Một vấn đề quan trọng, xuyên suốt trong quá trình xây dựng pháp luật là chủ trương coi trọng quyền con người và thể hiện chủ trương đó bằng các điều luật cụ thể. Bên cạnh đó, là việc tuân thủ các nguyên tắc hiến định trong Hiến pháp năm 2013, đồng thời, đáp ứng những yêu cầu phát sinh từ thực tế cuộc sống, gỡ “nút thắt” ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật.
Một trong những thể hiện nhân văn là dự luật giảm từ 22 tội danh có mức án tử hình xuống còn 15 tội danh, lộ trình giảm thiểu án tử hình đang diễn ra. Trước đây, Bộ luật Hình sự quy định có đến 44 tội danh chịu mức phạt này. Tuy còn có những ý kiến không đồng thuận về việc giảm án tử hình, song đa số đều thấy cần phải giảm bớt án tử hình, không chỉ xuất phát từ lý do nhân đạo hoặc xu hướng quốc tế mà thực tế chứng minh rằng, án tử hình cũng không có tác dụng răn đe với nhiều trường hợp, ngược lại, duy trìán tử hình mang lại nhiều hệ lụy cho xã hội.
Sôi động nhất trong góp ý, xây dựng luật là làm thế nào để giảm án oan sai đến mức thấp nhất. Vấn đề này liên quan đến một loạt các quy định pháp luật trong hình sự, tố tụng hình sự, tạm giam, tạm giữ, điều tra hình sự... Mạnh dạn và thẳng thắn, rút ra những bài học từ thực tế, ý kiến được nhiều người đồng tình là việc quản lý nhà tạm giam, tạm giữ thuộc Công an cần phải tách ra cho một cơ quan khác quản lý hoặc quy định phải ghi hình, ghi âm trong các cuộc hỏi cung. Tại diễn đàn Quốc hội, đã vang lên những ý kiến mà trước nay vẫn bị coi là “nhạy cảm” như tình trạng lạm dụng tạm giam để bắt bớ hoặc truy nguyên tình trạng nghi can chết trong khi bị tạm giam, tạm giữ, trong đó có việc tại sao người ta cứ chọn trụ sở công an khi bị bắt vào đấy để tự tử. Trong khi đang bàn thảo điều này trên bàn hội nghị thì ngoài kia, trong các trụ sở công an vẫn có người tiếp tục tự tử?
Oan sai đi liền với việc bồi thường oan sai. Việc này diễn ra hết sức chậm chạp và có chuyện “cò kè bớt một, thêm hai” giữa cơ quan có trách nhiệm và người được bồi thường. Có tình trạng này là do các quy định pháp luật chưa chặt chẽ, phù hợp nhưng chủ yếu là do những người chịu trách nhiệm bồi thường oan sai. Như một nghịch lý xấu, người được bồi thường oan sai thì trần ai mới được xin lỗi và bồi thường nhỏ giọt, còn tài sản khổng lồ của Nhà nước bị tham ô, rút ruột nhưng không có cách nào thu hồi được.
Đã có ý kiến đề xuất một giải pháp là giao việc bồi thường oan sai cho một cơ quan độc lập, có thể đặt tại Bộ Tư pháp, đề xuất này đã được nhiều ý kiến ủng hộ, coi đó là một cách tốt để khắc phục tình trạng dây dưa như hiện nay. Cũng do các tài sản tham nhũng khó thu hồi và cả những thay đổi từ cuộc sống, hình thức chế tài phạt tiền được đưa vào trong luật thay cho phạt tù đối với một số tội danh cũng nhận được ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, cái lợi thấy rõ ngoài lợi ích kinh tế thì rõ ràng là không phải tiếp tục “đầu tư” nhiều cho nhà tù, kể cả kinh phí và con người mà vẫn thực hiện được mục đích pháp luật là trừng phạt, răn đe, giáo dục, đồng thời, giảm gánh nặng chi phí cho xã hội. Có những cái rất mới được đưa vào dự thảo luật như pháp nhân cũng phải chịu chế tài của pháp luật hình sự. Mới hơn và táo bạo hơn, có ý kiến đề xuất đưa “lợi ích nhóm” trở thành một tội danh của Bộ luật Hình sự, tuy hành vi này đã được quy định trong các tội danh khác của tội tham nhũng.
Hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện và chú trọng đến việc đưa pháp luật vào cuộc sống, phát huy hiệu lực trong thực tế. Năm 2013, Ngân hàng Thế giới đã nhận định là Việt Nam dẫn đầu thế giới về xây dựng pháp luật nhưng là nhóm cuối trong thực thi pháp luật. Làm thế nào để xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật song hành, câu hỏi này quả là không dễ để ngày một, ngày hai giải đáp thỏa đáng được.
Bình Sơn