1. Tư tưởng nhân dân trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Có thể nói, toàn bộ từng câu, từng chữ trong Di chúc của Bác đều thấm đẫm tinh thần vì nhân dân. Cả cuộc đời vì nước, vì dân, vì vậy trong bản Di chúc, đã trực tiếp hay gián tiếp nói đến nhân dân thì tư tưởng, phong cách vì dân vẫn thể hiện rất rõ. Bàn về chữ “Nhân”, Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: “Nhân nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[1]. Muốn thật sự vì dân thì phải hiểu dân. Chính tài dân, sức dân, của dân, quyền dân, lòng dân, sự khôn khéo, hăng hái, anh hùng đã tạo nên “cái gốc” của dân. Có thể khái quát về tư tưởng nhân dân trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên ba nội dung chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, Đảng phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[2]. Để đáp ứng được nhiệm vụ lãnh đạo xã hội, Đảng phải luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và gắn bó máu thịt với nhân dân. Di chúc nêu những vấn đề cốt yếu của công tác xây dựng Đảng, trong đó có việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân của mỗi cán bộ, đảng viên. Đồng thời, Đảng cầm quyền phải chăm lo phát triển lực lượng cho hiện tại và tương lai một thế hệ trẻ vừa “hồng” vừa “chuyên”, bởi vì: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”[3].
Thứ hai, phải chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa để bảo đảm cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải chăm lo chu đáo tới đời sống vật chất và tinh thần cho mọi người dân: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”[4]. Chú ý thực hiện chính sách “đền ơn, đáp nghĩa” đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành được thắng lợi. Thậm chí, trong Di chúc, người nhắc đến từng số phận, từng con người, từng hoàn cảnh. Đó là những con người đã dành một phần xương máu cống hiến cho sự nghiệp của đất nước, là các thương binh, liệt sĩ, Người nhắc là phải quan tâm, tạo điều kiện cho họ có cuộc sống ổn định, có thể tự lực cánh sinh. Người nhắc đến phụ nữ và căn dặn Đảng, Nhà nước phải làm sao để họ có cơ hội phát triển. Người nhắc cả đến những người sai đường, lạc lối hay những người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi xã hội cũ... là chúng ta phải nâng đỡ, giúp đỡ họ để họ trở thành người lao động lương thiện.
Thứ ba, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến, hy sinh suốt đời mình vì nhân dân, vì dân tộc và tâm nguyện cũng như trí lực của người trong suốt cuộc đời đều dành cho dân. Di chúc là điểm kết tinh tư tưởng của Bác về chăm lo chu đáo tới cuộc sống con người, tư tưởng trọng dân, coi dân là gốc, là chủ thể của sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước. Ngay cả “về việc riêng”, Người cũng nghĩ đến dân, lo cho dân, nhớ về dân: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”[5]. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh, điều kiện nước ta phải đặc biệt chú trọng phát huy khả năng sáng tạo của dân, động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.
2. Thực trạng đất nước sau 50 năm thực hiện tư tưởng nhân dân trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tư tưởng của Hồ Chí Minh về nhân dân trong Di chúc đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam vận dụng, cụ thể hóa trong Cương lĩnh chính trị của Đảng năm 1991 và năm 2011 (bổ sung và phát triển) về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, 05 năm và kế hoạch hằng năm; thể hiện trong từng cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, xã hội của đất nước, vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đặc biệt, Đảng đã lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước “đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử”[6]. Chính trong công cuộc đổi mới ấy, đời sống được cải thiện, từng số phận con người được quan tâm, đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc. Thực tế cho thấy, các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước trong hơn 30 năm đổi mới đã luôn hướng tới mục tiêu không ngừng “nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”[7]. Theo đó, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được những kết quả tích cực; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; chính sách dân tộc, tôn giáo được quan tâm và đảm bảo…
Tuy nhiên, nước ta hiện nay, “kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, yêu cầu và thực tế nguồn lực được huy động… Chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động xã hội và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp… Nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh, nhất là các vấn đề xã hội và quản lý xã hội chưa được nhận thức đầy đủ và giải quyết có hiệu quả… Việc tạo nền tảng để cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được mục tiêu đề ra... Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ có mặt bị giảm sút... Trên một số mặt, một số lĩnh vực, một bộ phận nhân dân chưa được thụ hưởng đầy đủ, công bằng thành quả của công cuộc đổi mới”[8]. Những tồn tại, hạn chế trên ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát huy quyền làm chủ, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
3. Giải pháp phát huy tư tưởng nhân dân trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn hiện nay
Chăm lo đời sống nhân dân là nhiệm vụ chính trị trung tâm, là thước đo và tiêu chí đánh giá sự hoàn thành trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân. Vì vậy, để phát huy hơn nữa tư tưởng nhân dân trong Di chúc của Người gắn với hiện thực hóa chuyên đề năm 2019 về xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cần thực hiện đồng bộ, toàn diện nhiều biện pháp, trong đó, cần chú ý thực hiện tốt một số biện pháp trọng tâm sau đây:
Một là, nâng cao nhận thức đi đôi với cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung, về chăm lo đời sống nhân dân nói riêng với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, địa phương, đơn vị và cá nhân.
