Tham dự khai mạc Hội nghị có đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đồng chí Chu Đức Lam, Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính; đồng chí Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội; đồng chí Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng… cùng các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, các cơ quan thông tấn báo chí và hơn 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hội nghị Tác động Công nghệ Việt Nam là sự kiện công nghệ do Công ty cổ phần Công nghệ số SSI phối hợp với hai doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, chứng khoán là Tập đoàn FPT và Công ty cổ phần Chứng khoán SSI tổ chức.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty cổ phần Chứng khoán SSI trao đổi tại Hội nghị
Trao đổi tại Hội nghị, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho biết, đối với doanh nghiệp, công nghệ, blockchain và đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ là xu hướng, mà đã trở thành những công cụ thiết yếu giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình và duy trì lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh công nghệ đang biến đổi nhanh chóng, giúp doanh nghiệp có cơ hội bứt phá và tăng khả năng kết nối toàn cầu. Theo nghiên cứu mới nhất của Forbes, người Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới về sở hữu và quan tâm đến tài sản số. Còn theo thông tin từ 10 sàn giao dịch lớn nhất thế giới tham gia Hội nghị VTIS 2024, Việt Nam là thị trường có độ giao dịch đứng top 4 trên thế giới. Trong bối cảnh đó, việc hoàn thiện khung pháp lý về tài sản số là cần thiết để những nhà đầu tư hay những người làm ra các sản phẩm công nghệ có thể yên tâm vì được bảo vệ và phát triển.
Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT cho biết, trong bối cảnh thế giới đang bước vào giai đoạn lịch sử với nhiều biến đổi chưa từng thấy, doanh nghiệp cần xác định 03 điều quan trọng sau: (i) doanh nghiệp cần xác định cách ứng xử phù hợp khi 75% công việc mà con người đang làm có thể biến mất vì AI có thể làm thay thế vào 2030, cần đưa ra các phương hướng để “chống đỡ”, để có thể tiếp tục kinh doanh và phát triển; (ii) Việt Nam đã phát triển quan hệ ngoại giao với các cường quốc lớn trên thế giới, kết nối với thị trường bằng những hiệp định thương mại cởi mở, doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội này để phát triển; (iii) dữ liệu là điều quan trọng nhất bởi mọi công nghệ đều phát triển quanh dữ liệu, đây là nguồn tài nguyên quý giá của Việt Nam và là nguyên liệu quan trọng nhất của thế giới mới, vì vậy, các doanh nghiệp cần phải tận dụng khai thác, sử dụng có hiệu quả.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT trao đổi tại Hội nghị
Tại Hội nghị, các diễn giả chia sẻ những câu chuyện về công nghệ, đầu tư, những việc doanh nghiệp Việt Nam cần làm để mở cánh cổng bước vào thị trường công nghệ mới nổi, những “bài toán” cần phải giải để hiện thực hóa những mục tiêu chiến lược đề ra, đồng thời trao đổi, thảo luận dựa trên 04 nhóm chủ đề chính như “AI Sáng tạo - Tác động kinh doanh và tiềm năng tương lai”, “Ranh giới pháp lý của tài sản số: lợi ích, thách thức và kinh nghiệm toàn cầu”, “Blockchain và các ứng dụng”, “Tương lai của Fintech trong 5 - 10 năm tới”, “Quỹ đầu tư trong giai đoạn Web2 và Web3”…
Thùy Dung