Xuất phát từ đặc thù tâm lý lứa tuổi của mình, người chưa thành niên luôn là đối tượng cần được sự quan tâm và bảo vệ đặc biệt. Thể hiện điều này, Bộ luật Hình sự (BLHS) Việt Nam đã có những quy định để bảo đảm quyền của người chưa thành niên là người bị hại cũng như người chưa thành niên là người phạm tội[1]. Tuy nhiên, khi nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy BLHS chưa có những quy định riêng về “thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự” và “thời hiệu thi hành bản án” đối với người chưa thành niên. Trong khi đó, vấn đề này đã được quy định khá chi tiết trong luật hình sự của một số nước trên thế giới.
Trong phạm vi bài viết, chúng tôi tập trung nghiên cứu những quy định đặc thù về thời hiệu trong BLHS một số nước có liên quan đến người chưa thành niên để từ đó rút ra kinh nghiệm hoàn thiện quy định của BLHS Việt Nam về vấn đề này.
1. Quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam về thời hiệu đối với người chưa thành niên
Thứ nhất, đối với người chưa thành niên là người phạm tội
BLHS năm 1999 đã dành riêng Chương X để quy định về vấn đề trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, vấn đề thời hiệu không được quy định riêng đối với người chưa thành niên phạm tội. Do không có quy định riêng nên những quy định về thời hiệu đối với người chưa thành niên phạm tội được áp dụng như người đã thành niên[2].
Hiện nay, BLHS năm 1999 không đưa ra định nghĩa pháp lý về thời hiệu mà chỉ đưa ra định nghĩa của từng loại thời hiệu cụ thể[3]. Theo đó, thời hiệu trong BLHS năm 1999 gồm có thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 23, Điều 24 BLHS) và thời hiệu thi hành bản án (Điều 55, Điều 56 BLHS).
Về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự: Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do BLHS quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Để được miễn trách nhiệm hình sự do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 23 BLHS, người phạm tội phải có đủ các điều kiện sau:
- Kể từ ngày thực hiện tội phạm đã trải qua một khoảng thời gian: 5 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng, 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện (khoản 3 Điều 23 BLHS).
- Trong thời hạn nói trên người phạm tội không được phạm tội mới mà BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên một năm tù.
- Trong thời hạn nói trên, người phạm tội không được cố tình trốn tránh và chưa có lệnh truy nã.
Về thời hiệu thi hành bản án: Thời hiệu thi hành bản án quy định tại Điều 55 và Điều 56 BLHS được hiểu là thời hiệu thi hành bản án hình sự về quyết định hình phạt[4]. Theo đó, người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi có đủ các điều kiện:
- Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật đã trôi qua khoảng thời gian: 5 năm đối với các trường hợp xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử phạt tù từ 3 năm trở xuống; 10 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 3 năm đến 15 năm; 15 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 15 năm đến 30 năm. Thời hiệu thi hành bản án hình sự tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (khoản 3 Điều 55 BLHS).
- Trong thời hạn nói trên, người bị kết án không được phạm tội mới.
- Trong thời hạn thi hành bản án, người phạm tội không được cố tình trốn tránh và không có lệnh truy nã.
Với quy định về thời hiệu trên cho thấy, các điều kiện không được phạm tội mới, không được cố tình trốn tránh và chưa có lệnh truy nã là những điều kiện cần thiết chung mà người phạm tội phải đáp ứng để chứng tỏ rằng dù người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không phải chấp hành hình phạt nhưng coi như mục đích của việc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc mục đích của hình phạt đã đạt được nên các điều kiện này được áp dụng như nhau giữa người thành niên và người chưa thành niên phạm tội là hợp lý. Tuy nhiên, điều kiện về khoảng thời gian đã trôi qua để tính thời hiệu được quy định như nhau giữa người thành niên và chưa thành niên phạm tội là chưa hợp lý, chưa thể hiện được sự nhất quán trong đường lối xử lý người chưa thành niên phạm tội ở nước ta.
