Để xây dựng một hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, hiệu lực, hiệu quả đòi hỏi phải có quy trình xây dựng và ban hành văn bản hết sức chặt chẽ. Tuy nhiên, không riêng ở Việt Nam, trên thế giới nhiều nước cho phép ban hành văn bản pháp luật theo trình tự, thủ tục lập pháp nhanh, lập pháp trong trường hợp khẩn cấp, quy trình rút gọn trong xây dựng và ban hành văn bản pháp luật. Mặc dù việc áp dụng quy trình xây dựng và ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn ở các nước không hoàn toàn giống nhau, nhưng tựu trung lại đều được tiếp cận theo một nguyên lý chung là rút ngắn thời gian xây dựng văn bản và thời điểm có hiệu lực của văn bản để giải quyết các vấn đề khẩn cấp, cấp bách của quốc gia hoặc để thực hiện ngay cam kết quốc tế. Xem xét dưới giác độ nghiên cứu khoa học và tính thực tiễn của vấn đề thì việc ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn là cần thiết.
Nội dung bài viết “Trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, tác giả Bùi Thu Hằng đã giới thiệu đến bạn đọc lược sử quy định rút gọn xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam, qua đó, chỉ ra thực trạng thi hành quy định về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn ở Việt Nam và đưa ra những đổi mới trong quy định về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020. Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm 200 trang của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật năm 2020 “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.