Quang cảnh phiên họp sáng 20/9. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Tham dự phiên làm việc này có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn.
Trình bày Tờ trình Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại một số nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 9 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
(Ảnh: Quochoi.vn) |
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, Dự thảo Luật được bố cục thành 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều) với nhiều nội dung đáng chú ý. Trong đó, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền TP Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 (không tổ chức HĐND phường) và bổ sung cấp chính quyền TP thuộc TP Hà Nội; quy định cụ thể về đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài như tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo; được ký hợp đồng làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập; cho phép HĐND TP Hà Nội quyết định việc sử dụng ngân sách TP để đầu tư các dự án liên tỉnh trong vùng Thủ đô và hỗ trợ các địa phương phát triển…
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng cho biết, trong quá trình chỉnh lý Dự thảo Luật, hiện còn nội dung quy định về biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức của TP Hà Nội (điểm d khoản 1 Điều 10) được đề nghị tiếp tục xin ý kiến. Cụ thể, Dự thảo Luật quy định trong tổng số biên chế cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền giao, TP Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, mức độ hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của TP Hà Nội để bảo đảm các chi phí cho biên chế tăng thêm. UBND TP Hà Nội đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm.
Quy định này nhằm bảo đảm tính linh hoạt, chủ động cho TP Hà Nội trong việc quyết định biên chế. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định này có nội dung khác với quy định của Đảng về quản lý hệ thống biên chế của hệ thống chính trị. Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Quy định số 70-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về quản lý biên chế của hệ thống chính trị thì Bộ Chính trị “Quyết định tổng biên chế và biên chế dự phòng của hệ thống chính trị theo nhiệm kỳ 5 năm và khi cần thiết; quyết định giao biên chế cho các cơ quan, tổ chức được giao thẩm quyền quản lý biên chế”.
Tại phiên làm việc, bày tỏ sự quan tâm đến các quy định liên quan đến xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tán thành với việc không mở rộng, xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp…, đồng thời nhất trí với việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trụ sở các cơ quan… trong đô thị trung tâm, không phù hợp với quy hoạch chung.
Chủ trương này rất đúng và chúng ta đã đặt ra từ lúc sáp nhập tỉnh Hà Tây vào Hà Nội nên cần phải triển khai sớm, triển khai quyết liệt. Thực tế phát triển nội đô thời gian qua, nhất là sau vụ việc đau lòng cháy nhà riêng lẻ mà người dân gọi là chung cư mini tại Khương Hạ cùng với việc tồn tại hơn 2.000 nhà riêng lẻ khác kiểu chung cư mini cho thấy việc định hướng xây dựng phát triển Thủ đô Hà Nội có phần khó kiểm soát ngay cả khi Luật Thủ đô được ban hành từ năm 2012, thậm chí trước đó có Pháp lệnh Thủ đô năm 2000 và các nghị quyết như Nghị quyết số 97, 115 với các chính sách đặc thù cho Thủ đô.
Đó là hệ lụy tập trung dân cư quá đông trong khu vực nội thành đi kèm với công tác quản lý chưa nghiêm. Vấn đề di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, trụ sở các cơ quan… thuộc thẩm quyền quản lý của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương đã đặt ra từ rất lâu nhưng công tác triển khai hết sức chậm chạp.
Đối chiếu lại với Dự án Luật, danh mục, biện pháp và lộ trình di dời được ủy quyền cho Thủ tướng quyết định, ông Bùi Văn Cường chỉ rõ, trong hồ sơ Dự án Luật chưa có Dự thảo Quyết định về biện pháp, lộ trình di dời. Đây chính là một dạng văn bản quy định chi tiết mà theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải được chuẩn bị và trình đồng thời với Dự án Luật.
Cho ý kiến tại phiên làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng dứt khoát không hợp pháp hóa chung cư mini, các tiêu chuẩn, quy chuẩn nên chăng giao thẩm quyền cho Thủ đô quy định khác biệt. Đồng thời cần rà soát lại quy định về chung cư mini tại Dự thảo Luật Nhà ở.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu thêm quy định về thể chế phát triển làng nghề, làng có nghề bởi Hà Nội được UNESCO vinh danh trong Mạng lưới TP sáng tạo thế giới, chủ yếu là thiết kế sáng tạo trên cơ sở làng nghề; quy định về công nghiệp văn hóa (Thủ đô đã có Nghị quyết riêng về công nghiệp văn hóa), về quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo…
Sơn Phan
(Theo Báo điện tử Pháp luật Việt Nam)