Tóm tắt: Bài viết đề cập đến nội dung hai trường phái quan trọng nhất của khoa học pháp lý thế giới trong xây dựng pháp luật: Luật tự nhiên và luật thực định, từ đó, phân tích rõ vai trò hay sự tác động của luật tự nhiên đối với luật thực định trong việc xác định giới hạn của luật thực định - một trong những yêu cầu bắt buộc khi xây dựng pháp luật, góp phần hoàn thiện lý thuyết về kiểm soát quyền lực nhà nước trong Nhà nước pháp quyền.
Abstract: The article mentions the content of two most important theories of legal science in the world in law making: natural law and positive law, thereby, clearly analyzing the role or impact of natural law for the positive law in determining the limit of the positive law - one of the mandatory requirements when making laws, contributing to complete the theory on state power control in the rule of law state.
1. Khái quát về luật tự nhiên và luật thực định trong khoa học pháp lý thế giới
Pháp luật đã xuất hiện từ sớm trong lịch sử loài người, song song với sự ra đời và tồn tại của Nhà nước. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, sự tan rã của các công xã nguyên thủy khi tư hữu xuất hiện cùng với sự ra đời của các giai cấp, tầng lớp dân cư mới trong xã hội là nguyên nhân đưa xã hội loài người bước sang một giai đoạn phát triển mới, giai đoạn xã hội được quản lý bởi Nhà nước. Chính lúc này, các quy tắc xử sự chung đã tồn tại trước đó như đạo đức, tập quán, tín điều tôn giáo không còn phù hợp với loài người trong hình thái kinh tế - xã hội mới nữa và pháp luật xuất hiện như một nhu cầu tất yếu khách quan. Hiện nay, vẫn còn nhiều tranh luận xung quanh việc xác định những quy tắc pháp luật xuất hiện sớm nhất trên thế giới. Tuy nhiên, bất kể pháp luật ra đời và phát triển như thế nào, thì qua hàng nghìn năm, các nhà khoa học pháp lý vẫn luôn tìm cách trả lời thỏa đáng cho câu hỏi “pháp luật là gì, pháp luật từ đâu mà có?”. Lịch sử khoa học pháp lý chứng kiến sự xuất hiện và chiếm ưu thế vượt bậc của hai học thuyết lớn khi tìm cách trả lời những câu hỏi trên, đó là học thuyết luật tự nhiên và học thuyết luật thực định.
Học thuyết luật tự nhiên ra đời trước học thuyết luật thực định. Từ thời kỳ Hy Lạp cổ đại, các tư tưởng triết học đã nhấn mạnh sự tương phản giữa những quy luật bất biến và vĩnh cửu, tồn tại khách quan và độc lập với các luật lệ, quy ước, tập quán được đặt ra bởi một trật tự chính trị, xã hội hay một quốc gia. Các nhà triết học trong giai đoạn này chính là những người đầu tiên soạn thảo các vấn đề cơ bản, mấu chốt của học thuyết luật tự nhiên với những quan điểm tiến bộ như “mọi người đều bình đẳng”, “tự nhiên không sinh ra ai để làm trái với bản tính của mình”[1]. Những tư tưởng về luật tự nhiên đã tiếp tục được phát triển bởi Socrates và các học trò nổi tiếng của mình là Plato và Aristotle. Đặc biệt, Aristotle được coi là cha đẻ của học thuyết luật tự nhiên vì những đóng góp của ông trong việc đúc kết, luận giải một cách logic về luật tự nhiên. Ông cho rằng, trong tự nhiên