Tuy nhiên, thực tiễn thực thi pháp luật trong lĩnh vực này còn nhiều bất cập, hạn chế. Trên cơ sở đánh giá thực trạng hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, bài viết đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Abstract: Sending Vietnamese workers to work overseas is not only with the aim of solving unemployment problems but also improving the quality of country’s labour forces. However, the law enforcement practice in this field shows many shortcomings and obstacles. Based on the assessment of practical situation of sending Vietnamese workers to work overseas, the article proposes some recommendations to complete legal provisions on sending Vietnamese workers to work overseas.
Đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là hoạt động kinh tế dưới hình thức cung ứng lao động Việt Nam ra nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn, phục vụ cho nhu cầu nhân công lao động của doanh nghiệp nước ngoài. Hoạt động này bắt đầu từ năm 1980 dưới hình thức hợp tác lao động với các nước xã hội chủ nghĩa, trong tình hình kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Kết quả đã đem lại nhiều thuận lợi cho đất nước.
Từ khi chuyển sang cơ chế thị trường, hoạt động xuất khẩu lao động phát triển mạnh mẽ, mở rộng thị trường ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Bước sang thế kỷ XXI, có sự tăng đột biến lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài góp phần giải quyết việc làm và cải thiện đời sống cho nhiều người dân, tăng nguồn ngoại tệ cho đất nước và nhiều lợi ích kinh tế khác. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những bất cập về cơ chế, chính sách, quản lý từ cả hai phía trong và ngoài nước, những hạn chế về trình độ và ý thức người lao động, tình trạng lưu trú bất hợp pháp…, bên cạnh đó, người lao động còn có thể đối mặt với việc bị lừa đảo, bóc lột và ngược đãi.
1. Thực trạng hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Trong năm 2016, Việt Nam có tổng số 126.296 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tăng 8,99% so với năm 2015 và vượt 26,29% so với kế hoạch đề ra. Chỉ trong tháng 12/2016, các doanh nghiệp đã cung ứng được 17.766 lao động, tăng 75,55% so với tháng 11/2016. Cụ thể, tổng số lao động đi làm việc tại thị trường khu vực Đông Bắc Á trong năm 2016 là 116.948 người, chiếm tỷ trọng 92,6% tổng số đưa đi, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động đi làm việc tại Đài Loan là 68.244 người, chiếm 58,35% số lao động đưa đi trong khu vực này. Thị trường Nhật Bản có 39.938 người, tăng 47,86% so với số lao động đưa đi năm 2015, chỉ trong tháng 12/2016 con số này là 6.345 người. Đây cũng là con số cung ứng lao động sang làm việc tại Nhật Bản cao nhất so với các năm qua. Đồng thời, số lao động cung ứng trong tháng 12/2016 cũng là con số cung ứng đạt mức kỷ lục của một tháng. Thị trường Hàn Quốc trong năm 2016 tiếp nhận tổng số 8.442 lao động. Năm 2016, quy mô tiếp nhận lao động Việt Nam của thị trường này tăng 40,25% so với năm 2015. Các thị trường khác như: Ma Cao là 266 người, Hồng Kông với 11 người. Khu vực Đông Nam Á có tổng số 2.109 lao động Việt Nam đi làm việc, chiếm 1,67% tổng số lao động đưa đi, giảm 71,45% so với năm 2015. Đáng chú ý, chỉ có hai thị trường tiếp nhận lao động là Malaysia và Singapore. Trong đó, Singapore được đánh giá là thị trường đòi hỏi người lao động không chỉ có tay nghề cao mà cần cả trình độ tốt về ngoại ngữ. Cũng trong năm 2016, thị trường các nước khu vực Trung Đông tiếp nhận 5.641 lao động, chiếm 4,46% tổng số lao động đưa đi, tăng 10,08% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2015, các doanh nghiệp chỉ cung ứng lao động cho 4 thị trường có số lượng đáng kể là UAE với 616 người, Israel với 250 người, Qatar với 702 người và Ả Rập Xê-út với 4.033 người. Số lao động đi làm việc tại các nước Bắc Phi là 1.223 người, chiếm 0,97% tổng số lao động đưa đi, giảm 40,48% so với năm 2015. Trong năm 2016, lao động đi làm việc tại các thị trường khác là 375 người, chiếm 0,3% tổng số lao động đưa đi. Đáng chú ý, cũng trong năm 2016, một số doanh nghiệp đã xúc tiến đưa lao động vào các thị trường mới như: Thổ Nhĩ Kỳ với 136 người và CHLB Đức với 78 người. Hiện số lao động này đều có việc làm ổn định và thu nhập tốt. Theo đánh giá của Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS), trong số 29 thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam năm 2016 thì chỉ có 06 thị trường tiếp nhận với quy mô từ 1.000 lao động trở lên là Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Ả rập Xê-út và Algieri. Các thị trường tiếp nhận lớn lao động Việt Nam vẫn tập trung vào các nước thuộc khu vực Đông Bắc Á, sự gia tăng lớn hơn cả vẫn là hai thị trường Đài Loan và Nhật Bản. Trong khi đó, thị trường khu vực Trung Đông có xu hướng tăng so với năm 2015, còn thị trường các nước Đông Nam Á giảm mạnh so với trước, đặc biệt thị trường Malaysia có sự sụt giảm đáng kể[1]. Tính đến hết tháng 12/2016, toàn quốc có 277 doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài (trong đó có 15 doanh nghiệp nhà nước, 207 công ty cổ phần và 55 công ty trách nhiệm hữu hạn)[2].
