Ở Việt Nam, Hiến pháp và pháp luật đã quy định các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin của con người, của công dân. Các quyền này được đảm bảo ngày càng tốt hơn nhờ sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng. Các cuộc tranh luận, chất vấn, phản biện về chủ trương, chính sách tại Quốc hội; các cuộc tọa đàm, tranh luận, các thông tin đa chiều trên phương tiện thông tin đại chúng về mọi vấn đề chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, với sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị, xã hội và người dân là thực tiễn diễn ra hàng ngày trong đời sống của người dân Việt Nam. Việc Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được đăng công khai và nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp là một minh chứng rõ nét về tự do ngôn luận, bày tỏ chính kiến của người dân đối với những vấn đề quan trọng của đất nước.
Theo Báo cáo quốc gia về thực hiện quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ II (năm 2014), thì tính đến tháng 3/2013, cả nước có 812 cơ quan báo chí in với 1.084 ấn phẩm (so với 676 cơ quan và gần 700 ấn phẩm của năm 2009); gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ; 01 hãng thông tấn, 67 đài phát thanh, truyền hình, 101 kênh truyền hình và 78 kênh phát thanh, 74 báo và tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội và 1.174 trang thông tin điện tử được cấp phép hoạt động (năm 2011 chỉ có 46 báo điện tử và 287 trang thông tin điện tử). Đài Tiếng nói Việt Nam phủ sóng 99,5% diện tích lãnh thổ và phủ sóng qua vệ tinh tới nhiều nước trên thế giới. Trên 90% hộ gia đình bắt được sóng Đài Truyền hình Việt Nam, so với 85% năm 2008.
Người dân Việt Nam được tiếp cận với 75 kênh truyền hình nước ngoài, trong đó có những kênh được phát rộng rãi trên thế giới như CNN, BBC, Bloomberg, TV5, NHK, KBS, Australia Network... Tất cả các hãng thông tấn và báo chí lớn của thế giới đều đến với người dân Việt Nam thông qua mạng internet như Reuters, BBC, VOA, AP, AFP, CNN, Kyodo, Economist, Financial Times... Có 20 cơ quan báo chí nước ngoài có phóng viên thường trú tại Việt Nam, nhiều báo và tạp chí nước ngoài in bằng nhiều thứ tiếng được phát hành rộng rãi tại Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam có 64 nhà xuất bản (năm 2009 chỉ có 55 nhà xuất bản), với tốc độ tăng bình quân số lượng xuất bản phẩm hàng năm là 5-10%. Năm 2012, ngành xuất bản tại Việt Nam đã xuất bản 28.009 xuất bản phẩm với khoảng 301.717.000 bản với nội dung phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu đọc của người dân. Luật Xuất bản sửa đổi đã được Quốc hội thông qua tháng 11/2012 thể hiện sự nhất quán tôn trọng quyền phổ biến tác phẩm của cá nhân, phù hợp với Hiến pháp.
Nhà nước Việt Nam khuyến khích sử dụng internet để phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, hỗ trợ cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cuộc sống và các quyền tự do cơ bản của nhân dân. Theo khảo sát gần đây của WeAreSocial, một tổ chức nghiên cứu độc lập về truyền thông xã hội toàn cầu, tính đến tháng 12/2012, số người dùng internet ở Việt Nam là 30,8 triệu người (so với 26 triệu người năm 2010 và 20 triệu người năm 2008), chiếm 34% dân số (cao hơn mức trung bình của thế giới là 33%). Sự ra đời của dịch vụ truy cập internet qua mạng 3G (tháng 10/2009) đánh dấu thời kỳ phát triển bùng nổ của internet băng thông rộng tại Việt Nam với số lượng người sử dụng đạt 16 triệu người (chiếm 18% dân số) chỉ trong 03 năm (tính đến tháng 7/2012). Tính chung cả nước có gần 03 triệu người có blog cá nhân. Theo xếp hạng năm 2012 của Tổ chức Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á và thứ 8 tại châu Á về số lượng người sử dụng internet.