Nhận thức đầy đủ và vận dụng đúng các quy luật phát triển, huy động được các nguồn lực của đất nước, mà trước hết, quan trọng nhất là nguồn lực con người, phải có một lộ trình kế hoạch để từng bước thực hiện. Đảng, Nhà nước phải đề cao hơn nữa tư tưởng coi nhân dân là mục tiêu tối thượng, đồng thời là động lực quyết định của công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần chủ động, tích cực trong thực hiện các chương trình, kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo vệ môi trường; phát huy sức dân, huy động nhân dân tham gia thực hiện các mục tiêu đề ra vì lợi ích của nhân dân. Thực hiện nghiêm Quy định số 08-Qđi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Nghiêm túc thực hiện yêu cầu về tiếp xúc, trao đổi, đối thoại với nhân dân được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Cán bộ chủ chốt và cán bộ dân cử các cấp phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, chủ động nắm bắt tâm tư, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và có biện pháp giải quyết kịp thời.
Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái trong đội ngũ cán bộ. Nói đi đôi với làm, tạo uy tín tốt nhất trong nhân dân, làm gương để nhân dân noi theo; tiền phong, gương mẫu, có trách nhiệm và chịu trách nhiệm cao nhất. Thực hiện tốt Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong thực hiện, tuyên truyền và bảo vệ chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của nhân dân. Thực hành phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, hiệu quả. Tích cực giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp, bức xúc, tồn đọng kéo dài. Nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân. Thực hiện nghiêm Quy định 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Ban chấp hành Trung ương về việc trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Vừa tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng, vừa phát huy cao độ vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội, của nhân dân.
Hai là, gắn thực hiện nội dung chăm lo đời sống nhân dân với việc tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, cấp bách tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị; với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng và các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.
Gắn việc thực hiện tư tưởng nhân dân trong Di chúc của Người với việc cụ thể hóa kế hoạch thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các phong trào thi đua của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Đặc biệt chú ý việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội;... lấy ấm no, hạnh phúc và sự hài lòng của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
Các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nghiêm túc triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quy định số 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư khóa XII về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân tự do sản xuất, kinh doanh theo pháp luật, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Tích cực tham gia các chương trình mục tiêu, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, con người do Đảng, Nhà nước đề ra và phát động, làm gương và giúp đỡ nhân dân xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, trong cộng đồng.
Ba là, thực hiện có hiệu quả công tác thi đua khen thưởng trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là tư tưởng về nhân dân.
Chú trọng việc lựa chọn, xây dựng những cá nhân, tập thể điển hình, những cách làm hay trong học tập và làm theo Bác về sự tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân; tuyên truyền sâu rộng để tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Chú ý đẩy mạnh việc thực hành các yêu cầu của Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kết hợp với triển khai, thực hiện Kết luận số 114-KL/TW của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp, Luật Tiếp công dân, Quy chế dân chủ ở cơ sở… Phát huy ý thức tôn trọng nhân dân, dân chủ, chăm lo đến đời sống của nhân dân trong triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính, các chương trình mục tiêu quốc gia, kết hợp với các đợt phát động và tổng kết thi đua.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và có hình thức kỷ luật nghiêm những cơ quan, địa phương, đơn vị, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ chăm lo đời sống nhân dân, gây phiền hà, nhũng nhiễu... cho nhân dân. Trước mắt tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm những vụ tham nhũng phức tạp, các vụ việc vi phạm trong thực thi quyền lực, nhất là vi phạm trong công tác cán bộ đang gây bức xúc trong xã hội, bất bình trong nhân dân. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, bảo đảm quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; có chế tài xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm. Ngăn chặn, đấu tranh, xử lý triệt để, công khai, đúng pháp luật các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, tư tưởng cục bộ, bè phái…
4. Kết luận
50 năm qua, tư tưởng nhân dân trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đồng hành với Đảng, với nhân dân Việt Nam trên chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong tiến trình lịch sử ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và hiện nay là đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập quốc tế. Thành tựu của công cuộc đổi mới trên tất cả các bình diện chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội hôm nay là minh chứng hùng hồn khẳng định tính chân lý về con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn cho dân tộc, đã và đang từng bước hoàn thành ước nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một nước Việt Nam độc lập, giàu mạnh, sánh ngang với các cường quốc năm châu./.
Trường Sĩ quan chính trị, Bộ Quốc phòng
Ảnh: tuyengiao.vn