1. Nội dung của “Thuật” trong học thuyết pháp trị
Nội dung của học thuyết pháp trị gồm ba trụ cột: (i) Thế là quyền lực, địa vị, vị thế; (ii) Pháp là pháp luật, quy tắc, quy định; (iii) Thuật là phương pháp để tuyển chọn, sử dụng, điều khiển quan lại, quần thần. Giữa Thế - Pháp - Thuật luôn có sự gắn bó chặt chẽ, vừa là tiền đề, vừa là kết quả của nhau, tạo thành “rường cột” vững chắc, chống đỡ quốc gia. Trong đó, “Thuật” là nội dung mang ý nghĩa thiên biến vạn hóa mà nhà cầm quyền dựa vào đó để kiểm soát bộ máy nhân sự, giúp xây dựng và giữ gìn đội ngũ quan lại vừa giỏi chuyên môn, vừa có phẩm chất đạo đức tốt. “Thuật” được hiểu theo hai nghĩa:
Một là, phương án để tuyển, dùng, xét khả năng của quan lại (kỹ thuật): “Nhân tài năng mà giao cho chức quan, theo cái danh mà trách cứ cái thực, nắm quyền sinh sát trong tay mà xét khả năng của quần thần”[2], hay còn gọi là thuật “Hình Danh”.
Hai là, những mưu mô để chế ngự quần thần, bắt quần thần phải để lộ thâm ý của họ ra (tâm thuật): Làm bộ như ra lệnh và ra lệnh giả, giấu điều mình biết mà hỏi để biết thêm những điều khác, nói ngược lại những điều mình muốn nói để dò xét gian tình của người khác, ngầm hại những bề tôi mình không cảm hóa được… Khác với kỹ thuật mang tính chất công khai, tâm thuật là thứ không muốn, không được để lộ cho người khác biết.
Trong học thuyết pháp trị của Hàn Phi Tử, “Thuật” gồm ba nội dung chính: Vô vi, Dùng người và Trừ gian.
1.1. Vô vi: Là những mưu mô, thủ đoạn, phương pháp của nhà vua để điều khiển công việc, khiến cho bề tôi thi hành triệt để mệnh lệnh của mình. Theo Hàn Phi Tử, nhà vua dù có trong tay mọi quyền lực và địa vị, tự mình ban hành pháp luật để cai trị toàn dân nhưng một mình vua không thể đích thân làm hết được mọi việc trong thiên hạ mà phải có một bộ máy quan lại phân bố từ trung ương đến địa phương để giúp vua thực hiện các công việc trong nhiều lĩnh vực, bộ máy chính quyền đó có chức năng giúp nhà vua thực thi trách nhiệm quản lý nhà nước và xã hội. Lúc này, để quyền lực của nhà vua đảm bảo được vẹn toàn thì bản thân ông vua đó phải có những nghệ thuật điều khiển, sử dụng và giám sát đội ngũ quan lại ấy.
Trước hết, phải dựa vào kỹ thuật “thẩm hợp hình danh”, có nghĩa là, xét xem cái “danh” có tương xứng với cái “thực” hay không. Khi vua bổ nhiệm một chức vị gì thì phải dựa theo cái tên (danh) của chức đó để xét đến kết quả (thực). Cái “thực” sẽ nói lên phẩm chất của người được bổ nhiệm, căn cứ vào cái “thực” để xem xét, kiểm tra, đánh giá năng lực của bề tôi, tức là “tuần danh trách thực”. Nếu xét thấy kết quả (thực) phù hợp với việc làm, việc làm phù hợp với lời nói (danh) thì thưởng, nếu danh với thực không tương xứng, không phù hợp với nhau thì phạt. Hàn Phi cũng cho rằng, nghĩa vụ đến đâu, thì việc làm đến đó, không được vượt quá phạm vi đã được giao, nếu vượt quá có nghĩa “danh” và “thực” không tương xứng. Như vậy, nhà vua muốn “trị lại” thì chỉ cần thực hiện tốt việc “tuần danh trách thực”, danh và thực không tương xứng thì phạt theo đúng quy định, phép tắc. Các quan lại vì thế sẽ phải thực hiện đúng chức phận của mình, không dám làm thiếu, không dám làm quá hay tự ý thay đổi, thêm bớt, lấn lướt. Nhà vua không cần phải làm gì khác mà mọi việc đều tốt đẹp, các bề tôi đều hết lòng lo lắng việc nước.
