1. Chính phủ liêm chính và nhu cầu xây dựng Chính phủ liêm chính
Thứ nhất, nhu cầu xây dựng một Chính phủ liêm chính được ghi nhận trong các văn kiện của Đại hội Đảng qua các nhiệm kỳ. Mặc dù chưa trực tiếp sử dụng thuật ngữ “liêm chính”, song mục tiêu xây dựng một Chính phủ liêm chính đã được xác định từ các kỳ đại hội trước của Đảng ta. Đặc biệt, đến Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nhiệm vụ trọng tâm thứ hai ngay sau nhiệm vụ chỉnh đốn tổ chức Đảng là: Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu[1]. Đây chính là các nội dung thuộc về nội hàm của bộ máy liêm chính. Tiếp nối tinh thần này, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định một trong các định hướng phát triển trong giai đoạn tiếp theo của đất nước là: Chính phủ thống nhất hành động với quyết tâm cao nhất, kiên quyết đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành, loại bỏ dần biện pháp mệnh lệnh - hành chính, xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, Chính phủ kiến tạo phát triển[2]. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính đã được nhắc tới trực tiếp như một nhiệm vụ hàng đầu, định hướng và mục tiêu phát triển của đất nước cũng cho thấy nhu cầu cấp thiết và sự sẵn sàng thay đổi trong nhận thức của Đảng và Nhà nước, tạo cơ sở vững chắc về mặt lý luận cho sự triển khai của Chính phủ.
Thứ hai, nhu cầu xây dựng một Chính phủ liêm chính cũng xuất phát từ chính bản thân chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này. Chính phủ - cơ quan hành pháp ở trung ương, được Quốc hội giao nhiệm vụ là cơ quan đầu não trong tổ chức thực hiện pháp luật, quản lý nền hành chính quốc gia và quản lý mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước[3]. Để thực hiện được các nhiệm vụ này, đặc biệt trong điều kiện hiện nay, Chính phủ không những cần phát huy vai trò lãnh đạo của cơ quan trung ương với sự chủ động, quyết liệt mà mỗi thành viên của Chính phủ cần đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, không tham lam, vụ lợi, dám đứng lên chống lại những biểu hiện tha hóa, tiêu cực, tham nhũng. Có như vậy thì toàn thể bộ máy mới có thể hoạt động hiệu quả, đạt được mục tiêu phục vụ nhân dân, vì sự phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan hành pháp ở trung ương, Chính phủ cần là tấm gương tốt trong việc thực hiện liêm chính cho các cấp chính quyền địa phương, từ đó mới có thể thực hiện nhiệm vụ xây dựng bộ máy hành pháp trong sạch, vững mạnh, dám nghĩ, dám làm. Sự liêm chính còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng lòng tin từ phía công dân và duy trì sự ổn định trong xã hội.
Thứ ba, trước nhu cầu hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay, xây dựng một Chính phủ liêm chính cũng hoàn toàn phù hợp với các lý thuyết hiện đại về quản lý công mới (New Public Management) và quản trị tốt (Good Governance) mà các quốc gia trên thế giới đang theo đuổi. Trong số 06 tiêu chí để đánh giá khả năng quản trị nhà nước mà Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra để đánh giá chỉ số quản trị toàn cầu (WGI) thì có hai tiêu chí liên quan tới tính liêm chính của bộ máy là: Tiếng nói và trách nhiệm giải trình, kiểm soát tham nhũng[4]. Tương tự, trong 08 tiêu chí Ủy ban Kinh tế và xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hợp quốc (UNESCAP) đưa ra để đánh giá mức độ quản trị tốt của Chính phủ cũng bao gồm tiêu chí về “trách nhiệm báo cáo, giải trình”[5]. Điều này khẳng định, việc xây dựng Chính phủ liêm chính không chỉ xuất phát từ nội tại nhu cầu phát triển của quốc gia mà còn là những yêu cầu để Việt Nam đáp ứng các tiêu chí đánh giá của quốc tế và khu vực, góp phần củng cố vị thế của Nhà nước Việt Nam trên bản đồ chính trị thế giới.
