Khảo sát trong khoa học pháp lý Việt Nam nói riêng và khoa học pháp lý thế giới nói chung, gần như chưa có công trình nghiên cứu nào sử dụng thuật ngữ “điểm dừng pháp luật”. Một vài công trình đề cập tới khái niệm “giới hạn của pháp luật” hoặc khi nghiên cứu về kiểm soát quyền lập pháp thì sử dụng thuật ngữ “giới hạn phạm vi điều chỉnh của pháp luật”. Các thuật ngữ này đều được sử dụng nhằm hàm ý tới phạm vi mà pháp luật được sử dụng làm công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội nhưng cũng chưa có công trình nào giải thích thật sự rõ ràng về từng thuật ngữ.
Theo lý luận về nhà nước và pháp luật, pháp luật là hệ thống quy tắc xử sự chung do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận để điều chỉnh quan hệ xã hội theo những định hướng nhất định. Pháp luật là sản phẩm trực tiếp của quyền lập pháp, là công cụ quan trọng nhất để nhà nước quản lý đời sống xã hội. Nhà nước thông qua pháp luật áp đặt ý chí của mình lên các chủ thể trong xã hội trên phạm vi lãnh thổ quốc gia nhằm thực hiện các chức năng vốn có của nhà nước. Do là sản phẩm từ hoạt động lập pháp của nhà nước nên pháp luật có tính quyền lực nhà nước. Vì quyền lực nhà nước là quyền lực đặc biệt nhưng có giới hạn mà không phải là quyền lực tuyệt đối, vô hạn, nên pháp luật cũng có giới hạn. Xác định giới hạn của pháp luật sẽ xác định được giới hạn của quyền lập pháp cũng như quyền lực nhà nước. Để xác định giới hạn của pháp luật, tác giả đề xuất việc nghiên cứu và xây dựng thuật ngữ “điểm dừng pháp luật”.
Có thể hiểu, điểm dừng của pháp luật là nơi mà pháp luật phát huy khả năng điều chỉnh quan hệ xã hội một cách tối ưu. Nếu pháp luật vượt qua điểm dừng thì không có khả năng điều chỉnh hoặc điều chỉnh không hiệu quả các quan hệ xã hội nữa.
1. Sự cần thiết xây dựng khái niệm điểm dừng pháp luật
Xây dựng điểm dừng pháp luật là xác định xem pháp luật có thể can thiệp tới những quan hệ xã hội nào và giới hạn nào mà pháp luật không thể vượt qua. Việc xác định đúng điểm dừng của pháp luật là không dễ dàng, vì thực chất, điểm dừng của pháp luật chính là điểm dừng của quyền lực nhà nước - mà quyền lực nhà nước, theo Rousseau, sẽ luôn có xu hướng mở rộng và thậm chí là không có giới hạn[1]. Việc nghiên cứu và xây dựng khái niệm điểm dừng pháp luật là rất cần thiết, xuất phát từ những lý do sau:
1.1. Về lý luận
Nghiên cứu về giới hạn của pháp luật ở Việt Nam cũng như trên thế giới rất ít được quan tâm. Các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực này thường quan tâm đến hoạt động kiểm soát quyền lập pháp và kiểm soát nội dung của pháp luật được đề cập đến là một trong những khía cạnh cần phải kiểm soát, nhưng rất ít công trình đề cập cụ thể đến yếu tố này. Hầu hết, các công trình đều chỉ hướng đến xây dựng các mô hình tổ chức bộ máy nhà nước để các nhánh quyền lực kiềm chế, đối trọng lẫn nhau, từ đó bảo đảm rằng, quyền lập pháp luôn hoạt động trong một giới hạn xác định. Trong thực tiễn, có thể quan sát thấy điểm dừng pháp luật trong quy định pháp luật của các quốc gia và quy định ngay trong Hiến pháp các quốc gia đó. Điều này cho thấy rằng, các nhà nước đều rất quan tâm đến vấn đề kiểm soát và giới hạn quyền lập pháp, thông qua việc xác định xem pháp luật do Nghị viện/Quốc hội ban hành sẽ can thiệp đến các lĩnh vực nào, bắt đầu có hiệu lực ra sao. Tuy nhiên, chính sự thiếu sót trong nghiên cứu cụ thể về điểm dừng pháp luật cũng như nguyên tắc xác định điểm dừng pháp luật khiến việc xác định trong thực tiễn khó khăn hơn, các nhà lập pháp muốn tự giới hạn cũng không có cơ sở lý luận để xác định xem pháp luật cần được ban hành trong phạm vi nào và các nhà hành pháp hoặc tư pháp cũng thiếu định hướng để tham gia vào quá trình kiểm soát quyền lập pháp. Không thể phủ nhận rằng, việc xác định điểm dừng pháp luật là rất khó, nhưng càng khó thì càng cần có sự nghiên cứu chuyên sâu, độc lập, toàn diện về mặt khoa học để làm cơ sở lý luận, “soi đèn” cho thực tiễn.
