1. Định hướng chuyển đổi số ở nước ta hiện nay
Chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là một trong những quan điểm thể hiện ý chí, khát vọng phát triển đất nước. Đây chính là mục tiêu, ý nghĩa của việc đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ở nước ta. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng[1] đã xác định: “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế”; “thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”; “chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”.
Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép, vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “Thể chế cần phải đi trước một bước khi có thể. Chính phủ kiến tạo thể chế, chính sách nhằm sẵn sàng chấp nhận và thử nghiệm cái mới một cách có kiểm soát; hình thành văn hóa chấp nhận và thử nghiệm cái mới; làm điểm, làm nhanh, sau đó đánh giá và nhân rộng; thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo. Chính phủ đẩy nhanh tiến trình phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số; đi từ ứng dụng, đến sản phẩm, dịch vụ, đến làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó, vươn ra thị trường toàn cầu”, đồng thời xác định “…thúc đẩy chuyển đổi số trong xã hội, từ đó, tạo lực kéo tiến trình chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước. Tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới để nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, tiên phong áp dụng công nghệ mới, mô hình mới vào Việt Nam”.
Đồng thời, ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, phát triển Chính phủ số có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội. Đồng thời, phát triển Chính phủ số một cách tổng thể, toàn diện, phát huy kết quả đạt được, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt, để cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Chính phủ điện tử vào năm 2021 và hình thành Chính phủ số vào năm 2025. Định hướng mở để người dân, doanh nghiệp và tổ chức khác tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của cơ quan nhà nước, tương tác với cơ quan nhà nước để cùng tăng cường minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng giải quyết vấn đề và cùng tạo ra giá trị cho xã hội.
Trong lĩnh vực tư pháp, ngày 10/6/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành “Kế hoạch chuyển đổi số đến 2025, định hướng đến 2030” (ban hành kèm theo Quyết định số 983/QĐ-BTP), trong đó xác định chuyển đổi số Ngành Tư pháp là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng dịch vụ công của Ngành Tư pháp. Xác định thể chế và công nghệ là động lực của chuyển đổi số, thể chế cần đi trước một bước. Kiến tạo thể chế, chính sách nhằm sẵn sàng chấp nhận và thử nghiệm quy trình nghiệp vụ mới dựa trên dữ liệu số, công dân số hạ tầng số một cách có kiểm soát; đẩy nhanh tiến trình phát triển Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số Ngành Tư pháp.
Đối với lĩnh vực công chứng, Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng với mục tiêu phát triển nghề công chứng ổn định, bền vững nhằm tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tiếp cận dịch vụ công chứng, bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, phòng ngừa tranh chấp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức; đổi mới hoạt động công chứng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và cải cách tư pháp, đưa hoạt động công chứng Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới, trong đó “phải chuẩn hóa quy trình, thủ tục công chứng cùng với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng, tiến tới thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch trên môi trường điện tử”[2].
2. Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực công chứng
Theo quy định của pháp luật hiện hành, công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng. Công chứng là một hoạt động quan trọng, có vai trò rất lớn đối với đời sống xã hội và phát triển kinh tế, tạo hành lang pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, phòng ngừa các tranh chấp, tạo sự ổn định trong quan hệ dân sự, tài sản…
Điều 62 Luật Công chứng năm 2014 quy định về cơ sở dữ liệu công chứng. Theo đó, cơ sở dữ liệu công chứng bao gồm các thông tin về nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của tài sản và các thông tin về biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với tài sản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng của địa phương và ban hành quy chế khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng và quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu công chứng tại các địa phương. Quy định này cho thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng đã bắt đầu được đề cập, tuy nhiên, quy định này đơn thuần hướng tới ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng, hạn chế, ngăn chặn một số rủi ro phát sinh trong hoạt động công chứng mà chưa tạo cơ sở pháp lý cần thiết và tương xứng cho việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và cho hoạt động xây dựng công chứng số. Đến nay, việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng tại các tỉnh, thành phố vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu công chứng thống nhất trong cả nước, việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu công chứng với các cơ sở dữ liệu có liên quan chưa được thực hiện[3].