Như vậy, có thể thấy, nhu cầu về một Chính phủ liêm chính không phải mới xuất hiện nhưng trong điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và quốc tế hiện nay, nhu cầu này càng gia tăng mạnh mẽ và thúc đẩy cần tiến hành nhanh chóng hơn nữa. Nhu cầu này trước hết được ghi nhận và xác định từ Nghị quyết của Đảng, mở ra một cơ sở lý luận chính trị vững chắc cho tiến trình thiết lập và gia tăng tính liêm chính của Chính phủ. Đồng thời, nhu cầu này cũng xuất hiện từ trong chính hoạt động thường xuyên và như cầu phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ trong tình hình mới. Ngoài ra, hội nhập quốc tế càng làm cho việc xây dựng một Chính phủ liêm chính trở thành không chỉ là một nhiệm vụ nội bộ mà còn là một bước quan trọng để hội nhập và phát triển bền vững trong cộng đồng quốc tế. Sự tương tác giữa những yếu tố này là chìa khóa cho việc xây dựng một Chính phủ vững mạnh, đáp ứng đầy đủ và hiệu quả cho nhu cầu của xã hội và quốc gia.
2. Thực tiễn xây dựng Chính phủ liêm chính ở Việt Nam thời gian qua
2.1. Thành tựu đạt được
Trải qua hơn 10 năm, việc thực hiện xây dựng bộ máy nhà nước liêm chính, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đạt được những thành tựu đáng kể, điều đó được minh chứng, định lượng thông qua các bộ chỉ số uy tín cũng như các hoạt động thực tế của Chính phủ.
Thứ nhất, sự gia tăng của các chỉ số đánh giá hiệu quả quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh các chỉ số tăng trưởng về kinh tế, xã hội nói chung của cả nước, những thành tựu đạt được trong tiến trình phát triển và minh chứng cho sự gia tăng trong tính liêm chính của Chính phủ được thể hiện thông qua sự tăng trưởng của các chỉ số đánh giá Chính phủ trong những năm qua. Trước hết, qua các kỳ đánh giá từ năm 2012 đến năm 2022, các chỉ số trong Bộ chỉ số quản trị toàn cầu (WGI) của Việt Nam có sự tăng trưởng đáng kể: Chỉ số hiệu quả hoạt động của Chính phủ tăng 0,43 điểm, nâng thứ bậc phần trăm của chỉ số này ở Việt Nam tăng 14,41%; chỉ số Nhà nước pháp quyền tăng 0,39 điểm và tăng 12,43%; chỉ số kiểm soát tham nhũng tăng 0,24 điểm và tăng 10,2% qua 10 năm. Đây là những chỉ số thể hiện rõ rệt biểu hiện và thành tựu của nỗ lực xây dựng Chính phủ liêm chính ở Việt Nam hiện nay và cũng là ba chỉ số có tốc độ gia tăng nhanh nhất. Chỉ số tiếng nói và trách nhiệm giải trình - một trong những tiêu chí đánh giá tính liêm chính của Chính phủ cũng có sự gia tăng nhất định trong cùng thời kỳ với 0,13 điểm.
Song song với WGI, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam trong giai đoạn từ 2016 - khi Chính phủ bắt đầu thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động đến nay cũng có sự tăng trưởng vượt bậc, là minh chứng rõ ràng cho các thành tựu của Việt Nam trong nỗ lực xây dựng một bộ máy chính quyền nói chung và một cơ quan hành pháp trung ương nói riêng (Chính phủ) liêm chính. Từ năm 2013 - 2015, CPI của Việt Nam duy trì ở mức 31/100 điểm, xếp hạng thứ 115/176 quốc gia không có sự tăng trưởng. Tuy nhiên, từ năm 2016 trở đi, chỉ số này luôn giữ mức tăng liên tục và đáng kể. Năm 2016, chỉ số CPI của nước ta đạt 33 điểm, xếp hạng 113/176 quốc gia. Đến năm 2023, chỉ số này tăng lên 41 điểm, đưa Việt Nam vươn lên xếp hạng thứ 83 trên 180 quốc gia[6]. Như vậy, tính từ năm 2016 đến năm 2022, chỉ số CPI của Việt Nam đã tăng 10 điểm, đưa nước ta tăng 30 bậc trong chỉ số xếp hạng nhận thức tham nhũng so với các quốc gia trên thế giới.
