Việc Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (gọi tắt là Anh) rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn được gọi là Brexit (ghép từ Britain và Exit), là một mục tiêu chính trị được nhiều cá nhân, nghiệp đoàn và đảng phái chính trị theo đuổi nhằm yêu cầu Anh rút tư cách thành viên EU theo Điều 50 của Hiệp ước Liên minh châu Âu.
Anh gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu vào năm 1973. Tuy nhiên, tới năm 1975, một cuộc trưng cầu dân ý đã được thực hiện với số phiếu đa số ủng hộ quốc gia này ở lại tổ chức. Việc rời khỏi Liên minh châu Âu một lần nữa được nhắc tới với cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6/2016. Cuộc trưng cầu dân ý này được tổ chức bởi Quốc hội sau khi Điều luật tổ chức trưng cầu dân ý về Liên minh châu Âu năm 2015 được thông qua. Kết quả chính thức được công bố vào lúc 07 giờ sáng (giờ London) ngày 24/6/2016, phe Brexit giành chiến thắng với khoảng cách 1 triệu phiếu (51,89 % số phiếu)[1].
Brexit diễn ra vào thời điểm trong nội bộ EU đứng trước nhiều vấn đề lớn, gây chia rẽ sâu sắc như: Vấn đề nhập cư gây sức ép lên chính sách an sinh xã hội của EU, sự chênh lệch lớn về mức độ phát triển kinh tế giữa các quốc gia thành viên, tình trạng suy thoái kinh tế và vỡ nợ công ở một số quốc gia thành viên trở nên nghiêm trọng đã gây khó khăn trong việc thực hiện chính sách về tài khoá, tiền tệ chung của EU… nên Anh cho rằng, đã ảnh hưởng lớn đến lợi ích của Anh nếu ở lại EU. Quyết định rời khỏi EU, xét thấy đây là vấn đề quan trọng mà Chính phủ hiện tại không thể tự quyết định được, Anh đã đưa vấn đề này ra lấy ý kiến toàn thể nhân dân. Đặc biệt, với việc Điều luật tổ chức trưng cầu dân ý về Liên minh châu Âu năm 2015 được thông qua và căn cứ vào Điều 50 Hiệp ước Liên minh châu Âu quy định về điều kiện và thủ tục để quốc gia thôi tư cách thành viên của tổ chức này đã hội tụ đầy đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn cho việc rời đi của Anh khỏi EU. Đây là vụ việc nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế vì những hệ quả kéo theo của hậu Brexit tác động lên nhiều mặt của đời sống chính trị, kinh tế, pháp lý quốc tế.
Theo Tuyên bố của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 24/10/1970 về những nguyên tắc của luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc (Tuyên bố năm 1970) thì Liên Hợp Quốc đã thừa nhận sự phát triển và pháp điển hóa bảy nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế sau đây (các nguyên tắc có tính Jus Cogens):
- Nguyên tắc tất cả các quốc gia từ bỏ việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế của mình chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, hoặc là bất cứ cách thức nào khác không phù hợp với những mục đích của Liên Hợp Quốc.
- Nguyên tắc tất cả các quốc gia giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình miễn là không làm xâm hại đến hoà bình, an ninh và công lý.
- Nghĩa vụ không can thiệp vào những công việc thuộc thẩm quyền nội bộ của bất kỳ quốc gia nào, phù hợp với Hiến chương này.
- Nghĩa vụ hợp tác với các quốc gia khác phù hợp với Hiến chương.
- Nguyên tắc về quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc.
- Nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền của các quốc gia .
- Nguyên tắc các quốc gia sẽ thực hiện một cách thiện chí các nghĩa vụ của mình phù hợp với Hiến chương để bảo đảm rằng việc áp dụng những nguyên tắc đó có hiệu quả trong cộng đồng quốc tế sẽ khuyến khích việc thừa nhận các mục đích của Liên Hợp Quốc.
Bài viết đi sâu nghiên cứu Brexit dưới góc độ pháp lý quốc tế, xem xét tính hợp pháp của Brexit trong mối quan hệ với một số nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, từ đó đánh giá việc tuân thủ pháp luật quốc tế của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland khi rời khỏi Liên minh châu Âu.
1. Nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia
Bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia được xem là nguyên tắc quan trọng số một trong số các nguyên tắc Jus Cogens của luật quốc tế, đây là nguyên tắc làm nền tảng cho sự hình thành, phát triển, điều kiện đảm bảo cho sự thực thi của các nguyên tắc Jus Conges khác và các quy phạm pháp luật quốc tế. Nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia được ghi nhận tại Điều 2 Hiến chương Liên Hợp Quốc và Tuyên bố năm 1970.
