Mở đầu buổi họp báo, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước đọc Lệnh về việc công bố 12 luật, bao gồm: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Quản lý ngoại thương; Luật Đường sắt; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Du lịch; Luật Thủy lợi; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Tiếp theo, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo trình bày mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng các luật nói trên và giới thiệu nội dung cơ bản, những điểm mới của các luật.
Một trong những luật được dư luận hết sức quan tâm là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (Luật số 12/2017/QH14). Theo đại diện của Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì soạn thảo, thì Luật số 12/2017/QH14 được ban hành với những điểm mới cơ bản như:
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung một số điểu khoản thuộc phần "Những quy định chung" của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 để bảo đảm sự nhất quán trong chính sách xử lý, bảo đảm tính bao quát, toàn diện và phù hợp với thực tiễn, cụ thể: Sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến người chưa thành niên phạm tội; sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến pháp nhân thương mại phạm tội.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung một số điều khoản thuộc phần "Các tội phạm" của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, cụ thể: (i) Sửa đổi, bổ sung mức định lượng trong các khung của một số điều luật nhằm bảo đảm sự nối tiếp giữa các mức định lượng trong các khung, tránh chồng chéo, trùng lặp, gây khó khăn cho việc xử lý tội phạm; (ii) Sửa đổi, bổ sung yếu tố cấu thành của một số tội phạm để bảo đảm phù hợp với thực tiễn; (iii) Luật số 12/2017/QH14 đã bỏ tội doanh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13), đồng thời bổ sung một tội danh mới, đó là tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Thứ ba, Luật số 12/2017/QH14 có những sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật trong một số điều khoản cụ thể của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 liên quan đến các quy định viện dẫn, sử dụng từ ngữ cũng như các sửa đổi khác về kỹ tuật nhằm bảo đảm tính chính xác, logic, rõ ràng, tạo thuận lợi cho việc giải thích và áp dụng thống nhất các quy định của Bộ luật Hình sự trong thực tiễn.
Ngoài ra, đại diện Bộ Tư pháp cũng cho biết, ngày 20/6/2017, cùng với việc thông qua Luật số 12/2017/QH14, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 đã thông qua Nghị quyết số 41/2017/QH14 về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14) và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13; Luật Tổ chức các cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13, trong đó, xác định rõ những vấn đề:
(i) Nghị quyết tuyên bố kể từ ngày 01/01/2018, Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14); Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13; Luật Tổ chức các cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 có hiệu lực thi hành.
(ii) Nghị quyết quy định cụ thể việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14) trên cơ sở kế thừa các quy định của Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự và Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và các bộ luật, luật có liên quan, đồng thời bổ sung những quy định mới liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật số 12/2017/QH14.
Về Luật Trợ giúp pháp lý, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cho biết, Luật mới ban hành có những điểm mới như: Đã có sự phân biệt trợ giúp pháp lý và dịch vụ pháp lý thiện nguyện của các tổ chức xã hội; mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý (từ 06 diện người lên 14 diện người); bổ sung nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý; nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý; nâng cao vai trò của Sở Tư pháp trong việc giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý ở địa phương; tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý; tạo thuận lợi hơn cho người được trợ giúp pháp lý trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đối với hoạt động trợ giúp pháp lý; sắp xếp, tinh gọn các chi nhánh Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Về Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, Luật mới được ban hành đã mở rộng nguyên tắc giải quyết bồi thường; bổ sung 05 điều quy định cụ thể về các văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong các hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự; bổ sung phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong các lĩnh vực, bảo đảm phù hợp Hiến pháp năm 2013, các bộ luật, luật hiện hành, bảo đảm quyền, lợi ích của công dân. Luật đã sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định về thiệt hại được bồi thường nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thời gian qua; quy định cụ thể hơn về cơ quan giải quyết bồi thường; sửa đổi toàn diện quy định về thủ tục giải quyết bồi thường; sửa đổi, bổ sung quy định về phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại; quy định về việc cấp phát kinh phí bồi thường, chi trả tiền bồi thường theo hướng đơn giản, nhanh gọn; sửa đổi, bổ sung toàn diện quy định về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ và bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước.
Tiếp theo, đại diện các bộ, ngành trả lời câu hỏi của phóng viên xung quanh những nội dung cơ bản, quan trọng của các luật vừa được thông qua.