Cùng với phổ biến pháp luật, giáo dục pháp luật là một giai đoạn của quá trình xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, là một mắt xích quan trọng trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, là cầu nối để chuyển tải và đưa pháp luật vào cuộc sống, qua đó đưa cuộc sống vào pháp luật. Giáo dục pháp luật có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là một bộ phận của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vừa là một bộ phận của công tác giáo dục và đào tạo. Nhận thức được ý nghĩa, vai trò quan trọng của giáo dục pháp luật, ngay từ đầu những năm 80, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương đưa giáo dục pháp luật vào nhà trường, được thể chế bằng nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giáo dục pháp luật chính thức được đưa vào nhà trường từ năm học 1987 - 1988. Đến nay, công tác này đã đạt được những kết quả nhất định, trở thành nội dung giáo dục văn hóa không thể thiếu trong việc đào tạo, giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên, chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo; đóng vai trò then chốt trong giáo dục phẩm chất đạo đức nhân văn, ý thức thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tạo lập, nâng cao trình độ văn hóa pháp luật của thế hệ trẻ - thế hệ tương lại của đất nước.
Để tìm hiểu đầy đủ, cụ thể về vị trí, vai trò, ý nghĩa cũng như quá trình đưa giáo dục pháp luật vào nhà trường, kính mời độc giả tìm đọc bài viết “Vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường và quá trình đưa giáo dục pháp luật vào nhà trường”, của TS. Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, được đăng trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số chuyên đề 32 trang tháng 3/2015.
Uyên Nhi