1. Dẫn nhập
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân; là cơ sở quan trọng để tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) nước ta phần lớn sống ở vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội, khó khăn và đặc biệt khó khăn; kết cấu hạ tầng còn yếu kém, sản xuất chưa phát triển đồng đều nên khả năng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản như giao thông, thông tin liên lạc; giáo dục; y tế, chăm sóc sức khỏe; bảo đảm lương thực, nhu cầu mặc; chỗ ở an toàn; chất lượng giáo dục và nhất là hiểu biết về hiểu biết về pháp luật sẽ dẫn đến khả năng tự bảo vệ các quyền cơ bản của con người, quyền công dân cũng hạn chế. Trong khi đó, bộ máy hành chính, các tổ chức cung cấp dịch vụ công, việc thực thi nhiệm vụ, thi hành pháp luật của công chức, viên chức cũng là vấn đề cần quan tâm trong việc bảo đảm các quyền cơ bản của công dân, đặc biệt là đối với đồng bào DTTS&MN.
2. Khái quát thể chế, chính sách về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và một số bất cập trong thực tiễn áp dụng
Trong những năm qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của các cấp, các ngành, công tác TTPBGDPL đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được những hiệu quả nhất định, như: Chủ động đổi mới hình thức, phương pháp, lựa chọn nội dung pháp luật thiết thực, gắn với quyền và nghĩa vụ của người dân, phù hợp với điều kiện, đời sống xã hội vào từng thời điểm để TTPBGDPL.
Kết luận số 80/KL-TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW (Kết luận số 80/KL-TW) cũng đã đặt ra một số nội dung quan trọng của công tác TTPBGDPL đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới: “Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực này đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”; “phát huy sự tham gia chủ động, tích cực của mọi người dân trong công tác TTPBGDPL và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật”; “triển khai công tác TTPBGDPL toàn diện, rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở”; “ý thức chấp hành pháp luật là thước đo hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”[2]. Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW cũng đã xác định 09 nhóm giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm của công tác TTPBGDPL[3]. Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật yêu cầu các bộ, ngành, địa phương “nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật”, “chú trọng phổ biến, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật và tuân thủ pháp luật. Đổi mới phương pháp, tăng cường nguồn lực cho công tác TTPBGDPL, coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là khâu đầu vào trong tổ chức thi hành pháp luật”[4]. Đặc biệt, ngày 09/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Theo đó, Đảng xác định cần “đẩy mạnh TTPBGDPL, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về Hiến pháp và pháp luật, về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và yêu cầu, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”[5].
Với những định hướng như trên, việc hoàn thiện thế chế, chính sách để tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của công tác TTPBGDPL phải được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, để tạo tiền đề, động lực thúc đẩy sự phát triển của công tác này. Thông qua các chương trình, đề án về TTPBGDPL, các cơ quan, tổ chức cần xây dựng các đề xuất chính sách, quy định mới, tạo tiền đề đổi mới công tác quản lý nhà nước về TTPBGDPL. Mặc dù, trong thời gian qua, thể chế và chính sách về TTPBGDPL đã cơ bản được hoàn thiện, bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, toàn diện, chặt chẽ, tạo cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác TTPBGDPL có hiệu quả. Số lượng, chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác TTPBGDPL từng bước được cải thiện, nâng cao; nội dung TTPBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhu cầu xã hội, nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương. Công tác TTPBGDPL đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và tự giác chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân; trách nhiệm tự học tập, tìm hiểu pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong cán bộ và nhân dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, có nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã có những cách làm hay, sáng tạo, lồng ghép giữa các cuộc hội nghị, giao ban, cuộc họp… với TTPBGDPL, từ đó, nâng cao hiệu quả công tác TTPBGDPL cho nhiều đối tượng, góp phần giúp nhân dân nắm bắt được chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước để thực hiện. Công tác TTPBGDPL có tác dụng rất lớn trong việc góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và hạn chế các khiếu kiện, khiếu nại trái quy định của pháp luật.
Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, như: Nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị về vai trò, tầm quan trọng của công tác TTPBGDPL được nâng cao; thể chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật từng bước được hoàn thiện; ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân có bước chuyển biến tích cực, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân, an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội[6]. Tuy nhiên, công tác TTPBGDPL vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhất định như:
Thứ nhất, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân ở một số nơi vùng đông bào DTTS&MN chưa cao, dẫn đến tình hình vi phạm, tội phạm trong một số lĩnh vực và tệ nạn xã hội trong thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng, như: Mua bán chất cấm, chất gây nghiện, buôn lậu... Trong khi công tác TTTPBGDPL ở vùng đồng bào DTTS&MN còn nhiều khó khăn do địa bàn rộng, giao thông không thuận lợi, dân cư bố trí, trình độ dân trí không đồng đều, không cao.
Thứ hai, công tác TTPBGDPL ở một số đơn vị, địa phương vùng công tác DTTS&MN còn thiếu linh hoạt, chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng và hiệu quả chưa cao. Một số báo cáo viên, tuyên truyền viên kỹ năng, kinh nghiệm TTPBGDPL còn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật hiệu quả chưa cao.
Thứ ba, nguồn kinh phí cho công tác TTPBGDPL còn hạn chế. Đây cũng là một khó khăn lớn ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai hoạt động. Cơ sở vật chất, trang thiết phục vụ TTPBGDPL cho các cấp chính quyền địa phương ở nhiều nơi còn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Ở cấp xã, vẫn còn nhiều địa phương chưa bố trí kinh phí riêng cho công tác TTPBGDPL mà chỉ trích trong kinh phí chi thường xuyên hàng năm của đơn vị để chi cho công tác này nên việc triển khai hoạt động hiệu quả đem lại chưa cao[7].
Thứ tư, một số chính sách chưa thực sự phù hợp với yêu cầu thực tiễn nên phát sinh mâu thuẫn trong qua trình triển khai, thực hiện[8].
2. Giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ TTPBGDPL của chính quyền các cấp; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện TTPBGDPL cho cán bộ và nhân dân vùng đồng bào DTTS&MN. Tiếp tục tổ chức quán triệt thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Hai là, kiện toàn bộ máy, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về TTPBGDPL vùng đồng bào DTTS&MN. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác TTPBGDPL vùng đồng bào DTTS&MN. Xác định rõ nội dung, chương trình phối hợp TTPBGDPL vùng đồng bào DTTS&MN. Tăng cường phát huy vai trò của Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp trong chỉ đạo thực hiện công tác TTPBGDPL vùng đồng bào DTTS&MN; trách nhiệm các thành viên Hội đồng Phối hợp PBGDPL các trong tổ chức triển khai công tác TTPBGDPL thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý[9].
Ba là, thực hiện chuyển đổi số trong công tác TTPBGDPL ở vùng đồng bào DTTS&MN. Đặc biệt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong công tác TTPBGDPL ở vùng đồng bào DTTS&MN. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác TTPBGDPL. Tập trung TTPBGDPL trên Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương và các ứng dụng trên thiết bị di động; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, tập huấn pháp luật trực tuyến.
Bốn là, tổ chức đánh giá hiệu quả công tác TTPBGDPL ở vùng đồng bào DTTS&MN. Công tác đánh giá hiệu quả việc TTPBGDPL luôn là nội dung quan trọng nhằm khắc phục những bất cập, từ đó đổi mới được nội dung, đa dạng hóa hình thức TTPBGDPL ở vùng đồng bào DTTS&MN theo hướng thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên, kịp thời, phù hợp với từng nhóm đối tượng, lĩnh vực, địa bàn, chú trọng đối tượng đặc thù; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TTPBGDPL ở vùng đồng bào DTTS&MN[10].
Năm là, đẩy mạnh công tác truyền thông các chính sách, quy định có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở vùng đồng bào DTTS&MN. Chú trọng TTPBGDPL về các chính sách, pháp luật được dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội để tạo sự đồng thuận, nhất quán trong thực thi chính sách, pháp luật ở vùng đồng bào DTTS&MN. Xây dựng cơ chế nắm bắt thông tin, thực hiện phản biện xã hội qua thực tiễn tổ chức hoạt động TTPBGDPL ở vùng đồng bào DTTS&MN nhằm kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập, lỗ hổng, điểm nghẽn lớn trong thể chế, chính sách, cũng như cơ chế tổ chức thực hiện để từ đó đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở vùng đồng bào DTTS&MN.