đã có sẵn những quy luật, luật lệ, đạo lý của tự nhiên. Đây được coi là luận điểm mang tính bản lề cho các quan điểm luật tự nhiên trong các giai đoạn về sau. Đến thời La Mã cổ đại, Ciceron đã tiếp tục phát triển học thuyết luật tự nhiên, theo ông, luật tự nhiên phải là những chuẩn mực để đánh giá tính công lý hoặc bất công đối với luật thực định, là phương tiện để đánh giá các đạo luật do nhà nước ban hành có công bằng và đúng đắn hay không[2]. Trong giai đoạn cuối của Nhà nước phong kiến với các cuộc đấu tranh chống lại nền quân chủ chuyên chế, giới quý tộc và nhà thờ thúc đẩy các nhà tư tưởng tư sản tiếp tục phát triển học thuyết luật tự nhiên, sử dụng luật tự nhiên như một công cụ đấu tranh nằm tách vấn đề nhà nước và pháp luật ra khỏi tôn giáo. Các tên tuổi nổi bật trong quá trình kế thừa và phát triển học thuyết về luật tự nhiên phải kể đến là Thomas Aquinas, Thomas Hobbes, Hugo Grotius, John Locke thế kỉ XVII - XVIII hay mục sư Martin Luther King thế kỷ XX… Dưới ánh sáng của luật tự nhiên, Nhà nước và pháp luật không phải do Chúa sáng lập, mà do sự thỏa thuận xã hội giữa mọi người phù hợp với các quy luật lý trí của con người. Chính những đòi hỏi của lý trí con người, xuất phát từ bản tính con người đã tạo nên những quy phạm của luật tự nhiên. Có thể nói, học thuyết luật tự nhiên đã đóng vai trò tiến bộ trong việc phát triển tư tưởng chính trị giai đoạn cuối phong kiến, từ đó đã góp phần “giải thoát” học thuyết Nhà nước và pháp luật khỏi sự “bảo hộ” của thuyết thần học bằng cách phê phán một cách sâu sắc chế độ phong kiến. C. Mác đã nhận xét, học thuyết luật tự nhiên đã xem xét Nhà nước bằng đôi mắt người, đưa khoa học Nhà nước và pháp quyền ra khỏi “vòng tay chặt chẽ” của tôn giáo bằng cách tuyên bố chủ nghĩa phong kiến là phản tự nhiên, là phi lý, từ đó đã tạo nên nền tảng tư tưởng cho các cuộc cách mạng tư sản sau này[3].
Học thuyết luật thực định là một trong những sản phẩm của chủ nghĩa thực chứng. Chủ nghĩa thực chứng bắt nguồn từ triết gia Pháp Augusre Comte (1798 -1857). Comte tin rằng, xã hội loài người tiến hóa qua ba giai đoạn phát triển tri thức: Tôn giáo, siêu hình và khoa học hay “xác thực”. Ông đề xuất một hệ thống phân cấp các khoa học, đặt trên nền tảng toán học, từ đó dựng nên vật lý, rồi đến hóa học, đến sinh học, rồi đến xã hội học - tên mà ông đặt ra và tìm cách xây dựng một khoa học.
Thuyết luật thực định nhấn mạnh vào khía cạnh thực tế của pháp luật với tư cách là một trong các loại quy phạm xã hội. Nội dung chính của thuyết luật thực định nêu ra rằng, luật là tổng hợp các quy phạm do các nhà lập pháp đặt ra. Các yếu tố xung quanh pháp luật như nguồn gốc của pháp luật, sự áp dụng pháp luật hay hiệu lực pháp lý luôn xác định được rõ ràng theo quan điểm của học thuyết luật thực định. Học thuyết luật thực định cũng bác bỏ các yếu tố đạo đức, tôn giáo hay yếu tố tự nhiên, vô hạn của pháp luật. Chính vì vậy, học thuyết luật thực định được xem là học thuyết đối lập hoàn toàn với học thuyết luật tự nhiên.
