Abstract: The application of principles, mechanism of democracy realization at village level has an important role in our country at present. From this aspect, the paper analyzes the role of democracy realization for building new countryside on some concrete aspects with a view to promote the economic, cultural, social development and to maintain political security, order, and social safety in rural areas.
Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân luôn là mục tiêu phấn đấu của Đảng và Nhà nước ta, trong đó, điểm nhấn là chương trình xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng nông thôn mới. Việc vận dụng các nguyên tắc, cơ chế thực hiện dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới có vai trò đặc biệt quan trọng. Thực hiện dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới là hoạt động có mục đích, có kế hoạch của các chủ thể nhằm vận dụng những nguyên tắc, quy định của pháp luật về dân chủ ở cấp xã vào thực tiễn hoạt động xây dựng nông thôn mới; qua đó, tăng cường trách nhiệm của chính quyền, cán bộ, công chức cấp xã, cán bộ thôn, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; phát huy quyền làm chủ của nhân dân nông thôn, thu hút nhân dân tham gia quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động có liên quan đến xây dựng nông thôn mới; góp phần xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nông thôn một cách bền vững. Vai trò của thực hiện dân chủ trong xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay thể hiện trên các phương diện cụ thể sau:
1. Đối với thúc đẩy phát triển hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn
Thực hiện dân chủ ở cấp xã là nhân tố không thể thiếu trong việc đảm bảo sự ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững trật tự, kỷ cương xã hội. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng luôn quan tâm, chăm lo xây dựng, phát triển nông thôn, đưa nông thôn từng bước xích lại gần đô thị, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn mà biểu hiện cụ thể, thiết thực nhất hiện nay là việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Đó cũng đồng thời là nhân tố bảo đảm cho xã hội nông thôn phát triển theo hướng dân chủ, hài hòa và bền vững.
Trong những năm qua, việc thực hiện dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới đã và đang thực sự trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ quá trình xây dựng, phát triển hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn nông thôn nước ta. Với mục đích khai thác, phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, nguồn nhân lực và vật lực của các tầng lớp nhân dân nông thôn phục vụ công cuộc xây dựng nông thôn mới. Tại nhiều địa phương, chính quyền cấp xã, Ban Quản lý thôn đã chủ động công khai cho nhân dân biết các nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới; tổ chức cho nhân dân tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo quy hoạch xây dựng nông thôn mới, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã; phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất; phương án phát triển ngành nghề của xã...; tham gia giám sát quá trình thi công các hạng mục công trình xây dựng nông thôn mới tại xã, thôn. Nhân dân tại hầu khắp các xã, thôn đã thảo luận, trao đổi về đề án xây dựng nông thôn mới của xã, của thôn, bàn bạc sôi nổi để chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, địa lý của từng địa phương; áp dụng các thành tựu, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống cho nhân dân nông thôn. Việc thực hiện các quyền dân chủ của người dân đã được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Những kết quả của việc thực hiện dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới đã tạo ra những tác động tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hóa - xã hội ở khu vực nông thôn. Nhờ được phổ biến, tuyên truyền pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã, về nội dung chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với những tiêu chí cụ thể, người dân nông thôn đã có được kiến thức, hiểu biết pháp luật cao hơn, hiểu rõ hơn ý nghĩa, vai trò của chương trình xây dựng nông thôn mới nên đã chủ động, tích cực phát huy quyền làm chủ của mình trong xây dựng đời sống văn hóa, xã hội ngay tại xã, thôn nơi họ sinh sống. “Ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội của nhân dân, ý thức về dân chủ trong xã hội được nâng lên. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn có tiến bộ”[1]. Chính các tầng lớp nhân dân nông thôn đã và đang là chủ thể tham gia xây dựng các hương ước, quy ước với những nội dung mới theo hướng văn minh, tiến bộ. Chính điều đó đã có tác động rất hiệu quả tới việc loại bỏ những hủ tục lạc hậu, lỗi thời; gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các thuần phong, mỹ tục, các tập quán, lễ hội tốt đẹp tại cộng đồng dân cư; xây dựng môi trường văn hóa, xã hội lành mạnh; góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