Những số liệu trên cho thấy, các tín hiệu thực sự khả quan trong điều kiện quốc gia đang nỗ lực phòng, chống tham nhũng, tích cực tăng cường quản trị tốt và xây dựng hình tượng một chính quyền liêm chính, trong sạch, phá bỏ rào cản tham nhũng trong kinh doanh nhằm thu hút đầu tư trong nước và quốc tế. Không chỉ vậy, các số liệu cũng minh chứng cho những thành công mà Chính phủ đã đạt được trong nỗ lực xây dựng Chính phủ liêm chính, được người dân ghi nhận, từ đó nâng cao sự tín nhiệm, lòng tin của người dân vào sự quản lý của Chính phủ.
Công khai, minh bạch cũng là một trụ cột quan trọng trong quá trình xây dựng cơ quan hành pháp ở trung ương liêm chính. Khảo sát công khai ngân sách (OBS) của Việt Nam năm 2021 cũng cho thấy những thay đổi tích cực. Điểm xếp hạng của Việt Nam trong OBS năm 2021 ở cả 3 trụ cột minh bạch, sự tham gia của công chúng và giám sát ngân sách đều tăng 06 điểm so với OBS năm 2019. So với kết quả OBS năm 2019, Việt Nam đã tăng 06 điểm trong các lĩnh vực này. Điểm xếp hạng của Chỉ số công khai ngân sách (OBI) của Việt Nam năm 2021 đạt 44/100 điểm, tiến sát với điểm trung bình thế giới là 45/100 điểm, tăng 06 điểm so với OBI năm 2019, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 68 trên tổng số 120 quốc gia tham gia khảo sát OBS năm 2021, tăng 09 bậc so với năm 2019[7].
Với Chính phủ và các bộ và cơ quan ngang bộ, chỉ số MOBI[8] là một chỉ số cho thấy nỗ lực của các cơ quan này trong việc thực hiện mục tiêu trọng điểm trên. Kết quả khảo sát MOBI trong giai đoạn từ năm 2018 - 2021 cho thấy, chỉ số MOBI của các bộ và cơ quan trung ương đều có sự tăng trưởng. Đặc biệt, giai đoạn từ năm 2020 - 2021, các chỉ số tăng trưởng đáng kể cho thấy tinh thần sẵn sàng minh bạch hóa các khoản thu chi và việc sử dụng ngân sách nhà nước của các bộ và cơ quan trung ương. Từ minh bạch về ngân sách sẽ là nền tảng để tăng cường minh bạch hóa trong các hoạt động khác của Chính phủ, tạo điều kiện cho Chính phủ hành động quyết liệt, nhanh chóng mà không bị ảnh hưởng bởi các nhóm lợi ích hay tư lợi cá nhân.
Thứ hai, từng bước xây dựng thành công Chính phủ điện tử - nền tảng của Chính phủ liêm chính. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo mạnh mẽ vào việc xây dựng Chính phủ điện tử và chính quyền điện tử, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến với nhiều kết quả tích cực. Thủ tướng Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ triển khai hệ thống tiếp nhận kiến nghị và phản ánh từ cộng đồng qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, dân cư và đất đai đang đi vào hoạt động, tạo ra một nền tảng thông tin quan trọng. Các dịch vụ trực tuyến như đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, hải quan điện tử, và bảo hiểm xã hội đã được các cơ quan nhà nước cung cấp. Đồng thời nhiều bộ, ngành đã thực hiện xử lý công việc trực tuyến.
Với sự phát triển của Chính phủ điện tử, người dân không chỉ thuận tiện hơn trong thực hiện và tiếp cận các dịch vụ công mà khi các hoạt động của Chính phủ được thực hiện dựa trên sự ứng dụng công nghệ và các cơ sở dữ liệu quốc gia, tính minh bạch sẽ được gia tăng.