Học thuyết luật thực định nổi lên và chiếm ưu thế trong khoảng thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX với những nhà triết học pháp lý nổi bật là Jeremy Bentham và John Austin. Trong khi Benthem và Austin phát triển lý thuyết thực chứng pháp lý, thì dựa trên lý thuyết của chủ nghĩa kinh nghiệm, một nhà triết học pháp lý khác là H. LA. Hart đã bổ sung cho lý thuyết của học thuyết pháp luật thực định một số nội dung rất quan trọng khác vào năm 1958, bao gồm: (i) Luật là mệnh lệnh của con người; (ii) Không có bất kỳ mối quan hệ cần thiết nào giữa luật pháp và đạo đức, nghĩa là giữa luật pháp như nó vốn có và luật pháp phải như thế; (iii) Phải có sự phân biệt pháp luật với các hiện tượng khác của lịch sử và xã hội học pháp luật; (iv) Hệ thống pháp luật là một hệ thống các quy tắc logic, khép kín, trong đó, các quyết định đúng đắn có thể được suy ra từ các quy tắc pháp lý được xác định trước mà không cần tham chiếu đến các cân nhắc xã hội khác[4].
Chính những điểm khác biệt cơ bản nhau về nội dung đã khiến các tranh luận giữa hai học thuyết pháp luật này trở nên nổi tiếng trong khoa học pháp lý, đồng thời cũng đưa hai học thuyết này trở thành hai học thuyết nổi bật nhất khi đề cập đến nghiên cứu pháp luật.
2. Vai trò của việc xác định giới hạn của luật thực định
Xu hướng xây dựng pháp luật trên thế giới hiện nay được các nhà nước lựa chọn là xây dựng pháp luật theo thuyết luật thực định kết hợp với thừa nhận và ứng dụng những điểm đúng đắn của pháp luật tự nhiên. Điều này có nghĩa là, các nhà nước đều thừa nhận, pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự chung được đặt ra bởi một nhóm người cụ thể - Nhà nước và được Nhà nước sử dụng để quản lý xã hội. Do được xây dựng theo học thuyết pháp luật thực định nên pháp luật là sản phẩm của trí tuệ con người và không thể tránh khỏi những hạn chế. Với nội dung là hệ thống quy tắc xử sự chung, tạo ra chuẩn mực cho hành vi của con người dưới sự quản lý của một Nhà nước nhất định, pháp luật phải được giới hạn một cách rõ rang, vì nó là kết quả trực tiếp của loại quyền lực đặc biệt nhất trong xã hội - quyền lực nhà nước.
Giới hạn của pháp luật là một chủ đề nhạy cảm, không phải lúc nào cũng được bàn luận một cách rõ ràng trong lịch sử nhà nước và pháp luật, thậm chí, có nhà khoa học cho rằng, giới hạn của pháp luật là một vấn đề hiển nhiên tới mức dường như người ta không bận tâm xác định xem nó là gì mà chỉ tìm cách hiện thực hóa nó một cách cảm tính[5]. Theo tác giả, giới hạn của pháp luật có thể hiểu một cách đơn giản là phạm vi mà pháp luật không thể vượt qua, hay nói cách khác, chính là giới hạn về nội dung của pháp luật mà ở đó, nhà lập pháp phải xác định được những quan hệ xã hội nào mà pháp luật không thể đặt ra chuẩn mực về hành vi cho các chủ thể trong quan hệ xã hội đó.
Việc xác định giới hạn cho pháp luật chủ yếu chỉ đặt ra với pháp luật được xây dựng dựa trên học thuyết pháp luật thực định, vì pháp luật này là kết quả trực tiếp của ý chí con người, có thể thay đổi theo thời gian, không gian, đối tượng điều chỉnh cũng như bị ảnh hưởng bởi các yếu tố về dân cư, địa lý, lịch sử, bối cảnh kinh tế - xã hội của các quốc gia khác nhau. Bài học về quyền lực nhà nước vô hạn trong các nhà nước phong kiến ở cả phương Đông và phương Tây đã khiến nhu cầu phải xác định được giới hạn của pháp luật ngày càng trở nên quan trọng hơn. Việc xác định được giới hạn của pháp luật sẽ đem đến một số giá trị rất lớn đối với quá trình vận hành quyền lực nhà nước cũng như đối xã hội như sau:
- Xác định được giới hạn của pháp luật giúp nâng cao mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật.