1.2. Dùng người: Quy tắc căn bản của thuật dùng người là thuyết Hình Danh. Tuy cùng nói đến “Danh”, nhưng Hình Danh của pháp gia khác với Chính Danh của Khổng Tử. Nếu như Chính Danh của Khổng Tử là để “minh phận”, phân biệt sang hèn, cũng để nhắc nhở mỗi người biết bổn phận của mình mà thực thi thì Hình Danh của Hàn Phi Tử dùng để “xét người”. Theo ông, cần sử dụng thuyết này vào việc dùng người, bỏ qua luân lý, đạo đức, chỉ căn cứ vào danh và thực để phân định loại người. Sự vật hễ có Hình (thực) thì sẽ có Danh. Danh và Hình (thực) phải hợp nhau. Nếu lấy pháp luật làm Danh thì việc làm là Hình: Việc làm mà hợp với pháp thì Danh và Hình hợp nhau. Nếu lấy quan vị làm Danh thì chức vụ là Hình. Một người địa vị là trưởng ty mà không điều khiển nổi nhân viên trong ty, còn công cái gì cũng giao cho người phụ tá thực hiện, nghĩa là Danh và Hình không hợp.
Theo học thuyết của Hàn Phi Tử, căn cứ vào quy tắc Hình Danh để trị quan lại thì sẽ chuẩn xác nhất. Chỉ có theo quy tắc đó mới xác định được đâu là người giỏi, đâu là kẻ bất tài, đâu là người ngay đâu là kẻ gian để từ đó cắt đặt, sử dụng cho đúng, thưởng phạt cho nghiêm, bề tôi cũng khó lòng dối trá, che lấp được nhà vua. Nếu không căn cứ vào năng lực của bề tôi để đoán xét thì việc công bê trễ, trị nước không thành. “Nếu chỉ nhờ được khen mà được thưởng, bị chê mà bị phạt thì những người ham thưởng sợ phạt sẽ bỏ phép công, thi hành thuật riêng tư, kết bè với nhau để làm bậy”[3]. Việc bổ nhiệm người cũng phải theo quy tắc Hình Danh chứ không dựa vào lời giới thiệu của người khác, vì người giới thiệu có thể vì tư lợi, tư tình hoặc vì bè đảng mà tiến cử kẻ bất tài, vô đức. Vua cần đích thân xem xét người mình muốn dùng có xứng đáng, đủ đức, đủ tài hay không rồi mới bổ nhiệm. Bổ nhiệm quan lại là việc tối quan trọng, đòi hỏi sự cẩn trọng, nghiêm ngặt. Hàn Phi Tử đưa ra ba phương pháp cụ thể gồm:
(i) “Thính ngôn”: Khi nghe bề tôi nói, vua cần trầm mặc, lầm lì, không khen không chê, không được để lộ ý nghĩ, tình cảm của bản thân. Mặt khác, thính ngôn cũng là bắt bề tôi phải nói, không được giữ im lặng và nói phải có đầu đuôi, có căn cứ, đúng sự thật, không được mâu thuẫn trước sau. Nhà vua phải khiến bề tôi chịu trách nhiệm về điều họ nói hoặc điều họ không nói, không được tìm cách trốn tránh trách nhiệm hòng giữ vững địa vị của mình, phải nói rõ ý kiến xem chỗ nào lấy chỗ nào bỏ, có như vậy mới khiến bề tôi không dám nói bậy cũng không dám làm thinh. Thính ngôn khiến bề tôi phải đưa ra chủ kiến rõ ràng, không mập mờ, không ba phải nhằm né tránh hậu quả. Thông qua “thính ngôn”, nhà vua khiến lời nói của bề tôi dâng lên phải thiết thực, có công dụng, không hư ngôn, không chỉ nói hay mà không có tác dụng gì. Từ đó, nhà vua xét được người hay kẻ dở, người có đức, có tài hay không.
