Abstract: The article conducts study on the principle of first application submission in the protection of industrial property rights relating to patent in accordance with Vietnamese intellectual property law, Paris Convention and analyses a particular case in the United States of America.
Khác với nguyên tắc tự động trong bảo hộ bản quyền các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học được ghi nhận rõ trong pháp luật quốc tế[1] cũng như được thể hiện rõ nét tại Việt Nam[2], khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam về nguyên tắc xác lập quyền sở hữu công nghiệp thông qua việc thực hiện thủ tục đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu (trừ nhãn hiệu nổi tiếng hưởng chế độ bảo hộ đặc biệt nên có thể đăng ký hoặc không) và chỉ dẫn địa lý. Nói cách khác, quyền sở hữu công nghiệp chỉ được xác lập đối với các đối tượng này trên cơ sở thực hiện thành công thủ tục đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (ở Việt Nam là Cục Sở hữu trí tuệ trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ). Về cơ bản, đây là việc các chuyên gia của cơ quan này tiến hành kiểm tra, đánh giá, hay thẩm định các tiêu chí, tiêu chuẩn, hay điều kiện bảo hộ đối với từng đối tượng, rồi kết luận xem chúng có đáp ứng quy định của luật về điều kiện, tiêu chuẩn hay tiêu chí bảo hộ hay không, trên cơ sở đó ra quyết định cấp hay từ chối cấp loại văn bằng bảo hộ tương ứng.
Để phù hợp với nội dung khoản 3 Điều 6 nêu trên, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại khá nhiều điều khoản của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Chẳng hạn, Điều 100 về yêu cầu chung đối với mọi đơn đăng ký sở hữu công nghiệp; Điều 101 về tính thống nhất của đơn đăng ký sở hữu công nghiệp; các điều từ 102 đến 106 về yêu cầu cụ thể đối với từng loại đơn đăng ký sở hữu công nghiệp gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Bên cạnh đó, Luật Sở hữu trí tuệ cũng dành khoản 2 Điều 110 quy định về việc công bố đơn đăng ký sở hữu công nghiệp; Điều 112 quy định về quyền nêu ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ; Điều 113 và Điều 114 quy định về yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và Điều 119 quy định về thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp...
Trong số các loại đối tượng sở hữu trí tuệ nói chung và đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp nói riêng, sáng chế luôn giữ một vị trí, vai trò vô cùng đặc biệt. Tầm quan trọng bậc nhất của bảo hộ sáng chế đối với pháp luật quốc gia và quốc tế đã dẫn đến thực tế là các điều khoản về sáng chế trong Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPs) - với ý nghĩa là một trong số vài hiệp định thương mại đa phương quan trọng nhất của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - luôn là tâm điểm của các tranh luận kéo dài và gay gắt nhất giữa các thành viên trong suốt quá trình soạn thảo cũng như trong quá trình rà soát, tiến tới sửa đổi một số điều khoản của Hiệp định[3]. Trong lịch sử phát triển của Hoa Kỳ, bảo hộ sáng chế là một trong những yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định trong việc đưa đất nước này trở thành cường quốc kinh tế, thương mại, khoa học - kỹ thuật và công nghệ dẫn đầu thế giới[4].
Để được hưởng sự bảo hộ đối với sáng chế trong thời hạn 20 năm kể từ khi nộp đơn đăng ký bảo hộ theo tiêu chuẩn bảo hộ của Hiệp định TRIPs được tái lập trong luật của tất cả các quốc gia thành viên WTO, sáng chế có đơn đăng ký bảo hộ phải đáp ứng ba điều kiện, tiêu chí hay tiêu chuẩn bảo hộ ghi nhận tại Điều 27:1 Hiệp định TRIPs - cũng được nội địa hóa trong luật quốc gia của tất cả các thành viên WTO, đó là điều kiện về tính mới (tương đồng với tính không hiển nhiên), về trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp (tương đồng với tính hữu ích) của sáng chế.