Như đã đề cập, xác định được giới hạn của pháp luật có nghĩa là xác định được quan hệ xã hội nào Nhà nước sẽ đặt ra chuẩn mực hành vi, quan hệ nào thì Nhà nước không can thiệp vào hành vi của các chủ thể được. Điều này giúp làm tăng mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật. Có rất nhiều tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật, theo quan điểm về xây dựng pháp luật của chủ nghĩa Mác - Lênin, một số tiêu chí có thể được dùng để đánh giá bao gồm: Tính toàn diện, tính thống nhất và đồng bộ, tính phù hợp, tính khả thi, ngôn ngữ và kỹ thuật xây dựng pháp luật, tính hiệu quả, tính minh bạch, tính ổn định và tính hài hòa. Trong đó, xác định được giới hạn của pháp luật sẽ tác động trực tiếp tới tính toàn diện và tính khả thi của hệ thống pháp luật.
Tính toàn diện đòi hỏi rằng, quan hệ xã hội nào cần Nhà nước điều chỉnh thì Nhà nước phải can thiệp, những quan hệ xã hội nào không cần Nhà nước điều chỉnh thì không thể “gò ép” vào một khuôn mẫu chung. Đây cũng là một trong những tiền đề cho tính khả thi của hệ thống pháp luật, quan hệ xã hội được Nhà nước lựa chọn điều chỉnh phù hợp với cơ chế thực hiện và áp dụng pháp luật thì pháp luật mới có thể đi vào đời sống được. Như vậy, xác định được đúng phạm vi quan hệ xã hội mà pháp luật không thể can thiệp được sẽ làm tăng tính toàn diện và tính khả thi cho hệ thống pháp luật.
- Xác định được giới hạn của pháp luật là xác định được giới hạn thực thi quyền lập pháp của chủ thể có thẩm quyền.
Do pháp luật là sản phẩm trực tiếp của việc thực thi quyền lực nhà nước trong nhánh lập pháp khi các chủ thể có thẩm quyền thảo luận và ban hành ra hệ thống các chuẩn mực chung trong các lĩnh vực khác nhau của xã hội mà Nhà nước thực hiện quản lý nên việc xác định được giới hạn của pháp luật giúp xác định đúng giới hạn của quyền lập pháp. Cụ thể, khi các chủ thể lập pháp biết rõ quan hệ xã hội nào mà Nhà nước có thể can thiệp, thì hoạt động lập pháp cũng chỉ có thể nằm trong phạm vi của quan hệ xã hội đó. Giới hạn của pháp luật là các quan hệ xã hội mà pháp luật điều chỉnh, nhưng do quan hệ xã hội là một hiện tượng xã hội có tính động, nên đi kèm với mỗi quan hệ xã hội là những đặc điểm riêng về chủ thể tương tác, thời gian tương tác, không gian tương tác và các loại tương tác trong quan hệ xã hội đó. Điều này có nghĩa là, xác định đúng giới hạn của pháp luật sẽ là cơ sở để xác định được chủ thể lập pháp sẽ được áp đặt các quy tắc xử sự đối với chủ thể nào trong quan hệ xã hội cần điều chỉnh, áp đặt trong phạm vi thời gian và không gian nào. Đây đều là những yếu tố rất quan trọng trong xây dựng pháp luật và bảo đảm tính hiệu quả của hệ thống pháp luật đó.
- Xác định được giới hạn của pháp luật góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước.
