Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, chủ trì buổi họp báo, đã công bố toàn văn Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9, bao gồm: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Mặt trận Tổ quốc, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Thú y, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Ngân sách nhà nước, Pháp lệnh Cảnh sát môi trường và Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một làn đối với người lao động. Ông Đào Việt Trung cũng nhấn mạnh: Các văn bản pháp luật này liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau cả về tổ chức bộ máy nhà nước đến các vấn đề kinh tế - văn hóa - xã hội, vì vậy rất mong được sự quan tâm, tuyên truyền, hợp tác chặt chẽ của các cơ quan thông tấn báo chí.
Tiếp đến, đại diện của các Bộ trình bày nội dung cơ bản của các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết mà đơn vị mình chủ trì soạn thảo. Sau đây xin giới thiệu nội dung cơ bản của một số đạo luật:
1. Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015
Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 gồm có 07 chương, 50 điều, quy định rõ cơ cấu của Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ, Luật đã thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, theo đó, Chính phủ hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ; đề cao trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu; bảo đảm nguyên tắc cơ quan cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cơ quan cấp trên. Thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Chính phủ với chính quyền địa phương. Minh bạch, hiện đại hóa hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan hành chính nhà nước các cấp; bảo đảm thực hiện một nền hành chính thống nhất, thông suốt, liên tục, dân chủ, hiện đại, phục vụ nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân.
Luật đã cụ thể hóa quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ tại Điều 96 của Hiến pháp năm 2013, bao quát hết các lĩnh vực quản lý của Chính phủ. Cũng trên cơ sở các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật đã quy định cụ thể hơn thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm thống nhất, thông suốt, liên tục của nền hành chính quốc gia.
So với Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 bổ sung thêm một chương mới (Chương IV: Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ). Nội dung của chương này đã có quy định tách bạch nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là thành viên của Chính phủ với nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ.
Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016.
2. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015
Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương với 8 chương, 143 điều, tăng 02 chương và 03 điều so với Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003. Luật này đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương, định hướng của Đảng về chính quyền địa phương; đồng thời kế thừa những nội dung hợp lý và sửa đổi, bổ sung các bất cập, vướng mắc trong 12 năm thực hiện Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 liên quan đến các vấn đề chính: (i) Về phạm vi điều chỉnh của Luật; (ii) Về “đơn vị hành chính tương đương” thuộc thành phố trực thuộc trung ương; (iii) Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính; (iv) Về phân định thẩm quyền giữa trung ương, địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương; (v) Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương và của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; (vi) Về cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân; (vii) Về cơ cấu tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân; (viii) Các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của chính quyền địa phương; (ix) Thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; (x) Về hiệu lực và triển khai thi hành Luật.
Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016.
3. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân lần này đã kế thừa và phát triển các quy định trong các luật bầu cử hiện hành; đồng thời, sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Hiến pháp năm 2013, khắc phục những hạn chế, bất cập liên quan đến quy trình, thủ tục trong bầu cử; pháp điển hóa một số nội dung trong hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Luật gồm 10 chương, 98 điều với một số điểm mới sau:
Thứ nhất, Luật đã trao thẩm quyền quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; quyết định bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong thời gian giữa nhiệm kỳ; quyết định thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia cho Quốc hội thay vì do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện như trước đây.
Thứ hai, số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng dân tộc của Quốc hội (bảo đảm ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số). Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn chủ tịch Ban chấp hành trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (bảo đảm ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ).
Thứ ba, Chương III về Hội đồng bầu cử quốc gia. Đây là một thiết chế hiến định mới trong Hiến pháp năm 2013. Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Thứ tư, việc cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, đang được giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc.
Ngoài ra Luật này đã có quy định riêng đối với việc tổ chức bầu cửa tại các huyện, quận, phường thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường.
Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2015.
4. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (gồm 17 chương, 173 điều) được xây dựng trên cơ sở hợp nhất 02 Luật hiện hành thành 01 Luật để áp dụng thống nhất việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi cả nước. So với quy định của 02 Luật hiện hành, Luật năm 2015 có những điểm mới cơ bản:
Thứ nhất, về khái niệm quy phạm pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật. Để khắc phục hạn chế trong việc phân biệt khái niệm văn bản quy phạm pháp luật với văn bản hành chính thông thường và những văn bản khác của cơ quan nhà nước được ban hành trong thời gian qua. Luật mới bổ sung khái niệm “quy phạm pháp luật”, đồng thời hoàn thiện khái niệm “văn bản quy phạm pháp luật”.
Thứ hai, về thẩm quyền, hình thức văn bản quy phạm pháp luật. Với chủ trương tiếp tục tinh gọn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Luật mới đã giảm được 05 loại văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật mới quy định rõ ràng, cụ thể và chặt chẽ hơn nội dung ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các chủ thể có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương.
Thứ ba, về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Để đảm bảo tính chủ động, linh hoạt trong công tác lập pháp, Luật mới không quy định về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội mà chỉ quy định về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm.
Thứ tư, về quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật: (i) Tách bạch quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo luật, pháp lệnh, nghị định của Chính phủ và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; (ii) Đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của một số cơ quan, người có thẩm quyền khác theo đó bổ sung quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục soạn thảo, thẩm định, thẩm tra văn bản; (iii) Bổ sung nhiều quy định mới về việc tổ chức lấy ý kiến nhằm mở rộng dân chủ, tăng cường công khai, minh bạch trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ năm, bảo đảm quyền sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội. Luật năm 2015 quy định rõ quyền sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội gồm quyền kiến nghị về luật, pháp lệnh và quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; đồng thời bổ sung cơ chế giúp đại biểu Quốc hội thực hiện quyền này.