Thứ hai, đối với người chưa thành niên là người bị hại
BLHS Việt Nam chưa có quy định nào trong về thời hiệu để bảo vệ quyền của người chưa thành niên là người bị hại.
2. Quy định về thời hiệu đối với người chưa thành niên trong BLHS một số nước trên thế giới
2.1. Đối với người chưa thành niên là người phạm tội
- BLHS Liên Bang Nga: Điều 94 BLHS Liên Bang Nga quy định về thời hiệu áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội: “Thời hiệu đã được xem xét tại các Điều 78 và Điều 83 Bộ luật này, khi miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn chấp hành hình phạt cho người chưa thành niên phạm tội sẽ được giảm đi một nửa”. Theo đó, BLHS Liên Bang Nga quy định cả thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 78) và thời hiệu chấp hành hình phạt (Điều 83 BLHS)[5]. Tuy nhiên, đối với người chưa thành niên phạm tội từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi (khoản 1 Điều 87) thì thời hiệu đối với họ chỉ bằng một phần hai so với người đã thành niên.
- BLHS Cộng hòa Armenia: Điều 95 BLHS Armenia quy định: “Đối với người phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và thời hiệu thi hành hình phạt được quy định tại Điều 75 và Điều 81 của Bộ luật này được giảm một nửa thời hạn tương ứng”. Quy định này cho thấy, BLHS Armenia cũng quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và thời hiệu thi hành hình phạt[6]. Tuy nhiên, đối với người chưa thành niên khi chưa đủ 18 tuổi thì các thời hiệu này được giảm một nửa so với người đã thành niên.
- BLHS Indonesia: Vấn đề thời hiệu được BLHS Indonesia quy định trong Chương VIII của Bộ luật bao gồm quy định về thời hạn của thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 78) và thời hiệu thi hành hình phạt (Điều 84). Đối với người chưa thành niên phạm tội, BLHS Indonesia chỉ có quy định riêng về thời hạn của thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chưa đủ 18 tuổi tại khoản 2 Điều 78 mà không có quy định riêng về thời hạn của thời hiệu thi hành hình phạt. Cụ thể, khoản 2 Điều 78 BLHS Indonesia quy định: “Đối với người thực hiện hành vi phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi, thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nêu trên sẽ được giảm nhẹ một phần ba thời hạn”.
Qua quy định của BLHS Liên Bang Nga, Armenia và Indonesia, chúng tôi có thể thấy, khi quy định về thời hiệu đối với người chưa thành niên phạm tội, thì người chưa thành niên phạm tội luôn được hưởng một thời hiệu ngắn hơn so với người đã thành niên. Đây là những quy định có lợi cho người chưa thành niên phạm tội.
2.2. Đối với người chưa thành niên là người bị hại
- BLHS Cộng hòa Liên bang Đức: BLHS Cộng hòa Liên bang Đức quy định về thời hiệu trong một chương riêng là Chương thứ năm của Bộ luật, bao gồm thời hiệu truy cứu và thời hiệu chấp hành án. Trong các quy định về thời hiệu truy cứu, BLHS Cộng hòa Liên bang Đức đã có những quy định để đảm bảo được quyền của người bị hại là người chưa thành niên thông qua quy định về thời điểm bắt đầu tính để được hưởng thời hiệu. Điều 78a BLHS Cộng hòa Liên Bang Đức quy định: “Thời hiệu truy cứu bắt đầu được tính ngay khi hành vi kết thúc. Nếu một hậu quả thuộc cấu thành tội phạm phát sinh sau đó thì thời hiệu bắt đầu từ thời điểm này”. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 78b lại có quy định về vấn đề ngưng lại của thời hiệu truy cứu khi nạn nhân của hành vi phạm tội là người chưa đủ 18 tuổi: “Thời hiệu ngưng lại đến khi nạn nhân đủ 18 tuổi ở các tội theo Điều 174 đến 174c, 176 đến 179 và 225 cũng như theo các Điều 224 và 226 nếu có ít nhất một người tham gia vi phạm Điều 225 qua cùng một hành vi”[7]. Như vậy, để bảo vệ quyền lợi của người chưa thành niên là người bị hại, BLHS Cộng hòa Liên bang Đức quy định về việc thời hiệu truy cứu bị ngưng lại. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội sẽ không được tính ngay khi hành vi phạm tội kết thúc hoặc khi có hậu quả thuộc cấu thành tội phạm phát sinh mà thời hiệu truy cứu chỉ bắt đầu được tính khi nạn nhân đủ 18 tuổi. Tuy nhiên, thời hiệu truy cứu không phải ngưng lại đối với tất cả các hành vi phạm tội có người bị hại là người chưa đủ 18 tuổi mà thời hiệu chỉ ngưng lại đối với một số tội phạm nhất định liên quan đến quyền được bảo vệ thân thể và quyền tình dục của người chưa thành niên.
