không đầy đủ. Thực tế các Tòa án đã từ chối giải quyết các vụ việc không được liệt kê trong Bộ luật là không thỏa đáng, không bảo vệ triệt để quyền lợi của người dân, nên đã quy định như khoản 9 nói trên, nhằm tạo sự chủ động cho Tòa án trong hoạt động tố tụng của mình. Nhưng việc quy định như trên lại nửa vời, chính vì vậy dẫn đến tình trạng có vụ việc yêu cầu thì Tòa án này giải quyết, nhưng Tòa án khác lại từ chối hoặc Tòa án xét xử sơ thẩm giải quyết, nhưng Tòa án phúc thẩm lại hủy vì không đúng thẩm quyền.
Như đã phân tích ở trên, việc từ chối của Tòa án là hợp pháp, nhưng không hợp lý và không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Ở nước ta, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật [4].
Với quy định trên thì các quyền dân sự của cá nhân phải được ghi nhận một cách rõ ràng và thực tế một số quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005 đã đi theo hướng này. Cụ thể tại Điều 4 quy định quyền tự do cam kết, thỏa thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm nếu cam kết thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái với đạo đức xã hội [5]. Với quy định này, chúng ta thấy Bộ luật Dân sự đã ghi nhận một nguyên tắc hết sức tiến bộ của một xã hội tự do và dân chủ là “người dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm” quy định này cũng phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước là xây dựng một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì vậy phải tôn trọng các quy luật cung cầu, quy luật giá trị, các chủ thể trong xã hội thỏa mãn nhu cầu vật chất, tinh thần của mình thông qua hợp đồng. Các cam kết không vi phạm điều cấm của pháp luật và đạo đức xã hội phải được tôn trọng và phải được Nhà nước bảo vệ.
Tuy nhiên với quy định tại Điều 25 Bộ luật Tố tụng dân sự, thì Tòa án đã từ chối giải quyết các yêu cầu của người dân khi vụ việc dân sự ấy không được liệt kê trong Bộ luật. Quy định này đã đi ngược lại tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và Điều 4 Bộ luật Dân sự năm 2005, dẫn đến tình trạng người dân sẽ tự giải quyết tranh chấp, “tự xử” khi không “nhờ” được công quyền. Việc tự giải quyết này dẫn đến nhiều hệ lụy cho xã hội đó là tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” là tình trạng tùy tiện xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác và ở đâu có tình trạng người dân tự giải quyết tranh chấp mà không theo pháp luật, thì ở đó công lý bị chà đạp và làm xói mòn niềm tin của người dân vào công quyền.
Việc quy định: Tòa án không được từ chối giải quyết vụ án dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng còn là một sự bổ sung, sự cụ thể hóa Điều 3 của Bộ luật Dân sự năm 2005. Theo quy định của điều này “trong trường hợp pháp luật không có quy định và các bên không có thỏa thuận, thì có thể áp dụng tập quán, nếu không có tập quán thì áp dụng quy định tương tự của pháp luật. Tập quán và quy định tương tự của pháp luật không được trái với nguyên tắc quy định trong Bộ luật này”. Như vậy, chúng ta thấy Bộ luật Dân sự năm 2005 đã quy định có thể áp dụng tương tự của pháp luật. Trong đó có các quy định về bình đẳng, về công bằng, trung thực, thiện chí… để giải quyết tranh chấp khi không có quy định cụ thể của luật. Tuy nhiên, quy định trên chưa cụ thể, nên thực tế các Tòa án vì nhiều lý do khác nhau thường từ chối giải quyết cho an toàn, hoặc chờ xin ý kiến của Tòa án tối cao, việc này đã gây thiệt hại và gây bức xúc cho người dân.
Việc bổ sung quy định này cũng phù hợp với Hiến pháp năm 2013:
“1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” [6].
Với bản chất của học thuyết nhà nước pháp quyền, thì nhà nước ấy phải vì con người, hướng tới con người và tất cả vì con người. Nhà nước phải bảo đảm các quyền con người, quyền công dân được thực thi trong thực tế xã hội trong đó có quyền được yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ khi có tranh chấp mà trọng tâm, chủ yếu là việc giải quyết của Tòa án nhân nhân trong hoạt động xét xử. Học thuyết nhà nước pháp quyền một thành quả to lớn của xã hội loài người mà Việt Nam đang xây dụng đòi hỏi chúng ta phải ban hành một hệ thống pháp luật cụ thể, đầy đủ, rõ ràng, công khai và minh bạch. Một hệ thống pháp luật mà mọi người dân có thể dễ ràng tiếp cận, dễ hiểu qua đó biết mình được làm gì và không được làm gì, và công quyền phải đáp ứng những yêu cầu chính đáng của nhân dân. Với học thuyết nhà nước pháp quyền đòi hỏi các cơ quan công quyền trong đó có hệ thống các cơ quan tư pháp phải thực thi nghiêm minh pháp luật.