Chủ quyền là thuộc tính chính trị - pháp lý không thể tách rời của một quốc gia, bao gồm hai nội dung cơ bản là quyền tối cao của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ và quyền độc lập của quốc gia trong quan hệ quốc tế. Đối với quyền tối cao trong phạm vi lãnh thổ, thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân sống trên lãnh thổ đó, ý chí của nhân dân là nền tảng quyền lực của Chính phủ. Trong quan hệ quốc tế, quyền độc lập của quốc gia thể hiện qua quyền tự quyết mọi vấn đề đối nội và đối ngoại của quốc gia, không có sự áp đặt từ chủ thể khác, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của mọi quốc gia trong cộng đồng quốc tế.
Trong suốt quá trình từ khi khởi động Brexit cho đến khi Brexit được thông qua, Anh đã vận dụng và tuân thủ nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia, như Brexit được đưa ra các diễn đàn quốc tế lấy ý kiến từ các quốc gia hữu quan, các tổ chức quốc tế có tầm ảnh hưởng quan trọng trên thế giới như Liên Hợp Quốc, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF)[2], Ngân hàng Thế giới (World Bank)… và đặc biệt là EU, để đánh giá các “kịch bản” có thể xảy ra nếu Anh rời khỏi EU dưới nhiều góc độ khác nhau, từ đó người dân Anh - chủ thể có quyền quyết định cuối, được cung cấp đầy đủ thông tin khi quyết định nội dung lá phiếu đi hay ở lại EU. Trưng cầu dân ý là hình thức dân chủ mà ở đó người dân được quyết định trực tiếp các vấn đề đối nội và đối ngoại của quốc gia, trong vụ việc này, Anh đã chọn cách thức thực hiện Brexit là lấy ý kiến toàn thể nhân dân để đưa ra quyết định cuối cùng hoàn toàn phù hợp với nội dung của nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia trong quan hệ đối nội và đối ngoại.
Đến nay, kết quả cuối cùng của trưng cầu dân ý ở Anh không gây ra bất kỳ sự hoài nghi về tính chân thực, đó thật sự là quyết định của người dân Anh và không chịu bất kỳ sức ép chính trị nào từ bên ngoài.
2. Nguyên tắc dân tộc tự quyết và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác
Nguyên tắc dân tộc tự quyết được ghi nhận tại Nghị quyết số 1514 (XV) của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 14/12/1960 về trao trả độc lập cho các dân tộc thuộc địa và Tuyên bố năm 1970. Dân tộc tự quyết được hiểu là tất cả các dân tộc có quyền tự do quyết định thể chế chính trị của dân tộc mình và tự do theo đuổi sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội mà không phải chịu bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài và mỗi quốc gia có nghĩa vụ tôn trọng quyền này.
Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác được ghi nhận tại Điều 2 Hiến chương Liên Hợp Quốc và trong Tuyên bố năm 1970. Theo đó, nguyên tắc có một số nội dung quan trọng như cấm sử dụng các biện pháp kinh tế, chính trị… để buộc quốc gia khác phụ thuộc vào mình, tôn trọng quyền của mỗi quốc gia tự do lựa chọn cho mình hệ thống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội mà không có sự can thiệp từ phía các quốc gia khác.
Anh gia nhập Cộng đồng kinh tế châu Âu năm 1973 và rời khỏi EU vào năm 2016 đều thực hiện cùng một thủ tục trưng cầu dân ý để đưa ra quyết định, đây là cách thức mà các quốc gia thường thực hiện để đưa ra các quyết định đối với những vấn đề đặc biệt quan trọng của quốc gia, là biểu hiện sinh động nhất của nguyên tắc dân tộc tự quyết trong luật quốc tế. Kết quả trưng cầu dân ý đã cho thấy, người dân Anh hoàn toàn được tự do quyết định con đường phát triển về kinh tế, chính trị và xã hội, quyết định tương lai của đất nước mình.
Mặc dù kết quả trưng cầu dân ý đi ngược với mong muốn và những nỗ lực của EU trong việc “níu giữ” Anh ở lại với EU trước đó, nhưng khi kết quả được thông qua đã không gặp phải bất kỳ hành động hay tuyên bố phản bác nào từ phía EU, mặt khác, EU luôn thể hiện sự tôn trọng Brexit vì đó là sự lựa chọn của người dân Anh. Việc Anh rời EU cũng được dự đoán sẽ gây ra hệ quả khó lường theo chiều hướng xấu về kinh tế không những với EU mà đối với cả thế giới. Tuy nhiên, có thể thấy, Liên Hợp Quốc, nhiều quốc gia lớn trên thế giới như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản… và ngay chính EU chỉ dừng lại đưa ra tuyên bố tại các hội nghị, diễn đàn quốc tế dưới hình thức khuyến nghị Anh nên cần thêm thời gian để cân nhắc, tính toán thật kỹ lưỡng trước khi đưa Brexit ra trưng cầu dân ý, vì một khi đã đi rất khó để được trở lại.
