1. Tư tưởng nhân dân trong Đường Kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc
Đường Kách mệnh là tác phẩm tập hợp những bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho lớp huấn luyện cán bộ cách mạng ở Quảng Châu (Trung Quốc) từ năm 1925 đến năm 1927, được xuất bản lần đầu tiên năm 1927, do Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông ấn hành và bí mật chuyển về trong nước từ năm 1927 đến năm 1930. Trong bối cảnh Việt Nam đang khủng hoảng trầm trọng về đường lối, phương pháp và đặc biệt là tổ chức cách mạng, Đường Kách mệnh góp phần trang bị cho nhân dân tư tưởng mới của thời đại, đưa thế giới hội nhập với Việt Nam và đưa cách mạng Việt Nam hòa nhập cùng dòng chảy chung của cách mạng thế giới, càng trở nên có ý nghĩa lớn lao. Tư tưởng nhân dân hàm chứa trong Đường Kách mệnh không chỉ được thực tiễn chứng minh là đúng đắn, độc đáo, sáng tạo mà còn có sức sống mãnh liệt, có sức lay động sâu xa trái tim hàng triệu triệu người. Có thể khái quát về tư tưởng nhân dân trong tác phẩm Đường Kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc trên ba nội dung chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, nhân dân được độc lập, tự do, hạnh phúc là mục tiêu tối thượng của sự nghiệp cách mạng.
Tư tưởng xuyên suốt trong Đường Kách mệnh là về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân, là sự lựa chọn duy nhất đúng của dân tộc, của lịch sử cách mạng Việt Nam. Ngay kể cả khi đề cập đến tư cách của người cách mạng, Nguyễn Ái Quốc cũng xem xét một cách toàn diện trên 23 tiêu chí[1], cả về đạo đức, năng lực, phương pháp và phong cách, nhưng cốt lõi là đạo đức cách mạng. Người coi việc giáo dục đạo đức cách mạng là một trong những nguyên tắc cơ bản, nhằm xây dựng những con người cách mạng chân chính, để tiến tới xây dựng một Đảng cách mạng chân chính, có mối quan hệ mật thiết với nhân dân. Đường Kách mệnh nêu rõ vấn đề mô hình nhà nước trong tương lai khi cách mạng thành công, theo tinh thần: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”[2]. Đường Kách mệnh xác định rõ mục tiêu cách mạng nước ta, trước hết, phải tập trung vào nhiệm vụ “dân tộc cách mệnh” để giành lấy quyền tự do, bình đẳng, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Sự nghiệp cách mạng của Đảng là lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Như vậy, mục đích cao nhất, cốt lõi nhất của cách mạng là nhằm làm cho mọi người dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.
Thứ hai, nhân dân là chủ thể, là động lực cốt lõi của cách mạng.
Tiếp thu những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, đặc biệt là quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Đường Kách mệnh chỉ ra rằng cách mạng là sự nghiệp của mọi người dân, phải động viên, tổ chức và lãnh đạo đông đảo quần chúng vùng lên đánh đuổi kẻ thù: “Ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh”[3]. Chủ thể của “dân tộc cách mệnh” là toàn dân tộc, lấy quần chúng công - nông làm nền tảng, vì: “Bây giờ tư bản lại đi áp bức công nông, cho nên công nông là người chủ kách mệnh... Vì những cớ ấy, nên công nông là gốc kách mệnh; còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ cũng bị tư bản áp bức, song không cực khổ bằng công nông; 3 hạng ấy chỉ là bầu bạn kách mệnh của công nông thôi”[4]. Làm rõ vấn đề lực lượng cách mạng và mối liên minh chiến lược giữa công nhân - nông dân và bầu bạn của họ trong khi thực hiện nhiệm vụ “dân tộc cách mệnh”, Đường Kách mệnh đã tập hợp được tất cả những người Việt Nam yêu nước vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Nguyễn Ái Quốc khẳng định điều kiện tiên quyết để tiến hành một cuộc cách mạng mà khi chính quyền được thành lập là của dân chúng số nhiều - một cuộc cách mệnh “đến nơi” đó là: “Muốn cách mệnh thành công thì dân chúng (công nông) làm gốc”[5]. Các phong trào, các cuộc vận động phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, chăm lo đời sống cho nhân dân mới động viên, khích lệ được đông đảo quần chúng tham gia, mới thiết thực, mới thực chất. Như vậy, cùng với việc nhận thức được mối quan hệ chặt chẽ giữa yêu cầu giải phóng dân tộc và giải phóng con người là nhu cầu của thời đại, Nguyễn Ái Quốc đã đứng trên lập trường của giai cấp vô sản, để giải phóng dân tộc và giải phóng con người bằng một cuộc cách mạng vô sản và bước phát triển tiếp theo là xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thứ ba, cách mạng muốn giành thắng lợi phải tin dân, trọng dân, dựa vào dân, phát huy sức mạnh nơi dân, lấy dân làm gốc.