2.2. Một số hạn chế
Một là, mức độ công khai, minh bạch của Chính phủ còn thấp. Trên thực tế, mặc dù có dấu hiệu tích cực trong việc công bố thông tin của ngân sách nhà nước, tuy nhiên, chỉ số MOBI vẫn ở mức thấp. Nếu so với điểm trung bình của MOBI năm 2021 là 30,9/100 điểm, đối chiếu với điểm trung bình của chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI) năm 2021 là 69,53/100 điểm, chỉ mới đạt được chưa đến một nửa. Điều này cho thấy rằng, các bộ, cơ quan trung ương vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể về mức độ công khai ngân sách và chưa thực hiện đầy đủ theo các quy định về công khai ngân sách.
Hai là, tham nhũng vẫn còn là vấn nạn chưa được giải quyết triệt để. Chỉ số cảm nhận tham nhũng (PCI) của Việt Nam gần với mức trung bình của thế giới (43 điểm), đứng ở mức 41 điểm vào năm 2023, giảm 01 điểm so với năm 2022[9]. Đáng chú ý, các vụ việc tham nhũng vẫn còn tồn tại và gây ra những thiệt hại lớn cho xã hội, số vụ tội phạm về tham nhũng bị phát hiện tăng 51,63% từ năm 2022 đến năm 2023[10]. Không chỉ có các tham nhũng lớn, tình trạng tham nhũng vặt, lợi ích nhóm cũng vẫn còn tồn tại là một trong những nguyên nhân gây mất niềm tin của người dân vào Chính phủ, thách thức tiến trình xây dựng Chính phủ liêm chính.
Những hạn chế trên xuất phát từ một số nguyên nhân như: (i) Quá trình xây dựng Chính phủ liêm chính được đặt ra trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế đứng trước nhiều thách thức. Năm 2019, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Chính phủ cần tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên chống dịch nên các hoạt động khác chưa thể được chú trọng. Đến năm 2023, sau khi dịch bệnh đã đi qua lại tạo nên một bối cảnh khó khăn và phức tạp cho nền kinh tế, khủng hoảng kinh tế toàn cầu và trong nước đặt ra nhiều thách thức đối với quá trình cải cách hành chính và phục hồi kinh tế ở Việt Nam. Áp lực tài chính, hạn chế đầu tư, thách thức hồi phục xã hội… đều là những nguyên nhân cản trở tính liêm chính của Chính phủ; (ii) Cơ cấu tổ chức trong bộ máy của Chính phủ còn cồng kềnh, sự phối hợp giữa các cấp quản lý có lúc, có nơi còn chưa thực sự chặt chẽ. Quy trình, thủ tục trong thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ còn chưa phù hợp. Việc thực hiện phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương còn chưa thống nhất. Những điều này không chỉ hạn chế tính minh bạch của Chính phủ mà còn là thách thức trong trách nhiệm giải trình và quy trách nhiệm đối với các cán bộ, công chức; (iii) Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm và tinh thần, thái độ làm việc của một bộ phận công chức, viên chức chưa cao; (iv) Để xây dựng Chính phủ liêm chính, vì lợi ích của người dân và phục vụ người dân theo đúng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì sự tham gia của người dân trong việc đóng góp ý kiến, sẵn sàng cổ vũ, thích ứng với những thay đổi của Chính phủ cũng như tham gia tích cực trong kiểm tra, giám sát hoạt động của Chính phủ là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, điều này ở nước ta hiện nay còn những hạn chế nhất định; (v) Công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số còn mới, nhiều nội dung khó chưa có tiền lệ, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương còn chưa tập trung, chất lượng báo cáo chưa đáp ứng yêu cầu. Một số nơi còn lúng túng, thiếu linh hoạt trong việc chỉ đạo xử lý các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn cũng là những nguyên nhân dẫn tới những hạn chế nêu trên.