1.2. Về thực tiễn
Thứ nhất, xuất phát từ nhu cầu kiểm soát quyền lập pháp: Như đã đề cập, kiểm soát quyền lập pháp đã luôn xuất hiện trong lịch sử phát triển của các nhà nước. Các nhà khoa học pháp lý cũng rất quan tâm tới việc làm thế nào để kiểm soát quyền lập pháp hiệu quả, bởi vì, “lập pháp là đỉnh cao nhất của sự hoàn thiện mà sức mạnh tập thể có thể đạt tới”[2] và kiểm soát quyền lập pháp là sự kiểm soát đầu tiên để bảo đảm quyền lực nhà nước được thực thi một cách hiệu quả. Để kiểm soát quyền lập pháp, cần xác định xem chủ thể nào được trao quyền lập pháp, phạm vi không gian, thời gian thực hiện quyền lập pháp, trình tự, thủ tục thực hiện quyền đó. Kiểm soát quyền lập pháp là việc phải làm, vì lập pháp là hoạt động đầu tiên và quan trọng nhất của mọi nhà nước nhằm quản lý xã hội. Lập pháp có ý nghĩa rất quan trọng nhưng kiểm soát quyền lập pháp dường như lại ít được quan tâm hơn quyền hành pháp. Có quan điểm cho rằng, vì trong quá trình thực thi quyền lực nhà nước, quyền hành pháp luôn có xu hướng bành trướng và lấn sang các nhánh quyền lực khác, bộ máy hành pháp thường chiếm số lượng lớn, phạm vi thực hiện bao trùm, đa dạng, còn quyền lập pháp và tư pháp thì độc lập, luôn phải tuân theo trình tự, thủ tục chặt chẽ hơn, ít có cơ hội lạm quyền hơn[3]. Tuy nhiên, tác giả cho rằng, quan điểm này chưa thực sự hợp lý. Bởi vì, quyền lực nào thì cũng cần nằm trong giới hạn và giới hạn của quyền lập pháp sẽ là tiền đề cho các nhánh quyền lực khác. Vì vậy, kiểm soát quyền lập pháp phải được quan tâm và chú ý nhiều hơn.
Xác định được điểm dừng pháp luật có thể coi là một trong những hoạt động then chốt giúp kiểm soát quyền lập pháp. Bởi vì, xác định được điểm dừng pháp luật là xác định được pháp luật có thể tác động đến các quan hệ xã hội nào, có thể thay đổi hành vi của những tổ chức, cá nhân nào, trong những điều kiện hoàn cảnh nào. Xác định được điểm dừng của pháp luật cũng là xác định được điểm dừng của quyền lực nhà nước, xem Nhà nước có thể can thiệp vào những hoạt động nào trong đời sống xã hội. Nhưng để xác định được đúng thì phải xây dựng được khái niệm điểm dừng pháp luật để từ đó quy định thành pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho kiểm soát quyền lập pháp.