Trong quá trình xem xét, giải quyết các đơn yêu cầu bảo hộ sáng chế tương ứng với các điều kiện bảo hộ sáng chế nêu trên, thực tiễn bảo hộ sáng chế ở một số nước trên thế giới cho thấy, có những trường hợp hai hay nhiều tổ chức, cá nhân độc lập với nhau cùng tạo ra một sáng chế có nội dung trùng nhau và cùng có đơn đăng ký bảo hộ sáng chế gửi đến cơ quan sáng chế có thẩm quyền. Đánh giá tính mới của sáng chế trong trường hợp này yêu cầu cơ quan sáng chế hoặc là áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên (first-to-file) hoặc là áp dụng nguyên tắc sáng tạo đầu tiên (first-to-invent) phù hợp với sự lựa chọn hay quy định của pháp luật quốc gia, từ đó dành quyền ưu tiên cho người nộp đơn đầu tiên hay người sáng tạo đầu tiên giữa những người cùng nộp đơn yêu cầu bảo hộ sáng chế.
Giải quyết trường hợp này trong phạm vi một thỏa thuận quốc tế, ngay từ khi Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được ký kết năm 1883, người ta đã nói về quyền ưu tiên đăng ký sáng chế, mẫu hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu, áp dụng giữa các thành viên trong trường hợp có nhiều đơn độc lập cùng yêu cầu bảo hộ cho một trong số đối tượng vừa được nhắc đến. Liên quan đến sáng chế, dựa trên cơ sở nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, Điều 4 Công ước Paris xác nhận việc hưởng quyền ưu tiên theo đơn hợp lệ đầu tiên đăng ký sáng chế đã được nộp tại một trong số các nước thành viên trong thời hạn 12 tháng; trong khoảng thời gian này, nếu người nộp đơn tiếp tục nộp đơn yêu cầu bảo hộ sáng chế đó tại bất kỳ nước thành viên nào khác, các đơn nộp sau được xem như nộp cùng ngày với ngày nộp đơn hợp lệ đầu tiên đăng ký sáng chế. Áp dụng nguyên tắc này giữa các thành viên Công ước Paris giúp cho người nộp đơn ở một nước thành viên tránh được rủi ro khi người khác trong thời hạn hưởng quyền ưu tiên theo đơn đầu tiên đã được nộp có thể nộp đơn yêu cầu bảo hộ ở một nước thành viên khác cho cùng sáng chế; cũng như tránh được rủi ro khi họ đã có thể mô tả sáng chế trong một bài báo hoặc đã công khai khai thác sáng chế trong thực tế. Bên cạnh đó, khi quy trình nộp đơn và thủ tục xem xét đơn yêu cầu bảo hộ sáng chế luôn đặc biệt song hành với các chi phí về thời gian và tài chính, việc hưởng quyền ưu tiên theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên còn cho phép người nộp đơn muốn sáng chế của mình được bảo hộ ở nhiều nước thành viên Công ước Paris có điều kiện cân nhắc trong thời hạn hưởng quyền ưu tiên về việc họ nên nộp đơn yêu cầu bảo hộ ở nước nào và tiến hành các thủ tục cần thiết ở nước đó, thay cho việc đồng thời nộp các đơn yêu cầu bảo hộ cho cùng sáng chế tại nước xuất xứ và các nước khác.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc giải quyết các vấn đề có liên quan trong các trường hợp nêu trên, hầu hết luật các nước đều áp dụng nguyên tắc first-to-file hay nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, như đã được ghi nhận bởi Công ước Paris. Riêng nguyên tắc first-to-invent (nguyên tắc sáng tạo đầu tiên) được áp dụng ở Hoa Kỳ, sau đó ở Canada và Philippines với lý do ban đầu của việc áp dụng nguyên tắc này ở Hoa Kỳ gắn với tiến trình giải quyết xung đột về lợi ích giữa các nhà sáng tạo, đồng thời là chủ sở hữu sáng tạo kỹ thuật có nội dung trùng nhau thuộc các bang khác nhau, sau đó tiếp tục yêu cầu bảo hộ sáng tạo kỹ thuật của mình ở bang khác trong một nhà nước liên bang thống nhất[5]. Chỉ đến khi Đạo luật Sáng chế năm 2011 được ban hành (the America Invents Act of 16/09/2011), Hoa Kỳ mới chuyển đổi hệ thống bảo hộ sáng chế từ áp dụng nguyên tắc first-to-invent sang áp dụng nguyên tắc first-to-file với lịch trình chuyển đổi kéo dài năm năm (2011 - 2015), trên cơ sở đó kết thúc hàng thế kỷ áp dụng nguyên tắc sáng tạo đầu tiên trong hệ thống bảo hộ sáng chế của mình.
