Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì buổi họp báo, công bố toàn văn Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4, bao gồm 06 luật, đó là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Thực hiện hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Dầu khí; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Thanh tra; Luật Phòng, chống rửa tiền.
Dưới đây là nội dung cơ bản của các đạo luật được công bố:
1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện năm 2022
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý tài nguyên tần số theo hướng minh bạch, cạnh tranh hơn, gắn việc khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả với trách nhiệm và chế tài rõ ràng tập trung vào các nhóm chính sách mới.
Luật đã tạo cơ chế cạnh tranh và tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn triển khai để các doanh nghiệp có đủ năng lực tham gia đầu tư kinh doanh hoạt động viễn thông bằng việc xác định rõ băng tần dành cho thông tin di động được phân bổ, cấp quyền sử dụng thông qua cơ chế đấu giá, thi tuyển. Việc đấu giá, thi tuyển dựa trên các tiêu chí mức trả tiền cấp quyền sử dụng tần số và cam kết của doanh nghiệp về phát triển về mạng viễn thông. Luật cũng bổ sung cơ chế trong trường hợp không có sự thay đổi của nhà nước về quy hoạch băng tần thì cho phép các doanh nghiệp đã được cấp phép sử dụng tài nguyên tần số, sau khi hoàn thiện đủ các nghĩa vụ tài chính với nhà nước và cam kết thực hiện mục tiêu phát triển hạ tầng trong chu kỳ tiếp theo được cấp lại giấy phép.
Bên cạnh đó, Luật còn bổ sung và hoàn thiện các quy định cho phép thu hồi quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đã cấp với các doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết về đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông, không hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước…
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023. Riêng quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024 để các tổ chức đào tạo có thời gian chuyển đổi đáp ứng đầy đủ các quy định theo luật.
2. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 06 chương và 91 điều, được xây dựng nhằm hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhân dân là người chủ của đất nước. Đồng thời, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Một trong những nội dung cơ bản, quan trọng của Luật là quy định về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Theo đó, đối với quy định “Nhân dân bàn và quyết định” được nêu rõ: Những nội dung Nhân dân bàn và quyết định; đề xuất nội dung để Nhân dân bàn và quyết định; hình thức Nhân dân bàn và quyết định; quyết định của cộng đồng dân cư; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, Mặt trận Tổ quốc cấp xã, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và nhân dân trong việc tổ chức việc bàn, quyết định và thực hiện quyết định của cộng đồng dân cư.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023.
3. Luật Dầu khí năm 2022
Luật Dầu khí gồm 11 chương và 69 điều, được xây dựng nhằm ứng yêu cầu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là về năng lượng; bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên, chủ quyền quốc gia, bao gồm cả chủ quyền pháp lý, xây dựng thể chế hội nhập, khẳng định vị thế của Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; tăng cường năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ của các bộ, ngành.
Luật Dầu khí năm 2022 bao gồm một số điểm mới như: (i) Bổ sung chính sách về điều tra cơ bản về dầu khí là hoạt động điều tra, khảo sát ban đầu nhằm đánh giá tiềm năng, triển vọng dầu khí làm căn cứ cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí; (ii) Bổ sung, hoàn thiện các quy định về hợp đồng dầu khí theo hướng thuận lợi, linh hoạt hơn cho nhà thầu; (iii) Bổ sung, hoàn thiện các quy định về trình tự phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí bảo đảm tính tương đồng với hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan; (iv) Bổ sung, hoàn thiện các quy định về dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của dự án phát triển mỏ dầu khí; (v) Bổ sung chính sách ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với các lô, mỏ dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí; (vi) Bổ sung chính sách về khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu; (vii) Bổ sung, hoàn thiện quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán và xử lý chi phí trong hoạt động dầu khí phù hợp với đặc thù của hoạt động dầu khí và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế; (viii) Tăng cường phân cấp cho Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí...
Với các chính sách mới nêu trên, Luật Dầu khí năm 2022 kỳ vọng sẽ tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để tăng cường thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Luật Dầu khí năm 2022 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023.
4. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 gồm 6 chương và 56 điều, tăng 10 điều so với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội, cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.
Luật có những điểm mới như: (i) Tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm; (ii) Thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng; (iii) Sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình để khắc phục những bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; (iv) Luật khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả; (v) Sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023.
5. Luật Thanh tra năm 2022
Luật Thanh tra có 08 chương với 118 điều. Mục đích sửa đổi Luật Thanh tra để thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp năm 2013 về tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra và khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật về thanh tra hiện nay.
Luật có những điểm mới cơ bản liên quan đến việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ; thành lập Thanh tra sở; hoạt động thanh tra; quy định về thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra và giám sát hoạt động đoàn thanh tra; ban hành Kết luận thanh tra; xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước. Chế định thanh tra nhân dân được tách ra khỏi nội dung Luật Thanh tra năm 2022.
Trong đó, về việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ, Luật cho phép thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ thay vì mỗi bộ chỉ có một tổ chức thanh tra như Luật Thanh tra năm 2010. Việc thành lập các cơ quan thanh tra Tổng cục, Cục dựa trên cơ sở các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hiện có nên không làm phát sinh thêm số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của tổng cục, cục thuộc bộ.
Thanh tra Tổng cục, Cục được thành lập trong trường hợp: Theo quy định của luật; theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tại Tổng cục, Cục thuộc bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của Chính phủ. Ngoài ra, Luật cũng quy định Chính phủ xem xét, quyết định việc thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước và được Luật giao nhiệm vụ thanh tra.
Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023.
6. Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022
Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 được kết cấu gồm 04 chương, 66 điều, giảm 01 điều so với Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012. Việc xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền; xây dựng hệ thống pháp luật về phòng, chống rửa tiền phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền.
Luật có các nội dung mới cơ bản liên quan đến đối tượng báo cáo; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền; quy định về đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia, đối tượng báo cáo về rửa tiền; quy định về nhận biết khách hàng và cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng; về trách nhiệm xây dựng quy định nội bộ và báo cáo, cung cấp, lưu trữ thông tin, hồ sơ về phòng, chống rửa tiền; thực hiện thu thập, xử lý, phân tích, trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền và áp dụng các biện pháp tạm thời; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong phòng, chống rửa tiền…
Một trong những nội dung cơ bản và quan trọng được quy định trong Luật là về trách nhiệm xây dựng quy định nội bộ và báo cáo, cung cấp, lưu trữ thông tin, hồ sơ về phòng, chống rửa tiền. Theo đó, Luật đã làm rõ hơn yêu cầu về nội bộ của các đối tượng báo cáo; giảm bớt yêu cầu về quy định nội bộ cho đối tượng báo cáo là cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ.
Bên cạnh đó, Luật cũng sửa đổi một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ; bổ sung dấu hiệu đáng ngờ đối với hoạt động trung gian thanh toán; sửa đổi quy định về thời hạn báo cáo, khắc phục những vướng mắc trong quá trình thực hiện; quy định cụ thể về lưu trữ, bảo mật thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo phù hợp pháp luật hiện hành và thực tiễn hoạt động của đối tượng báo cáo.
Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2023.
Phạm Thu Hằng