Tuy nhiên, hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Nguồn lao động được đưa đi còn yếu về ngoại ngữ, tay nghề chưa phù hợp yêu cầu của thị trường, chưa quen tác phong làm việc công nghiệp, vẫn còn tồn tại hiện tượng lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp (tính đến hết năm 2016, Việt Nam còn 16.100 lao động cư trú bất hợp pháp, chiếm 39% tổng số lao động đang làm việc tại Hàn Quốc)[3]. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, giành hợp đồng cung ứng lao động giữa các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước dẫn đến giảm quyền lợi, tăng chi phí đóng góp của người lao động; vẫn tồn tại tình trạng doanh nghiệp được cấp phép hoạt động nhưng không trực tiếp khai thác, tìm kiếm hợp đồng cung ứng lao động, tư vấn. Đáng chú ý, tình trạng các doanh nghiệp dịch vụ thu phí của người lao động cao hơn mức quy định của pháp luật chưa được giải quyết triệt để. Ở trong nước, tại các địa phương mà doanh nghiệp đến tuyển lao động cũng gặp nhiều khó khăn, rào cản từ lãnh đạo địa phương[4].
2. Yêu cầu hoàn thiện hành lang pháp lý về đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
Từ thực trạng đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hiện nay đang đặt ra yêu cầu hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động này nhằm khắc phục tình trạng bất cập, tăng cường hiệu quả giải quyết việc làm trong nước và tăng thu nhập cho đất nước, cụ thể:
Thứ nhất, cần có các biện pháp hữu hiệu hạn chế và ngăn chặn tình trạng các doanh nghiệp dịch vụ thu phí của người lao động đi làm việc ở nước ngoài không đúng quy định, khiến cho người lao động phải chịu mức phí thực tế cao hơn nhiều.
Tiền môi giới và tiền dịch vụ luôn là mối quan tâm hàng đầu của người lao động và doanh nghiệp dịch vụ. Người lao động thì mong muốn khoản tiền mà mình phải trả càng ít càng tốt, còn doanh nghiệp dịch vụ sống bằng những khoản thu này, vì vậy, không có một doanh nghiệp nào lại không cố gắng tạo thêm cho mình những khoản thu “ngoài luồng”. Mặc dù pháp luật hiện hành đã có quy định rõ ràng, minh bạch về mức trần tiền dịch vụ và tiền môi giới trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, trong thực tế, người lao động phải đóng mức phí môi giới cao hơn nhiều. Trong mối quan hệ với doanh nghiệp dịch vụ, người lao động đứng ở vị trí là người phụ thuộc, vì mong muốn nhanh chóng sang nước ngoài làm việc nên dù bị thu bao nhiêu, dù biết là không đúng quy định của pháp luật thì họ vẫn phải trả và không ít người bán nhà, bán của cải hoặc phải vay nợ ngân hàng… Có thể nói, đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vi phạm hợp đồng bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp. Do phải trả mức phí môi giới cao, lao động đi làm việc tại nước ngoài vốn toàn người nghèo, lâm cảnh nặng nợ khi ra đi, người lao động mong muốn nhanh chóng kiếm tiền để trả nợ, hơn nữa chênh lệch mức thu nhập giữa làm ngoài và theo hợp đồng quá cao. Cũng xuất phát từ lý do phải trả phí quá cao để được sang làm việc ở nước ngoài nên nhiều người lao động ở nước ngoài trái phép khi đã hết hạn hợp đồng, đặc biệt là thị trường lao động Hàn Quốc, mục đích của họ là để được làm việc lâu hơn.
Những hành vi vi phạm pháp luật của cả doanh nghiệp và người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã và đang gây ảnh hưởng xấu đến chính sách của Nhà nước về đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Để xảy ra tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải trả mức phí quá cao so với mức phí luật định như trên là do pháp luật Việt Nam còn nhiều sơ hở, vẫn còn tồn tại những quy định và thủ tục pháp lý không rõ ràng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lợi dụng lách luật để cuối cùng bắt người lao động phải chịu những chi phí cao một cách bất hợp lý và mức chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm này chưa đủ sức răn đe. Đồng thời công tác kiểm tra, xử lý còn nhiều yếu kém.