Sáu là, phát triển và sử dụng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật chuyên sâu theo từng lĩnh vực, từng nhóm đối tượng ở vùng đồng bào DTTS&MN. Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật theo hướng chuyên sâu, chuyên biệt cho đối tượng đặc thù, yếu thế ở vùng đồng bào DTTS&MN. Bảo đảm có phẩm chất chính trị tốt, trình độ chuyên môn vững vàng, có kỹ năng truyền đạt, am hiểu pháp luật và kiến thức xã hội. Thường xuyên quan tâm tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác TTPBGDPL; gắn công tác TTPBGDPL với việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị và địa phương ở vùng đồng bào DTTS&MN. Cần phát huy việc huy động con em ở vùng đông bào DTTS&MN được học tập, đào tạo cơ bản; được lựa chọn đi đào tạo thực hiện theo các dự án, đề án nâng cao trình độ con em và phát huy nguồn lực TTPBGDPL tại chỗ vẫn chưa phát huy hết hiệu quả công tác TTPBGDPL ở vùng đồng bào DTTS&MN.
Bảy là, chính sách thu hút, khuyến khích sự tham gia của xã hội vào hoạt động TTPBGDPL ở vùng đồng bào DTTS&MN. Cần đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa công tác TTPBGDPL nhằm thu hút các nguồn lực xã hội, khuyến khích, huy động các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, như tổ chức hành nghề luật luật sư, các luật gia, huy động sự tham gia tích cực của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học… tích cực tham gia công tác TTPBGDPL. Tăng cường đa dạng hóa nguồn lực xã hội tham gia công tác TTPBGDPL ở vùng đồng bào DTTS&MN; có cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia TTPBGDPL ở vùng đồng bào DTTS&MN. Có chính sách ưu tiên sử dụng đội ngũ người biết tiếng dân tộc thiểu số, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở DTTS&MN tham gia TTPBGDPL. Đồng thời bảo đảm kinh phí TTPBGDPL theo hướng chú trọng đối tượng đặc thù và tại các địa bàn có điều kiện khó khăn.
Tám là, bảo đảm kinh phí cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách ở vùng đồng bào DTTS&MN. Đa dạng hóa nguồn lực xã hội cho công tác PBGDPL. Đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí, ưu tiên bố trí nguồn lực cho các nhóm đối tượng đặc thù yếu thế, đồng bào dân tộc, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nguồn kinh phí bố trí cho công tác TTPBGDPL hàng năm ở vùng đồng bào DTTS&MN phải được ghi cụ thể theo mục ngân sách trong nghị quyết về dự toán chi ngân sách hàng năm của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở đề nghị của các ngành, các cấp và điều kiện khả năng ngân sách của địa phương ở vùng đồng bào DTTS&MN[11].
Chín là, thực hiện đầy đủ các thể chế, chính sách TTPBGDPL hiện hành; đồng thời hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực này đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới[12]./.
TS. Lê Vệ Quốc
Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp
TS. Lê Văn Đức
Trường Đại học Luật Hà Nội
[1]. Bài viết trong khuôn khổ của Đề tài khoa học cấp Bộ (2023 - 2024): “Giải pháp nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay” của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.
[2]. Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL các, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
[3]. Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân cũng đã xác định 09 nhóm giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm của công tác TTPBGDPL.
[4]. Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật yêu cầu các bộ, ngành, địa phương.
[5]. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
[6]. Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
[7]. Minh Trí (2015), Phổ biến pháp luật cho đồng bào vùng cao Mù Cang Chải - Bài toán đang tìm lời đáp (Số chuyên đề về pháp luật với đồng bào miền núi), Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, tr. 21 - 23.
[8]. Nguyễn Huỳnh Huyện (2019), Kinh nghiệm từ hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh vùng duyên hai miền Trung, Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn, số 38/2019.
[9], [10], [11], [12]. PGS. TS Nguyễn Tất Viễn (2020), “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” đăng trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Số chuyên đề 60 năm Ngành Tư pháp.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 410), tháng 8/2024)