Trước thời điểm nêu trên, Hoa Kỳ là nước đầu tiên và duy nhất còn lại trong số rất ít các nước trên thế giới áp dụng nguyên tắc first-to-invent với các trường hợp xảy ra trong thực tiễn hầu hết là các sáng chế có nội dung trùng nhau được nhiều người độc lập sáng tạo cùng có đơn đăng ký bảo hộ và cơ quan sáng chế Hoa Kỳ khi đó có trách nhiệm giải quyết vụ việc thông qua thủ tục tạm dịch là “can thiệp vụ” dành quyền ưu tiên cho người sáng tạo đầu tiên, không phải người nộp đơn đầu tiên[6]. Trước đó, Canada trong năm 1989 và Philippines trong năm 1998 đều lần lượt chuyển từ hệ thống first-to-invent sang hệ thống first-to-file[7]. Bên cạnh các lý do khác, việc chuyển đổi áp dụng các nguyên tắc từ first-to-invent sang first-to-file trong hệ thống bảo hộ sáng chế ở Canada, Hoa Kỳ và Philippines đều có liên quan đến tư cách thành viên của họ ở các hệ thống quốc tế về bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trong nhiều trường hợp, việc xem xét cấp văn bằng bảo hộ có thể trở nên không thể giải quyết được giữa các cơ quan sáng chế quốc gia hoặc khu vực nếu nguyên tắc first-to-invent được áp dụng.
Ở Việt Nam, Luật Sở hữu trí tuệ dành Điều 90 nói riêng về nguyên tắc nộp đơn đầu tiên trong yêu cầu bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu, áp dụng khi chủ thể có liên quan ở vào các điều kiện và tình huống luật định. Đối với sáng chế, Điều 90 nêu rõ trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký các sáng chế trùng hoặc tương đương nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho sáng chế trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số các đơn đáp ứng điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ. Nếu có nhiều đơn đăng ký sáng chế trong các trường hợp như vậy cùng đáp ứng điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho đối tượng của một đơn duy nhất trong số các đơn đó theo thỏa thuận của tất cả những người nộp đơn; trường hợp giữa những người nộp đơn không thỏa thuận được với nhau về vấn đề này thì tất cả các đối tượng tương ứng trong tất cả các đơn đều bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
Thực tiễn ở Việt Nam từ trước đến nay dường như chưa có bất kỳ trường hợp nào phải áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên trong đăng ký bảo hộ sáng chế và ở các nước khác, trừ Hoa Kỳ, cũng rất hiếm xảy ra các vụ việc mà cơ quan sáng chế cần áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên tương ứng. Trong thời gian từ 2008 đến 2016, theo thống kê của Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO), trong mỗi năm tài chính FY (financial year), số lượng các vụ việc được Cơ quan này giải quyết theo thủ tục “can thiệp vụ” đối với sáng chế là 52 vụ (năm 2008); 44 vụ (năm 2009); 46 vụ (năm 2010); 59 vụ (năm 2011); 53 vụ (vụ 2012); 51 vụ (năm 2013); 31 vụ (năm 2014); 22 vụ (năm 2015) và 26 vụ (năm 2016)[8] trong tổng số trung bình lên tới trên dưới 500.000 đơn đăng ký sáng chế mỗi năm[9]. Gần đây nhất và nổi