Hiện nay, giao dịch điện tử phát triển mạnh trong nhiều lĩnh vực, bên cạnh đó, việc giả mạo giấy tờ, giả mạo nhân thân, gian lận về công chứng đang được kẻ gian sử dụng công nghệ cao, như Cán bộ ngân hàng giả mạo chứng từ chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Đặc biệt, trong các giấy tờ liên quan đến công chứng có thể xuất hiện chữ ký giả mạo các thành viên sở hữu thửa đất của gia đình, trên hợp đồng chuyển nhượng cũng như một số giấy tờ khác như tờ khai nộp thuế đất, biên bản kiểm tra và sơ đồ thửa đất... Tất cả các hợp đồng mua bán này đều đã được cơ quan chức năng xác nhận, đóng dấu (con dấu giả) để chiếm đoạt tài sản là bất động sản. Khi chứng nhận các giao dịch, công chứng viên không thể phát hiện được và có tranh chấp xảy ra. Để làm rõ vụ việc, cơ quan điều tra phải trưng cầu giám định tới phòng kỹ thuật hình sự bằng các phương pháp nghiệp vụ mới phát hiện được giấy tờ, hồ sơ giả mạo gây mất thời gian, tiền của cho công dân và các tổ chức hành nghề công chứng[4]… Từ thực tế này, đòi hỏi phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, triển khai công chứng số. Tuy nhiên, trên thực tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng tuy đã được thực hiện nhưng mới chỉ là bước đầu, chưa phù hợp với chính sách của Nhà nước về phát triển nghề công chứng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa tương xứng với sự phát triển các nhu cầu giao dịch trong hoạt động công chứng, chưa đáp ứng yêu cầu ngăn ngừa các hành vi lừa đảo, lợi dụng công chứng để hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp, gây mất trật tự an toàn xã hội[5].
3. Bổ sung quy định công chứng điện tử trong Luật Công chứng (sửa đổi) đáp ứng nhu cầu phát triển thực tiễn
Chuyển đổi số hoạt động công chứng đáp ứng nhu cầu của thực tiễn là việc làm cần thiết, là nội dung quan trọng được đưa vào dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), tạo ra hành lang pháp lý cần thiết để chuyển đổi số toàn diện hoạt động công chứng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân cũng như hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động quản lý nhà nước về công chứng. Hiện nay, Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)[6] đã dành một mục (Mục 3 Chương V) gồm 04 điều luật quy định về nguyên tắc và phạm vi công chứng điện tử (Điều 59); điều kiện cung cấp dịch vụ công chứng điện tử (Điều 60); văn bản công chứng điện tử (Điều 61); quy trình, thủ tục công chứng điện tử (Điều 62). Theo đó, việc cung cấp dịch vụ công chứng điện tử chỉ được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện cụ thể, đồng thời, quy định về khái niệm, thời điểm có hiệu lực, giá trị của văn bản công chứng điện tử và việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản công chứng điện tử và văn bản công chứng giấy. Quy định về quy trình công chứng điện tử nhằm tạo cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số hoạt động công chứng, là cơ sở để Chính phủ quy định các vấn đề cụ thể về công chứng điện tử và triển khai thực hiện quá trình chuyển đổi số hoạt động công chứng trên thực tế. Về công chứng điện tử, dự thảo Luật quy định công chứng điện tử thực hiện theo hai phương thức: Công chứng điện tử trực tiếp và công chứng điện tử trực tuyến. Về phạm vi công chứng điện tử, hiện nay có 02 quan điểm khác nhau[7]:
Quan điểm thứ nhất, tán thành với dự thảo Luật không giới hạn phạm vi công chứng điện tử mà giao Chính phủ quy định lộ trình cụ thể. Tuy nhiên, để thực hiện chính sách này, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần lưu ý một số vấn đề sau đây: (i) Xác định rõ khái niệm, nội hàm của công chứng điện tử để thống nhất cách hiểu và áp dụng pháp luật; (ii) Nêu giải pháp khắc phục được các hạn chế mà công nghệ chưa thể thực hiện thay con người như đã nêu trong Báo cáo thẩm tra để có cơ sở thực hiện theo lộ trình; (iii) Bổ sung quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục, hồ sơ công chứng điện tử để bảo đảm kiểm soát việc thực thi lộ trình công chứng điện tử do Chính phủ quy định vẫn phải đáp ứng các yêu cầu của công chứng nội dung, bảo đảm tính xác thực, hợp pháp của các giao dịch được công chứng, tương xứng với giá trị pháp lý của văn bản công chứng là có giá trị chứng cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của dự thảo Luật.