2. Đối với việc mở rộng dân chủ, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới
Mở rộng dân chủ, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới vừa là nhiệm vụ; đồng thời cũng là mục tiêu mà Đảng, Nhà nước ta hướng tới nhằm xây dựng xã hội nông thôn Việt Nam giàu đẹp, dân chủ, văn minh, hiện đại. Việc chăm lo cho con người, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân nông thôn, mở rộng dân chủ trực tiếp ở xã, thôn, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia quản lý xã hội nông thôn, bàn bạc, thảo luận và quyết định những nội dung quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương, khắc phục mọi biểu hiện dân chủ hình thức... là những nội dung hết sức quan trọng của việc thực hiện dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới. Vai trò của thực hiện dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới đối với việc mở rộng dân chủ, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới thể hiện trên các khía cạnh như:
Thứ nhất, thực hiện dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới giúp cho nhân dân nông thôn nhận thức đúng đắn, đầy đủ hơn các quyền tự do dân chủ của mình trong quá trình tham gia xây dựng nông thôn mới. Về nguyên tắc, muốn thực hiện quyền làm chủ trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới thì trước tiên người dân nông thôn phải nhận thức đúng đắn, hiểu biết đầy đủ về các quyền dân chủ của mình. Các quyền đó được quy định trong Hiến pháp và pháp luật, trong đó đã xác nhận các quyền của công dân trong việc tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung, trọng đại của đất nước cũng như của từng địa phương, nêu các đề xuất, kiến nghị với các cơ quan nhà nước... Công dân được đảm bảo các quyền tự do dân chủ cơ bản, như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền khiếu nại, tố cáo; biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân... Các quyền tự do dân chủ đó là cơ sở, nền tảng để nhân dân kiểm tra, giám sát các mặt hoạt động của các cơ quan nhà nước và là một trong những phương thức quan trọng để thực hiện dân chủ nói chung, thực hiện dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới nói riêng.
Các nguyên tắc, quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã và các quy định pháp luật về xây dựng nông thôn mới chính là sự cụ thể hóa các quyền tự do dân chủ của người dân nông thôn trong quá trình tham gia xây dựng nông thôn mới. Thông qua việc thực hiện dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới, người dân nông thôn có điều kiện thuận lợi để biết được các quyền dân chủ của mình trong quá trình tham gia xây dựng nông thôn mới, nắm vững các nguyên tắc, hình thức thực hiện các quyền đó cũng như các hành vi bị nghiêm cấm. Nhìn trên phương diện này, để nội dung thực hiện dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới đến được với đông đảo các tầng lớp nhân dân nông thôn thì việc tăng cường phổ biến, tuyên truyền pháp luật về dân chủ ở cấp xã và về xây dựng nông thôn mới; lồng ghép việc thực hiện dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới là nhân tố giữ vai trò quyết định.
Thứ hai, thực hiện dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới giúp nhân dân nông thôn hiểu rõ bản chất, tầm quan trọng của việc thực hiện và phát huy dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới. Nhận thức đúng đắn, hiểu biết tương đối đầy đủ về các quyền dân chủ theo quy định của pháp luật rồi, song chưa hẳn người dân nông thôn đã có thể chủ động, tích cực thực hiện các quyền dân chủ đó nếu họ chưa hiểu rõ bản chất, tầm quan trọng của việc thực hành và phát huy dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta nhấn mạnh: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện”[2]. Các cơ quan hữu quan cần đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, giải thích cho nhân dân nông thôn hiểu rằng, thực hiện dân chủ ở cấp xã là sự hiện thực hóa nguyên tắc “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Trong xây dựng nông thôn mới, chính quyền các cấp nói chung, cấp xã nói riêng cần tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân; giúp người dân nông thôn thực sự phát huy quyền làm chủ của mình, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội trên địa bàn xã; góp phần xây dựng chính quyền cấp xã trong sạch, vững mạnh, giữ gìn trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội trên địa bàn xã, xây dựng làng, xã nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại... Đó cũng chính là những mục tiêu cụ thể mà Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 đã và đang đặt ra.