Việc quy định này cũng góp phần tích cực trong việc hình thành hệ thống án lệ theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW. Việc thừa nhận án lệ trong hệ thống pháp luật góp phần to lớn vào việc bổ sung những khiếm khuyết, những “lỗ hổng” của pháp luật, bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và phù hợp với nền kinh tế thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, các quan hệ kinh tế, dân sự đang phát triển từng ngày, từng giờ, vì vậy pháp luật không thể dự liệu được hết tất cả các tình huống nảy sinh trong cuộc sống. Việc phát triển hệ thống án lệ không những giải quyết kịp thời quyền lợi của người dân, mà còn phù hợp với thông lệ thế giới, với các nước có nền kinh tế thị trường phát triển. Đồng thời với quy định này sẽ tạo điều kiện cho thẩm phán chủ động sáng tạo trong hoạt động xét xử. Và muốn làm được điều này, thì thẩm phán, người tham gia xét xử phải có cơ sở pháp lý để thực hiện, đáp ứng nhiệm vụ đó thì họ phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và trau dồi đạo đức, sao cho phán quyết của mình phải bảo đảm hợp pháp, hợp lý và hợp tình.
Tuy nhiên, việc quy định: Tòa án không được từ chối giải quyết vụ án dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng trong dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi cần phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, phong tục tập quán của Việt Nam. Việt Nam là một nước đang phát triển, nền kinh tế còn khó khăn, hạ tầng cơ sở còn nhiều hạn chế, chúng ta đang trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, các thể chế chưa hoàn chỉnh, thậm chí còn đang trong giai đoạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vì vậy rất cần sự ổn định trật tự xã hội. Tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của người dân, nhưng các quyền, lợi ích đó phải đặt trong một trật tự xã hội. Việc tôn trọng, mở rộng, và bảo vệ các quyền lợi của người dân, nhưng chúng ta cũng cần một môi trường xã hội ổn định để xây dựng, bảo vệ đất nước và phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta hội nhập sâu rộng và toàn diện vào nền kinh tế thế giới, nhưng chúng ta cần có một lộ trình thích hợp, phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội cụ thể của Việt Nam. Do đó, quy định: Tòa án không được từ chối giải quyết vụ án dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng cần phải được hạn chế. Cụ thể những yêu cầu ảnh hưởng tới an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, dân tộc thì Tòa án có quyền từ chối thụ lý. Việc giới hạn này là cần thiết để tránh tình trạng các thế lực thù địch chống phá Nhà nước ta, lợi dụng quy định này khởi kiện hoặc lôi kéo, kích động một số người nhẹ dạ để gây mất trật tự, bất ổn cho xã hội. Đồng thời để tránh tình trạng người dân tùy tiện khởi kiện, thì cần tăng án phí, nếu một người tùy tiện khởi kiện mà bị Tòa án bác yêu cầu, thì họ sẽ phải chịu khoản tiền này, đây cũng được xem là một biện pháp chế tài đối với người tùy tiện khởi kiện và răn đe người khác. Đối với thẩm phán, để tránh tình trạng xét xử tùy tiện, cũng cần có các chế tài nghiêm minh khi thẩm phán cố tình ra phán quyết trái luật. Có thể nói, đây cũng là một quy định mới, vì vậy Nhà nước cần phải có sự chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất và đặc biệt là con người, phải bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ thẩm phán và hội thẩm nhân nhân dân để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Việc dự thảo sửa đổi bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: Tòa án không được từ chối giải quyết vụ án dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng là cần thiết, phù hợp với Hiến pháp sửa đổi năm 2013 và phù hợp với nền kinh tế - xã hội hiện nay của Việt Nam. Nhất là khi chúng ta đang hội nhập toàn diện vào nền kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, quy định này cần giới hạn lại theo hướng trừ các trường hợp ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, dân tộc. Việc quy định như vậy vừa bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, đồng thời cũng giữ được ổn định trật tự xã hội.
Nguyễn Xuân Quang
Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
Tài liệu tham khảo:
[1]. Điều 4 dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2]. Điều 163 Bộ luật Dân sự năm 2005.
[3]. Điều 25 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2014.
[4]. Khoản 1 Điều 14 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
[5]. Đoạn 1 Điều 4 Bộ luật Dân sự năm 2005.
[6]. Khoản 1, 2 Điều 2 Hiến pháp năm 2013.