Pháp luật là sự hiện hữu rõ ràng nhất của quyền lực nhà nước. Trong tác phẩm kinh điển “Bàn về khế ước xã hội”, Jean-Jacques Rousseau mô tả quyền lực nhà nước như một loại quyền lực tối thượng trong xã hội dân sự có tổ chức của loài người, đồng thời, ông nhận xét, “quyền tối thượng, tuy rằng tuyệt đối, thiêng liêng và không thể bị xâm phạm nhưng không vượt qua và không thể vượt quá giới hạn của các quy ước tổng quát...”[6]. Như vậy, quyền lực nhà nước phải bị giới hạn là một nguyên tắc hiển nhiên trong vận hành và thực thi quyền lực nhà nước. Xét cả về lý thuyết quyền lực cũng như những bài học thực tiễn mà các nhà nước phong kiến để lại, quyền lực nhà nước không thể tồn tại vô hạn và mãi mãi, mà phải nằm trong phạm vi mà chính những người thực thi chúng phải kiểm soát được, dù rằng điều này rất khó nếu xem xét từ xu hướng luôn muốn tối đa hóa lợi ích cá nhân trong bản chất con người. Quyền lực nhà nước phải được giới hạn bằng pháp luật và vì thế, giới hạn được pháp luật cũng là giới hạn được quyền lực nhà nước. Bởi vì, giới hạn được pháp luật chính là xác định được phạm vi hoạt động của Nhà nước, giới hạn được đối tượng, khoảng không gian và thời gian mà quyền lực nhà nước có khả năng tác động được lên đời sống xã hội.
- Xác định được giới hạn của pháp luật giúp bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Quyền con người, quyền công dân là những thuật ngữ không còn xa lạ trong khoa học cũng như thực tiễn pháp lý thế giới. Mặc dù, còn nhiều quan điểm khác nhau trong nghiên cứu về quyền con người, quyền công dân giữa các nhà khoa học nhưng không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của việc thừa nhận, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là quyền con người trong các xã hội hiện đại. Quyền con người, quyền công dân đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong các hệ thống pháp luật trên thế giới và các nhà nước hiện đại đều đang không ngừng ghi nhận cũng như mở rộng quyền con người, quyền công dân để bảo đảm các cá nhân có được những khả năng tốt nhất phát triển cuộc sống cá nhân.
Pháp luật chính là công cụ hiệu quả nhất trong việc bảo đảm, bảo vệ quyền con người, đồng thời, các học thuyết về Nhà nước pháp quyền cũng đã khẳng định, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân là một trong những mục tiêu hoạt động cao nhất của Nhà nước pháp quyền. Để bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, pháp luật phải ghi nhận các quyền đó. Không những thế, chính việc xác định được giới hạn của pháp luật cũng là một sự ghi nhận quyền con người, quyền công dân. Bằng việc xác định rõ phạm vi những quan hệ xã hội sẽ được điều chỉnh bằng pháp luật, Nhà nước sẽ xác định được những trường hợp mà pháp luật không can thiệp tới, ở đó, các cá nhân, tổ chức trong xã hội có cơ hội vận dụng các loại quy tắc xử sự chung khác để tự điều chỉnh hành vi của mình. Đây là nhu cầu tự nhiên đã có từ trước cả khi pháp luật ra đời và Nhà nước bắt buộc phải tôn trọng quy luật này, bảo đảm những khả năng mà sinh ra con người đã có vẫn tiếp tục được duy trì kể cả khi Nhà nước tồn tại.
3. Luật tự nhiên là một tiêu chí quan trọng để xác định giới hạn của luật thực định
Với những ý nghĩa như trên, việc xác định giới hạn của pháp luật thực định là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các nhà nước hiện đại, đặc biệt là với những nhà nước hướng tới mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền, trong đó có Việt Nam. Để xác định được giới hạn của pháp luật, tác giả cho rằng, câu hỏi quan trọng nhất cần phải trả lời đó là, những quan hệ xã hội nào cần được điều chỉnh bằng pháp luật? Có rất nhiều yếu tố phải cân nhắc khi giải quyết câu hỏi này và một trong những tiêu chí quan trọng đó chính là các quy tắc luật tự nhiên được mô tả trong học thuyết luật tự nhiên. Các nhà làm luật theo trường phái pháp luật thực định buộc phải cân nhắc tới luật tự nhiên vì những lý do sau:
Thứ nhất, luật tự nhiên là nền tảng luật pháp ở mức độ cao để xây dựng luật thực định.