Thứ ba, từ sự nhận thức, hiểu biết đó, nhân dân nông thôn sẽ chủ động, tích cực phát huy quyền làm chủ của mình trong thực hiện dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của cộng đồng và các quyền, lợi ích hợp pháp của mỗi người dân. Thực hiện dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới nhất thiết phải dựa trên nền tảng các quy định pháp luật, mà trọng tâm là Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Bên cạnh các hình thức thực hiện pháp luật khác, sử dụng pháp luật là hình thức chủ yếu trong thực hiện pháp luật về dân chủ ở cấp xã phục vụ xây dựng nông thôn mới, thể hiện sự chủ động, tự giác và tích cực của nhân dân nông thôn. Người dân nông thôn có tích cực sử dụng quyền được biết các nội dung xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã, thôn thì Ủy ban nhân dân xã, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã và Ban Phát triển thôn mới không thể “bưng bít” thông tin, mà phải công khai thông tin theo quy định của pháp luật. Người dân nông thôn có chủ động sử dụng quyền được bàn và quyết định trực tiếp về chủ trương và mức đóng góp xây dựng nông thôn mới, gồm cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi xã, thôn do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí thì các công trình đó mới nhanh chóng được triển khai thi công có chất lượng và đưa vào phục vụ dân sinh. Người dân có tự giác sử dụng quyền được tham gia ý kiến đối với các nội dung quy hoạch xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa, thông tin và truyền thông nông thôn, cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định thì mới tránh được tình trạng thắc mắc, khiếu nại khi các quyết định đó được triển khai vào đời sống xã hội ở xã, thôn. Chỉ khi nào người dân nông thôn biết sử dụng và phát huy các quyền dân chủ trong thực hiện dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới thì các lợi ích của Nhà nước, cộng đồng dân cư nông thôn, các quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi người dân ở xã, thôn mới có thể được đảm bảo. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để đảnh giá tính hiệu quả của việc thực hiện dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới.
3. Đối với hoạt động của các cấp ủy Đảng, chính quyền cấp xã trong quá trình xây dựng đề án và tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới
Các cấp ủy Đảng, Ủy ban nhân dân xã, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã, Ban Phát triển thôn cùng với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là những chủ thể tổ chức thực hiện dân chủ ở cấp xã và tổ chức các hoạt động thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới. Các chủ thể này có trách nhiệm tổ chức và động viên các tầng lớp nhân dân nông thôn phát huy quyền dân chủ, tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng đề án và tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã, thôn. Do đó, thực hiện dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới có tác động trở lại và có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động của các cấp ủy Đảng, chính quyền cấp xã trong quá trình xây dựng đề án và tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, thể hiện trên các phương diện sau đây:
Một là, thực hiện dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới đặt ra yêu cầu đổi mới phương thức hoạt động của các cấp ủy Đảng ở khu vực nông thôn theo hướng dân chủ hóa, không ngừng nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, dựa vào dân, chịu sự giám sát của dân để vừa xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, vừa lãnh đạo công cuộc xây dựng nông thôn mới đạt mục tiêu đề ra. Trong quá trình lãnh đạo việc thực hiện dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng, từng cán bộ, đảng viên cũng phải tự khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của mình, phải đổi mới phương thức hoạt động theo hướng “thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân”[3].