Thứ hai, xuất phát từ nhu cầu bảo đảm và bảo vệ quyền con người: Bảo đảm, bảo vệ quyền con người là yêu cầu đặt ra đối với pháp luật hiện đại, đây cũng là giá trị mà pháp luật hiện đại đem lại cho xã hội, cho thấy sự tiến bộ vượt bậc so với pháp luật của các nhà nước cũ (nhà nước chủ nô, nhà nước phong kiến). Để bảo đảm, bảo vệ quyền con người thì trước tiên, pháp luật phải thừa nhận và ghi nhận quyền con người trong các văn bản quy phạm pháp luật hoặc bất cứ một hình thức pháp luật mà nhà nước đó sử dụng.
Xác định được điểm dừng pháp luật là một trong những biểu hiện quan trọng cho thấy, pháp luật đang hướng tới bảo đảm, bảo vệ quyền con người. Trong đời sống xã hội, ngoài pháp luật, các cá nhân, tổ chức có thể sử dụng rất nhiều công cụ khác để điều chỉnh hành vi của mình như đạo đức, tập quán, tín điều tôn giáo… Mỗi công cụ đều có những ưu, nhược điểm riêng nhưng không công cụ nào có thể tác động nhanh, mạnh, dứt khoát, có khả năng thay đổi hành vi của con người ngay lập tức như pháp luật. Vì vậy, xác định phạm vi mà pháp luật được can thiệp và ranh giới mà pháp luật không thể vượt qua bảo đảm rằng, pháp luật thay đổi các quan hệ xã hội theo hướng có lợi cho các chủ thể cũng như toàn xã hội. Xác định điểm dừng của pháp luật cũng là để hướng dẫn các cá nhân xem khi nào thì được sử dụng pháp luật và khi nào thì cần cân nhắc tới việc sử dụng các loại công cụ khác trong điều chỉnh quan hệ xã hội, để các cá nhân không rơi vào tình trạng quá đề cao pháp luật, dẫn tới lạm dụng pháp luật trong đời sống hàng ngày, từ đó, không thể xử lý hài hòa các mối quan hệ xã hội mà họ tham gia, thậm chí là đang từ sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích của mình diễn biến thành lợi dụng pháp luật xâm phạm tới quyền, lợi ích của các chủ thể khác.
Thứ ba, xuất phát từ đòi hỏi hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa: Xây dựng Nhà nước pháp quyền là mục tiêu của rất nhiều nhà nước hiện đại. Tư tưởng về Nhà nước pháp quyền đã xuất hiện ngay từ thời kì cổ đại và được phát triển dần dần thành các học thuyết khoa học, nổi bật nhất là được các học giả tư sản ủng hộ và truyền bá tại Anh từ thế kỉ XVI nhằm thu hút sự tham gia của người dân vào các cuộc cách mạng tư sản. Cho dù được diễn giải và lập luận như thế nào ở các thời điểm thì nhìn chung, tinh thần pháp quyền nêu rằng, trong một xã hội dân sự chính trị thì không có gì có thể cao hơn pháp luật kể cả người làm luật, “quyền tự do của con người, trong xã hội, cũng không đặt dưới quyền lực lập pháp nào khác ngoài cái được thiết lập bằng sự chấp thuận trong cộng đồng quốc gia; mà cũng không đặt dưới sự thống trị của bất kì ý chí nào, hay trong sự kiềm tỏa của bất kỳ luật lệ nào ngoài cái mà cơ quan lập pháp đó sẽ ban hành, theo đúng sự ủy thác đã đặt vào nó”[4]. Theo đúng tinh thần này, để xây dựng Nhà nước pháp quyền thì pháp luật phải dân chủ, tiến bộ, phù hợp và khả thi.