- BLHS Thụy Điển: Các quy định liên quan đến thời hiệu được BLHS Thụy Điển quy định tại Chương 35 (thời hiệu áp dụng chế tài), trong đó vừa có quy định về thời hiệu để người phạm tội không bị áp dụng chế tài, vừa có quy định về thời hiệu thi hành bản án. Với thời hiệu để người phạm tội không bị áp dụng chế tài được quy định tại Điều 1 Chương 35, BLHS Thụy Điển cũng đã có quy định để bảo đảm được quyền của người bị hại là người chưa đủ 15 tuổi. Điều 4 Chương 35 BLHS Thụy Điển quy định thời hạn để không bị áp dụng chế tài tại Điều 1 Chương 35 “được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu hậu quả của hành vi là điều kiện tiên quyết để quyết định chế tài thì thời hạn được tính từ ngày hậu quả đó xảy ra”. Tuy nhiên, đoạn 2 Điều 4 Chương 35 lại quy định: “Trường hợp tội phạm được quy định tại Chương 6, Điều 4-1 và Điều 6 hoặc một hành vi phạm tội chưa đạt đối với tội phạm đó được thực hiện đối với trẻ em dưới 15 tuổi, thời hạn đã nêu trong Điều 1 sẽ được tính từ ngày mà bên bị hại đủ 15 tuổi”[8]. Do đó, thực chất, đoạn 2 Điều 4 Chương 35 BLHS Thụy Điển đã quy định về việc thời hiệu để không bị áp dụng chế tài bị ngưng lại khi người bị hại là người chưa đủ 15 tuổi. Thời hiệu chỉ bắt đầu được tính kể khi người bị hại đã đủ 15 tuổi. Tuy nhiên, cũng tương tự như BLHS Cộng hòa Liên bang Đức, thời hiệu không áp dụng chế tài trong BLHS Thụy Điển không phải ngưng đối với tất cả các trường hợp phạm tội có người bị hại là người chưa đủ 15 tuổi mà thời hiệu chỉ ngưng đối với một số tội phạm nhất định liên quan đến quyền được bảo vệ về tình dục của người chưa đủ 15 tuổi.
- BLHS Na Uy: Vấn đề thời hiệu được BLHS Na uy quy định tại Chương 6 bao gồm thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 67 và thời hiệu thi hành bản án tại Điều 71. Trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, BLHS Na uy đã có quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người bị hại là người chưa đủ 18 tuổi. Cụ thể, Điều 68 BLHS Na uy quy định: “Thời hạn của thời hiệu quy định tại Điều 67 được tính kể từ ngày hành vi phạm tội kết thúc. Tuy nhiên, đối với hành vi phạm tội quy định tại Điều 195, Điều 196, thời hiệu chỉ bắt đầu được tính kể từ ngày người bị hại đủ 18 tuổi”. Theo Điều 68 BLHS Na uy, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thông thường sẽ được tính kể từ ngày hành vi phạm tội kết thúc trên thực tế. Tuy nhiên, thời hiệu này sẽ bị ngưng lại trong trường hợp người bị hại là người chưa đủ 18 tuổi đối với một số tội phạm nhất định được quy định tại Điều 195 và Điều 196 BLHS Na uy - là các tội phạm xâm phạm tình dục đối với trẻ em[9].
