Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thực hiện thủ tục hành chính, gắn với phân bổ nguồn lực, đề cao trách nhiệm thực thi của các cấp, các ngành
Quan điểm của Chương trình là thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, động lực, mục tiêu của sự phát triển; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp; bảo đảm 05 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm” để đánh giá, đo lường, kiểm tra, giám sát; tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong thực hiện nhiệm vụ cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thực hiện thủ tục hành chính, gắn với phân bổ nguồn lực, đề cao trách nhiệm thực thi của các cấp, các ngành theo hướng giảm việc giải quyết thủ tục của các cơ quan trung ương, “cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực”; gắn kết chặt chẽ với ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Tiếp tục đổi mới toàn diện, nâng cao hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; bảo đảm công khai, minh bạch, tối ưu hóa quy trình, thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ, nâng cao năng suất lao động, hiệu lực, hiệu quả quản lý, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản trị hành chính.
Thực hiện đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tiễn; kế thừa, phát huy những thành tựu đã đạt được, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế để vận dụng hiệu quả; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, sự tham gia của các cấp, các ngành, chuyên gia, doanh nghiệp, tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân.
100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến (năm 2025); cắt giảm, đơn giản hóa 100% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết (năm 2026)
Chương trình kế thừa các kết quả đạt được của Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, tiếp tục tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh.
Mục tiêu năm 2025: (i) cắt giảm, đơn giản hóa ngay thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính; (ii) 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạch, hiệu quả, bảo đảm minh bạch, giảm tối đa giấy tờ; (iii) 100% thủ tục hành chính được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh; (iv) hoàn thành việc thực thi 100% phương án về phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đã được phê duyệt tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ; (v) 100% thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước và trong từng cơ quan hành chính nhà nước được rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, thời gian giải quyết, chi phí thực hiện và sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp với việc thực hiện tinh gọn, sắp xếp bộ máy, đồng thời bảo đảm thông suốt, hiệu quả.
Mục tiêu năm 2026: (i) cắt giảm, đơn giản hóa 100% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết hoặc mâu thuẫn, chồng chéo hoặc quy định chung chung, không cụ thể, không rõ ràng; bãi bỏ 100% điều kiện đầu tư kinh doanh của các ngành, nghề không thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư; (ii) cắt giảm 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, 50% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính so với năm 2024; 100% thủ tục hành chính quy định tại quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng phải được công bố, rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa; 100% chế độ báo cáo của doanh nghiệp được thực hiện điện tử; (iii) 100% thủ tục hành chính nội bộ trong từng cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện quản trị nội bộ trên môi trường điện từ; (iv) 100% thông tin, giấy tờ, tài liệu trong các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh chỉ cung cấp một lần cho cơ quan hành chính nhà nước; (v) 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được thực hiện trực tuyến toàn trình.
Chương trình đề ra 03 nhiệm vụ và giải pháp
Một là, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa đối với thủ tục hành chính được quy định tại văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, cụ thể:
Tổng hợp, thống kê danh mục thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh: (i) rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tổng hợp, thống kê đầy đủ thời gian giải quyết, chi phí tuân thủ của các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (bao gồm thủ tục hành chính quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng; (ii) rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tổng hợp, thống kê đầy đủ danh sách, chi phí tuân thủ các điều kiện đầu tư kinh doanh theo các hình thức: giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, văn bản xác nhận, văn bản chấp thuận, và các điều kiện kinh doanh của các thủ tục hành chính để cấp các giấy tờ trên.
Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính dựa trên ứng dụng công nghệ, tái sử dụng dữ liệu: (i) rà soát, xây dựng phương án cắt giảm hoặc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm hoặc đơn giản hoá thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên cơ sở ứng dụng công nghệ, tái sử dụng thông tin, dữ liệu đã được số hoá, lưu trữ trong các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và liên thông điện tử; (ii) rà soát cắt giảm hoặc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; thống nhất một đầu mối kiểm tra chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa chịu sự kiểm tra của nhiều cơ quan, đơn vị; (iii) rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa chế độ báo cáo của doanh nghiệp.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án thuộc thẩm quyền hoặc chủ động thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trường hợp vượt thẩm quyền, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án năm 2025 trước ngày 30/6/2025 và phương án năm 2026 trước ngày 30/6/2026.
Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy: (i) rà soát, xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hoá các thủ tục hành chính giải quyết cùng một công việc cụ thể cho một cá nhân, tổ chức thực hiện trong một thời điểm hoặc giai đoạn và thuộc thẩm quyền giải quyết của một cơ quan, tổ chức trong trường hợp thực hiện hợp nhất, sáp nhập các bộ, ngành và các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc bộ, ngành, địa phương; (ii) rà soát, xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hoá các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của cấp huyện phù hợp với chủ trương, lộ trình không tổ chức cấp huyện trong sắp xếp tổ chức bộ máy theo Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Thời hạn hoàn thành trước ngày 31/12/2025.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thực hiện thủ tục hành chính: khẩn trương hoàn thành thực thi các phương án phân cấp thủ tục hành chính đã được phê duyệt tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ, thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, trước ngày 30/9/2025; trường hợp phương án phân cấp không còn phù hợp với quy định mới của pháp luật về phân cấp, phân quyền, ủy quyền hoặc không còn phù hợp với tổ chức bộ máy chính quyền trung ương và địa phương sau khi sắp xếp, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2025.
Cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh: (i) rà soát, cắt giảm hoặc sửa đổi điều kiện đầu tư kinh doanh mâu thuẫn, chồng chéo hoặc chung chung, không cụ thể, không rõ ràng, không thể định lượng; (ii) rà soát, bãi bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh của các ngành, nghề không thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư; (iii) rà soát, đánh giá, đề xuất phương án bãi bỏ hoặc thu hẹp phạm vi các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không đáp ứng được các quy định, tiêu chí của Luật Đầu tư; (iv) rà soát, đề xuất phương án bãi bỏ điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, không hợp pháp được áp dụng theo hình thức giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, văn bản xác nhận, văn bản chấp thuận; hoặc đơn giản hoá điều kiện đầu tư kinh doanh không hợp lý theo hướng cắt giảm đối tượng tuân thủ, tần suất thực hiện, kéo dài hoặc bãi bỏ thời gian có hiệu lực của các giấy tờ trên... ; (v) công bố, rà soát, bãi bỏ hoặc đơn giản hóa thủ tục hành chính quy định tại quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng.
Bộ, cơ quan ngang bộ chủ động cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án năm 2025 trước ngày 30/6/2025 và phương án năm 2026 trước ngày 30/6/2026.
Chuyển giao một số hoạt động hoặc thủ tục cấp phép cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm: rà soát, xây dựng phương án chuyển một số hoạt động trước khi cấp phép (như: đào tạo, sát hạch, kiểm nghiệm, thử nghiệm,...) hoặc một số thủ tục cấp phép dựa trên kết quả đánh giá, thẩm định theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã được ban hành mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia cung cấp các dịch vụ công, giúp việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ công được thuận lợi, dễ dàng, chất lượng và hiệu quả hơn.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án thuộc thẩm quyền hoặc chủ động thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trường hợp vượt thẩm quyền, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án năm 2025 trước ngày 30/6/2025 và phương án năm 2026 trước ngày 30/6/2026.
Hai là, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ.
Về thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước: Bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa đối với thủ tục hành chính nội bộ thuộc phạm vi quản lý, cụ thể như sau: (i) công bố, công khai đầy đủ các thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, hoàn thành trước ngày 30/4/2025: (ii) khẩn trương hoàn thành thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ theo đúng lộ trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; (iii) tiếp tục rà soát, xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước, trong đó lưu ý phân cấp, phân quyền triệt để, toàn diện, nhất là đối với các thủ tục hành chính phải xin ý kiến hoặc báo cáo các cơ quan cấp trên đồng ý trước khi quyết định.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phê duyệt phương án thuộc thẩm quyền hoặc chủ động thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong xây dựng, ban hành văn bản có quy định về thủ tục hành chính nội bộ; trường hợp vượt thẩm quyền, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án năm 2025 trước ngày 30/6/2025 và phương án năm 2026 trước ngày 30/6/2026.