tiếng khó khăn, phức tạp là vụ “CRISPR-CAS9” xảy ra giữa hai nhóm nghiên cứu thuộc hai đại học hàng đầu và một viện công nghệ lớn của Hoa Kỳ là Đại học UC Berkeley, Viện Công nghệ Massachusets và Đại học Harvard với kết quả nghiên cứu liên quan đến công sức và sự tham gia nghiên cứu của nhiều nhà khoa học khác thuộc các đại học nổi tiếng Châu Âu và Hoa Kỳ. Ở đây, CRISPR (Clustered Regularly Interspaced Short Palindromic Repeats) là một cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể con người theo đó cho phép các tế bào vi khuẩn phát hiện và tiêu diệt các loại virus tấn công chúng. Cơ chế hoạt động của CRISPR được khám phá lần đầu tiên bởi hai nhà khoa học Erik Sontheimer và Luciano Marrafinni từ Đại học Northwestern ở Evanston thuộc Bang Illinois Hoa Kỳ trong năm 2008. Hai nhà khoa học này đã nộp đơn bảo hộ độc quyền sáng chế cho khám phá của mình nhưng đơn đăng ký đã bị từ chối vì không đáp ứng được điều kiện thứ ba trong tiêu chuẩn bảo hộ sáng chế quốc gia, do hai nhà khoa học đã không thể giảm thiểu CRISPR tới bất kỳ một ứng dụng thực tế nào.
Bốn năm sau đó, cụ thể là vào tháng 6/2012, hai nhà khoa học khác là Emmanuelle Charpentier - một nhà vi sinh học người Pháp khi đó làm việc cho Đại học Viên (University of Vienna) hiện đang làm việc cho cả Viện Max Planck (Max Planck Institute for Infection Biology) Đức và Đại học Umeå Thụy Điển cùng một nhà khoa học khác là Jennifer Doudna làm việc cho Đại học UC Berkeley Hoa Kỳ đã tiếp tục công bố về CRISPR trên một ấn phẩm khoa học với kết quả nghiên cứu của họ gắn CRISPR với một loại chất xúc tác (enzyme) gọi là Cas[9] trên cơ sở đó tạo thành một công cụ có khả năng sửa đổi gen (editing genes). Sáng tạo của hai nhà khoa học này hoàn toàn có thể được ứng dụng để cắt các nhiễm sắc thể DNA trong một ống nghiệm (test tube) và họ đã nộp đơn đăng ký sáng chế cho công trình có tên gọi là “CRISPR-Cas9” từ tháng 5/2012, tuy nhiên cho tới nay, đơn đăng ký sáng chế của họ vẫn nằm trong tiến trình thẩm định của cơ quan sáng chế.
Hơn bảy tháng sau thời gian kể trên, vào tháng 01/2013, một nhóm các nhà khoa học khác thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (Viện MIT) và Đại học Harvard đã công bố việc họ khám phá ra cách thức sử dụng CRISPR-Cas9 cho việc sửa đổi tế bào động vật có vú, vì vậy đã hé lộ tiềm năng y học gắn với các phương thức chữa bệnh mới và hiệu quả hơn trên cơ sở sử dụng sáng tạo của họ. Nhóm các nhà khoa học này đã nộp đơn đăng ký sáng chế cho khám phá của mình từ tháng 12/2012 và trong quá trình thẩm định đơn đăng ký bảo hộ họ đã đồng thời chịu một khoản chi phí lớn để cơ quan sáng chế thực hiện một quy trình kiểm nghiệm y khoa ngặt nghèo (fast-track review process). Cùng với 11 đơn khác được nộp bổ sung cho đơn đăng ký sáng chế nhằm nhấn mạnh rằng nhóm nghiên cứu là những người đầu tiên tạo ra một hệ thống CRISPR sửa đổi tế bào động vật có vú, USPTO đã cấp bằng độc quyền sáng chế cho kết quả nghiên cứu đã nêu vào tháng 4/2014.
