Toàn cảnh phiên họp Hội đồng thẩm định.
Tham dự phiên họp Hội đồng thẩm định có đại diện một số cơ quan: Tòa án nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Bộ Công an; Bộ Quốc phòng; Bộ Tài chính; Bộ Ngoại giao; Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; Công ty Quản lý tài sản (VAMC); Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank); Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Tại phiên họp thẩm định, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã báo cáo về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và cho biết, đến cuối tháng 7/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (bao gồm cả nợ xấu của các ngân hàng mua lại bắt buộc và ngân hàng được kiểm soát đặc biệt) ở mức 4,75%, tăng so với mức 4,55% vào cuối năm 2023 và mức 2,03% vào cuối năm 2022. Theo thống kê, đến tháng 01/2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,3%. Như vậy, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn tiếp tục tăng cao trong suốt thời gian qua, tập trung tại một số tổ chức tín dụng yếu kém đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận diện và đặt vào diện kiểm soát đặc biệt hoặc giám sát tăng cường. Nguyên nhân nợ xấu gia tăng chủ yếu do: (i) kinh tế toàn cầu còn nhiều rủi ro và thách thức; kinh tế trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn, chịu tác động của tình hình thế giới và diễn biến phức tạp của thiên tai; (ii) thị trường chứng khoán, trái phiếu, thị trường bất động sản phục hồi còn chậm; (iii) thị trường mua, bán nợ chưa phát triển như kỳ vọng; một số nội dung của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chưa được luật hóa đã ảnh hưởng đến việc xử lý, thu hồi nợ của một số tổ chức tín dụng và tổ chức mua, bán, xử lý nợ; (iv) năng lực quản trị của một số tổ chức tín dụng còn bất cập so với quy mô, tốc độ tăng trưởng và mức độ rủi ro; công tác thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng chất lượng chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát còn thiếu chặt chẽ.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại phiên họp.
Tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng đang là áp lực đối với lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, năm 2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá để về đích cả nhiệm kỳ 2021 - 2025 và Chính phủ đã đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8%, tạo thế, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để đất nước tăng trưởng 02 con số trong những năm tiếp theo. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng là hết sức cần thiết nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, kịp thời xử lý các vướng mắc, khó khăn của người dân và doanh nghiệp thông qua việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác xử lý nợ xấu, góp phần khơi thông nguồn vốn, nâng cao mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Tại phiên họp thẩm định, các đại biểu tham dự đã tập trung trao đổi, thảo luật và đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu một số nội dung như: (i) bổ sung Điều 198d vào dự thảo Luật về việc Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn và áp dụng theo hướng Tòa án công nhận và cho thi hành án ngay thỏa thuận của các bên trong biện pháp bảo đảm trong trường hợp hợp đồng bảo đảm đã được công chứng, biện pháp bảo đảm đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, đối với các tài sản bán đấu giá để thi hành bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thì không áp dụng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Đất đai năm 2024; (ii) hiện nay, nhiều tổ chức tín dụng cho biết khi xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản thì cơ quan đăng ký đất đai địa phương từ chối xử lý. Vì vậy, đề nghị bổ sung vào Điều 200 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 về trách nhiệm của các bộ trong đó có Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn quy định về đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất khi tổ chức tín dụng nắm giữ tài sản bảo đảm để xử lý nợ theo quy định tại Điều 139 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024; (iii) bổ sung vào Điều 200 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 nội dung về trách nhiệm của các bộ trong đó có Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường quy định hướng dẫn thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu vì hiện nay, đối với các tài sản bảo đảm do ngân hàng thu giữ, nhận bàn giao thì ngân hàng là chủ thể có tài sản nhưng việc sang tên chuyển nhượng cho người mua chưa được hướng dẫn chi tiết, cụ thể theo từng loại tài sản bảo đảm; (iv) đối với quy định về thông báo cho bên đang giữ tài sản bảo đảm tại khoản 4 Điều 198a dự thảo Luật đang quy định thông báo cho bên bảo đảm và bên giữ tài sản bảo đảm chậm nhất 10 ngày trước ngày tiến hành thu giữ tài sản là động sản, tuy nhiên đối với tài sản là động sản như ô tô là phương tiện di chuyển được thì việc giới hạn thời gian thông báo như vậy sẽ rất khó khả thi và gây ra nhiều khó khăn trong việc thông báo. Vì vậy, đề nghị quy định theo hướng chỉ thông báo cho bên giữ tài sản bảo đảm hoặc quy định thông báo cho bên bảo đảm hoặc bên giữ tài sản bảo đảm để linh động hơn; (v) đối với quy định về sự chứng kiến của cơ quan nhà nước trong việc thu giữ tài sản bảo đảm tại khoản 5 Điều 198a dự thảo Luật quy định Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm tham gia chứng kiến và ký biên bản thu giữ tài sản bảo đảm, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Ủy ban nhân dân cấp xã đang có khối lượng công việc rất lớn. Vì vậy, để hỗ trợ cho cá nhân, tổ chức thì nên giảm tải các thủ tục, cân nhắc quy định trong dự thảo Luật mở rộng thêm cơ quan chứng kiến và ký biên bản thu giữ tài sản bảo đảm là cơ quan công an cấp xã… để bảo đảm tính khả thi và linh hoạt khi áp dụng Luật.
Đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế phát biểu kết luận phiên họp.
Phát biểu kết luận phiên họp thẩm định, đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu tại phiên họp. Bên cạnh đó, đồng chí cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng các quy định liên quan, tránh nguy cơ thiết kế những quy định có thể dẫn đến xâm phạm các quyền được Hiến pháp bảo đảm. Về phạm vi điều chỉnh, để bảo đảm tính đầy đủ, cụ thể và tránh phải sửa đổi nhiều lần trong tương lai, đồng chí Nguyễn Hồng Hải đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát, đánh giá một cách kỹ lưỡng, toàn diện phạm vi này. Về tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đồng chí Nguyễn Hồng Hải đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát kỹ cơ chế pháp lý bảo đảm tính khả thi của các quy định, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Các tổ chức tín dụng phải ban hành quy chế nội bộ chặt chẽ, nghiêm túc để kiểm soát hoạt động thu giữ, tránh phát sinh hệ quả tiêu cực, “phản cảm” trong thực tiễn thi hành. Về đăng ký biến động tài sản và xử lý tài sản bảo đảm, đồng chí Nguyễn Hồng Hải đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu có cơ chế xử lý triệt để, rõ ràng đối với các vấn đề liên quan đến đăng ký biến động tài sản nhằm bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả trong thực thi pháp luật, đồng thời, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động thi hành án./.
Hoàng Trung