Về thủ tục hành chính nội bộ trong từng cơ quan hành chính nhà nước: Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa đối với thủ tục hành chính nội bộ thuộc thẩm quyền giải quyết, cụ thể như sau: (i) công bố, công khai đầy đủ các thủ tục hành chính nội bộ trong từng cơ quan hành chính nhà nước, hoàn thành trước ngày 30/4/2025; (ii) khẩn trương hoàn thành thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ theo đúng lộ trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; (iii) tiếp tục rà soát, xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hoá; tái cấu trúc quy trình các thủ tục hành chính nội bộ trong từng cơ quan hành chính nhà nước để thực hiện quản trị nội bộ trên môi trường điện tử theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 137/2024/NĐ-CP; bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, xây dựng mô hình cơ quan hành chính nhà nước số.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa năm 2025 trước ngày 30/6/2025 và năm 2026 trước ngày 30/6/2026 hoặc chủ động thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong xây dựng, ban hành văn bản có quy định về thủ tục hành chính nội bộ.
Ba là, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Đẩy mạnh cung cấp thủ tục hành chính trên môi trường điện tử: Bộ, cơ quan ngang bộ triển khai cung cấp thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đối với thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc được cung cấp dịch vụ công trực tuyến thống nhất trên toàn quốc, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai thực hiện đối với thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết. Trong đó, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp: (i) rà soát, tái cấu trúc quy trình, nâng cao chất lượng cung cấp thủ tục hành chính trên môi trường điện tử trên cơ sở tái sử dụng thông tin, dữ liệu đã được số hóa, sử dụng biểu mẫu điện tử tương tác để cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; (ii) thực hiện số hóa 100% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; hoàn thành xây dựng, nâng cấp, phát triển các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công; (iii) hoàn thiện, nâng cấp Cổng Dịch vụ công quốc gia, các Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh, bảo đảm phát triển Cổng Dịch vụ công quốc gia trên Trung tâm dữ liệu quốc gia trở thành điểm “một cửa số” duy nhất, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến tập trung của quốc gia.
Đối với thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp hoàn thành trước ngày 31/12/2025; đối với các thủ tục hành chính còn lại theo lộ trình đến năm 2026.
Đổi mới toàn diện việc tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính: Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính đối với thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết, trong đó, các nhiệm vụ, giải pháp: (i) rà soát, đánh giá các điều kiện đảm bảo (hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin, nhân lực,...), xây dựng phương án sửa đổi các quy định yêu cầu người dân, doanh nghiệp phải đến thực hiện thủ tục hành chính tại nơi cư trú hoặc nơi đóng trụ sở hoặc nơi cấp kết quả giải quyết lần đầu để mở rộng thẩm quyền tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính hoặc tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh hoặc toàn quốc, nhất là đối với những thủ tục hành chính có thời gian giải quyết trong ngày làm việc; (ii) xây dựng quy trình nội bộ và quy trình điện tử thủ tục hành chính để đảm bảo tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh tại tất cả Bộ phận một cửa thuộc phạm vi cấp tỉnh. Tiếp tục điều chỉnh hoặc mở rộng quy trình nội bộ, quy trình điện tử để thực hiện tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi toàn quốc; (iii) nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh bảo đảm cho phép cán bộ, công chức, viên chức tại Bộ phận một cửa bất kỳ được tiếp nhận, số hóa, chuyển hồ sơ điện tử và trả kết quả các thủ tục hành chính không phụ thuộc địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh hoặc toàn quốc theo lộ trình; (iv) rà soát tình hình thực tế và năng lực của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích để thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đảm nhận một hoặc một số công việc trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, nhằm nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ hành chính công; (v) tổ chức, hoàn thiện Bộ phận một cửa theo hướng thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính thuộc phạm vi cấp tỉnh và mở rộng dần đối với phạm vi toàn quốc. 05 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bình Dương) tiếp tục tổ chức thực hiện thí điểm Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10/7/2024 và Nghị quyết số 188/NQ-CP ngày 11/10/2024; (vi) đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức; phát triển nhân lực số; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Hoàn thành thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh trong năm 2025.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/3/2025, thay thế Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025. Định kỳ hằng tháng, quý, năm các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính tại Nghị quyết này (là một nội dung riêng trong báo cáo cáo tình hình, kết quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính), gửi Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Minh Trí