Nhưng toàn bộ sự việc không dừng lại ở đó, vì thực tế từng nhà nghiên cứu ở mỗi đại học hay viện nghiên cứu trong vụ việc kể trên đều đã sử dụng hàng triệu đô la tiền đầu tư nghiên cứu từ Chính phủ để đi tiên phong trong việc tạo ra các hệ thống dịch chuyển CRISPR-Cas9 thành các phương thức điều trị mới cho một loạt các bệnh về gen. Trong khi đó, thực tiễn cũng cho thấy rằng CRISPR-Cas9 đã được khai thác thương mại thông qua các hợp đồng chuyển quyền sử dụng (li-xăng) không chỉ trong lĩnh vực y tế mà còn trong các lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp. Theo quy định tại Đạo luật Bayh-Dole năm 1980 (the 1980 Bayh-Dole Act hay chính là the Patent and Trademark Law Amendments Act), các đại học Hoa Kỳ có quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế hay các kết quả nghiên cứu được tạo ra bằng tiền đầu tư của Chính phủ (federally-funded research). Bên cạnh đó, một yêu cầu tất yếu cần phải được thực hiện hết sức nghiêm túc là các kết quả nghiên cứu khoa học này phải được cho phép sử dụng miễn phí làm nền cho các hoạt động nghiên cứu khoa học tiếp theo mang tính chuyên sâu hơn, mở rộng hơn, thì có một điều tất yếu khác là bất kỳ một công ty hay nhà ứng dụng thực tiễn nào đều phải ký hợp đồng hay trả tiền để được cấp phép cho việc sử dụng các kết quả nghiên cứu đó trong hoạt động thương mại. Vì vậy, một trong số các vấn đề được đặt ra liên quan đến vụ CRISPR-Cas9 là với khoảng 20.000 gen trong số các gen thuộc hệ gen của con người thuộc phạm vi bảo hộ độc quyền của kết quả nghiên cứu này, giá trị thương mại của việc cấp phép cho phép sử dụng CRISPR-Cas9 sẽ là rất lớn, cụ thể và đặc biệt trong điều kiện rất phát triển của các công ty công nghệ ứng dụng sinh học Hoa Kỳ.
Một phần quan trọng vì lý do này, vào tháng 04/2015, Đại học UC Berkeley đã đại diện cho hai nhà khoa học Emmanuelle Charpentier và Jennifer Doudna yêu cầu USPTO áp dụng thủ tục “can thiệp vụ” liên quan đến độc quyền sáng chế đã được cấp cho nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Viện MIT và Đại học Harvard[10]. Hội đồng (hành chính) giải quyết khiếu nại và xét xử phúc thẩm sáng chế thuộc USPTO, gọi tắt là PTAB (the USPTO’s Patent Trial and Appeal Board) đã bắt đầu xử lý vụ việc từ tháng 01/2016 và Đạo luật Sáng chế Hoa Kỳ 2011 với nguyên tắc first-to-invent, không phải nguyên tắc first-to-file, phù hợp với lịch trình áp dụng đã được nhắc tới phần nào ở trên đã được dẫn chiếu. Điều quan trọng nhất trong vụ việc này là PTAB phải trả lời câu hỏi hay giải quyết một mệnh đề hóc búa là với tính chất của toàn bộ sự việc như đã được miêu tả tóm tắt ở trên, liệu bằng độc quyền sáng chế đã được USPTO cấp cho nhóm các nhà khoa học thuộc Viện MIT và Đại học Harvard có thực sự đáp ứng tiêu chuẩn “mới”, hay sáng tạo của nhóm các nhà khoa học này thực ra chỉ là “một bước hiển nhiên tiếp theo” căn bản dựa trên trình độ sáng tạo đã có trong quan hệ với kết quả nghiên cứu của hai nhà khoa học mà Đại học UC Berkeley đại diện?
