Toàn cảnh buổi Tọa đàm.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Phạm Quang Hiếu cho biết, hiện nay, có nhiều nhận định về trí tuệ nhân tạo (AI). Thứ nhất, trí tuệ nhân tạo AI là một trong những vấn đề cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thứ hai, cùng với internet, trí tuệ nhân tạo AI đã chứng minh là cuộc cách mạng quan trọng của nền kinh tế vì tất cả các giao dịch đều được thực hiện dễ dàng qua mạng internet; thứ ba, trí tuệ nhân tạo AI đã mang đến một cuộc cách mạng giúp gia tăng năng suất lao động, tối ưu hóa quy trình sản xuất ở nhiều lĩnh vực. Ở Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới, trí tuệ nhân tạo AI đã bắt đầu từ nhiều năm trước và trong xuyên suốt quá trình phát triển cũng đạt được rất nhiều thành tựu nổi bật. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo AI thực sự bùng nổ, được xã hội đặc biệt quan tâm từ cuối năm 2022 với sự ra đời của ChatGPT với 100 triệu tài khoản đăng ký sử dụng chỉ trong vòng 02 tháng.
Ông Phạm Quang Hiếu, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp phát biểu khai mạc Tọa đàm.
Tọa đàm hướng tới mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm của các đơn vị đã tham gia trực tiếp trong xây dựng, phát triển, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI vào các hoạt động thực tiễn, từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm để áp dụng vào các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp. Đồng chí Cục trưởng hy vọng, qua buổi Tọa đàm này, các đại biểu hiểu rõ hơn về công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, đặc biệt là ứng dụng công nghệ AI phục vụ chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp; đồng thời, đưa ra gợi mở, ý tưởng ứng dụng công nghệ AI cho công việc hàng ngày trong đơn vị mình, phát huy tối đa năng lực của AI, đưa chuyển đổi số là động lực quan trọng, phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quy trình, quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam như bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Đại diện Trung tâm Công nghệ số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại buổi Tọa đàm.
Tại Tọa đàm, trình bày tham luận về việc thúc đẩy phát triển trợ lý ảo hỗ trợ công chức, viên chức phục vụ chuyển đổi số ngành Tư pháp, đại diện Trung tâm Công nghệ số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trí tuệ nhân tạo AI đang phát triển cực nhanh, có tiềm năng lớn, hứa hẹn là một trong những ứng dụng “hủy diệt”, mang lại sự đột phá cao nhất. Trợ lý ảo AI có thể giúp thay đổi hệ tri thức của hệ thống công chức, viên chức Nhà nước, thay đổi toàn bộ cách thức làm việc của một tổ chức, làm “thông minh hóa” toàn bộ hệ thống công chức, viên chức Việt Nam. Chia sẻ về cách làm của Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng chí cho biết, trong quá trình thử nghiệm trợ lý ảo, Bộ đã đúc rút 03 kinh nghiệm, đó là: “Nhỏ”, “Và”, “Chia”. Cụ thể, “Nhỏ” là chia nhỏ bài toán, phục vụ đối tượng đặt câu hỏi trong một nhóm vấn đề cụ thể. “Và” là sự kết hợp giữa hệ tri thức chuyên gia do con người xây dựng và mô hình ngôn ngữ của trí tuệ nhân tạo. “Chia” là sự phân chia nhiệm vụ của Doanh nghiệp công nghệ số với khách hàng, Doanh nghiệp công nghệ số thực hiện tốt nhiệm vụ làm chủ nền tảng còn khách hàng chuẩn bị tốt phần dữ liệu chuyên gia đầu vào. Thông qua việc thúc đẩy ứng dụng trợ lý ảo hỗ trợ công việc, các đơn vị có thể tích luỹ tri thức, là tài sản vô giá để lại cho thế hệ kế tiếp.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Kiến trúc sư giải pháp AI, Trung tâm Dịch vụ và dữ liệu trí tuệ nhân tạo Viettel trình bày tham luận tại Tọa đàm.
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai AI cho các Bộ, ngành, đồng chí Nguyễn Trung Kiên, Kiến trúc sư giải pháp AI, Trung tâm Dịch vụ và dữ liệu trí tuệ nhân tạo Viettel, Tập đoàn Viễn thông Quân đội cho biết, việc triển khai AI phải trải qua quá trình 05 bước, đó là: Khảo sát yêu cầu về dữ liệu - nạp dữ liệu - tích hợp trợ lý ảo vào các ứng dụng, website có sẵn - thử nghiệm và tuỳ chỉnh - chính thức triển khai và liên tục huấn luyện cải tiến. Đồng chí cũng đưa ra một số hiện trạng công việc và đề xuất các giải pháp thực hiện tại Bộ Tư pháp. Theo đó, Bộ Tư pháp cần triển khai kho dữ liệu dùng chung tập trung có kết nối với các cơ sở dữ liệu khác, tự động hóa các quy trình nghiệp vụ của Bộ và xây dựng trợ lý ảo hướng dẫn, chỉ dẫn văn bản hay các tình huống pháp lý cụ thể.
Bà Ngọc Anh, đại diện Viện nghiên cứu công nghệ CMC, Công ty cổ phần tập đoàn CMC chia sẻ tại buổi Tọa đàm
Chia sẻ ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật, đồng chí Ngọc Anh, Viện nghiên cứu công nghệ CMC, Công ty cổ phần tập đoàn CMC cho biết, AI có thể rà soát, tìm kiếm các văn bản cần được sửa đổi, bổ sung, thay thế; đối chiếu văn bản, điều khoản để phát hiện mâu thuẫn, chồng chéo, từ đó, nâng cao hiệu quả rà soát hệ thống pháp luật, giảm tải khối lượng lớn công việc cho cán bộ làm công tác này.
Ngoài ra, các đại biểu còn được nghe chia sẻ về việc xây dựng trợ lý ứng dụng công nghệ AI để hỗ trợ xử lý thông tin và xây dựng hệ tri thức số và ứng dụng công nghệ thông tin trí tuệ nhân tạo AI trong tổ chức cuộc họp.
Phát biểu bế mạc Tọa đàm, đồng chí Phạm Quang Hiếu cảm ơn các đại biểu, khách mời đã chia sẻ nhiệt tình, tâm huyết về những vấn đề xoay quanh việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI phục vụ chuyển đổi số ngành Tư pháp. Đồng thời, Cục trưởng rút ra một số bài học kinh nghiệm khi xây dựng trợ lý ảo, ứng dụng AI, các đơn vị cần phải chủ động tiếp cận ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, vì chỉ có các đơn vị mới biết nhu cầu của mình, cái mình có và “nỗi đau” của mình ở đâu; không có AI toàn năng. Vì vậy, khi triển khai xây dựng, cần phải làm từng bước một, xác định phạm vi phù hợp, chuẩn bị dữ liệu đầy đủ, để đạt được kết quả rõ ràng; việc xây dựng trợ lý ảo, ứng dụng AI không dễ, cần phải có sự quyết tâm rất cao, sự theo đuổi và cam kết mục tiêu để bảo đảm việc triển khai đạt được hiệu quả, có đích đến cụ thể.
Diệp Linh