Tại Hội nghị, hầu hết các đại biểu đều ghi nhận những kết quả đã đạt được của Thừa phát lại, theo đó, những thành tựu nổi bật có thể kể đến như: Giảm tải công việc cho Tòa án, cơ quan thi hành án; bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong đời sống dân sự, trong quan hệ với cơ quan nhà nước và trong các hoạt động tố tụng… Qua đó càng khẳng định việc hình thành và phát triển nghề Thừa phát lại là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, là quy luật tất yếu của quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc trong triển khai chế định Thừa phát lại như: Quy định pháp luật về Thừa phát lại còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa có văn bản có giá trị pháp lý cao; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự nhịp nhàng; nhận thức của người dân, thậm chí là của một số cán bộ, công chức về chế định Thừa phát lại còn hạn chế; số lượng, trình độ, năng lực của đội ngũ Thừa phát lại chưa được bảo đảm; kinh phí cấp cho việc tống đạt còn thiếu… Ngoài ra, cũng có những ý kiến cho rằng, Thừa phát lại thực hiện tống đạt mà sử dụng ngân sách nhà nước sẽ là sự mâu thuẫn, không đảm bảo triệt để ý nghĩa của việc xã hội hóa, do đó, cần phải xã hội hóa triệt để, Thừa phát lại cần tự tạo nguồn để tự nuôi mình.
Để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại, các đại biểu đã rất nhiệt huyết đề xuất những giải pháp khắc phục hạn chế và nêu phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Việc triển khai thực hiện Thừa phát lại đã và đang diễn ra rất chậm, do đó cần phải gấp rút đẩy nhanh tiến độ, cần xác định thứ tự việc làm trước và việc làm sau. Những vấn đề quan trọng cần phải được quan tâm thực hiện đó là: Tuyên truyền mạnh mẽ nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân về Thừa phát lại; không chờ đến khi có Luật Thi hành án mà cần sử dụng những quy định, văn bản pháp luật hiện hành và sửa đổi cho phù hợp; xây dựng quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan; giai đoạn đầu thực hiện, Nhà nước cần có sự hỗ trợ kinh phí, điều này không được coi là mâu thuẫn với việc xã hội hóa bởi nguồn kinh phí này là rất nhỏ so với lợi ích mà Thừa phát lại mang lại như: Khi tống đạt bởi Thừa phát lại sẽ giảm được nguy cơ nhũng nhiễu (so với việc cán bộ Tòa án trực tiếp tống đạt), giảm tải công việc cho thi hành án, tạo cho đương sự cảm giác được tôn trọng hơn so với tống đạt qua bưu điện, tránh được việc đương sự viện cớ chưa nhận được thư tống đạt qua bưu điện để không tham gia phiên tòa…; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và phát triển nghề Thừa phát lại; có thể xây dựng lộ trình xã hội hóa lực lượng thi hành án…