Hai là, thực hiện dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới đòi hỏi phải đổi mới hoạt động của bộ máy chính quyền cấp xã theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ, chú trọng đến chất lượng và hiệu quả giải quyết các công việc hành chính ở cấp xã nói chung, giải quyết các công việc liên quan đến nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã, thôn nói riêng. Đối với thực hiện dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới, trước hết, Ủy ban nhân dân xã, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã, Ban Phát triển thôn phải công khai, minh bạch nội dung, hình thức thực hiện các công việc thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới của xã, thôn tới các tầng lớp nhân dân địa phương nhằm đáp ứng “quyền được biết” của người dân; bởi vì, “công khai là điều kiện để thực hiện quyền làm chủ của người dân”[4]. Thực tế cho thấy, việc thực hiện dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới có tác động mạnh mẽ đến hoạt động của bộ máy chính quyền cấp xã, sự chỉ đạo, điều hành của Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới, đưa đến đòi hỏi tất yếu là phải đổi mới hoạt động của các chủ thể nói trên theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ, chú trọng nhiều hơn đến chất lượng và hiệu quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ba là, thực hiện dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới là nền tảng để sửa đổi lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là những người thay mặt Nhà nước trực tiếp thi hành quyền lực nhà nước ở địa phương, giải quyết các công việc có liên quan tới lợi ích của Nhà nước và nhân dân; đồng thời, họ cũng là chủ thể tham gia thực hiện dân chủ ở cấp xã và xây dựng nông thôn mới. Chất lượng, hiệu quả thực hiện dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới phụ thuộc rất lớn vào ý thức, thái độ phục vụ nhân dân và phụ thuộc vào năng lực chuyên môn, hiểu biết pháp luật của đội ngũ cán bộ này. Trước hết, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã phải thay đổi triệt để ý thức, thái độ phục vụ nhân dân theo hướng niềm nở, lịch sự, hòa nhã trong giao tiếp với người dân; tôn trọng, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của người dân trong quy hoạch và thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới để tìm ra cách giải quyết công việc sao cho “thấu tình, đạt lý”; kiên quyết khắc phục mọi biểu hiện quan liêu, tắc trách, hách dịch, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để mưu cầu lợi ích cá nhân. Bên cạnh đó, thực tiễn thực hiện dân chủ ở cấp xã cũng đặt ra yêu cầu phải nâng cao năng lực chuyên môn và trình độ kiến thức, hiểu biết pháp luật để giúp cán bộ, công chức cấp xã giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các công việc chuyên môn thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó có hoạt động xây dựng nông thôn mới.
Bốn là, thực hiện dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới góp phần xây dựng bộ máy chính quyền cấp xã trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Việc đổi mới hoạt động của bộ máy chính quyền cấp xã theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ, chú trọng đến chất lượng và hiệu quả giải quyết công việc, sửa đổi lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại là kết quả của việc thực hiện dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới; hướng tới mục tiêu xây dựng bộ máy chính quyền cấp xã trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực xây dựng các đề án, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, lấy ý kiến của cộng đồng dân cư nông thôn và tổ chức thực hiện các nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới.
4. Đối với việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn
Thực hiện dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới cũng có vai trò hết sức quan trọng đối với việc giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn. Cũng như thực hành dân chủ nói chung, thực hiện dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới có chức năng duy trì trật tự xã hội ở xã, thôn; bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của người dân nông thôn. Tiêu chí số 19 của Bộ Tiêu chí quốc gia nông thôn mới đặt ra mục tiêu giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn với những nội dung cụ thể là ban hành nội quy, quy ước làng xóm về trật tự, an ninh; phòng, chống các tệ nạn xã hội và các hủ tục lạc hậu; điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, tạo điều kiện cho lực lượng an ninh xã, thôn, xóm hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn theo yêu cầu xây dựng nông thôn mới.
Trong quá trình thực hiện dân chủ ở cấp xã phục vụ xây dựng nông thôn mới, nhân dân được bàn bạc, tham gia ý kiến về các nội dung liên quan đến công tác giữ gìn an ninh, trật tự xã hội nông thôn, tổ chức các hoạt động tự quản trong xã, thôn, xóm. Thực tiễn tiến hành xây dựng nông thôn mới gắn liền với phát huy dân chủ ở cấp xã ở nước ta trong những năm qua chứng minh rằng, những địa phương nào triển khai thực hiện tốt dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới thì ở đó tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được củng cố và giữ vững.
Có thể thấy rằng, khi dân chủ ở cấp xã được mở rộng và phát huy, các quyền dân chủ và lợi ích hợp pháp của nhân dân nông thôn được đảm bảo, những nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới được công khai cho dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra thì việc thực hiện dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn. Đây chính là kết quả, hiệu quả thiết thực, cụ thể của việc thực hiện dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới ở nước ta.
Đại học Luật Hà Nội
Tài liệu tham khảo:
* Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cấp tỉnh “Giải pháp thực hiện dân chủ ở cấp xã phục vụ công cuộc xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Bạc Liêu” do TS. Ngọ Văn Nhân và TS. Dương Thành Trung làm Chủ nhiệm đề tài.
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 167.
[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 169.
[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 210.
[4]. Mai Quỳnh Nam, Công khai để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, Tạp chí Cộng sản, số 20 (683)/2003, tr. 48.