Trong vụ việc này, nguyên tắc dân tộc tự quyết và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác là những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế đã được Anh, EU và cộng đồng quốc tế nghiêm túc thực thi.
3. Nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế (Pacta sunt servanda)
Nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế được ghi nhân tại Điều 2 Hiến chương Liên Hợp Quốc và Tuyên bố năm 1970. Nguyên tắc này yêu cầu mọi quốc gia đều phải thực hiện tự nguyện, thiện chí, đầy đủ các nghĩa vụ từ điều ước quốc tế mà quốc gia là thành viên. Mặt khác, quốc gia không được viện dẫn pháp luật trong nước để từ chối thực hiện điều ước quốc tế, không được ký kết những điều ước quốc tế trái với những điều ước quốc tế đã ký kết và không được phép đơn phương ngừng thực hiện hoặc xét lại điều ước quốc tế mà mình đã ký kết.
Hiệp ước Liên minh châu Âu (còn gọi Hiệp ước Maastricht) được ký ngày 07/02/1992 ở Maastricht, Hà Lan sau khi các nước thành viên của Cộng đồng châu Âu thương thuyết xong nội dung của Hiệp ước, có hiệu lực từ ngày 01/11/1993. Hiệp ước đã tạo tiền đề cho việc thành lập Liên minh châu Âu và đưa tới việc tạo ra đồng Euro sau này. Điều 50 Hiệp ước Liên minh châu Âu quy định về điều kiện và thủ tục để quốc gia thôi tư cách thành viên của tổ chức này như sau:
“1. Bất kỳ quốc gia thành viên có thể quyết định rút khỏi Liên minh châu Âu phù hợp với yêu cầu Hiến pháp riêng của mình.
2. Một quốc gia thành viên quyết định rút khỏi phải thông báo cho Hội đồng châu Âu về ý định của mình. Sau khi xem xét hướng dẫn của Hội đồng châu Âu, Liên minh tiến hành đàm phán và ký kết một thỏa thuận với quốc gia đó và sắp xếp cho rút khỏi, có tính đến các khuôn khổ cho mối quan hệ trong tương lai với Liên minh với quốc gia đã rút khỏi. Đó là thỏa thuận được đàm phán theo Điều 218 (3) của Hiệp ước về các chức năng của Liên minh châu Âu. Thỏa thuận này phải được Nghị viện châu Âu thông qua, sau đó Hội đồng mới thay mặt Liên minh ký kết thỏa thuận cho phép rời đi.
3. Các hiệp ước sẽ ngừng áp dụng với quốc gia yêu cầu khi thoả thuận rút khỏi có hiệu lực. Tiến trình đàm phán dự kiến sẽ diễn ra trong vòng hai năm tính từ khi quốc gia đề nghị rút khỏi thông báo theo khoản 2. Tiến trình này sẽ được kéo dài nếu cần thiết nhưng chỉ với điều kiện các bên liên quan cùng đạt được đồng thuận”.
Anh đã khởi động hiệu lực Điều 50 Hiệp ước Liên minh châu Âu cho quá trình rời khỏi EU, đây là quốc gia đầu tiên trong lịch sử thành lập EU viện dẫn quy định này cho việc rời đi của mình. Quá trình thực hiện Brexit, Anh đã tiến hành tuần tự đầy đủ các thủ tục theo quy định của Điều 50, mặt khác, kết hợp với Điều luật tổ chức trưng cầu dân ý về Liên minh châu Âu năm 2015 được thông qua đã hội tụ đầy đủ cơ sở pháp lý quốc tế cho việc rời đi của Anh khỏi EU.
Đối với pháp luật quốc gia, xét thấy việc đi hay ở lại EU là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi phương diện của đất nước, Anh đã chọn cách thức lấy ý kiến toàn thể nhân dân quyết định là phù hợp với pháp luật của Anh. Quốc gia quyết định các vấn đề pháp lý quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật quốc gia là một trong những điều kiện cần thiết để Điều 50 Hiệp ước Liên minh châu Âu phát sinh hiệu lực.