Thứ hai, pháp luật cần quy định cụ thể, rõ ràng về yêu cầu dạy nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu.
Rất nhiều thị trường của nước ngoài có nhu cầu sử dụng lao động người Việt Nam vì ưu điểm cần cù, chịu khó, tiếp thu công việc nhanh… Tuy nhiên, đa số người lao động không đáp ứng được những tiêu chuẩn về trình độ tay nghề và ngoại ngữ mà người sử dụng lao động đưa ra. Đây cũng là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm cho sức cạnh tranh của chúng ta kém hơn hẳn so với các nước cùng tham gia đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài như Philippin, Thái lan, Indonesia. Chúng ta chưa chiếm lĩnh được những thị trường có đòi hỏi cao và mức thu nhập cao như Singapore, Úc, Hoa Kỳ, Canada hay một số nước châu Âu, lao động kỹ thuật cao ở Nhật Bản, Hàn Quốc… Một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những hạn chế đó là do việc dạy nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài chưa được thực hiện tốt.
Thứ ba, cần xây dựng được hành lang pháp lý đầy đủ, có khả năng bảo vệ hiệu quả cho quyền lợi của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là đối với lao động nữ.
Mặc dù thời gian qua, Nhà nước và các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng, thực hiện các quy định pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vẫn chưa thực sự được bảo vệ đầy đủ quyền lợi hợp pháp. Tình trạng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bị bóc lột, bị lạm dụng, bị xâm hại đến sức khỏe thậm chí cả tính mạng... vẫn xảy ra và chưa được khắc phục kịp thời, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động. Đặc biệt là lao động nữ, đối tượng rất cần được bảo vệ do đặc điểm khác biệt về giới vì lao động nữ dễ có nguy cơ bị lạm dụng hơn nam giới. Có thể thấy, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chưa được bảo vệ đầy đủ và chắc chắn về quyền lợi. Có thể lý giải một phần nguyên nhân là do công tác quản lý lao động còn yếu kém của doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; phần khác là do sự thiếu kết hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở quốc gia tiếp nhận lao động trong công tác bảo vệ quyền lợi hợp pháp người lao động Việt Nam ở nước ngoài. Ngoài ra, một phần trách nhiệm thuộc về pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa đầy đủ, chưa cụ thể và thiếu tính khả thi khi quy định về các biện pháp bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Thứ tư, đối với công tác quản lý nhà nước: Cần nâng cao điều kiện được xem xét cấp phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với các doanh nghiệp nhằm đảm bảo chỉ các doanh nghiệp thực sự có năng lực, có khả năng mới được phép hoạt động trong lĩnh vực này. Nên chăng quy định cấp giấy phép có thời hạn 03 - 05 năm, hết thời hạn đó mà doanh nghiệp không đáp ứng đủ yêu cầu sẽ không được cấp lại giấy phép. Đối với những giấy phép, quy định, thủ tục về phía đối tác, quy định thấy rườm rà, bất hợp lý thì cần kiên quyết đàm phán để loại bỏ. Về phía cơ quan quản lý, từ hơn một chục văn bản cần tích hợp, phấn đấu tối đa đối với mỗi thị trường chỉ còn một đến hai văn bản hướng dẫn.
Đại học Hòa Bình
[1]. Các số liệu nói trên do Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) công bố cuối năm 2016.
[2]. Số liệu công bố tại Hội nghị nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức tại Hà Nội, tháng 3/2017.
[3]. Số liệu do Cục Quản lý lao động ngoài nước công bố.
[4]. Tại Hội nghị nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tháng 3/2017, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia Thanh Hóa phát biểu: “Dù Bộ (LĐTB&XH) và tỉnh đã cho phép, nhưng nhiều huyện ở các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên và một số tỉnh ở phía Bắc nhất định không cho chúng tôi xuống gặp dân mà yêu cầu phải có công văn của tỉnh, huyện”. Ông Đàm Phương Bắc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Toàn Cầu cho biết: “Sau khi có được “giấy phép con” không hẳn doanh nghiệp đã gặp thuận lợi, bởi nội dung trong giấy phép này thường bị giới hạn về thời gian, khu vực và số lượng lao động cần tuyển. Mà nói thật, không có tiền thì các anh ấy không cho phép đâu”.
Các tin khác
Bàn về trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại Hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người trong bối cảnh hội nhập quốc tế Một số vấn đề về quản lý và sử dụng đất ở Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào hiện nay Đưa Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” vào cuộc sống theo lời Bác Hồ Một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong Dự thảo Luật Hợp tác xã Những vấn đề cần chứng minh trong tố tụng hành chính Công tác phòng, chống tình trạng người Việt Nam sang Căm-Pu-Chia đánh bạc thực trạng và giải pháp