Các quy tắc luật tự nhiên được cho là các quy tắc mà cứ là con người thì đều phải tuân theo, không bị giới hạn bởi thời gian hoặc không gian địa lý. Thông qua các quy tắc luật tự nhiên, con người hiểu và phân biệt được cái đúng và cái sai cho dù họ ở bất kì xã hội nào tại bất kì thời điểm nào, kể cả khi không có một nhà nước nào đứng ra hướng dẫn họ. Luật tự nhiên cứ như vậy được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo thành một hệ thống chuẩn mực xử sự mang tính quy luật rất cao. Sự ảnh hưởng mạnh mẽ của luật tự nhiên không chỉ xuất hiện trong hệ thống pháp luật của các xã hội có Nhà nước, mà còn được phản ánh thông qua đời sống tinh thần của mỗi tộc người, đan xen trong nhiều hình thức biểu hiện như đạo đức, tập quán, thậm chí quy tắc tôn giáo. Đó là lý do tại sao các nhà khoa học xã hội luôn tìm được rất nhiều điểm chung trong quan điểm, quan niệm đạo đức, tôn giáo ở các nền văn minh khác nhau trên thế giới.
Pháp luật thực định là hệ thống quy tắc xử sự chung được ban hành và duy trì bởi một nhóm người có quyền lực đặc biệt trong một khoảng không gian và thời gian xác định. Điều này cũng có nghĩa là, pháp luật thực định phản ánh trình độ nhận thức của một nhóm người được coi là đại diện cho một xã hội người cụ thể. Một xã hội người khi sinh hoạt và sản xuất chung cùng nhau, thì không thể không có sự tồn tại của những quan điểm, quan niệm, niềm tin, quy luật chung. Chính vì lẽ đó, khi xây dựng pháp luật thực định, các nhà làm luật bắt buộc phải cân nhắc tới các quy tắc luật tự nhiên và phải dựa vào các quy tắc luật tự nhiên để xem quan hệ xã hội nào thì có thể can thiệp bằng luật thực định, quan hệ xã hội nào thì cứ để xã hội điều chỉnh theo quy tắc luật tự nhiên.
Ở đây, theo tác giả, cần có sự thay đổi trong cách tiếp cận truyền thống về mối quan hệ của luật tự nhiên và luật thực định. Các quan điểm truyền thống luôn đề cập tới sự đối lập giữa hai trường phái này và ủng hộ chủ trương luật tự nhiên chính là yếu tố kiềm chế trong hoạt động lập pháp và là tác nhân kiểm tra, đánh giá hiệu lực của luật thực định. Quan điểm này thể hiện rõ nét trong khẩu hiệu “luật pháp không công bằng thì không phải là luật pháp” (Unjust laws are not laws)[7]. Tác giả cho rằng, cách tiếp cận này không sai, tuy nhiên, không nên quá tuyệt đối hóa vị trí cao hơn của luật tự nhiên so với luật thực định, mà phải chú trọng tới sự thống nhất, sự nối tiếp của luật tự nhiên và luận thực định. Luật tự nhiên có thể xem như những quy tắc xử sự mang tính lý tưởng, phổ quát, quy luật mà luật thực định phải thể hiện được và chính nhờ sự thống nhất và nối tiếp này mà luật tự nhiên càng có khả năng giới hạn quyền lực nhà nước, của các nhà lập pháp theo trường phái luật thực định.
Thứ hai, luật tự nhiên là giá trị đạo đức mà luật thực định phải cân nhắc khi xây dựng.