Thứ sáu, về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn. Kế thừa các quy định của Luật năm 2008, Luật năm 2015 bổ sung 03 trường hợp được xây dựng, ban hành văn bản quy phạm theo quy trình rút gọn.
Thứ bảy, về những hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật năm 2015 bổ sung 01 điều quy định về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 14.
Thứ tám, về văn bản quy định chi tiết. Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, Luật năm 2015 bổ sung một số quy định mới như: (i) Dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh; (ii) Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực.
Thứ chín, về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật mới quy định trường hợp dự thảo văn bản quy phạm pháp luật không đảm bảo về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy trình khác của pháp luật có liên quan.
Thứ mười, về việc bảo đảm cho công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật bổ sung quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ, công chức tham gia xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hiện đại hóa phương tiện, hạ tầng kỹ thuật và bảo đảm kinh phí từ giai đoạn xây dựng chính sách, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý đến hoàn thiện, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016.
5. Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015
Ngày 24/6/2015, tại kỳ hợp thứ 9, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015.
Việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 đã đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Kiểm toán nhà nước năm 2005 nhằm nâng cao tính độc lập trong tổ chức và hoạt động của kiểm toán nhà nước; quy định cụ thể địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của kiểm toán nhà nước; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán…
Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 gồm 9 chương, 73 điều (so với Luật Kiểm toán nhà nước hiện hành, Luật năm 2015 tăng 1 chương, giảm 3 điều, trong đó bổ sung 11 điều mới và bỏ 14 điều của Luật năm 2005) với những điểm mới cơ bản liên quan đến các vấn đề sau: (i) Về phạm vi, đối tượng kiểm toán; (ii) Về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán; (iii) Về Tổng kiểm toán nhà nước; (iv) Về thời hạn kiểm toán; (v) Công khai kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; (vi) Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đối với hoạt động kiểm toán nhà nước.
Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016.
6. Luật Ngân sách nhà nước năm 2015
Ngày 25/6/2015, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Ngân sách nhà nước. Luật năm 2015 bao gồm 7 chương, 77 điều, với những nội dung cơ bản: (i) Về phạm vi ngân sách; (ii) Về thẩm quyền trong lĩnh vực ngân sách nhà nước; (iii) Về phân cấp quản lý ngân sách; (iv) Tăng cường quản lý ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách; (v) Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tính minh bạch, công khai; tăng cường trách nhiệm, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng; (vi) Tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế về quản lý ngân sách nhà nước, vận dụng phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; bảo đảm công tác quản lý ngân sách nhà nước từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế.
Luật này có hiệu lực thi hành kể từ năm ngân sách 2017.
7. Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015
Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 gồm có 10 chương 81 điều với phạm vi điều chỉnh là quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam.
Theo phạm vi điều chỉnh, nội dung cơ bản của Luật tập trung quy định về các công cụ, cơ chế, chính sách điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng, nguyên tắc, nội dung phối hợp trong quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo; quy định cụ thể về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, nhận chìm ở biển và quy định chi tiết về ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển. Trong đó có nhiều nguyên tắc, chế định quan trọng lần đầu tiên được ghi nhận, quy định trong pháp luật Việt Nam như nguyên tắc: Quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo phải dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng phù hợp với chức năng của từng khu vực biển và trong giới hạn chịu tải của môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển; các quy định về hành lang bảo vệ bờ biển, phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ, khai thác, sử dụng tài nguyên hải đảo, phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, cấp Giấy phép nhận chìm ở biển…
Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016. Riêng quy định tại khoản 1 Điều 79 (Điều khoản chuyển tiếp) được áp dụng từ thời điểm Luật được công bố.
Trong thời gian tới, triển khai thi hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo vào cuộc sống sẽ giúp từng bước khắc phục các xung đột, mâu thuẫn trong quản lý theo ngành, lĩnh vực trong thời gian qua; giúp cho việc sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển và hải đảo, bảo đảm phát triển bền vững biển và hải đảo; là hành lang pháp lý quan trọng tạo bước đột phá trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, góp phần sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam năm 2020.
8. Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015
Luật An toàn, vệ sinh lao động được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, ngày 25/6/2015 trên cơ sở cụ thể 20 điều tại Chương IX về An toàn lao động, vệ sinh lao động của Bộ luật Lao động năm 2012, kế thừa các quy định về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Mục 3 Chương III của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Luật này gồm 7 chương, 93 điều với các nội dung cơ bản:
Một là, những quy định chung (Chương I) quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng điểu chỉnh, giải thích từ ngữ, chính sách của nhà nước, nguyên tắc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động,…
Hai là, các biện pháp phòng chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại cho người lao động (Chương II) gồm 4 mục: (i) Thông tin, tuyên truyền, giáo dục về an toàn, vệ sinh lao động; (ii) Nội quy, quy trình và các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; (iii) Chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động; (iv) Quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
Ba là, các biện pháp xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động và tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Chương III) gồm 3 mục: (i) Khai báo, thống kê, báo cáo, điều tra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; (ii) Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; (iii) Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Bốn là, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đối với một số lao động đặc thù (Chương IV). Đây là nội dung được pháp điển hóa từ những quy định, hướng dẫn tại các văn bản dưới luật. Trong đó, thống nhất nguyên tắc về việc bảo đảm quyền được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động của người lao động.
Năm là, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh (Chương V) quy định về bộ máy tổ chức và những nội dung cơ bản thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động trong cac cơ sở sản xuất, kinh doanh như lập kế hoạch, tổ chức kiểm tra, thi đua, khen thưởng, thống kê, báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động…
Sáu là, quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động (Chương VI) quy định về nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp.
Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016.
Quỳnh Vũ (tổng hợp)