Gần hai năm sau, vào ngày 12/02/2017, PTAB đã đưa ra phán quyết theo đó công nhận bằng sáng chế cấp cho nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Viện MIT và Đại học Harvard không trùng lặp với yêu cầu cấp bằng độc quyền sáng chế cho kết quả nghiên cứu của hai nhà khoa học do Đại học UC Berkeley đại diện. Lý do của phán quyết này gắn với sự khác biệt là trong khi kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học thuộc Viện MIT và Đại học Harvard ứng dụng cụ thể CRISPR-Cas9 cho việc sửa đổi tế bào động vật có vú (editing mammalian cells), các nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu do Đại học UC Berkeley đại diện tập trung vào việc ứng dụng CRISPR-Cas9 trong bất kỳ môi trường hay tiến trình liên quan nào. Điều này có nghĩa rằng, cùng liên quan đến cách thức sử dụng CRISPR-Cas9, bằng độc quyền sáng chế cấp cho nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Viện MIT và Đại học Harvard gắn với ứng dụng CRISPR-Cas9 trong tế bào động vật có vú giữ nguyên giá trị và các nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu do Đại học UC Berkeley đại diện hoàn toàn có thể tiếp tục theo đuổi yêu cầu bảo hộ độc quyền sáng chế cho ứng dụng CRISPR-Cas9 trong bất kỳ loại tế bào nào[11].
Trong khi phán quyết nêu trên có thể được xem như một kết thúc tốt đẹp cho cả hai bên tranh tụng, về mặt thực tiễn, các công ty ứng dụng công nghệ sinh học Hoa Kỳ lại bị đặt vào một tình thế bấp bênh cao độ, bởi vụ việc tuy đã được giải quyết như vậy về mặt pháp lý nhưng lại không thể làm rõ một việc trong thực tế là các công ty này có cần phải ký hợp đồng cấp phép sử dụng cho việc khai thác thương mại CRISPR-Cas9 đối với cả hai bên trong quan hệ tranh tụng đó hay không. Bên cạnh đó, tính chất nghiên cứu có tính đột phá rất cao của hệ thống CRISPR-Cas9 với tiềm năng làm thay đổi hẳn phương thức sửa đổi và cấu thiết nhiễm sắc thể của bất kỳ sinh vật sống nào trên trái đất, bao gồm chính bản thân con người và phôi người (human embryos) càng làm cho tiến trình giải quyết vụ việc trở nên vô cùng khó khăn và phức tạp. Chẳng hạn, trong năm 2016, Cơ quan Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (the US National Institutes of Health) đã thực hiện các ứng dụng của CRISPR-Cas9 cho những thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trong điều trị bệnh ung thư, còn tại nước Anh, Cơ quan Phôi và Thụ thai người (the UK Human Fertilization and Embryo Authority) đã cho phép ứng dụng CRISPR-Cas9 trong một vụ việc sửa đổi vĩnh viễn phôi người. Như thế, liên quan đến CRISPR-Cas9, có rất nhiều vấn đề được đặt ra và chưa thể giải quyết thông qua phán quyết của PTAB, trong số này có việc Đại học UC Berkeley đang bỏ ngỏ khả năng vụ việc cần được phán quyết, hay xét xử, bởi một tòa án Hoa Kỳ, không chỉ dừng lại ở kết luận như đã được đưa ra bởi cơ quan phán xử hành chính PTAB xung quanh thẩm quyền của USPTO[12].
Đại học Luật Hà Nội
[1]. Xem Điều 5:2 Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật (Artcile 5:2 of the Berne Convention for the Protection of Literary and Artistic Works: https://www.wipo.int/treaties/en/ip/berne).
[2]. Xem khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005 (sửa đổi năm 2009).
[3]. Xem thêm, ví dụ, UNCTAD & ICTSD, Resource Book on TRIPs and Development, Cambridge University Press, Cambridge, 2005, 353; Council for Trade-Related Aspects of Intellectual Property Rights, Article 27.3(B), Relationship between the TRIPs Agreement and the CBD and the Protection of Traditional Knowledge and Folklore, tài liệu WTO số IP/C/W/441/Rev.1, 19 May 2005; Review of the Provisions of Article 27.3(B)–Summary of Issues Raised and Points Made, tài liệu WTO số IP/C/W/369/Rev.1, 9 March 2006.