2. Truyền thông thông tin, tuyên truyền về quyền con người, quyền công dân
Những văn bản của Đảng và Nhà nước về quyền con người, quyền công dân và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, người dân có toàn quyền tiếp cận và thực tế việc phổ biến pháp luật đến người dân cũng là một ưu tiên trong chính sách của Chính phủ. Tuy nhiên, việc trực tiếp đưa pháp luật đến người dân của cơ quan công quyền còn nhiều khó khăn. Báo chí chính là kênh hữu hiệu tuyên truyền, phổ biến quyền con người, quyền công dân đến công chúng. Trên thực tế, rất ít người có thể đọc trọn vẹn nghị quyết của Đảng, các văn bản pháp luật về quyền con người, quyền công dân. Qua báo chí, người dân còn được tiếp cận thông tin pháp luật về quyền con người, quyền công dân từ khi các văn bản luật còn ở dạng dự thảo được đăng lên để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến. Việc hoàn chỉnh các văn bản này, dự kiến việc thực thi trong thực tế, những vướng mắc và bất cập… sẽ đầy đủ và thuyết phục hơn nhiều khi ngay từ đầu có sự tham gia của người dân. Nhiều văn bản pháp luật như các bộ luật về dân sự, hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hình sự, Luật Bầu cử, Luật Đất đai… đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ động thông qua báo chí để lấy ý kiến nhân dân đã có hiệu quả tích cực. Một số văn bản dưới luật có nhiều yếu tố bất hợp lý đã bị phản bác ngay từ khi nó mới chỉ là dự thảo nhờ sự thông tin của báo chí và ý kiến phản bác của dư luận xã hội…
3. Truyền thông thông tin về những sai trái, vi phạm quyền con người, quyền công dân
Việc thông tin, điều tra và đưa ra những sai trái, vi phạm quyền con người trên các phương tiện báo chí có tác dụng rất lớn đối với việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam. Các hoạt động này có tác dụng ngăn chặn, đưa ra ánh sáng các vụ vi phạm, khôi phục các quyền con người, quyền công dân bị xâm hại. Việc thông tin những sai trái, vi phạm quyền con người trên các phương tiện báo chí gióng lên tiếng chuông báo động, cảnh tỉnh về tình hình nhân quyền ở nước ta, qua đó góp phần tìm ra nguyên nhân của tình trạng vi phạm quyền con người, quyền công dân và đề xuất giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả của việc bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
4. Một số kiến nghị nâng cao vai trò của truyền thông trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân
- Các phương tiện báo chí cần thông tin, tuyên truyền quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người, quyền công dân
Đại hội lần thứ XI và Đại hội lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước ta như: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hôi (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, Báo cáo chính trị... Trong các văn kiện này, quan điểm về quyền con người của Đảng Cộng sản Việt Nam được thể hiện khá rõ nét. Báo cáo chính trị đề ra nhiệm vụ: Quan tâm hơn nữa đến việc chăm lo hạnh phúc và sự phát triển tự do, toàn diện của con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam ký kết. Đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định một trong những phương hướng cơ bản xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ là: Xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Cương lĩnh xác định rõ, con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc và quyền làm chủ của nhân dân. Bên cạnh đó, Cương lĩnh đã khẳng định: Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người. Quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp và pháp luật quy định. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ công dân.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đề ra quan điểm phát triển đất nước là: Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Chiến lược xác định: Phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân và các điều kiện để mọi người phát triển toàn diện. Nâng cao năng lực và tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, nhất là dân chủ trực tiếp để phát huy mạnh mọi khả năng sáng tạo và bảo đảm đồng thuận cao trong xã hội, tạo động lực phát triển đất nước. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của mọi người dân, thực hành công bằng xã hội.
Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; thực hiện tận tâm các cam kết quốc tế xuất phát từ các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, trong đó có các cam kết quốc tế về quyền con người.
Nghiên cứu quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người qua các văn kiện, có thể đưa ra một số nhận định sau đây:
+ Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng có nhận thức rõ hơn về vấn đề quyền con người. Từ chỗ không đề cập trực tiếp vấn đề nhân quyền trong các văn kiện của Đảng đến chỗ có đề cập và đề cập ngày càng đầy đủ hơn, nhất quán hơn.
+ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam gắn vấn đề quyền con người với quyền công dân, gắn quyền của cá nhân với quyền của tập thể, quyền của dân tộc, nhân dân, quyền làm chủ; quyền đi đôi với trách nhiệm, nghĩa vụ.