Nguyễn Ái Quốc nêu rõ vai trò quan trọng của công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tự giác đứng lên làm cách mạng: “Vậy kách mệnh trước phải làm cho dân giác ngộ… Vậy kách mệnh phải giảng giải lý luận và chủ nghĩa cho dân hiểu”[6]. Đường Kách mệnh chứa đựng chiều sâu về tư tưởng, tính tích cực trong hành động, tính nhân văn trong quan hệ giữa con người với con người. Tác phẩm chứa đựng những tư tưởng sâu sắc về lý luận cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, nhưng được diễn đạt bằng văn phong giản dị, trong sáng, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, đã gây ấn tượng mạnh trong nhận thức, tư tưởng của quần chúng. Đây có thể xem là kiểu mẫu tuyên truyền, cổ động để giác ngộ cách mạng cho quần chúng: “Sách này chỉ ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh”[7]. Là tác phẩm “phổ thông” về lý luận chính trị nên cách viết, ngôn ngữ, văn phong của tác phẩm Đường Kách mệnh rất cô đọng: “Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ... rất giản tiện, mau mắn... không tô vẽ trang hoàng gì cả”[8]. Đường Kách mệnh đồng thời chỉ ra phương pháp cách mạng là vận động quần chúng, tổ chức đấu tranh cách mạng, cách thức xây dựng các tổ chức quần chúng... và thông qua đó tuyên truyền, giảng giải lý luận chủ nghĩa cho dân hiểu, để mọi người đồng chí, đồng đích, đồng lòng, tạo nên nguồn sức mạnh vô địch.
2. Phát huy tư tưởng nhân dân trong Đường Kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc giai đoạn hiện nay
Hiện nay, thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. “Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn”[9]. Trong nước, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; bước đầu vượt lên, kiềm chế đại dịch Covid-19, ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, khôi phục, duy trì tăng trưởng kinh tế. Kết quả của 35 năm đổi mới, “chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới... Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[10]. Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn. Để tiếp tục phát huy tư tưởng nhân dân trong Đường Kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc giai đoạn hiện nay, cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số giải pháp cơ bản sau đây:
Một là, đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong tiến trình phát triển đất nước.
Nhận thức đầy đủ và vận dụng đúng các quy luật phát triển, huy động được các nguồn lực của đất nước, mà trước hết, quan trọng nhất là nguồn lực con người, phải có một lộ trình kế hoạch để từng bước thực hiện. Đảng, Nhà nước đề cao hơn nữa tư tưởng coi nhân dân là mục tiêu tối thượng, đồng thời là động lực quyết định của công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Tăng cường, khuyến khích, vận động nhân dân tham gia xây dựng hệ thống chính trị, các thiết chế bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. “Phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Nhân dân tiếp nhận, ủng hộ và nhiệt tình tham gia thực hiện đường lối của Đảng vì thấy đường lối đó đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của mình. Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển”[11]. Tiếp tục rà soát, cụ thể hóa để nhân dân ngày càng phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác, sáng tạo trong tham gia hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân;... lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”[12]. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội. Coi trọng gắn kết chặt chẽ thực hiện công bằng xã hội với chính sách kinh tế và chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, tạo hành lang pháp lý để kiến tạo mô hình hệ thống an sinh xã hội.
Hai là, nâng cao nhận thức đi đôi với cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, địa phương, đơn vị và cá nhân.
Chú trọng thực hiện hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Phát huy vai trò của chính quyền trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, lấy việc phục vụ nhân dân là trên hết, giải quyết đúng đắn, kịp thời những vấn đề có liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ để nhân dân thực sự chủ động trong phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững. Nâng cao trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân kết hợp với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Nói đi đôi với làm, tạo uy tín tốt nhất trong nhân dân, làm gương để nhân dân noi theo; tiền phong, gương mẫu, có trách nhiệm và chịu trách nhiệm cao nhất. Thực hành phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, hiệu quả, tích cực giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp, bức xúc, tồn đọng kéo dài. Kiên quyết chống độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân. Thực hiện nghiêm Quy định 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Ban chấp hành Trung ương “về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”, lấy ấm no, hạnh phúc và sự hài lòng của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
Ba là, chú trọng thực hiện có hiệu quả, thực chất quy chế dân chủ ở cơ sở.
Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các quy định về dân chủ ở cơ sở gắn với triển khai tốt các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. “Lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên”[13]. Thực hiện tốt việc công khai, minh bạch, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, làm cho mọi người dân thực sự được thụ hưởng quyền lợi về dân chủ. “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước”[14]. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân tự do sản xuất, kinh doanh theo pháp luật, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống. “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung”[15]. Kiên quyết phòng, chống hiện tượng xa dân, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng; đồng thời, chống thái độ mị dân, lừa dân, dọa nạt dân, chạy theo lợi ích tầm thường, song cũng không theo đuôi quần chúng. Tăng cường phản bác các thông tin sai trái, bịa đặt, cảnh giác với những luận điệu, chiêu trò chống phá bằng “diễn biến hòa bình”, lợi dụng các vấn đề về dân tộc, tôn giáo... của các thế lực thù địch nhằm chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.
Trường Sĩ quan chính trị, Bộ Quốc phòng
Ảnh: internet