(ii) “Tham nghiệm”: Muốn chắc chắn lời nói của bề tôi có đáng tin hay không, có thành thực hay không thì phải “khảo sát việc đã qua để biết rõ lời nói trước kia có đúng không; đặt bề tôi ở gần mình để xét nội tình của họ, đưa họ ra xa để xét tình hình ở ngoài của họ; dùng những điều mình biết rồi để tra hỏi về những điều chưa biết”[4]. Ngoài ra, vua cần “có thái độ khiêm nhường để thấy kẻ nào cương trực, kẻ nào a dua; tiết lộ những ý khác nhau để dễ biết ý kiến của kẻ dưới”[5]. Bên cạnh đó, cần tham khảo ý kiến nhiều người để biết thực tình, nếu chỉ tin nghe một người sẽ bị bề tôi che lấp. Tuy nhiên, nếu ý kiến mọi người nhất loạt như nhau thì phải đề phòng vì đối với việc đáng ngờ phải đưa ra bàn mà mọi người đều chung một ý kiến như nhau tất có sự âm mưu để lừa gạt vua.
(iii) “Giao chức”: Đây là giai đoạn cuối cùng, cho bề tôi bắt tay vào làm việc thì sẽ biết chắc họ làm hay hay làm dở. Từ thính ngôn, đến tham nghiệm để dò xét một người có đáng tin hay không, có tài có đức hay không rồi mới giao chức, khi đó mới thực sự tránh được sai lầm. Tuy vậy, giao chức cũng không thể tùy tiện, trước tiên phải giao cho việc nhỏ để thử sức và khi đã giao trách nhiệm cho một người thì đừng dùng một kẻ khác để nhòm ngó, theo dõi, đề phòng người đó. Khi đã giao việc cho bề tôi, vua phải tự mình quan sát, đánh giá, nhận định chứ không thông qua một người khác nữa, bởi nếu hai người họ ghét nhau hoặc khen lẫn nhau (kết bè đảng) thì bản thân nhà vua sẽ bị nhiễu loạn, không nhìn được chính xác sự việc. Như vậy, đã giao chức thì tin họ, để họ làm rồi tùy mức độ đúng sai, hay dở để quyết định thưởng phạt.
1.3. Trừ gian: Học thuyết của Hàn Phi Tử cho rằng, vua hay bề tôi đều theo đuổi, mưu cầu cái lợi, chỉ là cái lợi đó khác nhau. Vì tư lợi nên bề tôi nào (bao gồm cả anh em, vợ con) đều có thể mưu phản, do vậy, ông khuyên bậc vua chúa “không nên ỷ lại vào cái lẽ bề tôi không phản mình mà ỷ vào cái lẽ họ không thể phản mình được; không ỷ và cái lẽ họ không gạt mình mà ỷ vào cái lẽ họ không thể gạt mình được”[6]. Theo ông, tứ phương tám hướng xung quanh nhà vua đều có thể có động cơ để phản vua, do vậy, bậc làm vua chúa phải tìm cách trừ gian. Hàn Phi Tử liệt kê ra nhiều cách thức để phát giác kẻ gian, ngăn cấm kẻ gian, loại bỏ kẻ gian, kiềm chế bề tôi để họ không vượt quá. Ví dụ: Không được để lộ sự yêu thích, giận ghét của mình, không để lộ mưu tính của bản thân, khen hay chê bề tôi phải đúng sự thực, không vì yêu mà khen, ghét mà chê trách, phải bắt bề tôi tuân theo pháp luật đồng thời chính bản thân mình cũng phải theo pháp luật[7]. Có một cách để nhận diện kẻ gian nữa là sau khi một việc có hại cho nước hay cho một người nào đó xảy ra thì phải xem xem ai là người có lợi. Khi tìm ra kẻ gian tà thì phải làm cho họ khốn khổ bằng cách trừng phạt[8]. Để được như vậy, “Thuật” mà bậc vua chúa phải áp dụng rất phong phú, đa dạng, dù là kỹ thuật hay tâm thuật thì đều nhằm điều khiển, sai khiến bề tôi, buộc họ phải chấp nghiêm phép tắc, tuân thủ mệnh lệnh của vua, mang hết sức lực, tài năng của mình ra để thực thi công vụ. Khi ấy, người làm vua mới có thể củng cố và giữ vững được địa vị, quyền lực của mình.
2. Vận dụng trong xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất liêm chính
Những năm gần đây, thuật ngữ “Chính phủ liêm chính”, “Nhà nước liêm chính” được nhắc đến nhiều trong các diễn đàn, các sự kiện và các bài nghiên cứu của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu “tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động”[9]. Nói đến Chính phủ liêm chính, Nhà nước liêm chính là nhấn mạnh vào yếu tố con người trong bộ máy nhà nước, bộ máy chính quyền đó, xây dựng Chính phủ liêm chính, Nhà nước liêm chính có nghĩa là xây dựng một nhà nước áp dụng tiêu chuẩn cao về phẩm chất cán bộ. Không có cán bộ mang phẩm chất tốt, Nhà nước đó sẽ thiếu đi nền tảng đạo đức trong quản lý, khó lòng tròn trách nhiệm phục vụ nhân dân, khi đó, nhà nước đó mất đi tính chính đáng, mất đi lòng tin của nhân dân, thành quả gặt hái được sẽ bị chi phối bởi các “nhóm lợi ích”.