Qua tham khảo quy định của BLHS Cộng hòa Liên Bang Đức, Thụy Điển và Na uy có thể thấy, để bảo vệ quyền của người chưa thành niên là người bị hại, BLHS của các nước đều có quy định về việc thời hiệu bị ngưng lại đối với một số tội phạm nhất định và thời hiệu chỉ bắt đầu được tính khi người bị hại đạt đến những độ tuổi luật định.
3. Kiến nghị hoàn thiện quy định của BLHS Việt Nam về thời hiệu đối với người chưa thành niên
3.1. Đối với người chưa thành niên là người phạm tội
Từ quy định của BLHS Liên Bang Nga, Armenia và BLHS Indonesia, có thể thấy, thời hiệu đối với người chưa thành niên phạm tội thường được BLHS quy định với thời hạn ngắn hơn so với người đã thành niên. Do đó, học hỏi kinh nghiệm của BLHS các nước này, chúng tôi kiến nghị cần bổ sung thêm một điều luật nằm sau Điều 76 BLHS và nằm trước Điều 77 BLHS để quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và thời hiệu thi hành bản án áp dụng riêng cho người chưa thành niên phạm tội theo hướng rút ngắn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 23 BLHS và thời hiệu thi hành bản án tại Điều 55 BLHS xuống còn một phần hai so với người đã thành niên như sau:
Điều…Thời hiệu
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và thời hiệu thi hành bản án đối với người chưa thành niên là một phần hai thời hạn quy định tại Điều 23 và Điều 55 của Bộ luật này.
Kiến nghị này của chúng tôi đưa ra là hoàn toàn phù hợp với quy định của luật quốc tế cũng như luật quốc gia trong đường lối xử lý người chưa thành niên phạm tội:
Thứ nhất, trong Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966 cũng như Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989, khi quy định vấn đề xử lý người chưa thành niên phạm tội thì luôn nhằm hướng đến việc đối xử nhân đạo, chủ yếu nhằm mục đích cải tạo, giáo dục người chưa thành niên trở thành những công dân có ích cho xã hội. Cụ thể, khoản 4 Điều 14 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 quy định: “Tố tụng áp dụng đối với những người chưa thành niên phải xem xét tới độ tuổi của họ và mục đích thúc đẩy sự phục hồi nhân cách của họ”; điểm c Điều 37 Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989 quy định: “Mọi trẻ em bị tước quyền tự do phải được đối xử nhân đạo với sự tôn trọng phẩm giá vốn có của con người, theo cách thức có tính đến các nhu cầu của những người ở lứa tuổi các em”; mục 2.3 Các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên hợp Quốc về hoạt động tư pháp đối với vị thành niên năm 1985 (Quy tắc Bắc Kinh) quy định: “2.3. Trong mỗi hệ thống pháp luật quốc gia, cần phải cố gắng xây dựng một hệ thống các văn bản pháp luật, những quy tắc, quy định áp dụng riêng đối với người chưa thành niên”.