Cho dù là luật tự nhiên hay luật thực định, thì mục tiêu cuối cùng đều là hướng dẫn hành vi cho con người trong các quan hệ xã hội, phân biệt rõ cái đúng và cái sai, cái được làm và không được làm. Sự khác nhau giữa nhóm quy tắc xử sự theo hai trường phái này chỉ đến từ quan điểm đánh giá cái đúng và cái sai đó. Luật tự nhiên hướng dẫn con người về đúng sai theo hướng phổ quát, lý tưởng, đòi hỏi con người cho dù ở bất kì thời gian, địa điểm nào cũng phải cư xử theo chuẩn mực chung đó. Còn luật thực định mang tính cá biệt, của từng quốc gia, từng nhóm người cụ thể, phản ánh đúng - sai dựa trên quan niệm cá biệt. Có nhiều nghiên cứu cho rằng, nội dung căn bản của luật tự nhiên nhấn mạnh đến giá trị đạo đức của luật pháp, luật tự nhiên chính là những nguyên tắc đạo đức cao nhất mà loài người hướng tới[8]. Hệ quả là, mỗi nhóm người cụ thể, khi sinh hoạt cùng với nhau, xây dựng và áp đặt hành vi của các thành viên trong cộng đồng mình vào một hệ thống quy tắc xử sự cá biệt, nhất thời, thì đều phải cân nhắc để có sự phù hợp với những quy tắc đã tồn tại mang tính phổ quát, quy luật. Vì vậy, luật tự nhiên được xem như giới hạn đạo đức của luật thực định. Khi xây dựng các quy tắc luật thực định, các nhà lập pháp phải xem xem các quy tắc đó đã phù hợp với các quy tắc tự nhiên, mang tính đạo đức có sẵn trong phạm vi xã hội của mình chưa và phải bảo đảm rằng, nội dung của luật thực định được xây dựng ra không đi ngược lại những quy luật chung đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn tồn tại của chính xã hội đó.
Sử dụng luật tự nhiên như một công cụ để giới hạn, chế ước luật thực định đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nhà nước tư sản hiện đại với sự ra đời của những bản Hiến pháp, tuyên ngôn về quyền con người. Thừa nhận luật tự nhiên tạo ra một cơ sở vững chắc cả về lý luận và thực tiễn để các nhà nước bảo đảm rằng, quyền lập pháp cũng như quyền lực nhà nước sẽ được kiểm soát, không gây ảnh hưởng tới những khả năng vốn có mà mỗi con người khi sinh ra đều phải có dựa vào bản chất con người. Tại Việt Nam, “hình bóng” của luật tự nhiên đã được thể hiện từ rất sớm trong bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thời gian gần đây, vấn đề luật tự nhiên lại tiếp tục được nhắc đến trong khuôn khổ một số bài nghiên cứu về học thuyết pháp quyền như là một điều kiện để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc tiếp nhận và ứng dụng luật tự nhiên vẫn là một chủ đề cần được tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng trong nền khoa học pháp lý Việt Nam.
ThS. Nguyễn Thùy Linh
Trường Đại học Luật Hà Nội
[1]. John M. Finnis, Natural Law Theory: Is Past and Its Present, 57 Am.J.Juris 81, 2012, p. 8.
[2]. Elizabeth Amis, Cicero on Natural Law and the Laws of State, Classical Antiquity, Vol.27, No.1, 2008, p.1 -33.
[3]. TS. Đỗ Đức Minh, Tìm hiểu học thuyết pháp luật tự nhiên, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 6, tháng 3/2014, tr. 7 - 18.
[4]. David Lyons, Founders and Foundations of Legal Positivism, Michigan Law Review, Volume 82, Issue 4, 1984, p. 722 - 739.
[5]. G.Hay, The Law and Its Limitations, Harvard Law Review, Vol. 12, No. 3, Oct. 25, 1898, p. 195 - 203.
[6]. Jean-Jacques Rousseu, Bàn về Khế ước Xã hội (Hoàng Thanh Đạm dịch), Nxb. Thế giới, Công ty sách Omega Việt Nam, 2018, tr. 50.
[7]. ThS. Nguyễn Xuân Tùng, Luật tự nhiên và hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí Luật học, số 3/2010, tr. 58 - 63.
[8]. Leroy Marceau, Relation of Natural to Positive Law, Notre Dame Law Review, Volume 18, Issue 1, 1942, p. 23 - 35.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 378), tháng 4/2023)