Vận dụng “Thuật” trong học thuyết pháp trị của Hàn Phi Tử để xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất liêm chính bao gồm các lưu ý như sau:
Thứ nhất, tập trung tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ là người có năng lực, có phẩm chất tốt
Vận dụng lý thuyết về “Danh - Thực” mà Hàn Phi Tử đã đề cập tới sẽ giúp lựa chọn được những cán bộ có năng lực, phẩm chất để sử dụng ở các vị trí phù hợp trong hệ thống cơ quan nhà nước. Xét cán bộ, trước tiên phải xét năng lực, dù là lĩnh vực nào thì đều cần phải là chuyên môn tốt. Tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ không có chuyên môn, hoặc chuyên môn yếu kém sẽ khiến bộ máy nhà nước vận hành trì trệ, từ đó phát sinh nhiều hệ lụy khác. Người yếu kém muốn tồn tại được trong bộ máy cơ quan hay giữ được vị trí công tác sẽ phải dùng nhiều “cách thức” khác nhau, thông thường là cách không chính đáng, khi đó tất yếu nảy sinh tiêu cực. Cán bộ trong bộ máy nhà nước mà tiêu cực thì không còn là cán bộ “liêm chính”.
Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ luôn được Đảng và Nhà nước ta xem trọng, coi đó là gốc của mọi công việc, then chốt của then chốt. Do vậy, đây cũng được coi là một nhiệm vụ có rất nhiều khó khăn, thách thức. Để lựa chọn được người tài đức, có đủ phẩm chất gánh vác công việc, thực hiện tốt các nhiệm vụ mà nhân dân giao phó, ngay từ khâu tuyển dụng đã cần phải kỹ lưỡng. Học thuyết pháp trị nêu: “Thuật là nhân tài năng mà giao cho chức quan, theo cái danh mà trách cứ cái thực”[10], nghĩa là “tài năng” là căn cứ đầu tiên để “chọn người”. Xem xét một người có khả năng nào để lựa chọn, lựa chọn được rồi thì phải phân công cán bộ vào việc phù hợp, tương xứng với sở trường của họ. Tiếp đó, nhìn vào kết quả công việc mà họ làm có đúng với trách nhiệm, quyền hạn hay không để quyết định khen thưởng, cất nhắc hoặc kỷ luật rõ ràng. Nhất thiết cần đánh giá năng lực chuyên môn, sở trường của cán bộ trước khi bố trí vào vị trí, công việc, đồng thời phải theo dõi họ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao để đánh giá chất lượng cán bộ, từ đó có sự điều chỉnh hợp lý, tránh lãng phí tài năng.
Lựa chọn cán bộ thì tài năng thôi chưa đủ, tài năng phải đi cùng phẩm chất đạo đức tốt thì mới có thể sử dụng cán bộ được lâu bền. Người giỏi hay người yếu kém thì dựa vào kết quả công việc là có thể phân định. Tuy nhiên, người liêm chính hay không liêm chính thì không chỉ căn cứ vào năng lực. Thực tế, đã có những cán bộ rất giỏi, năng lực công tác tốt nhưng lại không đủ phẩm chất. Để giải quyết vấn đề này, Hàn Phi Tử đưa ra biện pháp “cấm cái gian khi nó chưa nảy mầm”[11]. Vận dụng trong trường hợp này là, ngay từ khâu lựa chọn, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, cần làm đúng, tránh làm sai, cần làm vì lợi ích chung, tránh vì tư lợi, cần làm vì năng lực và yêu cầu công việc, không làm vì quen biết, nể nang hay bè phái… thì sẽ ức chế được cái bất chính, cái vô liêm, khiến nó khó có cơ hội sản sinh. Nhưng không chỉ dừng ở đó, quá trình sử dụng cán bộ cũng rất cần vận dụng thuật Hình - Danh và quy tắc Thưởng - Phạt để “cái gian” khó có cơ hội “nảy mầm”. Cứ chiếu theo các lý thuyết đó để có biện pháp khuyến khích, khen thưởng hoặc răn đe, kỷ luật thích đáng thì cán bộ sẽ luôn ý thức được trách nhiệm, bổn phận của mình mà hết lòng tận tụy.