3. Giải pháp thúc đẩy và hoàn thiện Chính phủ liêm chính ở nước ta trong thời gian tới
Để xây dựng và hoàn thiện Chính phủ liêm chính ở nước ta, trước hết, cần đổi mới cơ cấu tổ chức trong bộ máy của Chính phủ, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp quản lý, thống nhất, đồng bộ việc thực hiện phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương; các bộ, cơ quan trung ương cần thực hiện đầy đủ, nghiêm minh các quy định về công khai ngân sách, tích cực cải thiện mức độ công khai ngân sách; quyết tâm giải quyết triệt để vấn nạn tham nhũng... thông qua việc thực hiện đồng bộ một số giải pháp cụ thể sau đây:
Thứ nhất, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổ chức của Chính phủ theo hướng xác định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, bộ phận, tránh trùng lặp, chồng lấn. Quá trình xây dựng bộ máy quản lý đa ngành, đa lĩnh vực cần đặc biệt lưu ý về việc thu hẹp đầu mối chịu trách nhiệm. Mặc dù, phạm vi quản lý rộng nhưng không thể để tình trạng “thầy nhiều hơn thợ”, dẫn tới thiếu tính chịu trách nhiệm, không xác định được đầu mối để đánh giá, quy kết trách nhiệm trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, làm giảm hiệu quả của các hoạt động này.
Thứ hai, nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của Chính phủ. Việc nâng cao trách nhiệm, tinh thần phục vụ và thái độ phục vụ nói chung, cũng như trách nhiệm giải trình nói riêng của các cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức là hết sức cần thiết trong công tác phòng, chống tham nhũng và lãng phí hiện nay. Đây là một trong những giải pháp căn bản và hữu ích của xây dựng Chính phủ liêm chính. Việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước còn là cơ sở để phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, tổ chức, đoàn thể và nhân dân đối với hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thực thi chức trách và công vụ. Đồng thời, việc này cũng mở ra những điều kiện, cơ hội thuận lợi và dễ dàng hơn cho cơ quan, tổ chức và công dân trong việc tiếp cận thông tin và quyết định quản lý của cơ quan nhà nước. Để thực hiện mục tiêu nâng cao trách nhiệm giải trình, trước hết cần có quy định yêu cầu các cơ quan và công chức hành chính nhà nước phải bảo đảm trách nhiệm giải trình, xây dựng cơ chế để cán bộ, công chức thực hiện đúng, đủ, kịp thời trách nhiệm giải trình. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về trách nhiệm giải trình. Người dân cũng cần được thông tin đầy đủ và nhận thức về quyền được biết của mình, để có thể yêu cầu các cơ quan và công chức hành chính nhà nước thực hiện trách nhiệm giải trình.
Thứ ba, nâng cao năng lực giám sát của người dân, tăng cường phản biện xã hội đối với các hoạt động của Chính phủ. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng, vai trò của phản biện xã hội. Cần làm tốt khâu chuẩn bị và tổ chức thực hiện phản biện xã hội; mời các chuyên gia, các luật gia, thành viên hội đồng tư vấn, người có kinh nghiệm tham gia phản biện xã hội. Gắn nhiệm vụ giám sát, phản biện với việc lắng nghe ý kiến của nhân dân, góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền. Đối với những ý kiến chưa đúng thì phải giải thích cho nhân dân hiểu; cần xây dựng cơ chế khuyến khích, động viên nhân dân thực hiện vai trò giám sát một cách tự nguyện, tự giác.
Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, đạo đức để thực thi liêm chính, hành động. Đội ngũ cán bộ, công chức là cốt lõi của bộ máy Chính phủ. Như đã phân tích, không thể có một Chính phủ liêm chính nếu các cán bộ, công chức trong bộ máy này không liêm chính. Trước hết, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục ý thức thực hành đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; làm tốt công tác tuyên truyền, không ngừng nâng cao dân trí, pháp luật phải nghiêm minh, trừng trị những kẻ “bất liêm”. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao ý thức tự giác, tự tu dưỡng, rèn luyện, tận tâm, tận lực cống hiến trí tuệ, sức lực cho Đảng, phụng sự đất nước và phục vụ nhân dân, nhất là phải đề cao trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu. Cần triển khai định kỳ công tác rà soát, kiểm tra, đánh giá trách nhiệm công vụ trong quá trình cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn thực hiện nhiệm vụ theo quy định hoặc được giao theo sự phân công. Đồng thời, cần nâng cao đời sống kinh tế cho đội ngũ cán bộ, công chức thông qua cải cách chính sách tiền lương và có cơ chế để cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội phát triển bình đẳng giữa các cán bộ, công chức để bản thân họ có điều kiện cống hiến hết mình cho hoạt động công vụ, không tham ô, tham nhũng hay nhũng nhiễu người dân.
Tóm lại, xây dựng Chính phủ liêm chính không chỉ là đòi hỏi từ thực tiễn và nhu cầu phát triển của quốc gia mà còn xuất phát từ chính nhu cầu phát triển, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước phục vụ mục tiêu phát triển đất nước, phục vụ nhân dân. Thực tế cho thấy, trước những yêu cầu của một Chính phủ liêm chính, hành động, Chính phủ Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định, có đóng góp không nhỏ trong sự phát triển của đất nước cũng như nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên bản đồ thế giới. Tuy nhiên, quá trình xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động cũng không tránh khỏi những hạn chế, tồn tại cần thay đổi, khắc phục. Do đó, các giải pháp đưa ra cần được tiến hành đồng bộ, bao gồm cả việc thiết kế lại về cơ cấu, tổ chức của Chính phủ, nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, nâng cao nhận thức từ phía người dân và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước./.
ThS. Trần Thị Quyên
Đại học Luật Hà Nội
[1]. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, năm 2016, https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xii-cua-dang-368870.html.
[2]. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm 2021, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xiii/nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-3663.
[3]. Tham khảo Chương XII (từ Điều 94 đến Điều 101) Hiến pháp năm 2013; Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
[4]. Ngân hàng Thế giới (WB), Các chỉ số quản trị toàn cầu, https://www.worldbank.org/en/publication/worldwide-governance-indicators, truy cập ngày 15/4/2024.
[5]. Liên Hợp quốc (UN), Ủy ban Kinh tế và xã hội châu Á - Thái Bình Dương, “Thế nào là quản trị tốt” (What is good governance?), tr. 1, 2.
[6]. Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), Chỉ số cảm nhận tham nhũng quốc gia, số liệu của Việt Nam qua các năm, https://www.transparency.org/en/cpi/2023/index/vnm, truy cập ngày 20/2/2024.
[7]. Hân Nguyễn, “Chỉ số công khai ngân sách OBI 2021: Ghi nhận thay đổi tích cực của Việt Nam”, https://dangcongsan.vn/kinh-te-va-hoi-nhap/chi-so-cong-khai-ngan-sach-obi-2021-ghi-nhan-thay-doi-tich-cuc-cua-viet-nam-611882.html, truy cập ngày 22/4/2024.
[8]. MOBI là chỉ số đánh giá mức độ công khai ngân sách các bộ và cơ quan trung ương, được xây dựng thông qua 05 tiêu chí chính là tính sẵn có, tính kịp thời, tính đầy đủ, tính thuận tiện và tính liên tục của 06 loại tài liệu bắt buộc phải công khai theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, https://vess.org.vn/wp-content/uploads/2022/10/BAO-CAO-MOBI-2021.pdf, truy cập ngày 22/4/2024.
[9]. Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), Chỉ số cảm nhận tham nhũng Việt Nam năm 2022 và năm 2023, https://www.transparency.org/en/cpi/2023/index/vnm, truy cập ngày 22/4/2024.
[10]. Thi Uyên, “Số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện tăng 51,63% trong 12 tháng”, https://nhandan.vn/so-vu-pham-toi-ve-tham-nhung-va-chuc-vu-duoc-phat-hien-tang-5163-trong-12-thang-post783605.html, truy cập ngày 03/5/2024.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 404), tháng 5/2024)