Bạn đọc hỏi:
Anh Q và chị H đã chung sống với nhau hơn chục năm nay nhưng gần đây anh Q rất hay uống rượu say và về chửi bới, lăng mạ chị H. Tôi là hàng xóm đã nhiều chứng kiến cảnh tượng trên nên đã can ngăn anh Q nhưng không thành. Tôi có quay lại video của vụ việc và lưu lại để làm bằng chứng, dự định tố cáo hành vi của anh Q với cơ quan công an. Việc tôi tố cáo với cơ quan có thẩm quyền có đúng không?
Thư Vũ - Yên Bái
Chuyên gia trả lời:
Khoản 1, 2 Điều 21 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2023 quy định việc sử dụng âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình nêu rõ:
1. Người có âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình có quyền cung cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết vụ việc bạo lực gia đình.
2. Việc sử dụng âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình trong quá trình giải quyết vụ việc bạo lực gia đình và đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, internet phải được sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình hoặc người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Căn cứ quy định trên thì việc chị tố cáo cho cơ quan công an là có thể thực hiện, Tuy nhiên, trước khi gửi bằng chứng báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý anh có thể cùng bà con trong Tổ dân phố/ Hội phụ nữ phối hợp với các thành viên gia đình, dòng họ để hòa giải mâu thuẫn nhằm phòng ngừa hành vi bạo lực gia đình phát sinh hoặc tái diễn. Trong trường hợp cần thiết có thể mời chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, người thân, người trong cơ quan, tổ chức của chủ thể có mâu thuẫn, và người được đào tạo hoặc có kinh nghiệm về công tác xã hội, tâm lý học, người có kinh nghiệm trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình tham gia hòa giải. Khi việc hòa giải này đã diễn ra mà vẫn còn những nguy cơ đe dọa bạo lực gia đình thì cần thông tin ngay cho cơ quan chức năng xử lý kịp thời ngăn chặn.
Trần Hiến