+ Trong thời gian gần đây, các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam về nhân quyền. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người đã trở thành sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước ta, trở thành vấn đề có tính chiến lược. Nhà nước với tư cách là tổ chức công quyền có nghĩa vụ tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người.
Văn kiện pháp lý quan trọng nhất thể hiện quan điểm về quyền con người của Việt Nam là Hiến pháp. Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam đưa ra khái niệm quyền con người (Điều 50), khẳng định cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người; bổ sung một số quyền có ý nghĩa quan trọng trong nền kinh tế thị trường như quyền sở hữu về tài sản, vốn và tư liệu sản xuất, quyền tự do kinh doanh, quyền sử dụng đất.
Năm 2013, Quốc hội Việt Nam thông qua Hiến pháp mới - Hiến pháp năm 2013. Trong Hiến pháp năm 2013, quyền con người được quy định trong Chương II. So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm mới về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thể hiện trên một số điểm chủ yếu sau đây:
(i) Đưa vị trí Chương “Quyền và Nghĩa vụ cơ bản của công dân” từ Chương V trong Hiến pháp năm 1992 về Chương II trong Hiến pháp năm 2013. Việc thay đổi vị trí nói trên không đơn thuần là sự thay đổi về bố cục mà là một sự thay đổi về nhận thức. Với quan niệm đề cao chủ quyền nhân dân trong Hiến pháp, coi nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, thì quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân phải được xác định ở vị trí trang trọng hàng đầu trong một bản Hiến pháp. Việc thay đổi này là sự kế thừa Hiến pháp năm 1946, thể hiện nhất quán đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
(ii) Điều 14 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Quy định này thể hiện sự phát triển quan trọng về nhận thức và tư duy trong việc ghi nhận quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp. Nếu như Hiến pháp năm 1992 đã thừa nhận thuật ngữ “quyền con người” thông qua quy định “quyền con người về chính trị, dân sự và kinh tế, văn hóa, xã hội được thể hiện trong quyền công dân” tại Điều 50. Tuy nhiên, Hiến pháp năm 1992 lại chưa phân biệt rạnh ròi được quyền con người với quyền cơ bản của công dân. Khắc phục thiếu sót đó, Hiến pháp năm 2013 đã có sự phân biệt giữa “quyền con người” và “quyền công dân”. Theo đó, quyền con người được quan niệm là quyền tự nhiên vốn có của con người từ lúc sinh ra (kể cả đối với người quốc tịch nước ngoài, người không quốc tịch, người có quốc tịch Việt Nam đã bị tước hoặc hạn chế một số quyền công dân); còn quyền công dân, trước hết cũng là quyền con người, nhưng việc thực hiện nó gắn với quốc tịch, tức là gắn với vị trí pháp lý của công dân trong quan hệ với nhà nước. Để làm rõ sự khác biệt này, tham khảo các công ước quốc tế về quyền con người và Hiến pháp của các nước, Hiến pháp năm 2013 đã sử dụng từ “mọi người” khi thể hiện quyền con người và dùng từ “công dân” khi quy định về quyền công dân.
Bên cạnh đó, nhằm khắc phục sự tùy tiện ra các quy định trong việc hạn chế quyền con người, quyền công dân, Hiến pháp năm 2013 đã quy định nguyên tắc: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Theo đó, không ai được tùy tiện cắt xén, hạn chế các quyền, ngoại trừ các trường hợp cần thiết do luật định. Điều này xác lập nguyên tắc quyền con người, quyền công dân chỉ bị hạn chế bằng luật chứ không phải các văn bản dưới luật.
(iii) Trách nhiệm của Nhà nước và những đảm bảo của Nhà nước trong việc ghi nhận, tôn trọng, thực hiện và bảo vệ quyền con người, quyền công dân được quy định đầy đủ trong Hiến pháp. Ngoài nguyên tắc như: “Quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (Điều 14), hầu hết các điều đều quy định trách nhiệm và đảm bảo của Nhà nước như Điều 17: “Nhà nước bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài”; Điều 28: “Nhà nước tạo mọi điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”… và ở nhiều điều khác.
