Mới đây, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vừa họp phiên thứ 8 và đưa ra những quyết định quan trọng trong lĩnh vực này, trong đó, đáng chú ý là việc tiến hành xét xử 8 vụ án trọng điểm trước kỳ Đại hội Đảng lần thứ XII.
Điểm qua các vụ trọng án tham nhũng này, chúng ta thấy chỉ có một vụ với tội danh “Buôn lậu”, còn hầu hết là các tội phạm về tham nhũng, chức vụ, kinh tế và liên quan nhiều nhất là lĩnh vực ngân hàng, mà điển hình là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) chiếm gần như tuyệt đối với những người từng giữ các cương vị cao như Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc và các Giám đốc chi nhánh thuộc Ngân hàng này tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trong các vụ trọng án này, một số vụ đã từng được đưa ra xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Có những bị cáo rất “nổi tiếng” như Vũ Quốc Hảo, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cho thuê tài chính 2 (ALC II), trực thuộc Agribank là bị cáo của các vụ án khác nhau, đã bị tuyên tử hình nhưng vẫn phải hầu Tòa trong các vụ án khác có liên quan. Người ta không thể quên ông với hành vi biến giá trị của thiết bị lặn 100 triệu đồng thành 130 tỷ đồng để chia chác, bỏ túi. Hành vi khai khống là một thủ đoạn khá phổ biến của tham nhũng được gọi bằng những cái tên khác nhau như “rút ruột”, “làm giá”... gặp rất nhiều trong các vụ án tham nhũng lớn, nhỏ tương tự.
Còn vụ Lâm Ngọc Khuân và đồng bọn đã được đưa ra xét xử, hàng chục cán bộ ngân hàng ở Sóc Trăng đã phải trả giá bằng nhiều năm tù. Song, “đại gia thủy sản” cầm đầu vụ này đã ôm 800 tỷ đồng vay mượn được sang Mỹ, đã có lệnh truy nã quốc tế nhưng sự hiện diện của bị cáo này trước vành móng ngựa sắp tới là rất thấp. Một vụ khác, số tiền mất vào tay bọn lừa đảo cũng rất lớn là gần 600 tỷ đồng (vụ Phạm Văn Cử, nguyên Giám đốc Agribank chi nhánh 7). Tương tự, vụ Dương Thanh Cường, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Phát (TP. Hồ Chí Minh) cũng lừa Agribank Bình Chánh chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng, vụ này từng được xét xử sơ thẩm nhưng rồi hoãn lại để điều tra bổ sung.
Dư luận cũng chú ý đến vụ Trần Quốc Đông và đồng phạm ở Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam bị cáo buộc nhận 16 tỷ đồng từ phía Nhật để bôi trơn dự án, một vụ nhận hối lộ nhưng bị cáo bị buộc tội với tội danh “lợi dụng chức vụ, quyền hạn...” mà thôi! Đáng chú ý là, các thuộc cấp của ông này đã ra sức “khắc phục hậu quả” bằng cách trả lại tiền đã nhận, riêng ông này thì “khắc phục” ở mức độ thấp nhất. Theo lời ông, 11 tỷ đồng từ phía Nhật chi ra là để “tiếp khách, nghỉ mát”, điều này đã khiến dư luận hết sức bất bình.
Một cái tên nữa trong số 8 vụ án trọng điểm này là Lê Hùng Sơn và đồng bọn thì chưa thấy báo chí đề cập đến. Ở phía ngược lại, có những vụ tưởng như “chìm xuồng” thì giờ lại nổi lên như vụ Phạm Thị Bích Lương, nguyên Giám đốc Agribank chi nhánh Nam Hà Nội. Vụ này có dính líu tới các Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc Agribank thời đó. Quá trình phạm tội của nhóm người này kéo dài 4 năm (8/2008 - 8/2012) với thủ đoạn giải ngân cho các đối tượng lừa đảo người nước ngoài gây thiệt hại cho Nhà nước gần 3.000 tỷ đồng. Đổi lại, phía “đối tác” đã thực hiện việc “bôi trơn” với các cán bộ nhà nước này gần 900.000 đô la, có “phi vụ” giải ngân 420 tỷ đồng được “lại quả” 3 tỷ đồng. Riêng ông Tổng Giám đốc nhận 310.000 đô la trong 900.000 đô la tiền “bôi trơn” và cũng đã thừa nhận việc này. Cũng như vụ Trần Quốc Đông, các tội danh cáo buộc cho vụ này không có tội “Nhận hối lộ”. Phải chăng, kẻ dùng tiền bôi trơn đã cao chạy xa bay, ẵm theo gần 3.000 tỷ đồng lừa đảo nên không có nhân chứng? Cũng như vụ Lâm Ngọc Khuân ở Sóc Trăng, “đại gia thủy sản” này ẵm 800 tỷ đồng rồi lặn không sủi tăm, chỉ còn đồng phạm ở lại, ra Tòa với cái tên “vụ án Lâm Ngọc Khuân và đồng phạm”, còn thủ phạm vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Điều đau xót nhất là tiền bạc của Nhà nước và nhân dân đã mất và không thể thu hồi.
Sau khi có chỉ đạo về thời hạn xét xử sơ thẩm đối với 8 vụ án tham nhũng trọng điểm này của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng thì 02 vụ án Trần Quốc Đông và Phạm Thị Bích Lương đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố và sẽ được đưa ra xét xử.
Bình Sơn
Ảnh: ST