Xác định được điểm dừng của pháp luật sẽ thúc đẩy sự tiến bộ của pháp luật để hướng tới mục tiêu hoàn thiện pháp luật đáp ứng nhu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền. Trước đây, trong các nhà nước phong kiến chuyên chế, quyền hạn của vua là tuyệt đối và vô hạn, pháp luật gần như không có điểm dừng, ý chí của vua chính là luật. Điều này đã dẫn đến những hệ quả tiêu cực và cũng là nguyên nhân sụp đổ của các nền phong kiến. Đến khi các nhà nước mới xuất hiện, bài học đầu tiên mà giai cấp cầm quyền rút ra, đó chính là phải kiểm soát quyền lực nhà nước, mà biểu hiện cụ thể là việc xác định điểm dừng của pháp luật. Bởi vậy, pháp luật nào có điểm dừng chính là pháp luật tiến bộ hơn, phát triển hơn, thông qua đó, người dân có thể yên tâm rằng, nhà nước đang thực hiện công việc được người dân ủy quyền, pháp luật là công cụ phản ánh ý chí chung, “luật chỉ là những điều kiện chính thức của việc tập hợp dân sự. Dân chúng tuân theo luật phải là người làm ra luật”[5].
2. Điểm dừng pháp luật Việt Nam hiện nay
Như đã đề cập, hiện nay, trong nghiên cứu khoa học pháp lý cũng như thực tiễn quy định của pháp luật Việt Nam, chưa có văn bản nào sử dụng thuật ngữ “điểm dừng pháp luật”, mà chỉ đề cập tới một trong các nội dung kiểm soát quyền lập pháp, tức là đánh giá xem phạm vi của quyền lập pháp là đến đâu mà chưa xem xét kết quả của việc thực hiện quyền lập pháp (các quy định pháp luật cụ thể) thì phải nằm trong giới hạn nào. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có lẽ đến từ cách nghiên cứu cổ điển, đó là không phân tách quyền lập pháp với pháp luật là sản phẩm của quyền lập pháp. Theo cách tư duy này, chỉ cần kiểm soát được quyền lập pháp thì đương nhiên sẽ kiểm soát được pháp luật, sẽ biết được pháp luật được quy định đến điểm nào. Nhưng cách tư duy này chưa thực sự hợp lý, vì nhìn vào thực tiễn pháp luật Việt Nam hiện nay, có thể thấy, mặc dù có các quy định về kiểm soát quyền lập pháp nhưng chưa xác định được cụ thể quan hệ xã hội nào thì cần can thiệp bằng pháp luật, quan hệ xã hội nào thì không. Từ đó, dẫn đến tình trạng có những quy định pháp luật còn can thiệp sâu vào quan hệ xã hội. Chẳng hạn, Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có tên gọi: “Tình nghĩa vợ chồng”, trong đó, khoản 1 quy định vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau. Tác giả cho rằng, “thương yêu” không thể xác định là nghĩa vụ giữa vợ và chồng, vì pháp luật không thể can thiệp vào quan hệ tình cảm. Thêm vào đó, nếu xác định “thương yêu” là nghĩa vụ phải làm, tức là nếu vợ hoặc chồng không thương yêu người kia sẽ là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt, vậy khi nào thì được coi là không thương yêu vợ/chồng, khi một trong hai bên có biểu hiện không thương yêu bên còn lại thì xử phạt như thế nào? Có thể ở đây pháp luật hướng tới điều chỉnh hành vi của vợ và chồng theo hướng tốt, nhưng việc đặt ra chuẩn mực “thương yêu” lại nằm ngoài phạm vi can thiệp của pháp luật. Quy định như vậy chưa thực sự phù hợp và tính khả thi chưa cao.
Nhìn vào thực tiễn xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật tại Việt Nam hiện nay cũng như quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015), có thể thấy, hầu như chưa có văn bản quy định về điểm dừng của pháp luật hoặc nêu rõ giới hạn nào thì pháp luật không được can thiệp tới. Hiến pháp năm 2013 vẫn có quy định về hạn chế quyền con người ở khoản 2 Điều 14, theo đó, Nhà nước có thể quy định bằng pháp luật những trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng mà quyền con người bị hạn chế. Nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có văn bản quy định cụ thể về các trường hợp này.