Thứ hai, chú trọng công tác nhận diện nhằm ngăn ngừa sớm các biểu hiện suy thoái đạo đức trong đội ngũ cán bộ
Để lựa chọn được người cán bộ có năng lực là việc khó, lựa chọn được người vừa có năng lực vừa có phẩm chất tốt lại càng khó hơn, khó hơn nữa là làm thế nào để người cán bộ đó luôn giữ vững và phát huy được những phẩm chất đáng quý, không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân, dần dần thoái hóa, biến chất. Để làm được điều này, cần có phương pháp nhận diện những biểu hiện suy thoái đạo đức ngay từ khi nó chớm hình thành. Cách nhận diện, đánh giá phẩm chất đạo đức của cán bộ có thể dựa một phần vào quy tắc “tham nghiệm” trong thuật dùng người của học thuyết pháp trị. Ví dụ, căn cứ vào lời nói, cách nói để biết được một người có tính cách trung thực, thẳng thắn hay luồn cúi, quỵ lụy; căn cứ vào việc làm, cách làm sẽ biết được một người có tâm tư trong sáng, thiện lương hay tham lam, vụ lợi; căn cứ vào thái độ của cán bộ trong lúc thực thi công vụ sẽ biết được họ có phải người chính trực hay không. Một người khi đối mặt với cấp trên thì nói lời nịnh bợ, tâng bốc, lúc làm việc với cấp dưới lại giữ thói ỷ thế, cậy quyền, “hoạnh họe”, chèn ép thì chắc chắn đó không phải người có phẩm chất liêm chính. Người nào ít khi nêu rõ chính kiến, thường nói dựa, nói theo để trên thì không mất lòng ai, dưới thì không ai mất lòng, người đó cũng không có chính, có liêm. Một người thường xuyên nói lời tiền hậu bất nhất; làm việc trước sau không chuyên tâm; thấy thành tích thì vơ vào, thấy sai sót thì đổ lỗi; hành động không vì lợi ích chung mà cá nhân chủ nghĩa, đưa ra quyết định vội vàng nhằm che đậy tâm tham… thì đó là biểu hiện của kẻ vụ lợi, bất liêm bất chính. Muốn nhận diện được chắc chắn, việc tham nghiệm cần được thực hành ở nhiều không gian, trong nhiều tình huống công vụ, với khoảng thời gian nhất định và cái nhìn khách quan. Khi đã phân định cơ bản được người liêm chính hay không liêm chính thì sẽ có được các biện pháp phòng ngừa thích hợp.
Gây dựng đội ngũ cán bộ tốt, có phẩm chất trong sạch, chí công vô tư là mục tiêu quan trọng cũng là điều kiện bắt buộc phải có của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bên cạnh yêu cầu tự rèn luyện đối với cán bộ trong công tác ở nhiều khâu, nhiều tầng nấc, thang bậc, thì Nhà nước cần đặt ra những quy định, quy chế thực sự nghiêm minh, không vị nể, không dễ dãi cho qua trước những hành vi sai trái của cán bộ dù là nhỏ nhất. Bồi dưỡng tư tưởng, củng cố quan điểm, lập trường, giáo dục bản lĩnh chính trị một cách thường xuyên là việc cần thiết nhưng như thế chưa đủ, cần đặt ra những giới hạn thật sự ngặt nghèo, khắt khe mới khiến cán bộ trông vào đó mà biết giữ gìn phẩm chất, đạo đức, tư cách của bản thân. Quy định nếu hời hợt, chế tài xử lý nếu không đến nơi đến chốn thì không những không lập được kỷ cương mà còn khiến cán bộ xấu xem thường quy định, tìm cách luồn lách, lôi kéo người khác kết bè dựng phái gây nhiễu loạn trong bộ máy cơ quan. Người không đủ tư cách vẫn được sử dụng, bổ nhiệm thì người giỏi không phục, kẻ yếu kém ỷ vào đó mà sai lại càng sai. Khi quy định chặt chẽ được thực hiện nghiêm minh thì mỗi người cán bộ đều ý thức được mà đặt lợi ích chung lên trên, đồng thời, biết tự kiểm điểm, tự phê bình, biết tự soi xét những lời đã nói, những việc đã làm để phát huy ưu điểm hoặc sửa đổi nhược điểm. Từ đó, Đảng và Nhà nước phát triển được đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn, có phẩm chất liêm chính, chí công vô tư.