[4]. Xem thêm: Stephen A. Merrill, Patent System for the 21st Century, National Academy Press, Washington, 2004; Stephen M. McJohn, “Patents: Hiding from History”, Santa Clara Computer & High Technology Law Journal, Volume 24, 2008, 961-980; B. Zorina Khan, The Democratization of Invention: Patents and Copyrights in American Economic Development, 1790-1920, Cambridge University Press, Cambridge, 2005.
[5]. Xem thêm: Michael F. Martin, “The End of “First-To-Invent” Rule: A Concise History of its Origin”49 IDEA - The Intellectual Property Law Review 3, 2009.
[6]. Xem thêm: Michael A. Glenn & Peter J. Nagle, “Article I and the First Inventor to File: Patent Reform or Doublespeak?” 50 IDEA - The Intellectual Property Law Review 3, 2010; Rebecca C. E. McFadyen, “The “First To File” Patent System: Why Adoption is Not an Option”14 Richmond Journal of Law & Technology 3, 2007; Alexander Poltorak, “First-to-File vs. First-to-Invent”, Intellectual Property Today, RFC Express, USA, April 2008.
[7]. Xem thêm: Robin Coster, “From First To Invent To First To File: The Canadian Experience”, Torys LLP American Intellectual Property Law Association, April 2002, (www.torys.com); Warren Strugatch & Gerald T. Bodner, “Patent change can harm idea-makers U. S. should keep out first-to-invent system, instead of going first-to-file”, Newsday, Long Island, New York, 18 August 2011, http://proquest.umi.com/pqdweb.
[8]. Xem thêm: USPTO, “Appeal and Interference Statistics – Patent Trials and Appeal Board” (August 2017), https://www.uspto.gov.
[9]. Xem thêm: USPTO – Patent Technology Monitoring Team (PTMT), “U. S. Patent Statistics Chart Calandar Years 1963-2015” (Last Modified 12/05/2017), https://www.uspto.gov. Cụ thể, theo con số thống kê thể hiện ở đây, lần lượt tổng số lượng đơn đăng ký sáng chế USPTO nhận được trong từng năm đã nêu là 456.321 (2008); 456.106 (2009); 490.226 (2010); 503.582 (2011); 542.815 (2012); 571.612 (2013); 578.802 (2014); 589.410 (2015).
[10]. Trong vụ việc này, Đại học UC Berkeley đại diện cho các nhà khoa học nêu trên chỉ có yêu cầu đối với nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Viện MIT, không nhắc đến Đại học Harvard. Điều này có thể do Đại học Harvard đã đồng ý chuyển toàn bộ kết quả nghiên cứu cùng việc đăng ký độc quyền sáng chế đối với chúng cho Viện MIT hoặc gắn với một lý do bất kỳ nào khác. Vì lý do này, bài viết chỉ xin tiếp tục nhắc đến Đại học Harvard theo dòng các sự kiện đã nêu với các kết quả nghiên cứu đã được nhắc đến, không phải với ý nghĩa là bên tham gia trong một vụ tranh tụng.
[11]. Do điều kiện vô cùng hạn chế trong việc chuyển ngữ ở một bài báo khoa học, xin được ghi lại nguyên văn đoạn phán quyết của PTAB ở đây như sau: “Broad provided sufficient evidence to show that its claims, which are all limited to CRISPR-Cas9 systems in a eukaryotic environment, are not drawn to the same invention as UC’s claims, which are all directed to CRISPR-Cas9 systems not restricted to any environment. Specifically, the evidence shows that the invention of such systems in eukaryotic cells would not have been obvious over the invention of CRISPR-Cas9 systems in any environment, including in prokaryotic cells or in vitro, because one of ordinary skill in the art would not have reasonably expected a CRISPR-Cas9 system to be successful in a eukaryotic environment. This evidence shows that the parties’ claims do not interfere”.
[12]. Toàn bộ nội dung chính yếu của vụ việc cùng nhiều chi tiết cụ thể có liên quan khác xin xem thêm: WIPO Magazine April 2017, “The Battle to Own the CRISPR-Cas9 Gene-Editing-Tool” by Catherine Jewell & Vijay Shankar Balakrishnan, www.wipo.int.