(iv) Hiến pháp năm 2013 bổ sung một số quyền mới là thành tựu của gần 30 năm đổi mới đất nước, đó là quyền sống (Điều 19); quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác (Điều 20); quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư (Điều 21); quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 34); quyền kết hôn và ly hôn (Điều 36); quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa (Điều 41); quyền xác định dân tộc (Điều 42), quyền được sống trong môi trường trong lành (Điều 43)... Việc ghi nhận các quyền mới này hoàn toàn phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thể hiện nhận thức ngày càng rõ hơn về quyền con người và khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện quyền con người.
Quyền con người không chỉ được đề cập ở Chương II mà ở nhiều chương khác như chương về Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân. Cụ thể, Chính phủ bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân (khoản 6 Điều 96); Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân (khoản 3 Điều 107); Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân (khoản 3 Điều 102). Như vậy, bộ máy nhà nước được lập ra để bảo vệ quyền con người. Cách tiếp cận quyền con người này thể hiện sự kế thừa và tiếp thu quan điểm tiến bộ của các nước trên thế giới.
Việc hiến định, hiện thực hóa quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 là sự tiếp nối, kế thừa các bản Hiến pháp trước đây, đồng thời, chuyển hóa sâu sắc nhiều nội dung, tinh thần các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tạo nền tảng pháp lý cao nhất bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân được thực hiện, đáp ứng mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Những điểm mới theo xu hướng tiến bộ trong Hiến pháp năm 2013 về quyền con người chắc chắn đã và sẽ tạo ra sự chuyển biến rất lớn trong nhận thức của người dân Việt Nam về quyền con người, quyền công dân.
- Các phương tiện báo chí cần góp phần nâng cao nhận thức về con người, quyền công dân
Báo cáo quốc gia về thực hiện quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ I (năm 2009) và chu kỳ II (năm 2014) có đánh giá: Trình độ và nhận thức của một bộ phận cán bộ nhà nước, kể cả ở trung ương và địa phương về quyền con người còn nhiều hạn chế: Không chỉ không nắm được các quy định của luật pháp quốc tế, nghĩa vụ của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên của các công ước quốc tế về quyền con người, mà đôi khi còn nắm không chắc các quy định của luật pháp và chủ trương chính sách của Nhà nước, do vậy, có nơi, có lúc còn xảy ra các vụ việc vi phạm, làm hạn chế và ảnh hưởng đến việc thụ hưởng quyền của người dân.
Trong bối cảnh hiện nay, các phương tiện báo chí cần có nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục, phố biến về quyền con người, quyền công dân nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và mọi tầng lớp nhân dân về thừa nhận, tôn trọng và bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.
- Các phương tiện báo chí cần phản ảnh tình hình thực hiện quyền con người, quyền công dân, trong đó có tình hình vi phạm quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam; phản ánh tâm tư, nguyện vọng, yêu cầu chính đáng của nhân dân về bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam
Báo chí cần phản ánh trung thực tình hình nhân quyền ở Việt Nam cả mặt tích cực và mặt tiêu cực. Trên các phương tiện thông tin đại chúng cần phản ảnh các kết quả tốt, tích cực về thực hiện quyền con người, quyền công dân của các địa phương, các cơ quan, tổ chức và các nhà chức trách. Từ đó, có thể tạo ra phong trào, nếp sống, thói quen, ý thức tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở nước ta. Báo chí cũng cần phản ảnh những mặt trái, tiêu cực, thậm chí những vi phạm quyền con người, quyền công dân, chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này để từ đó có được những kiến nghị có giá trị góp phần vào công cuộc đấu tranh vì quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam.
Báo chí cần phản ảnh đầy đủ hoạt động (nghiên cứu, hội thảo, tọa đàm, vận động, tổ chức các phong trào, các cuộc vận động…) của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội và mọi công dân về tình hình thực hiện quyền con người, quyền công dân ở nước ta.
Thông qua dư luận xã hội, báo chí cần tạo ra sức ép đối với chính quyền trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, xây dựng và thực hiện các cam kết, các chương trình, các kế hoạch, giải pháp, biện pháp về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.
(Bài viết là sản phẩm nghiên cứu của Đề tài khoa học cấp Bộ về “Tăng cường vai trò của thiết chế truyền thông trong bảo vệ quyền con người và quyền công dân ở Việt Nam”)