Thứ ba, xây dựng hệ thống giám sát đối với đội ngũ cán bộ trong hệ thống cơ quan nhà nước
Nhà nước thận trọng trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ; tinh tường trong việc nhận diện nhằm ngăn chặn sớm nguy cơ suy thoái đạo đức của cán bộ, đồng thời tích cực thực hiện việc theo dõi, giám sát cán bộ để kịp thời xử lý các hành vi xâm phạm đến chuẩn mực của liêm chính công vụ. Đây là một trong các nhiệm vụ không thể bỏ qua của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Hiện nay, tuy đã có cơ chế giám sát, đánh giá cán bộ nhưng trên thực tế tính hiệu quả chưa thực sự cao. Vì vậy, có thể vận dụng từ học thuyết pháp trị để tổ chức và vận hành trong bộ máy cơ quan công quyền một hệ thống giám sát đồng bộ từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong để theo dõi cán bộ, việc làm này không những có tác dụng răn đe, phòng ngừa tiêu cực trong thực thi công vụ, mà còn là biện pháp hữu hiệu để xử lý các cán bộ suy thoái đạo đức, làm ảnh hưởng đến sự liêm chính của bộ máy công quyền. Việc giám sát cần được thực hiện ở khắp nơi, tại cơ quan, đơn vị, ngoài cộng đồng, giám sát cả trong khi thi hành công vụ lẫn trong đời sống thường ngày liên quan đến thực hành liêm chính. Trong quá trình giám sát, cần phải lắng nghe dư luận, chú tâm đến ý kiến của nhân dân thông qua các kênh truyền thông, báo chí. Đây là những kênh thông tin quan trọng, thường có tính xác thực cao, do vậy, cần đặt niềm tin đúng chỗ vào đánh giá của nhân dân để có được những nhận định xác đáng về cán bộ.
Một bộ máy nhà nước không thực hiện tốt việc giám sát cán bộ thì cho dù khâu đầu tiên là lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ có được thực hiện tốt cũng không thể đảm bảo được rằng phẩm chất đạo đức của cán bộ sẽ bền vững trước thời gian và sức cám dỗ của quyền lực, kinh tế. Tính liêm chính của đội ngũ cán bộ ngoài dựa vào sự tu dưỡng, rèn luyện tự thân còn cần có các phương thức khác hỗ trợ để gìn giữ và phát huy. Nếu như “nhận diện” là để phòng ngừa và có biện pháp điều chỉnh thì “giám sát” là để phát hiện và xử lý. Từ giám sát sẽ biết được cán bộ có những sai phạm gì, đã thực hiện những hành vi sai phạm nào, căn cứ vào đó để xác định biện pháp xử lý tương xứng. Nếu sự giám sát vì nguyên nhân nào đó mà thực hiện lỏng lẻo hoặc đứt quãng sẽ tạo cơ hội cho những vi phạm từ nhỏ trở thành lớn, từ lớn trở thành nghiêm trọng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình vận hành bộ máy nhà nước, làm giảm sút niềm tin trong nhân dân. Vì vậy, công tác giám sát cán bộ nên được thực hiện một cách thường xuyên ở tất cả các cấp, trong mọi môi trường để tránh phát hiện muộn màng khiến cho hậu quả trở nên khó khắc phục.
Bộ Tư pháp
[1]. Tư tưởng gia tiêu biểu của phái pháp gia, sinh năm 280 TCN, mất năm 233 TCN, cuối thời kỳ Xuân Thu - Chiến Quốc, Trung Hoa.
[2]. Sách Hàn Phi Tử, Nguyễn Hiến Lê và Giản Chi, Nxb. Hồng Đức, năm 2021.
[3]. Sách Hàn Phi Tử, Phan Ngọc (dịch), Nxb. Văn học, năm 2018, tr.38.
[4]. Xem mục 2, tr. 248.
[5]. Xem mục 2, tr. 248.
[6]. Xem mục 2, tr. 233.
[7]. Xem mục 3, tr. 323-329.
[8]. Xem mục 3, tr. 336-344.
[9]. Xem Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, tập I, tr. 284.
[10]. Xem mục 2, tr. 232.
[11]. Xem mục 7, tr. 376-380.