Quan điểm thứ hai cho rằng, trong điều kiện hiện nay, công nghệ chưa thể bảo đảm thay thế hoàn toàn vai trò của con người trong việc thực hiện các yếu tố bảo đảm tính xác thực về ý chí, bảo đảm giấy tờ và chứng cứ được đối soát chính xác, đầy đủ, bảo đảm nội dung của giao dịch là hợp pháp nên việc thực hiện công chứng điện tử cần tiến hành thận trọng, có bước đi hợp lý, trước mắt, trong Luật chỉ nên quy định ở phạm vi hẹp với một số giao dịch đơn giản, không nên áp dụng đối với các giao dịch về bất động sản, thừa kế...
Bên cạnh đó, có ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bước đầu chỉ nên thí điểm công chứng điện tử, trên cơ sở đó, tiến hành tổng kết thực tiễn làm cơ sở luật hóa nội dung này. Ý kiến khác đề nghị giao Chính phủ căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội xác định lộ trình mở rộng phạm vi giao dịch được công chứng điện tử, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Hiện nay, Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp gần 4.500 dịch vụ công trực tuyến, chiếm hơn 70%; phục vụ xác thực, định danh và đăng nhập một lần của gần 10 triệu tài khoản[8]. Về xếp hạng quốc tế, theo đánh giá của Liên Hợp quốc năm 2022, dịch vụ trực tuyến của Việt Nam - 1 trong 3 chỉ số chính thuộc Chỉ số Chính phủ điện tử đạt giá trị 0,6484, xếp hạng 76/193, tăng 5 bậc so với năm 2020. Ngoài ra, Việt Nam được đánh giá là một trong số 09 quốc gia có thu nhập dưới trung bình nhưng có chỉ số tổng hợp và chỉ số dịch vụ trực tuyến cao trên mức trung bình của thế giới[9]. Điều đó cho thấy, việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số một cách toàn diện vào hoạt động công chứng là có tính khả thi. Vì thế, việc xây dựng, hoàn thiện quy định của pháp luật về công chứng điện tử theo quan điểm thứ hai là hoàn toàn khả thi và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay và sẽ thúc đẩy hoạt động công chứng phát triển.
Ngoài ra, việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, trong đó quy định về việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử đã được quy định trong Luật Giao dịch điện tử năm 2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Điều 34 Luật Giao dịch điện tử năm 2023 quy định hợp đồng điện tử được giao kết hoặc thực hiện từ sự tương tác giữa một hệ thống thông tin tự động với người hoặc giữa các hệ thống thông tin tự động với nhau không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì không có sự kiểm tra hay can thiệp của con người vào từng hành động cụ thể do các hệ thống thông tin tự động thực hiện hay vào hợp đồng… Thêm vào đó, công chứng điện tử là sự thay đổi về phương thức thực hiện công chứng, không làm thay đổi bản chất, đặc điểm của hoạt động công chứng là bảo đảm chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch. Vì vậy, Luật Công chứng (sửa đổi) nên ghi nhận việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số một cách toàn diện vào hoạt động công chứng nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động này, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội./.
Bùi Văn Nguyên
Trường Đại học cảnh sát nhân dân
[1].https://baochinhphu.vn/toan-van-nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-102288263.htm, truy cập ngày 05/5/2024.
[2]. Điểm d khoản 2 Mục I Nghị quyết số 172/NQ-CP.
[3].https://baochinhphu.vn/chuyen-doi-so-cong-chung-nhu-cau-cap-bach-xu-the-tat-yeu-102231108094421601.htm, truy cập ngày 06/5/2024.
[4].https://tapchicongthuong.vn/toi-pham-su-dung-cong-nghe-cao-trong-linh-vuc-cong-chung--chung-thuc-64382.htm, truy cập ngày 06/5/2024.
[5]. Nghị quyết số 172/NQ-CP.
[6]. Dự thảo trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
[7]. Báo cáo tóm tắt thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Công chứng (sửa đổi) ngày 29/3/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
[8].https://www.vietnamplus.vn/cong-dich-vu-cong-quoc-gia-cung-cap-gan-4500-dich-vu-cong-truc-tuyen-post908488.vnp, truy cập ngày 07/5/2024.
[9].https://vjst.vn/vn/tin-tuc/9026/dich-vu-cong-truc-tuyen-nam-2023--ket-qua-va-danh-gia-tac-dong.aspx, truy cập ngày 07/5/2024.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 410), tháng 8/2024)