Thứ hai, ở Việt Nam, khi nghiên cứu Hiến pháp năm 2013 và Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004, chúng tôi nhận thấy các văn bản này chỉ quy định những quyền của trẻ em nói chung mà không quy định về những quyền đặc thù của người chưa thành niên phạm tội. Những quyền đặc thù của người chưa thành niên phạm tội chỉ được ghi nhận trong các quy định của BLHS. Tuy nhiên, với quy định của BLHS năm 1999, chúng ta có thể thấy, phần lớn các quy định trong Phần Chung BLHS đối với người phạm tội nói chung mà có thời hạn đều được Chương X - chương dành riêng cho người chưa thành niên phạm tội ghi nhận sự giới hạn thời hạn đó nhưng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và thời hiệu thi hành bản án không được Chương X quy định. Do đó, với yêu cầu hoàn thiện pháp luật hình sự, việc sửa đổi quy định về thời hiệu theo hướng quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và thời hiệu thi hành bản án đối với người chưa thành niên phạm tội ngắn hơn thời hạn mà BLHS quy định đối với người thành niên là một yêu cầu tất yếu.
3.2. Về thời điểm bắt đầu tính để được hưởng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp người bị hại là người chưa thành niên
Học hỏi kinh nghiệm của BLHS Cộng hòa Liên bang Đức, Thụy Điển và Na uy, chúng tôi kiến nghị, khoản 3 Điều 23 BLHS cần bổ sung thêm quy định về vấn đề thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị ngưng lại trong một số trường hợp khi người bị hại là người chưa đủ 16 tuổi. Tức là trong một số trường hợp, khi người bị hại là người chưa đủ 16 tuổi thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 23 BLHS không được tính kể từ ngày tội phạm được thực hiện mà thời hiệu chỉ bắt đầu được tính kể từ khi người bị hại đủ 16 tuổi. Khoảng thời gian từ khi thực hiện tội phạm đến khi nạn nhân chưa đủ 16 tuổi sẽ bị ngưng lại, không được tính. Những trường hợp thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự bị ngưng lại không được tính khi người bị hại chưa đủ 16 tuổi là những trường hợp thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em với các tội: Tội hiếp dâm trẻ em (Điều 112 BLHS), Tội cưỡng dâm trẻ em (Điều 114 BLHS), Tội giao cấu với trẻ em (Điều 115 BLHS), Tội dâm ô đối với trẻ em (Điều 116 BLHS), Tội mua dâm người chưa thành niên (điểm b khoản 2 Điều 256 BLHS). Cụ thể, cần bổ sung vào Điều 23 BLHS khoản 3 nội dung:
“3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Tuy nhiên, đối với hành vi phạm tội quy định tại Điều 112, Điều 114, Điều 115, Điều 116, điểm b khoản 2 Điều 256 thời hiệu chỉ bắt đầu được tính kể từ ngày người bị hại đủ 16 tuổi… Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này người phạm tội... ra tự thú hoặc bị bắt giữ”.
Bên cạnh việc học hỏi kinh nghiệm của BLHS Cộng hòa Liên bang Đức, BLHS Thụy Điển, BLHS Na uy, kiến nghị về việc ngưng lại thời hiệu trên đây của chúng tôi còn xuất phát từ những lý do sau đây:
Thứ nhất, xuất phát từ quy định tại Khoản 1 Điều 37 của Hiến pháp năm 2013: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”, việc ngưng lại thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các vụ án hình sự mà trẻ em là nạn nhân theo quan điểm của các tác giả là cần thiết và phù hợp với quan điểm của Hiến pháp trong việc bảo vệ quyền của trẻ em.