Trình tự, thủ tục Anh thực hiện khi rời EU tuân thủ đúng với Hiệp ước Liên minh châu Âu mà Anh là thành viên, bên cạnh đó, cách thức Anh đưa ra quyết định cuối cùng là trưng cầu dân ý đã đảm bảo sự hài hoà, phù hợp giữa pháp luật quốc gia với điều ước quốc tế mà Anh là thành viên, cũng chính là cách thức thể hiện sự tuân thủ nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế.
4. Nguyên tắc tôn trọng các quyền cơ bản của con người[3]
Tôn trọng các quyền cơ bản của con người không được ghi nhận trong Tuyên bố năm 1970, tuy nhiên, được ghi nhận tại Điều 1 Hiến chương Liên Hợp Quốc[4] đã cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của các vấn đề liên quan đến quyền con người sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Các quyền cơ bản của con người còn được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948, tại nhiều điều ước quốc tế lớn khác như Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị và Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hoá cùng được Liên Hợp Quốc thông qua năm 1966.
Quyền con người là các quyền không thể thiếu để cá nhân, con người có thể tồn tại và phát triển bình thường với tư cách là một thành viên của cộng đồng xã hội trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Các quốc gia có nghĩa vụ tôn trọng, bảo đảm các quyền cơ bản của con người, hợp tác với các quốc gia khác trong việc bảo vệ quyền con người. Tuy nhiên, việc tôn trọng quyền con người phải trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc khác của luật quốc tế như nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia, nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác…
Từ khi trở thành thành viên của Cộng đồng kinh tế Châu Âu và sau này là EU ở Anh luôn tồn tại chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, đặc biệt trong những năm trở lại đây Anh cho rằng việc mình là thành viên EU đã gặp nhiều bất lợi như nguy cơ bị vướng vào vòng xoáy suy thoái kinh tế, vỡ nợ công của một số quốc gia thành viên của EU, chính sách an sinh xã hội giảm sút do phải chia sẻ gánh nặng cùng EU đối với người nhập cư gia tăng nhanh từ Trung Đông đổ vào châu Âu… điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân Anh ở hiện tại và trong tương lai.
Đứng trước những thách thức đó, Anh quyết định rời khỏi EU như là một biện pháp nhằm thoát khỏi các khó khăn nói trên. Người dân Anh bỏ phiếu trực tiếp để quyết định rời khỏi Châu Âu cho thấy các quyền công dân, quyền con người được Chính phủ Anh thực thi, tôn trọng ở mức độ cao nhất. Kết quả trưng cầu dân ý ở Anh về Brexit được EU nói riêng và cộng động quốc tế nói chung công nhận đã thể hiện nghĩa vụ tôn trọng, bảo đảm của thế giới đối với quyền của người dân Anh được quyết định vận mệnh, con đường đi của mình.
Brexit là một trong những sự kiện pháp lý quốc tế chứng minh được một điều rằng, trong trường hợp quốc gia muốn quyết định vận mệnh của chính mình cũng phải tuân thủ các nguyên tắc Jus Cogens, quy phạm pháp luật quốc tế, điều ước quốc tế mà quốc gia là thành viên và pháp luật của chính quốc gia đó. Khi thực hiện chức năng điều chỉnh các quan hệ quốc tế, các nguyên tắc Jus Cogens luôn có mối quan hệ tương tác trong một chỉnh thể thống nhất. Khi giải thích sự kiện dưới góc độ pháp lý quốc tế hay vận dụng các nguyên tắc Jus Cogens để điều chỉnh một sự kiện có tính pháp lý quốc tế tránh tình trạng áp dụng tách rời nội dung từng nguyên tắc mà phải áp dụng chúng trong mối quan hệ với nhau, có như vậy, các nguyên tắc cơ bản mới hoàn thành được chức năng là “xương sống”, nền tảng của hệ thống pháp luật quốc tế hiện đại.
Mặt khác, sự phát triển của lịch sử nhân loại luôn hướng đến hoà bình, công lý, tự do và hạnh phúc cho con người, vì vậy, pháp luật quốc tế với vai trò là một bộ phận của “kiến trúc thượng tầng quốc tế” trong tương lai sẽ được bổ sung thêm những nguyên tắc cơ bản mới có tính chất Jus Cogens phù hợp với quan hệ pháp lý quốc tế ngày càng phát triển, văn minh đáp ứng mong mỏi của nhân loại tiến bộ trên thế giới.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Bình
Bên cạnh đó, một khi rời xa “người tình lâu năm” EU, Anh sẽ phải thiết lập một mối quan hệ mới. Bởi theo lãnh đạo EU, “một khi đã đi là không được trở lại” (Nguồn: Hồng Hạnh, Thế giới ra sao sau cơn ác mộng Brexit?, http://baomoi.com, cập nhật ngày 10/12/2016).