Hiện nay, những quan hệ xã hội trong các lĩnh vực mà pháp luật điều chỉnh được liệt kê một cách chung chung trong Hiến pháp năm 2013 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Chẳng hạn, khoản 1 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 liệt kê các lĩnh vực mà Quốc hội ban hành luật. Quy định này chưa làm rõ được pháp luật sẽ “can thiệp” đến đâu và rất dễ gây ra cách hiểu là cứ nằm trong phạm vi lĩnh vực đó thì Nhà nước có thể điều chỉnh hành vi của chủ thể bằng pháp luật.
Thực tiễn hiện nay, pháp luật Việt Nam hầu như chưa xác định điểm dừng về nội dung các quan hệ xã hội được điều chỉnh, mà cả thời gian điều chỉnh - hiệu lực thời gian của pháp luật cũng cần phải xem xét. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước (hiệu lực hồi tố). Tuy nhiên, một số quốc gia trên thế giới có quy định cấm nguyên tắc hồi tố rất rõ ràng như Hoa Kỳ (điểm 3 mục 9 Điều 1 Hiến pháp Hoa Kỳ), Brazil (Điều 5 Hiến pháp Brzail), Canada (Điều 11 Hiến pháp Canada); Công ước châu Âu về quyền con người cũng cấm áp dụng hồi tố tại Điều 9. Các quốc gia có quy định cấm hồi tố đều giải thích theo triết lý rằng, công lý phải có tính thời đại, luật ban hành thời điểm nào thì chỉ có thể áp dụng từ thời điểm đó trở về sau, không ai có thẩm quyền tuyên bố luật được ban hành trước đó là sai để áp dụng luật mới. Việc này bảo đảm quyền lập pháp của Nghị viện/Quốc hội cũng chỉ tương ứng với thời gian nhiệm kỳ mà những người nắm quyền làm việc. Thực tiễn, ở Việt Nam và nhiều quốc gia, việc áp dụng hồi tố chủ yếu xuất hiện trong lĩnh vực hình sự nhằm phản ánh chính sách nhân đạo của nhà nước khi xử lý các hành vi vi phạm pháp luật phải chịu trách nhiệm pháp lý cao nhất là các hình phạt. Tuy nhiên, cũng cần xem xét lại trong bối cảnh hiện nay, có nên duy trì hiệu lực hồi tố nữa hay không, vì đây cũng có thể coi là một biểu hiện cho thấy quyền lập pháp của Quốc hội đang mở rộng và gần như không có giới hạn, rất khó để kiểm soát.
Như vậy, với thực tiễn pháp luật Việt Nam hiện nay, rất khó để xác định điểm dừng của pháp luật ở cả khía cạnh nội dung các quan hệ xã hội cần điều chỉnh lẫn không gian, thời gian, chủ thể chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Đây là “khoảng trống” cần sớm được nghiên cứu và hoàn thiện nhằm nâng cao chất lượng của pháp luật, góp phần giới hạn quyền lập pháp cũng như quyền lực nhà nước để đáp ứng nhu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới./.
ThS. Nguyễn Thùy Linh
Trường Đại học Luật Hà Nội
[1]. Jean-Jacques Rousseau (Hoàng Thanh Đạm dịch) (2018), Bàn về khế ước xã hội, tr. 34
[2]. Jean-Jacques Rousseau (Hoàng Thanh Đạm dịch) (2018), tlđd, tr. 62.
[3]. ThS. GVC. Nguyễn Ngọc Toán (2014), Quyền hành pháp của Chính phủ theo Hiến pháp năm 2013, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 17 (273), tháng 9/2014, tr. 25.
[4]. Montesquieu (Hoàng Thanh Đạm dịch) (2018), Bàn về tinh thần pháp luật, tr. 158.
[5]. Jean-Jacques Rousseau (Hoàng Thanh Đạm dịch) (2018), tlđd, tr. 54.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 403), tháng 4/2024)