Thứ hai, với quy định của BLHS Việt Nam hiện nay, nên quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự bị ngưng lại khi người bị hại chưa đủ 16 tuổi là hợp lý, bởi: (i) Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của BLHS Việt Nam thì “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm”. Với quy định này của BLHS có thể thấy, BLHS thừa nhận người từ đủ 16 tuổi là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Đối với người từ 16 tuổi trở lên thì họ đã có sự trưởng thành nhất định để nhận thức được tính nguy hiểm của hành vi phạm tội đối với mình và có thể tự bảo vệ quyền lợi cho mình. (ii) Với quy định của pháp luật Việt Nam nói chung và luật hình sự Việt Nam nói riêng thì trẻ em là người chưa đủ 16 tuổi, còn người chưa thành niên là người từ đủ 16 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi. Điều 37 Hiến pháp năm 2013 đặc biệt nêu lên vấn đề về bảo vệ quyền của trẻ em và nghiêm cấm các hành vi xâm phạm những quyền này. Tương ứng với quy định này thì BLHS Việt Nam cũng có một số điều luật liên quan đến các tội có đối tượng tác động là trẻ em. Với đặc thù tâm lý lứa tuổi của mình, người chưa đủ 16 tuổi là lứa tuổi mà khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi còn rất hạn chế nên trẻ em cần có sự bảo vệ đặc biệt từ phía nhà nước hơn so với những đối tượng khác. Điều này thể hiện rõ trong BLHS năm 1999 thông qua quy định của Phần Chung cũng như Phần Các Tội phạm của BLHS, mà đặc biệt, trong Phần các Tội phạm của BLHS quy định rất nhiều tội phạm có đối tượng tác động là trẻ em - người chưa đủ 16 tuổi như Tội hiếp dâm trẻ em (Điều 112), Tội cưỡng dâm trẻ em (Điều 114 BLHS), Tội giao cấu với trẻ em (Điều 115), Tội dâm ô đối với trẻ em (Điều 116)…
Thứ ba, chúng tôi kiến nghị thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ ngưng lại đối với các tội xâm hại tình dục trẻ em bao gồm Điều 112 BLHS, Điều 114 BLHS, Điều 115 BLHS, Điều 116 BLHS, điểm b khoản 2 Điều 256 BLHS mà không kiến nghị ngưng lại đối với các tội phạm khác bởi tình trạng xâm hại tình dục trẻ em hiện nay xảy ra rất phổ biến và độ ẩn của nhóm tội xâm hại tình dục trẻ em tương đối cao. Điều này xuất phát từ những nguyên nhân liên quan đến đặc thù tâm lý lứa tuổi của trẻ em. Theo đó, người phạm tội đã lợi dụng sự non nớt, thiếu hiểu biết của các em để thực hiện tội phạm. Khi bị xâm hại tình dục, trong một số trường hợp, bản thân các em không đủ khả năng nhận thức để biết được mình đang bị xâm hại. Mặt khác, tâm lý của trẻ em bị tác động rất xấu sau khi bị xâm hại tình dục, trẻ em không dám tố cáo hành vi phạm tội cũng như lo sợ bị đánh đập, đe dọa. Vì vậy, khả năng chống lại người có hành vi xâm hại tình dục của trẻ em và khả năng người phạm tội bị đưa ra truy cứu trách nhiệm hình sự là hạn chế hơn so với những trường hợp khác.
Mai Thị Thủy & Hoàng Thị Kim Anh
Trường Đại học Luật TP.HCM
[1] Theo pháp luật hình sự Việt Nam, người chưa thành niên với tư cách là chủ thể của tội phạm được hiểu là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi; còn người chưa thành niên với tư cách là người bị hại là người dưới 18 tuổi, trong đó bao gồm cả khái niệm trẻ em - người dưới 16 tuổi.
[2] Xem Điều 68 BLHS.
[3] Khoản 1 Điều 23 BLHS và khoản 1 Điều 55 BLHS.
[4] Xem: Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
[5] Điều 78. Miễn TNHS do đã hết thời hiệu.
Điều 83. Miễn chấp hành hình phạt do hết thời hiệu của bản án.
[6] Điều 75 BLHS Armenia quy định về thời hiệu truy cứu TNHS.
Điều 81 BLHS Armenia quy định về thời hiệu thi hành hình phạt.
[7] Đây là các tội xâm phạm tình dục đối với trẻ em.
[8] Chương 6, Điều 4 -1 và 6 quy định các tội phạm về tình dục.
[9] Điều 195. Hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em là người dưới 14 tuổi.
Điều 196. Hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em là người dưới 16 tuổi.