Toàn cảnh Tọa đàm
Tham dự Tọa đàm có các chuyên gia kinh tế, chuyên gia pháp luật và đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp về việc đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; thể chế hóa kịp thời những chủ trương mới của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội… và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 140/CĐ-TTg ngày 27/12/2024 về việc các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách, coi đây là “đột phá của đột phá” để tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn”; đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới, Bộ Tư pháp đã tích cực rà soát, nghiên cứu, đề xuất các nội dung liên quan, trong đó có Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Theo đó, Thứ trưởng nhấn mạnh, hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam là vấn đề mới. Vì vậy, Thứ trưởng mong muốn các đại biểu sẽ tập trung, thảo luận về một số nội dung như: khái niệm, mô hình doanh nghiệp dân tộc phù hợp với điều kiện Việt Nam; sự hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc của các nước phát triển trên thế giới, từ đó xác định các tiêu chí cho doanh nghiệp dân tộc Việt Nam; đặc trưng, đặc điểm của doanh nghiệp dân tộc Việt Nam so với các doanh nghiệp dân tộc khác trên thế giới…
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu khai mạc Tọa đàm
Trao đổi tại Tọa đàm, Luật sư Trần Hữu Huỳnh cho biết, doanh nghiệp dân tộc không phải là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Để phát triển doanh nghiệp dân tộc cần phải có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về tài chính, phát triển nguồn nhân lực, cụ thể gồm các chính sách như thúc đẩy công nghiệp hóa về giá trị gia tăng nội địa; đổi mới công nghệ và tự động hóa; đa dạng kinh tế xuất khẩu; phát triển thương mại quốc tế; giảm phụ thuộc vào một số thị trường chính; cải thiện môi trường đầu tư và thu hút FDI; phát triển lao động và nguồn nhân lực để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nội địa; bảo đảm phát triển bền vững; hội nhập quốc tế, đồng thời không vi phạm cam kết quốc tế.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, để các doanh nghiệp dân tộc phát triển, Nhà nước cần tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn để họ có thể phát triển ngày càng lớn mạnh. Cụ thể: về mặt tài chính, nhà nước phải hỗ trợ, bảo lãnh cho doanh nghiệp vay nguồn vốn lớn với chi phí thấp; về mặt thể chế, cần nghiên cứu Luật Công nghiệp trọng điểm vì đây là vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của quốc gia; về chính sách thuế, nếu doanh nghiệp xây dựng chuỗi sản xuất kinh doanh giá trị Việt thì thuế xuất nhập khẩu cũng phải thay đổi để có được nguồn nguyên liệu đầu vào rẻ nhất. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm hơn nữa đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có cơ chế để ưu tiên, ủng hộ để doanh nghiệp “lớn lên”.
Bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty AQuaOne phát biểu tại Tọa đàm
Dưới góc độ là đại diện cho doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất nước sạch, bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty AQuaOne đã chia sẻ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời, đưa ra kiến nghị về việc tiếp cận với vốn xanh và ưu đãi cho doanh nghiệp về thuế. Trao đổi về khái niệm doanh nghiệp dân tộc, bà Liên nhấn mạnh, doanh nghiệp dân tộc là doanh nghiệp phải đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích của mình và được cộng đồng ghi nhận, đánh giá.
Chia sẻ về thực trạng của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu cho biết, trong thời gian qua xuất hiện hàng loạt các vụ đại án về kinh tế, điều này cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tìm cách tối đa hóa lợi nhuận, bất chấp cả việc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Do vậy, nếu muốn trở thành doanh nghiệp dân tộc, điều đầu tiên các doanh nghiệp cần phải nghiêm túc thực hiện là tuân thủ pháp luật, thượng tôn pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cần phải rà soát các quy định pháp luật để giải quyết những vướng mắc, chồng chéo, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu trao đổi tại Tọa đàm
Trao đổi tại Tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện chiến lược và Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp đã đưa ra một số đề xuất cho Việt Nam trong việc phát triển doanh nghiệp dân tộc như: cần làm tốt công tác truyền thông để có thể loại bỏ những quan điểm chưa công bằng với doanh nghiệp tư nhân; phải có hành động, kế hoạch cụ thể để phát triển doanh nghiệp dân tộc; cần lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp tháo gỡ; tạo, mở rộng không gian tự do cho khu vực kinh tế tư nhân; lập “chỉ giới đỏ” cho những hành vi bị cấm, tránh những rủi ro cho doanh nghiệp; nâng cấp công nghệ; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nhân…
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân được đẩy mạnh; môi trường sản xuất, kinh doanh được cải thiện, ngày càng bình đẳng, thuận lợi. Tuy nhiên, sự phát triển đội ngũ doanh nhân hiện nay cũng bộc lộ một số hạn chế, yếu kém và chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Vì vậy, ý kiến của các đại biểu tại Tọa đàm có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy hoàn thiện khung pháp lý, hỗ trợ phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.
Phát biểu kết luận Tọa đàm, đồng chí Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam ghi nhận những chia sẻ, kiến nghị của các đại biểu có ý nghĩa rất thiết thực đối với các cơ quan nhà nước trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Tổng Biên tập cũng khẳng định, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều sự kiện để lan tỏa những thông điệp, thay đổi tư duy nhằm tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp dân tộc.
Thùy Dung